16/12/2015

Quy hoạch xây dựng nông thôn mới – Những vấn đề cần bàn thêm

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể phát triển kinh tế – xã hội không chỉ liên quan đến mảng Nông thôn – Nông nghiệp và Nông dân, mà còn liên quan đến hầu hết các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của toàn xã hội. Do đó quy hoạch xây dựng nông thôn mới cũng phải gắn liền với các quy hoạch phát triển của cả vùng, trong đó phải tính đến sự phát triển vũ bão của đô thị.

Quy hoạch mẫu nông thôn mới xã Long Phước, H. Long Thành, Đồng Nai

Quy hoạch mẫu nông thôn mới xã Long Phước, H. Long Thành, Đồng Nai

Qua 6 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Từ năm 2009 đến nay), thành tựu bước đầu đạt được về sự thay đổi diện mạo nông thôn từ sản xuất phát triển kinh tế xã hội và nhiều tiêu chí trong 19 tiêu chí (bao gồm: Qui hoạch – 1 tiêu chí, Hạ tầng kinh tế xã hội – 8 tiêu chí Kinh tế và tổ chức sản xuất – 4 tiêu chí, Văn hóa-môi trường – 4 tiêu chí, Hệ thống chính trị – 2 tiêu chí), được qui định tại Quyết định số 491/QĐ-Ttg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ là có thể ghi nhận. Trong quá trình thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới vừa qua đã có rất nhiều các cuộc học tập, khảo sát, tọa đàm, hội thảo…. nhằm hoàn thiện các bước thực hiện phù hợp với các vùng miền, với những đặc trưng riêng, đảm bảo yêu cầu của 19 tiêu chí. Tuy nhiên trong quá trình triển khai về xây dựng nông thôn mới vấn đề đặt ra trong quy hoạch vùng, quy hoạch sản xuất vẫn còn nhiều bất cập, cần được hoàn thiện trong thời gian tới.
Hiện nay và nhiều năm sau nữa tốc đô thị hóa ở nước ta đã đang và sẽ còn sử dụng rất nhiều đất nông nghiệp, đang phấn đấu tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm đất nông nghiệp trong tính toán đưa khoa học kỹ thuật để tăng năng xuất các sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an ninh lương thực quốc gia một cách hợp lý. Quy hoạch đô thị và các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng…. vẫn đang trong quá trình bàn thảo và hoàn chỉnh…! Trong khi các địa phương lại đang hoàn thành quy hoạch nông thôn mới (như Hà Nội đã có 401/401 xã lập xong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đạt 100% ). Vấn đề được nhiều ý kiến đưa ra tại các cuộc hội thảo và cá nhân người viết qua một thời gian làm cho Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) về “Qui hoạch vùng rau quả sạch” cho 16 tỉnh trong cả nước, nhận thấy còn một số vướng mắc ngay từ công tác quy hoạch.

Quy hoạch mẫu nông thôn mới xã Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội

Quy hoạch mẫu nông thôn mới xã Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội

Thứ nhất: Quy hoạch nông thôn mới hiện nay cơ bản đã hoàn thiện, để phát triển mạnh theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa ở các địa phương nhưng có sự phối hợp “ăn ý” giữa các cơ quan chức năng có thẩm quyền để khớp nối, điều phối tiến độ thực hiện các bước đi cho phù hợp. Các căn cứ đấu nối, liên kết hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội với các quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch vùng miền như thế nào? Vấn đề quy hoạch làm thế nào để kết nối được các vùng với nhau, tạo mảng liên kết cộng đồng thông thương, tạo ra được các vùng sản xuất chuyên canh mang lại giá trị cao cho các vùng. Các đô thị bùng nổ quá nhanh trong khi quy hoạch nông thôn mới cũng ồ ạt “về đích” nhưng lại thiếu một qui hoạch có tính chiến lược, bền vững, thiếu những cơ sở pháp lý đồng bộ, không kiểm soát được việc quản lý xây dựng hoặc không kịp xây dựng đồng bộ các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khiến nhiều giá trị của các quĩ đất đô thị bị mai một, nhiều giá trị văn hoá tại các vùng nông thôn bị phá vỡ.
Nhiều dự án thành phần nhỏ lẻ – những “mảnh ghép” của nông thôn mới do quốc tế tài trợ nhằm nâng cao hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp cũng “mạnh ai nấy làm” khiến hiệu quả đầu tư bị hạn chế do không “tìm đâu ra” các điểm khớp nối hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội có tính bền vững.
Thứ hai: Vấn còn thiếu tổ chức chuyên ngành nào đánh giá và nhận diện đầy đủ những giá trị của quỹ di sản ngàn đời ở nông thôn một cách thống nhất và bài bản, cũng như phân loại những đặc thù của từng vùng miền để làm căn cứ cho qui hoạch nông thôn mới.
Các làng quê Việt Nam vốn là một thực thể sống động, hình thành đã rất lâu đời, cảnh quan kiến trúc mang đậm dấu ấn của nhiều kiếp người, đã in sâu trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam. Việc định hướng Kiến trúc – Quy hoạch nhằm duy trì và phát triển được những đặc thù, những duyên dáng, đằm thắm của hình ảnh các làng quê Việt Nam. Làm thế nào để các làng quê vừa mang hơi thở của thời đại trong quá trình công nghiệp hoá nông thôn vừa lữu giữ được bản sắc của quê hương không phải là một việc làm đơn giản. Song cần giải pháp rất cơ bản về công tác quy hoạch tổng thể nhằm vực dậy cả một kho tàng tiềm lực, mới mong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước bằng nội lực của nhân dân như đường lối chiến lược của Đảng đã vạch ra.
Việc Quy hoạch các Làng đòi hỏi sự xem xét cụ thể và cân nhắc cẩn trọng trên nhiều mặt, bắt đầu bằng việc điều tra, phân loại, và xác định những đặc thù của từng Làng, những giá trị văn hoá cần được bảo tồn, những khu vực cần cải tạo, và những khu vực cần giải toả, xây dựng lại để phát triển; trên cơ sở đó tiến hành bước nghiên cứu các khả năng xử lý không gian, các giải pháp mặt bằng nhằm hai mục tiêu: Hiện đại hoá (cải thiện) môi trường sống, công nghiệp hoá sản xuất, và tạo dựng bộ mặt nông thôn mới. Từ đấy đưa ra những khống chế về kiến trúc, trước hết là trên hai phạm trù: Tỷ lệ kiến trúc (trong đó có chiều cao) và những biểu hiện kiến trúc đặc thù (tạo dáng, trang trí nội, ngoại thất…). Những công việc này đều quan hệ lẫn nhau và nằm trong một quá trình liên hoàn thông qua các bước quy hoạch!
Linh hồn của các Làng quê Việt Nam xưa kia là những khu có đình, chùa, đền miếu, văn chỉ, chợ…, những nơi được coi là khu công cộng, ngày nay, nhu cầu về khu công cộng đã phát triển do những nhu cầu mới của thời đại. Việc tổ chức lại các Làng để phát triển sản xuất, cũng còn là để giải quyết nhiều bức súc của nhu cầu cuộc sống mới hiện đại, đây là khu vực có tính nhạy cảm nhất trong sáng tạo của mỗi tác giả, (nhất là đối với Quy hoạch khu dân cư nông thôn) và cũng là khu vực để đánh giá sự phát triển có sự chọn lọc – kế thừa.

