Quy hoạch tỉnh – Lĩnh vực nào sẽ dẫn dắt?
(KTVN 239) – Quy hoạch tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đang được triển khai quyết liệt tại các địa phương, được kỳ vọng như là một đồ án quy hoạch toàn diện, tích hợp tất cả các ngành, lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội, không gian, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh. Với kinh nghiệm tham gia thực hiện một số đồ án quy hoạch tỉnh, người viết chia sẻ một số góc nhìn về việc triển khai lập đồ án quy hoạch tỉnh.
Đối với việc lập đồ án quy hoạch tỉnh, các địa phương hiện nay có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Tại một số địa phương, triển khai lập các đồ án quy hoạch chung đô thị, quy hoạch vùng huyện, sau đó đề xuất tổng hợp lại thành đồ án quy hoạch tỉnh. Như vậy, cũng sẽ khó có được những đột phá lớn trong định hướng phát triển không gian, tầm nhìn của tỉnh.
Theo đúng trình tự, chúng ta phải từ quy hoạch quốc gia đến quy hoạch các ngành, đến quy hoạch vùng sau đấy đến quy hoạch tỉnh. Vì đối với một tỉnh, để phát triển được tỉnh đó thì chúng ta không chỉ thể hiện những nội dung, những nội lực của tỉnh mà còn phải tính toán đến những tác động của các tỉnh xung quanh và những vấn đề mà quốc gia định hình đầu tư cho tỉnh đó. Tuy nhiên, việc triển khai các quy hoạch cấp trên còn đang chậm, do đó sẽ tác động đến tầm nhìn và định hướng trong đồ án Quy hoạch tỉnh. Hiện nay, để đảm bảo sự tương tác liên tỉnh, các đồ án quy hoạch tỉnh đã được gửi đến các tỉnh lân cận để cho ý kiến, phần nào cũng sẽ giải quyết được những tác động qua lại về định hướng phát triển giữa các tỉnh với nhau.
Hiện nay, thời hạn lập quy hoạch tỉnh là năm 2021 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tuy nhiên một số đồ án mới chỉ tập trung nhiều vào giải quyết những vấn đề thực trạng, cập nhật bổ sung các dự án về phát triển đô thị, du lịch, công nghiệp dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021-2025, các định hướng lớn, dài hạn mang tính chất tầm nhìn chiến lược còn ít được quan tâm.
Theo quan điểm của người viết, không quan trọng cơ quan nào là chủ trì tổ chức lập quy hoạch mà tùy theo chức năng nhiệm vụ được phân công, tùy theo thế mạnh của các cơ quan tại địa phương trong lĩnh vực lập quy hoạch, UBND tỉnh có thể phân công các Sở, ngành chủ trì tổ chức lập đồ án cho phù hợp. Để có được một sản phẩm quy hoạch chất lượng cần có sự phối hợp đầy đủ của tất cả các sở ngành và các địa phương. Sự phối hợp chặt chẽ của địa phương và đơn vị tư vấn. Thực tế đơn vị tư vấn không thể hiểu hết các vấn đề hiện trạng cũng như mong muốn của địa phương bằng người dân và các cơ quan quản lý địa phương. Đơn vị tư vấn có thể có những mô hình mới, có những cách làm, những kinh nghiệm để tổng hợp nội dung và đề xuất, tham mưu cho địa phương. Để điều hành sự phối hợp giữa các cơ quan (UBND các huyện, thành phố, các Sở, ngành…) thì phải có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh.
Mỗi một ngành, lĩnh vực tương tự như mỗi bộ phận của cơ thể đều có sự đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, do đó khó có thể xác định được lĩnh vực nào là quan trọng nhất. Tuy nhiên, đối với việc lập đồ án quy hoạch tỉnh, để đề xuất được định hướng phát triển của các ngành thì cần xây dựng được định hướng khung phát triển về không gian. Trên cơ sở phân tích đầy đủ điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, phát triển công nghiệp, đô thị và nông thôn, dự báo nhu cầu phát triển, nghiên cứu về mô hình, kinh nghiệm phát triển trong nước và quốc tế… đơn vị tư vấn sẽ đề xuất được mô hình phát triển và định hướng phát triển không gian phù hợp nhất cho tỉnh. Định hướng phát triển không gian nên được triển khai thống nhất từ ban đầu. Khi thống nhất được định hướng phát triển không gian từ đó sẽ phân công chức năng đối với từng đơn vị hành chính, từng lĩnh vực, ngành liên quan. Định hướng phát triển không gian là bản đồ thể hiện rõ ràng nhất, cụ thể hóa được ý tưởng quy hoạch của đồ án. Đó sẽ làm kim chỉ nam, là nhạc trưởng cho toàn bộ đồ án quy hoạch tỉnh.
Ví dụ khi đồ án quy hoạch tỉnh định hướng tập trung phát triển không gian theo hướng Đông hay Tây thì sẽ có kế hoạch bố trí hạ tầng, giao thông, cấp điện, cấp nước… để tỉnh phát triển theo hướng đó. Tiếp đến là cấp điện, cấp nước, y tế, giáo dục, con người tất cả sẽ đi theo định hướng không gian đó.
Khó khăn đầu tiên đối với các đơn vị tư vấn làm quy hoạch tỉnh là hiện nay ở Việt Nam chưa có đơn vị tư vấn nào hoặc một cá nhân nào có nhiều kinh nghiệm làm quy hoạch tỉnh. Đặc biệt đây là một đồ án khó, có quy mô lớn. Do đó, các đơn vị tư vấn, các địa phương cũng còn lúng túng trong cách tiếp cận, cách triển khai thực hiện.
