Quy hoạch Thủ đô Hà Nội vừa được phê duyệt là công cụ quan trọng để quản lý đầu tư xây dựng và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển mới. Nhân dịp này Tạp chí Kiến trúc Việt Nam đã trao đổi với ông Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội và nhận được ý kiến sau.
Quy hoạch Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt là căn cứ để Hà Nội lập trình hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch. Chúng tôi rất quan tâm tới vấn đề an ninh nguồn nước. Đặc biệt sau cơn bão số 3 gây thiệt hại về người và của tại vùng núi và đồng bằng Bắc Bộ, nước sông Hồng lên cao còn đe dọa an toàn của các khu dân cư và đô thị ven sông trước thiên tai bão lũ… Quy hoạch đã có bước tiến dài trong nội dung này, trong nội dung Quy hoạch Thủ đô đã ghi rõ “Không gian thoát lũ bao gồm khu vực lòng sông và bãi sông nằm giữa 2 đê; các khu vực vùng chịu ảnh hưởng điều tiết lũ của các điều tiết lũ của các hồ chứa lớn phải đảm bảo không gian thoát lũ tương ứng với tần suất theo Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình… Quản lý và sử dụng bãi sông theo đúng quy định của pháp luật về đê điều và các pháp luật khác có liên quan nhằm đảm bảo khả năng thoát lũ, phát triển không gian xanh, không gian công cộng phục vụ cộng đồng …” đây là cơ sở pháp lý mạnh mẽ để không cho phép đầu tư các công trình xây dựng gây cản trở dòng chảy thoát lũ; loại bỏ những ẩn ý thỏa hiệp, buông lỏng quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt làm hành lang thoát lũ – là đất công vĩnh viễn không thể để tư nhân hóa đầu tư vào đô thị hướng sông, nông nghiệp sinh thái, con đường di sản, công viên chuyên đề, sân golf… trong khu vực này.
Trong Quy hoạch đã đưa ra mục tiêu giao thông đô thị tổng quát “Hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị kết nối các khu tập trung dân cư, kết đô thị trung tâm với trung tâm đô thị mới, kết nối Thủ đô với trung tâm các tỉnh trong vùng”. Quy hoạch Thủ đô cũng nhấn mạnh “Phát triển tầng số, hạ tầng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đồng bộ, hiện đại, liên thông các cơ sở dữ liệu lớn … tạo nền tảng phát triển chính quyền số, xã hội số, công dân số và kinh tế số”. Với mục tiêu rõ ràng, nội dung minh bạch, hiệu quả, khả thi, lại có công cụ để hiện thực hóa mục tiêu ấy, trong kỷ nguyên, Quy hoạch sẽ là cơ sở để cộng đồng xã hội chung tay, chủ động tham gia và giám sát tiến trình thực hiện: loại bỏ những đề xuất chủ quan, phi lý, lãng phí, không khả thi.
Quy hoạch Thủ đô xem tại đây.
KTS Trần Huy Ánh