Quy hoạch ngầm: Vấn đề cấp thiết trong quy hoạch chung không gian đô thị
“Quy hoạch ngầm là vấn đề cấp thiết trong việc quy hoạch chung không gian đô thị. Không gian đô thị phải hiểu là không chỉ trên mặt đất mà còn cả dưới lòng đất. Đặc biệt, quy hoạch ngầm đô thị nó có tác động cực kỳ lớn về kinh tế, an ninh quốc phòng…” – KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định.
Quy hoạch ngầm là vấn đề rất cấp thiết trong việc quy hoạch chung không gian đô thị. (Ảnh: TL)
Xu hướng của nhiều quốc gia
Theo tìm hiểu, quy hoạch ngầm, đô thị ngầm đã phát triển rất sớm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Sự phát triển hài hòa giữa không gian ngầm, đô thị ngầm và đô thị trên mặt đất đã giúp nhiều quốc gia khai thác, tận dụng lợi thế đó để phát triển kinh tế, xã hội.
Có thể nêu ra một số quốc gia có hệ thống quy hoạch ngầm, đô thị ngầm phát triển từ rất sớm ở khu vực châu Âu như tại nước Anh với tuyến đường sắt ngầm đầu tiên trên thế giới được thực hiện từ những năm cuối của thế kỷ XIX.
Hay ở khu vực châu Á, tại Nhật Bản, Trung Quốc… vấn đề quy hoạch ngầm, phát triển mạng lưới đô thị ngầm cũng được bắt đầu triển khai thực hiện từ khá sớm, từ những năm đầu của thế kỷ XX với hệ thống tàu điện ngầm hiện đại, quy mô.
Ngoài ra, nhiều các quốc gia khác trên thế giới như Canada, Australia, Pháp, Mỹ… cũng đã đầu tư xây dựng phát triển quy hoạch ngầm, trong đó có hệ thống đường ngầm, tàu ngầm… để đáp ứng nhu cầu phát triển của quốc gia.
Có thể khẳng định, hệ thống quy hoạch ngầm, đô thị ngầm được chú trọng đầu tư phát triển đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội cho nhiều quốc gia. Đặc biệt, với những thành phố khu vực có hệ thống quy hoạch ngầm, đô thị ngầm hiện đại, đồng bộ đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của hệ thống bán lẻ, cửa hàng, dịch vụ tiện ích…
Mặt khác, việc phát triển đô thị ngầm, xây dựng hoàn thiện quy hoạch ngầm cũng là một xu thế tất yếu của sự phát triển đô thị hiện đại nhằm đảo bảo về giao thông đi lại cho người dân.
Cần triển khai nhanh quy hoạch ngầm
Dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia, với tốc độ đô thị hóa, xây dựng phát triển nhanh chóng tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM… nảy sinh nhiều vấn đề như tắc đường, giao thông đi lại khó khăn, quỹ đất bề ngày càng thu hẹp. Do đó, việc quy hoạch không gian ngầm là xu hướng tất yếu trong phát triển đô thị hiện đại, tuy nhiên vấn đề quy hoạch, khai thác không gian ngầm cần phải có phương án cụ thể.
Xung quanh câu chuyện quy hoạch ngầm, không gian ngầm, Tiến sỹ Phạm Gia Yên – Nguyên Chánh thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng: Hầu như các nước trên thế giới đều xây dựng đô thị ngầm, quy hoạch ngầm và đó là ưu tiên số 1 trong giải quyết và điều chỉnh ách tắc giao thông thành phố.
Và trên thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới có quy hoạch ngầm, đô thị ngầm đã giải quyết được rất nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề quá tải về giao thông, tắc đường trên mặt đất.
“Trung Quốc cách đây 10 năm cũng tắc đường ngổn ngang do ô tô, xe máy… nhưng hiện nay nó biến đâu hết. Đó là nhờ đô thị ngầm, không gian ngầm. Người ta phát hiện ra giao thông công cộng quá tốt, 70% – 80% giao thông vận tải là ở trong lòng đất” – Tiến sỹ Phạm Gia Yên dẫn chứng.
Tiến sỹ Phạm Gia Yên cũng cho hay, việc quy hoạch không gian ngầm, xây dựng đô thị ngầm cần phải có định hướng. Với TP. Hà Nội, về mặt địa chất, không phải là vùng địa chất phức tạp. Vậy tại sao không áp dụng tại Việt Nam?
Ở một góc nhìn khác, KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam đánh giá cao tầm quan trọng của vấn đề quy hoạch ngầm.
“Quy hoạch ngầm là điều rất quan trọng cũng giống như trên mặt đất. Từ trên mặt đất và lòng đất phải có quy hoạch với nhau. Từ đó mới có thể phát triển đồng đều được” – KTS Phạm Thanh Tùng khẳng định.
Ông cũng cho rằng: “Việt Nam không có quy hoạch ngầm sẽ là điều rất nguy hiểm, đặc biệt là về an ninh quốc phòng. Hiện nay Việt Nam mới chỉ có quy hoạch trên mặt đất. Bây giờ làm quy hoạch ngầm là muộn, nhưng còn hơn là không có, do vậy cần phải làm ngay. Quy hoạch ngầm là vấn đề rất cấp thiết trong vấn đề quy hoạch chung không gian đô thị. Không gian đô thị phải hiểu là không chỉ trên mặt đất mà cả dưới lòng đất nữa”.
Theo KTS Phạm Thanh Tùng, quy hoạch ngầm đô thị nó có tác động cực kỳ lớn đến kinh tế, xã hội, an ninh. Nhiều nước đã đưa cả siêu thị và giao thông xuống lòng đất.
Tại Hà Nội, nếu không có quy hoạch ngầm, sau này sẽ rất khó khăn cho vấn đề xây dựng, mặt khác, vấn đề ách tắc giao thông, chúng ta cũng mới chỉ tính bề nổi, chưa tính phía dưới. Ở các nước tiên tiến trên thế giới, họ có cả hệ thống tàu điện ngầm phía dưới nên chỉ chui lên mặt đất là vào được các khu đô thị, quảng trường, công viên, trường học, nhà ga,… Điều đó cho thấy, đô thị ngầm là rất quan trọng. Chính phủ cần phải triển khai, xây dựng hệ thống cơ sở pháp luật liên quan đến quy hoạch ngầm và quản lý quy hoạch ngầm.
Theo Luật Quy hoạch đô thị thì không gian ngầm là không gian dưới mặt đất được quy hoạch để sử dụng cho mục đích xây dựng công trình ngầm đô thị.
Theo nghị định 41/2007/NĐ-CP thì công trình ngầm là những công trình được xây dựng dưới đất tại đô thị. Qua nghiên cứu và trong thực tế triển khai thì công trình ngầm trong đô thị có thể phân thành các nhóm công trình sau: Công trình hạ tầng kỹ thuật bao gồm các công trình đường ống, cấp nước/thoát nước, cấp nhiệt, khí và công trình đường dây cấp điện, thông tin liên lạc, cáp quang… Công trình giao thông ngầm đô thị bao gồm: Hầm giao thông (hầm đường ô tô, hầm đường sắt đô thị – tàu điện ngầm, hầm cho người đi bộ), nhà ga, bến, bãi đỗ xe, các công trình phục vụ giao thông khác có liên quan; công trình công cộng ngầm (tổ hợp công trình ngầm đa năng) bao gồm các công trình văn hóa, thể thao, thương mại, dịch vụ, văn phòng có thể kết hợp bãi đỗ xe, ga tàu điện ngầm với các dịch vụ này… Phần ngầm của các công trình xây dựng. |
Thanh Trà/BXD