Quy hoạch xây dựng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 tầm nhìn 2050
Ngày 28/7/2014 Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã ký Quyết định số 1588/QÐ – UBND về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050. Theo đó, Quảng Ninh hướng tới trở thành một đô thị sinh thái, hiện đại, kiến trúc kế thừa, phát huy tính đặc trưng, đặc thù của Quảng Ninh. Vùng đô thị Quảng Ninh trở thành một trung tâm chính trị – hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục – đào tạo, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao thương trong nước và quốc tế. Là một nội dung chính trong quy hoạch tổng thể, quy hoạch nông thôn mới (NTM) Quảng Ninh đã vượt mốc quy định của Chính phủ vươn lên dẫn đầu trong cả nước về chương trình này.
Quy hoạch để Quảng Ninh trở thành cực tăng trưởng kinh tế Bắc bộ
Quy hoạch được lập phù hợp với các chiến lược – định hướng phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng cấp vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, đảm bảo thực hiện các mục tiêu Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, bám sát không gian phát triển của tỉnh là “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá”.
Đặc biệt phải xây dựng Quảng Ninh trở thành một trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại. Phấn đấu đến năm năm 2020, tổng số khách du lịch đạt 10 triệu lượt, năm 2030 đạt 23 triệu lượt người. Phát triển không gian du lịch theo 4 địa bàn du lịch trọng điểm: Hạ Long, Móng Cái – Trà Cổ, Vân Đồn – Cô Tô và Uông Bí – Đông Triều – Quảng Yên. Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng TP Hạ Long trở thành thành phố du lịch biển theo hướng hiện đại và văn minh, đến năm 2020 Vân Đồn – Cô Tô trở thành trung tâm du lịch biển, đảo chất lượng cao, trung tâm vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế. Phát triển, gắn kết khu di tích lịch sử danh thắng Yên Tử, khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều, khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng… Phát triển du lịch biển đảo tại Vĩnh Trung, Vĩnh Thực, Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng, Vạn Cảnh, Phượng Hoàng, Cô Tô…
Theo Quy hoạch dự báo tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn đến 2020 đạt khoảng 12 – 13%/năm, giai đoạn 2020 – 2030 đạt khoảng 6 – 7%/năm. Cơ cấu GDP theo hướng dịch vụ – công nghiệp, trong đó dịch vụ chiếm 51 – 52%, công nghiệp và xây dựng 45 – 46%, nông nghiệp 3 – 4%. GDP bình quân đầu người (giá thực tế) đến năm 2020 đạt 8.000 USD – 8.500 USD, đến năm 2030 đạt khoảng 20.000 USD. Dân số năm 2020 là 1.668.000 người, năm 2030 đạt 1.990.00 người. Dự báo đất đô thị mới đến năm 2020 là 5.830ha, đến năm 2030 là 10.050 ha. Đất khu công nghiệp tập trung toàn tỉnh đến năm 2020 là 5.200ha, đến năm 2030 là 9.200ha. Đất sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 là 445.226ha, đến năm 2030 là 431.000ha. Định hướng phát triển, tổ chức không gian vùng tỉnh Quảng Ninh theo hướng: phát triển vùng đô thị trung tâm Hạ Long (Hạ Long – Cẩm Phả – Hoành Bồ) là vùng đô thị trung tâm gắn kết 4 tiểu vùng đô thị vệ tinh (tiểu vùng các khu kinh tế cửa khẩu với Trung Quốc, tiểu vùng Khu kinh tế Vân Đồn và huyện đảo Cô Tô, tiểu vùng phía Tây, tiểu vùng Khu vực miền núi phía Bắc).
Quy hoạch xác định đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, là một trong những đầu tàu kinh tế của Miền Bắc và cả nước với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại; Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, đảm bảo môi trường bền vững; giữ gìn và phát huy tối đa bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy bền vững di sản – kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Xây dựng Quảng Ninh trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đến năm 2050, Quảng Ninh trở thành vùng đô thị lớn mang tầm vóc quốc tế, là vùng động lực phát triển kinh tế quốc gia với định hướng phát triển du lịch – công nghiệp theo hướng hiện đại – bền vững; là vùng di sản văn hóa lịch sử quốc tế, di sản và kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Quy hoạch gắn với xây dựng Nông thôn mới
Nằm trong quy hoạch tổng thể, năm 2010 Quảng Ninh đã triển khai Quy hoạch NTM cho 13 huyện thị với 125 xã phường thị trấn, đến cuối năm 2011 tỉnh đã hoàn thành công tác Quy hoạch, còn là tỉnh dẫn đầu trong cả nước về công tác này. Có thể nhấn mạnh thành quả về chương trình NTM đã làm được như quy hoạch kinh tế xã hội, quy hoạch cơ sở hạ tầng, quy hoạch vùng sản xuất… góp phần tạo đà để Quảng Ninh trở thành trọng điểm phát triển kinh tế trong khu vực.
Quy hoạch cũng là một trong những tiêu chí đầu tiên của chương trình xây dựng NTM, để phát triển một cách đồng bộ, tạo dựng được bộ mặt nông thôn theo đúng nghĩa phải luôn luôn có cái “mới”, thể hiện được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp trong tỉnh đối với đời sống người dân vùng nông thôn, vùng sâu xa, vùng đặc biệt khó khăn. Qua 5 năm thực hiện chương trình NTM, nhờ làm tốt công tác quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như quy hoạch xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh nên Quảng Ninh đã có nhiều bước chuyển mình tạo đà cho các địa phương, các vùng trong tỉnh có cơ hội phát triển kinh tế – xã hội một cách đồng bộ.
Có thể nhận thấy Quy hoạch tổng thể nói chung và quy hoạch NTM nói riêng là một trong những vấn đề cơ bản định hướng đúng đắn của các cấp lãnh đạo Quảng Ninh. Nó cũng đã cho thấy sức mạnh của hệ thống chính trị của cả tỉnh khi cùng thực hiện công tác này, hơn thế nữa tỉnh cũng đã biết vận dụng đúng đường lối chính sách của Đảng và nguồn lực của Chính quyền cùng vào cuộc để biến chất đất cũng như tiềm lực của người dân địa phương vào công cuộc đổi mới này.Quảng Ninh cũng đã có nhiều bài học, nhiều kinh nghiệm được đúc rút ra từ vấn đề quy hoạch, nhưng cái được vẫn chiếm ưu thế, giúp cho các địa phương đi lên từ nội lực, cái đích hướng tới những năm 2030 là hiện thực./.
TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM SỐ 5+6/2015