13/12/2022

Quỹ nhà chuyên dùng tại Hà Nội: Đã lạc hậu, lỗi thời

Trong khi TP Hà Nội đang rất thiếu quỹ nhà, đất tại các quận nội thành để phát triển công trình công cộng, thiết chế văn hóa phục vụ người dân thì Quỹ nhà chuyên dùng (nhà thuộc sở hữu Nhà nước) nằm trên những khu “đất vàng” lại không được khai thác hiệu quả trong nhiều năm.

Đây là một nghịch lý cần sớm có giải pháp về cơ chế quản lý, tránh gây ra tình trạng lãng phí tài sản lớn của Nhà nước nhưng chậm xử lý gây bức xúc dư luận.

Thất thoát ngân sách

Hiện nay, Quỹ nhà chuyên dùng tại Hà Nội tập trung phần lớn tại 4 quận nội thành, đây là những khu vực có vị trí đắc địa. Nhưng thực trạng quản lý đang cho thấy quỹ nhà này đang thất thoát, ngày càng “teo” lại do những vi phạm và lấn chiếm trái phép. Nhiều đơn vị thuê nhà đã vi phạm hợp đồng khi tự ý chuyển nhượng, cho thuê lại với giá cao nhằm thu lợi, giao khoán nhà cho cá nhân hay chuyển sang làm nhà ở.

Khu “đất vàng” tại số 36 phố Bà Triệu. Ảnh: Phạm Duy

Đơn cử vị trí “đất vàng” tại số 36 phố Bà Triệu thuộc Quỹ nhà chuyên dùng đã được Công ty Xuất nhập khẩu tạp phẩm thuê nhưng sau đó đã cải tạo, xây dựng trái phép. Tại địa chỉ này hiện có 3 cửa hàng kinh doanh, phía sau là nhà của các hộ dân sinh sống. Hợp đồng thuê nhà ký với Công ty Xuất nhập khẩu tạp phẩm đã hết hiệu lực, Công ty đang nợ tiền thuê nhà… Hay tại tòa N01, ngõ 84 phố Chùa Láng, toàn bộ khu vực kinh doanh dịch vụ bị các hộ dân chiếm dụng kinh doanh từ năm 2016. Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội không xác định được đối tượng thuê và không thu được tiền thuê từ diện tích này.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, Quỹ nhà chuyên dùng còn 838 địa điểm với diện tích nhà là 178.148m2, diện tích đất 155.156m2. Trong đó, chủ yếu do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý với 803 địa điểm. Tuy nhiên, thời gian qua với mô hình DN 100% vốn Nhà nước, được TP giao quản lý Quỹ nhà là tài sản công nhưng năng lực bộ máy vận hành của công ty chưa đáp ứng yêu cầu, bộc lộ nhiều hạn chế. Hiện có đến 357/803 (khoảng 47%) địa điểm tồn tại, vi phạm và 65 điểm để trống, dẫn đến nợ tiền ngân sách.

Đáng chú ý, còn tới 802/803 hợp đồng thuê nhà chuyên dùng chưa được gia hạn nhưng vẫn đang sử dụng. Qua giám sát của HĐND TP cho thấy, số nợ tiền thuê nhà của các tổ chức, cá nhân sử dụng Quỹ nhà chuyên dùng vào khoảng 1.200 tỷ đồng đã kéo dài nhiều năm, xu hướng nợ còn gia tăng và khả năng thu hồi rất thấp. Đến nay, quy chế sử dụng, đấu giá nhà chuyên dùng vẫn chưa được ban hành, đơn giá thuê nhà 10 năm vẫn chưa được thay đổi.

Hà Nội là một trong 5 địa phương có khối tài sản công nhà đất lớn trong cả nước, trong đó có Quỹ nhà chuyên dùng. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh, Quỹ nhà chuyên dùng trên địa bàn TP rất đặc thù, được hình thành qua nhiều giai đoạn, từ nhiều nguồn gốc khác nhau. Việc quản lý quỹ nhà này vô cùng phức tạp, trải qua nhiều thời kỳ, nhiều biến động, thay đổi về cơ chế chính sách với nhiều dạng tồn tại, vướng mắc.

Cần mô hình quản lý mới

Phân tích về những bất cập, chuyên gia, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, các địa điểm nhà chuyên dùng, nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước bị bỏ trống trong thời gian dài dẫn đến nhiều công trình nhà xuống cấp, hư hỏng, nguy hiểm.

