Quy hoạch phân khu sông Hồng: kích hoạt nguồn lực mới từ cách tiếp cận đa ngành
Tháng 7/2021, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng do Hà Nội đề xuất đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho ý kiến, trong đó tăng cường kiểm soát hành lang bảo vệ đê điều, hạn chế tối đa giao đất xây dựng…
Bổ sung phương án phòng chống lũ
Trả lời Hà Nội đề nghị bổ sung danh mục (giữ lại, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết) các khu vực dân cư hiện có ở bãi sông thuộc các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Bộ NN&PTNT cho rằng là cần thiết và phù hợp. Bộ còn đề nghị Hà Nội chỉ đạo rà soát, tính toán đảm bảo tiêu chuẩn phòng chống lũ quy định tại quy hoạch 257/QĐ-TTg, từ đó đề xuất được tồn tại, bảo vệ trong quá trình lập phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê trong quy hoạch Hà Nội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Bộ NN&PTNT đề nghị Hà Nội sớm lập phương án phòng chống lũ các tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều trong quy hoạch thành phố trình Thủ tướng phê duyệt. Kiểm soát chặt chẽ hành lang bảo vệ đê điều, đất bãi sông, bãi nổi theo đúng quy định của pháp luật về đê điều, chống lấn chiếm vi phạm, nhất là sau khi hình thành các tuyến đường ở bãi sông theo quy hoạch.
Quản lý khu dân cư tập trung hiện có được tồn tại theo quy định; không để phát triển thêm về số khu, diện tích, số hộ dân ngoài bãi sông.
Đồng thời rà soát, xây dựng phương án, lộ trình di dời các khu vực dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn và các hộ dân cư vi phạm pháp luật về đê điều, nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều, khu vực đang bị sạt lở nguy hiểm theo quy định.
Cơ hội xây dựng thành phố an toàn trước thiên tai, dịch bệnh
Tháng 4.2020, ngay trong làn sóng đầu tiên của dịch bệnh COVID-19, Hà Nội đã khởi động quy hoạch thành phố đôi bờ sông Hồng. Sau hơn một năm xây dựng tài liệu quy hoạch, Hà Nội cũng nhận được những khuyến nghị chi tiết liên quan để có cơ sở lập trình xây dựng thành phố mạnh mẽ, an toàn thích ứng với lũ lụt, khô hạn, ô nhiễm nguồn nước.
Đối mặt với diễn biến dịch bệnh phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa sẽ tác động tới kinh tế xã hội… Việt Nam đã nhận ra vai trò bệ đỡ của nông nghiệp và Hà Nội càng nhận thức sâu sắc hơn trước tình huống giãn cách xã hội chống dịch COVID-19 các thành phố lớn đã xuất hiện nguy cơ khan hiếm thực phẩm tươi sống trong khi vùng sản xuất dư thừa. Đây là thời điểm quan trọng nhận diện toàn cảnh Quy hoạch phân khu sông Hồng không thể theo lối cũ: đơn giản là bán đất để thu lợi mà phải tiếp cận đa chiều, đa lợi ích thì mới huy động được đa nguồn lực đầu tư từ xã hội.
Các khu dân cư ngoài đê sông Hồng phải được tái tổ chức sao cho các công trình xây dựng chiếm đất ít nhất (có vị trí được xác định < 5%) nhưng vẫn ổn định được dân cư an toàn hợp pháp, lại gia tăng giá trị cảnh quan, nâng cao chất lượng môi trường. Chẳng hạn, nước thải rác thải phải được thu gom xử lý triệt để, nhập vào dòng chảy nước sạch chảy đi muôn nơi, cũng là cung cấp nước sạch lâu dài cho hàng triệu cư dân Hà Nội.