Quy hoạch mẫu nông thôn mới xã Định Hóa, H. Gò Quao, Kiên Giang

Quy hoạch mẫu nông thôn mới xã Định Hóa, H. Gò Quao, Kiên Giang

Thứ ba: Cần xây dựng định nghĩa và phân biệt thấu đáo nông thôn cũ và nông thôn mới?
Mỗi Làng có lịch sử phát triển của mình. Lịch sử ấy được ghi bằng những công trình và quần thể công trình kiến trúc. Làng quê Việt Nam nói chung, các Làng nghề nói riêng đều phát triển dưới hai dạng: Tôn tạo – Hoàn thiện (ở những khu vực đã hình thành qua chiều dài lịch sử), và mở rộng, xây dựng mới (Do nhu cầu phát triển của sản xuất và đời sống). Mỗi dạng phát triển này đòi hỏi những định hướng Kiến trúc – Qui hoạch tương ứng phù hợp với đặc thù của mỗi vùng miền khác nhau?
Các làng có truyền thống lâu đời, lại trải qua biết bao nhiêu biến động và gập ghềnh trong biến thiên của lịch sử, nhất là các làng nghề thủ công truyền thống ở nước ta không thể tránh khỏi không bao chứa ngay trong bản thân nó những yếu tố mang tính hạn chế khả năng phát triển: Mật độ xây dựng dày đặc, mật độ cư trú cao, hạ tầng kỹ thuật còm cõi, lạc hậu và quá tải. Đó là những vòng đai thép ngày càng bó chặt nhiều nhu cầu phát triển của các làng nghề. Đến một thời điểm nào đó, khi sức chịu đựng tới hạn, mọi sự chỉnh trang, hoàn thiện trong lòng nó trở nên vô nghĩa, thì các làng nghề phải vượt qua khỏi những gò bó của khuôn khổ đã định hình bằng những cách nhìn, những tư duy cùng những giải pháp mạnh bạo hơn, cơ bản hơn…. bằng một quy hoạch bài bản, có tính kế thừa và bền vững.
Nguyên nhân của những điểm cần khắc phục như trên, một phần cũng chính là đội ngũ công tác lập quy hoạch, bởi khi lập quy hoạch các cơ sở pháp lý còn thiếu đồng bộ, không tìm hiểu kỹ về đặc điểm kỹ thuật hoặc không kịp thay đổi ứng phó với điều kiện tự nhiên, dẫn đến nhiều bất cập trong công tác qui hoạch. Hơn thế nữa, trình độ năng lực của đội ngũ kiến trúc sư hành nghề còn hạn chế, công tác tuyên truyền để xã hội hiểu, đồng tình và tham gia thực hiện còn ít, chưa hiệu quả. Để công tác quy hoạch thực sự là cơ sở của công tác xây dựng nông thôn mới, rất cần tiếp tục được chỉnh sửa bổ sung và hoàn thiện nhiều hơn nữa, góp phần có được những quy hoạch thực sự đem cái “mới” về cho nông thôn trên nền tảng cũ./.

KTS. LÊ VŨ PHÀM
Hội Kiến Trúc Sư Hà Nội