24/03/2021

Quy hoạch TPHCM: Đường nào tiến tới đô thị thông minh?

Có thể nhìn thấy, còn khá nhiều vấn đề nổi cộm trên con đường tiến tới đô thị thông minh của TPHCM.

Mục tiêu lớn của TPHCM

Tại kỳ họp thứ 24 (họp chuyên đề) HĐND TPHCM khoá IX, UBND TPHCM có báo cáo về nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Các định hướng quy hoạch quan trọng của TPHCM thời gian tới là phát triển TPHCM thành đô thị thông minh; phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM – là nền tảng hình thành TP Thủ Đức; phát triển Khu đô thị biển Cần Giờ; xây dựng 4 huyện ngoại thành phát triển thành quận.

Cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 1 và Khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) đã ngưng thi công 7 tháng nay, được hứa hẹn hoàn thành trước 30-4-2021 (Ảnh: Quang Định)

Cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 1 và Khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) đã ngưng thi công 7 tháng nay, được hứa hẹn hoàn thành trước 30-4-2021 (Ảnh: Quang Định)

Như Giám đốc Sở QH-KT TPHCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết, về tầm nhìn phát triển TPHCM đến năm 2060, TPHCM là thành phố đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong trong vùng đô thị lớn, trung tâm kinh tế tri thức và giao thương quốc tế của Việt Nam, trung tâm dịch vụ của châu Á – Thái Bình Dương, là thành phố có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn, có tính đa dạng văn hóa, bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước, có hạ tầng đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về mục tiêu đến năm 2040, ông Nhã cho hay, TPHCM hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối vùng giữa TPHCM và các địa phương lân cận cũng như kết nối giữa các khu vực khác nhau của TPHCM; phát triển đô thị tích hợp với hệ thống giao thông công cộng, theo đó định hướng phát triển đô thị mật độ cao, kết hợp các chức năng khác nhau xung quanh các nhà ga giao thông công cộng sức chở lớn. Đồng thời, hình thành các hạt nhân của các trung tâm: trung tâm tri thức, trung tâm y tế, văn hóa, giáo dục của vùng đô thị và các hạt nhân của các khu đô thị mới; củng cố cấu trúc đô thị đa cực.

Tuy nhiên, có thể nhìn thấy, còn khá nhiều vấn đề trong quy hoạch các khu đô thị của TPHCM tương lai.

Ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM (Ảnh Việt Dũng)

Ông Nguyễn Thanh Nhã – Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM (Ảnh Việt Dũng)

Quy hoạch TP Thủ Đức thế nào?

Giám đốc Sở QH-KT TPHCM Nguyễn Thanh Nhã báo cáo nhiệm vụ quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 được lập trên cơ sở tích hợp, cập nhật các ý tưởng về quy hoạch Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM được tổ chức thi tuyển quốc tế.

Về nhiệm vụ quy hoạch chung TP Thủ Đức, sau khi HĐND TPHCM cho ý kiến, UBND TPHCM hoàn tất hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch chung TP Thủ Đức dự kiến trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt theo quy định.

Quy hoạch chung TP Thủ Đức được kỳ vọng theo định hướng đô thị sáng tạo, tương tác cao, trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của TPHCM.

Thành phố triệu dân sẽ được thực thi các dự án chủ lực tạo thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, gồm có: Dự án Công viên phần mềm Quang Trung Thủ Đức, Viện công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo (Sở Khoa học và Công nghệ), Trung tâm tính toán hiệu năng cao, Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn, Viện nghiên cứu tiên tiến (Đại học Quốc gia TPHCM), Trung tâm nghiên cứu và sản xuất dược phẩm, Khu thực nghiệm công nghệ cao.

Trong khi đó, hạ tầng tài chính – thương mại gồm 3 cấu phần: Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM (Thủ Thiêm), Trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế (Thủ Thiêm), Hệ thống siêu thị và bán lẻ thông minh.

Hạ tầng xã hội gồm 7 cấu phần: hệ thống trường mầm non, trường phổ thông, trường nghề chất lượng cao; hệ thống các bệnh viện, đạt chuẩn quốc tế; Hệ thống các không gian mở ngoài trời và các hành lang sinh thái; Nhà hát Giao hưởng, nhạc vũ kịch (Khu đô thị mới Thủ Thiêm); Công viên lịch sử văn hóa dân tộc; sân Golf Thủ Đức; Trung tâm thể thao Rạch Chiếc; Quảng trường Hồ Chí Minh (Thủ Thiêm).