Sông Hồng không chỉ là không gian xanh Hà Nội mà còn là “luồng xanh” kết nối an toàn thịnh vượng Hà Nội với các địa phương. Thay vì giành đất xây nhà, đôi bờ sông Hồng thành không gian cảnh quan xanh và chuyển hóa sinh thái tạo thành hành lang nông nghiệp đô thị giá trị cao. Sông Hồng là thành tố trọng yếu để tổ chức trung tâm Hà Nội trở thành đơn vị tự chủ sinh thái bền vững. Không có phép màu nào sinh ra viễn cảnh đẹp đẽ ấy sau một đêm mà cần quá trình thực hiện hàng ngày, hàng năm, hàng chục năm… giống như 30 năm làm nên kỳ tích sông Hàn của Seoul (Hàn Quốc) hay phải 50-60 năm (1960- 2020) để tái thiết các dòng sông của Tokyo (Nhật Bản)…
Giá trị mới sáng tạo trên nền đất cũ
Tokyo – thủ đô của Nhật Bản được quy hoạch xây dựng mới từ 1888 và đã gần như phải xây dựng lại hoàn toàn bởi trận động đất Kanto (1923), sau đó là bom cháy (1945). Những năm 1950-1960 là thời kỳ phát triển kinh tế mạnh mẽ, Tokyo xây dựng nhà ở, nhà máy tràn lan dẫn đến ô nhiễm nước và không khí. Tokyo đã nỗ lực cải thiện thì lại nảy sinh ô nhiễm khí thải do giao thông. Thành phố đã phải chắt chiu đầu tư nhằm mỗi dự án phải giải quyết đồng thời nhiều mục tiêu: nâng cấp tiện nghi nhà ở, tăng cường khả năng chống cháy, động đất, tạo ra các không gian cứu hộ cứu nạn mỗi khi có thảm họa.
Thành phố ven biển có nhiều khu vực đất trũng ngập, hiện đại hóa lại phát triển nhiều không gian ngầm quy mô lớn nên nhiệm vụ chống ngập cũng được ưu tiên. Tokyo phát triển nhanh nên dân số tăng nhanh, sản xuất tiêu dùng nhiều nên rác thải/nước thải cũng gia tăng. Thành phố này cùng lúc phải đáp ứng nhu cầu nước sạch cho toàn dân để giảm trừ dịch bệnh và cũng phải xử lý triệt để phế thải trong khi sở hữu tư nhân đất đai đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt nên không thể “đổ rác sang nhà hàng xóm”… Do vậy không có cách nào khác: tất cả các quận trung tâm Tokyo đều bố trí nhà máy đốt rác phát điện và các khu liên hợp xử lý nước thải.
Điều thú vị là ngay bên cạnh các nhà máy này thường là các không gian công cộng: các trung tâm thể thao, giải trí, nhà bảo tàng. Các nhà máy xử lý nước thải ngầm dưới đất để giành lại toàn bộ mặt đất làm sân bóng, sân tennis, bể bơi công cộng hay công viên. Những nhà máy xử lý rác thải, nước thải hiện đại đã thu hồi toàn bộ chất thải độc hại để tinh chế thành tài nguyên mới cung cấp nguyên liệu cho chuỗi sản xuất tiếp theo. Cùng với việc phân loại và tái sử dụng phế thải ngay từ trước xử lý đã hình thành mô hình kinh tế tuần hoàn tạo ra rất nhiều việc làm và lợi ích xã hội, giảm chi phí đầu tư và tăng cường ứng dụng công kỹ nghệ hiện đại…
Mỗi thành phố, quốc gia lại có cơ hội thách thức riêng, nhưng Hà Nội có thể thu nhận bài học quy hoạch tích hợp đa ngành của Tokyo thay cho cách phân rã chia cắt lãng phí như đã từng: bỏ ngân sách ra bù lỗ thu gom rác rồi mang đi chôn hay mua nhà máy đốt rác hàng trăm triệu USD riêng rồi đổ nước rỉ rác, xỉ lò đi đâu? Hoặc bỏ ra hàng tỷ USD để kè sông hồ thành ao tù, nước thải vòng quanh thành phố rồi đổ vào nhà máy xử lý; nước thải vẫn trộn với nước sạch rồi đổ vào sông. Năng lực quản lý môi trường và quy hoạch đô thị hạn chế đã làm vơi ngân sách thành phố trong khi ô nhiễm vẫn xảy ra.
Hà Nội có thể nhân cơ hội xây dựng thành phố đôi bờ sông Hồng để thực hành sáng tạo giá trị mới ngay trên thành phố bên sông có lịch sử lâu đời.
Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội/Người đô thị
* Nguồn ảnh và tư liệu: Hanoidata & City Solution khai thác và biên tập từ “Planing of Tokyo” do Văn phòng Quy hoạch Tokyo xuất bản 1985, 1994.