Rất nhiều ngôi nhà có vị trí đẹp đang bị nhiều tổ chức, cá nhân thuê sửa chữa, làm công trình bị biến dạng kiến trúc, không phù hợp cảnh quan. Điều này cho thấy việc điều tiết, trách nhiệm quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước và việc khai thác, kinh doanh của Công ty quản lý nhà còn chưa hiệu quả, gây lãng phí tài sản Nhà nước của TP Hà Nội.

Đáng chú ý, trước những bất cập trong quản lý, sử dụng, TP lại giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội tổ chức bán đấu giá hoặc đấu thầu quyền thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước nhưng nhiệm vụ này không đạt kết quả như mong đợi. Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy quỹ nhà, đất sở hữu Nhà nước tại trung tâm Hà Nội chưa được quan tâm đúng mức, không được duy trì thường xuyên. Đơn vị quản lý vẫn giữ nguyên mô hình quản lý lạc hậu, lỏng lẻo về tài chính, yếu kém về pháp lý… Đơn vị này thực tế không còn phù hợp với chức năng quản trị tài sản có giá trị lớn.

“Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý khối tài sản rất lớn nhưng chúng ta ra một mô hình chẳng giống ai. DN cũng không hẳn là DN, đơn vị sự nghiệp thì cũng không ra đơn vị sự nghiệp. Đẻ ra mô hình thì phải có cơ chế và khi thấy không phù hợp phải có biện pháp để điều tiết mô hình này cho nó phù hợp, nhất là trong giai đoạn hiện nay.” – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà.

Về giải pháp căn cơ, lâu dài, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, thế giới đã tiến hóa rất nhanh các mô hình quản trị tài sản, nhà đất thuộc các sở hữu khác nhau. Trong đó, nhiều nước đã ứng dụng công nghệ số hóa để quản trị tài sản bao gồm: Sơ đồ mô tả hiện trạng, vị trí, giá trị tài sản, hiện trạng quản lý, cho thuê, cũng như tài chính…

Trong khi đó, tại Hà Nội mô hình quản lý hiện nay vẫn giữ nguyên như thời bao cấp cách đây 40 năm. Do đó, không thể hy vọng bộ máy này có thể lột xác ngay để đáp ứng yêu cầu mà cần có một mô hình mới thay thế thì tài sản Nhà nước mới được bảo toàn và mang lại hiệu quả kinh tế cũng như đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh pháp luật.

Rõ ràng, cơ chế quản lý và kinh doanh nhà chuyên dùng trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua còn nhiều vấn đề bất cập, gây ra sự thất thoát và lãng phí lớn đối với một nguồn thu quan trọng của ngân sách TP. Đã đến lúc cần rà soát lại toàn bộ thực trạng, cơ chế chính sách quản lý khối tài sản lớn này để xây dựng những phương án, mô hình quản lý khả thi theo hướng minh bạch, công khai nhằm siết chặt việc quản lý, hạn chế lãng phí, góp phần khai thác hiệu quả Quỹ nhà của Nhà nước.

“Thời gian qua, việc quản lý, sử dụng Quỹ nhà chuyên dùng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế nên hiệu quả sử dụng và hiệu quả kinh tế thấp, không tương xứng với giá trị cũng như số lượng nhà, đất. Do vậy, Sở Xây dựng sẽ tập trung rà soát lại bảng giá cho thuê, phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND TP sửa đổi, bổ sung Quyết định số 32/2012/QĐ-UBND của UBND TP về quản lý, sử dụng nhà thuộc sở hữu Nhà nước sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ.

Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, quận, huyện, thị xã (nơi có nhà, đất) tổ chức xử lý vi phạm, thu hồi các địa điểm nhà chuyên dùng sử dụng không đúng quy định hoàn thành trong năm 2023.” – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong.

“Để tránh lãng phí một nguồn lực lớn, TP Hà Nội cần sớm rà soát lại toàn bộ quỹ nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn và tiến hành sắp xếp lại theo quy định của Nghị định 167/2017/NĐ-CP và Nghị định 67/2021 của Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Sau khi đã sắp xếp thì cần có mô hình quản lý phù hợp đối với từng loại nhà, đất để phát huy hiệu quả.

Đối với Quỹ nhà chuyên dùng thì địa điểm nào không hiệu quả nên bán đấu giá thu về cho ngân sách, địa điểm nào phát huy đúng mục tiêu sử dụng thì giữ lại và giao cho một đơn vị hành chính sự nghiệp quản lý chứ không nên giao cho một DN quản lý như hiện nay.” – GS. TSKH Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT.

Vũ Lê/Kinh tế Đô thị