Nhắc tới các hạ tầng xã hội này, xin được nói rõ, việc xây dựng Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TPHCM đang “tắc nghẽn” tại điểm thắt nút không hiểu vì sao BTC chưa công bố kết quả cuộc thi tuyển phương án kiến trúc, mặc dù công tác chấm thi đã kết thúc từ 6 tháng trước.

Chỉ một công trình thiết chế văn hoá, nhưng vì giá trị hơn 1.500 tỷ đồng, đã vô cùng khó khăn để có thể tiến hành. Vậy, người dân có quyền kỳ vọng hay không ở “bản giao hưởng” thiết kế tổng thể đô thị thông minh – thành phố phía Đông?

Nhiều công trình dở dang, khó khả thi

Tại kỳ họp, Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy góp ý về hạ tầng xã hội TP Thủ Đức, cho rằng dù được quy hoạch là Khu đô thị sáng tạo hiện đại, nhưng nền tảng văn hóa nơi đây vẫn là văn hóa truyền thống, chưa thực sự tiệm cận với văn hóa đô thị hiện đại. Trong khi đó, báo cáo điều chỉnh quy hoạch lần này chưa thấy đề cập mục tiêu cụ thể về văn hóa cho khu vực TP Thủ Đức.

Bà Thanh Thuý nhấn mạnh, cần xác định quy hoạch hạ tầng xã hội thành từng giai đoạn, để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần người dân, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng khu vực này.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Việt Dũng

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Việt Dũng

Không chỉ công trình văn hoá Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch “nổi bật” vì 40 năm nay vẫn nằm trên giấy. Cầu Thủ Thiêm 2 là công trình nối quận 1 và Khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) được thiết kế có quy mô 6 làn xe, tổng chiều dài 1.465m, khởi công từ năm 2015, đã ngưng thi công từ 7 tháng nay.

Phần cầu dài 885m được thiết kế là cầu dây văng, với trụ tháp chính có hình dáng kiểu kiến trúc cầu rồng cao 113m, nghiêng về phía Thủ Thiêm. Cùng với thiết kế chiếu sáng mỹ thuật, cầu Thủ Thiêm 2 được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn cả ban ngày và ban đêm.

Đến nay, dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 đã thi công đạt khoảng 70% khối lượng, nhưng từ tháng 8/2020, chủ đầu tư dự án phải tạm dừng thi công vì không còn mặt bằng do vướng đền bù giải tỏa. Hiện tại, UBND TPHCM hứa hẹn thúc đẩy hoàn thành công trình này trước 30/4/2021.

Tại kỳ họp, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị quan tâm nhiều hơn đến tính khả thi của quy hoạch. Bà Quyết Tâm lưu ý: “Có những quy hoạch 20-30 năm vẫn không thể thực hiện được. Thực tế hiện nay do quy hoạch chưa tới, hoặc chưa đủ nguồn lực nên ảnh hưởng đời sống người dân”.

Theo bà Quyết Tâm, nguyên nhân là tính nhân dân trong quy hoạch chưa được đảm bảo. Tiếng nói và lợi ích của người dân trong quy hoạch chưa đồng bộ. TP mong muốn có cây xanh, nhưng quy hoạch công viên cây xanh ở đó có bao nhiêu hộ dân, cuộc sống của họ sẽ ra sao, chao đảo, trì trệ kéo dài theo?

“Quan điểm của tôi là quy hoạch phải đi vào cuộc sống, phải khả thi. Đến 2060 là 40 năm nữa, nếu quy hoạch không tốt mà treo suốt 40 năm thì người dân sẽ khổ sở cỡ nào. Như Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đã 30 năm rồi, là một nửa đời người rồi”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Việt Dũng

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Việt Dũng

Riêng về “Khu đô thị lấn biển Cần Giờ” mà báo cáo đề cập, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh, cần làm rõ cái tên là Khu đô thị lấn biển, hay Khu du lịch sinh thái? Bởi theo bà Quyết Tâm, cái tên nói lên ý nghĩa thật sự của dự án: lấn biển để làm gì, làm khu đô thị hay khu du lịch, cần xác định đúng tính chất, bản chất khu vực này để sau này còn giám sát.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhắc đi nhắc lại về việc hiện nay TPHCM đang rất thiếu không gian công cộng, càng phát triển đô thị càng bức bách về không gian. “Cần thực hiện ngay nhiệm vụ quy hoạch không gian ngầm, thay vì làm riêng lẻ ở từng dự án. Các công trình giao thông, dịch vụ, thương mại nên đưa xuống dưới đất, để dành không gian phía trên cho không gian công cộng thông thoáng” – Bà Quyết Tâm nói.

Hòa Bình/vietimes.vn