Trong đồ án quy hoạch tỉnh với sự tham gia, tích hợp đa ngành, ngành nào của tỉnh cũng muốn đề xuất định hướng tầm nhìn của ngành mình trở thành mũi nhọn với quy hoạch tỉnh. Do đó, việc lựa chọn tính chất chức năng, lĩnh vực trọng tâm phát triển cho tỉnh cũng là một nội dung hết sức quan trọng trong đồ án quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, để am hiểu tất cả các lĩnh vực, tổng hợp hết thực trạng và định hướng phát triển của các ngành cũng là thách thức lớn đối với người chủ nhiệm đồ án. Chưa có nhiều tài liệu chuyên ngành về nội dung này. Kể cả trong các trường đào tạo, các cơ quan đào tạo chưa có tài liệu hướng dẫn giảng dạy cho sinh viên.
Khối lượng công việc quy hoạch tỉnh ở đồng thời 63 tỉnh rất lớn, mà một đồ án quy hoạch tỉnh thu hút nhiều cá nhân, chuyên gia về quy hoạch trong các lĩnh vực tham gia. Như vậy, khi triển khai đồng loạt trên toàn quốc sẽ khó khăn trong việc bố trí nhân sự để triển khai thực hiện.
Ngoài ra, khó khăn trong việc đưa các nội dung định hướng vào đồ án quy hoạch tỉnh đến mức độ nào, cập nhật chi tiết đến đâu, nguồn kinh phí để xây dựng quy hoạch tỉnh và sự phối hợp giữa các ban ngành trong địa phương cũng gây khó khăn cho địa phương và đơn vị tư vấn. Trong đồ án quy hoạch tỉnh, theo nội dung triển khai theo hướng dẫn thì phải có các danh mục các dự án khung ưu tiên đầu tư, trong đó cập nhật tất cả các ngành như giao thông, cấp điện, cấp nước, tất cả các ngành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các ngành liên quan đến số lượng dự án. Đây cũng là một vấn đề khó hiện nay cho các đơn vị tư vấn và các địa phương vì nhiều dự án chưa có tên và quy mô cụ thể, hoặc sẽ phải điều chỉnh trong quá trình triển khai chi tiết. Và như vậy, sau này khi triển khai thực hiện đầu tư các dự án yêu cầu phải có tên trong đồ án quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt hoặc nằm trong danh mục các dự án được ưu tiên đầu tư thì sẽ rất khó cho địa phương.
Việc đưa ra danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong đồ án quy hoạch là cần thiết, tuy nhiên chỉ mang tính chất định hướng cho các địa phương trong quá trình triển khai tiếp theo chứ không thể hiểu là căn cứ bắt buộc để xác định các dự án đầu tư.
Quy hoạch đô thị – nông thôn là một trong những nội dung của đồ án quy hoạch tỉnh. Trong đồ án quy hoạch tỉnh cần xác định hệ thống đô thị và các điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trong đó xác định về kế hoạch phân loại đô thị, định hướng phân loại đô thị cũng như tính chất, chức năng định hướng phát triển của các đô thị và điểm dân cư nông thôn.
Hiện nay, đối với các nội dung này trong đồ án quy hoạch tỉnh cũng được triển khai khá tốt. Đây là sự kế thừa quy hoạch vùng tỉnh trước đây do Ngành Xây dựng phụ trách. Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai đó là mức độ cập nhật các đồ án quy hoạch chung, đồ án quy hoạch vùng huyện vào đồ án quy hoạch tỉnh. Tại một số đồ án cập nhật những đồ án quy hoạch chung, quy hoạch vùng huyện đã được phê duyệt trong giai đoạn trước đây hoặc vừa được phê duyệt dẫn đến tình trạng có đô thị thì rất chi tiết, có đô thị thì lại quá sơ sài, hoặc định hướng cũ. Đó cũng là vấn đề khó cho các đơn vị tư vấn, có những địa phương thì yêu cầu cập nhật theo đúng đồ án quy hoạch đô thị vừa được phê duyệt, trong khi quy hoạch tỉnh có thể sẽ có những định hướng mới do tư vấn đề xuất.
Thực tế, trong đồ án quy hoạch tỉnh, nội dung định hướng phát triển các đô thị, các huyện sẽ là đầu bài để các địa phương tổ chức lập quy hoạch đô thị, quy hoạch vùng huyện trong giai đoạn tiếp theo. Việc lập song song giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị, quy hoạch vùng huyện sẽ có nhiều điểm chênh lệch cần phải điều chỉnh, cập nhật sau khi đồ án quy hoạch tỉnh được phê duyệt.
Hiện nay chúng ta mới đang tập trung chính vào việc tổ chức lập đồ án quy hoạch tỉnh, tuy nhiên chưa tính toán cụ thể đến việc điều chỉnh các đồ án này. Đối với một đồ án quy hoạch, dù có nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản đến đâu thì trong quá trình triển khai thực hiện chắc chắn cần phải cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp với những phát sinh từ thực tế. Do đó, quy định về điều chỉnh cục bộ, hay điều chỉnh tổng thể đồ án quy hoạch tỉnh như thế nào cũng cần được cụ thể để tính toán mức độ chi tiết khi đưa những nội dung định hướng vào đồ án quy hoạch tỉnh trong thời kỳ này, tránh khó khăn và gây tốn kém cho các địa phương trong việc triển khai chi tiết trong giai đoạn sau.
Như vậy để có thể xây dựng được những đồ án quy hoạch tỉnh có chất lượng, không chỉ cần các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật mà còn cần có sự chia sẻ, trao đổi, nghiên cứu, lý thuyết, đào tạo… để công tác lập quy hoạch được hoàn thiện hơn trong tương lai./.
Ths.KTS Nguyễn Minh Đức – Giám đốc Viện Nhà ở và Công trình công cộng (Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng)