03/10/2019

Quy hoạch nông thôn mới: Hài hòa giữa nông thôn và đô thị

Quy hoạch xây dựng cần phải đi trước một bước để làm cơ sở đầu tư, phát triển hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn; xây dựng nông thôn mới bền vững.

Sáng 3/10, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 (Tiêu chí quy hoạch).

Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, nếu giai đoạn 2010 – 2015 tập trung cơ bản phủ kín quy hoạch xây dựng nông thôn, chỉ chú trọng phát triển khu dân cư mới, chỉnh trang khu dân cư hiện hữu trong phạm vi của một xã thì chặng đường 2016 – 2020 Bộ Xây dựng được phân công chủ trì hướng dẫn Quy hoạch xây dựng vùng.

Điều này nhằm đáp ứng tiêu chí huyện nông thôn mới và quy hoạch xã nông thôn mới; bổ sung thêm nội dung đảm bảo hài hòa giữa phát triển nông thôn với đô thị.

Tiêu chí đánh giá xã nông thôn mới được ban hành tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 và được bổ sung, điều chỉnh cho giai đoạn 2016-2020 tại Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Tiêu chí quy hoạch là Tiêu chí số 1 trong các giai đoạn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Để thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi quy hoạch xây dựng cần phải đi trước một bước để làm cơ sở đầu tư, phát triển hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn; xây dựng nông thôn mới bền vững.

Việc phủ kín quy hoạch xây dựng nông thôn và nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý thực hiện theo quy hoạch xây dựng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Bộ Xây dựng đã chủ động phối hợp với các địa phương tháo gỡ vướng mắc trong lập quy hoạch nông thôn mới. Mặc dù chất lượng đồ án quy hoạch nhiều nơi chưa đạt được theo yêu cầu, nhưng bước đầu là cơ sở tốt cho các xã lập các Đề án xây dựng nông thôn mới.

Số xã có quy hoạch trên tổng số xã của cả nước đã tăng từ 23,1% năm 2010 lên 83,5% vào năm 2013 và đến nay đã đạt 99,7% – Thứ trưởng Nguyên Văn Sinh nhận xét.

Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 đặt ra mục tiêu phải đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.

Cụ thể là tiếp tục tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn bao gồm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp chế biến, gắn sản xuất với thị trường để hình thành sự liên kết nông – công nghiệp – dịch vụ và thị trường ngay trên địa bàn nông thôn.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 đặt ra mục tiêu phải đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 đặt ra mục tiêu phải đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng Bùi Quang Sơn đề xuất, tập trung triển khai quy hoạch chi tiết làm cơ sở thu hút đầu tư tạo động lực phát triển kinh tế; trong đó tập trung vào các quy hoạch như: xây dựng trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất; phát triển điểm dân cư tập trung, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ; hệ thống hạ tầng xã hội… Đặc biệt, cần tăng cường chế tài xử lý khi chuyển mục đích, xây dựng không đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông Thôn Trần Thanh Nam cho hay, đến tháng 9/2019, cả nước đã có 4.554 xã (chiếm 51,16% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân toàn quốc đạt 15,32 tiêu chí/xã (tăng 10,6 tiêu chí so với năm 2010) và không địa phương nào còn xã dưới 05 tiêu chí; có 93 đơn vị cấp huyện thuộc 37 tỉnh, tỉnh trực thuộc Trung ương (chiếm 14% tổng số huyện, thị xã, tỉnh của cả nước) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, cả nước đã có 3 tỉnh (Đồng Nai, Nam Định, Bình Dương) và Tp. Đà Nẵng là những địa phương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Như vậy, mục tiêu 5 năm (2016-2020) đã hoàn thành sớm gần 2 năm so với nhiệm vụ được giao là đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Về quy hoạch và nhà ở dân cư trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020, Thứ trưởng Trần Văn Nam đề nghị rà soát các văn bản quy định, hướng dẫn về quy hoạch, xây dựng, quản lý cảnh quan nông thôn mới để nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh quy hoạch lại không gian khu vực nông thôn (thôn, làng…) phù hợp tính đặc thù của vùng miền; đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.

Trước xu hướng đô thị hóa ở nhiều địa phương hiện nay, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện để tránh việc mỗi địa phương hiểu theo cách khác nhau; từ đó, thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện, nhất là các vùng chuẩn bị lên đô thị và các vùng nông thôn liền kề, theo hướng xác định rõ các chức năng bổ sung, liên kết của nông thôn – Thứ trưởng Trần Văn Nam đề xuất./.

Thu Hằng/BNEWS/TTXVN