17/09/2018

Quy hoạch đô thị thích ứng ngập nước – một số kinh nghiệm quốc tế và khả năng ứng dụng tại TPHCM

(Tạp chí KTVN) – TPHCM đóng vai trò là đầu mối kinh tế – xã hội, giao thông chiến lược của vùng và cả nước. Với vị trí và vai trò quan trọng cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, TPHCM phải đối mặt với nhiều vấn đề về không gian đô thị, cơ sở hạ tầng và chất lượng môi trường sống đô thị, đặc biệt là tình trạng ngập nước tại các khu vực đô thị trong những năm gần đây. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ tự nhiên và nhân tạo, trong đó việc phát triển đô thị quá nhanh kết hợp hiện tượng mưa với vũ lượng lớn kết hợp với triều cường góp phần làm quá tải hệ thống thoát nước của thành phố. Bài toán đặt ra cho các cấp có thẩm quyền là phải có giải pháp mang tính chiến lược phù hợp với các đặc thù của đô thị TPHCM.

Các giải pháp giảm ngập nước hiện nay chủ yếu là các giải pháp công trình như nâng cao độ xây dựng, thoát nước bằng hệ thống cống, đê, xây dựng kè, hệ thống máy bơm… Các giải pháp mềm tạo không gian cho nước mưa chưa được nghiên cứu sâu để áp dụng và đưa vào quy định cụ thể. Trên thế giới, các giải pháp tạo không gian cho nước như hệ thống hồ điều tiết, các công trình đa chức năng kết hợp trữ nước mưa, các hệ thống trữ nước mưa trên mái nhà đã được nghiên cứu và áp dụng rộng rãi… Tại Việt Nam hiện nay, những giải pháp này chỉ mang tính tham khảovà chưa có tiêu chuẩn hay quy chuẩn bắt buộc áp dụng. Đối với khu vực đô thị, tốc độ bê tông hóa nhanh chóng làm giảm diện tích thấm nước, tăng tốc độ dòng chảy mặt đất góp phần làm quá tải hệ thống thoát nước hiện hữu và giảm bổ cập nguồn nước ngầm. Do đó, việc nghiên cứu quản lý rủi ro ngập nước đô thị và các giải pháp tiếp cận bền vững là rất cần thiết trong quá trình điều chỉnh các quy hoạch đô thị hiện nay tại TPHCM.

Vấn đề về ngập nước đô thị đã được quan tâm từ rất sớm tại các nước trên thế giới và đã có nhiều giải pháp được đưa ra. Các nghiên cứu hiện nay về biến đổi khí hậu và đô thị hóa đang chuyển dần từ phân tích ảnh hưởng (Impacts) sang nhận định khả năng thích ứng (Adaptation). Trong xu hướng nghiên cứu mới này, phát triển tác động thấp (LID – Low Impact Development) là một quan điểm mới được nhiều nhà khoa học ủng hộ và đưa vào các nghiên cứu thực nghiệm. Quan điểm này hướng tới những cách tiếp cận xanh trong quản lý thoát nước đô thị bằng cách tổ chức các công trình xây dựng và sử dụng đất phỏng theo hoạt động thủy văn tự nhiên nhằm giảm bớt dòng nước mưa chảy tràn. Theo Cơ quan bảo vệ Môi trường Liên bang Hoa Kỳ (USEPA), LID là một cách tiếp cận để phát triển (hoặc tái phát triển) “hợp tác” với thiên nhiên để quản lý nước mưa sao cho gần nhất với điều kiện tự nhiên của khu vực trước khi phát triển. LID sử dụng những nguyên tắc như bảo tồn và tái tạo lại các tính năng cảnh quan thiên nhiên, giảm thiểu bề mặt không thấm để tạo ra hệ thống các khu vực với chức năng thoát, thấm, cũng như xử lý nước mưa. LID có thể có nhiều tên gọi khác nhau tùy theo các nơi trên thế giới, như SUDS (Sustainable Urban Drainage Systems – Các hệ thống thoát nước đô thị bền vững), BMPs Best Management Practices (Các kỹ thuật quản lý nước tốt nhất), WSUD (Water Sensitive Urban Design – Thiết kế đô thị nhạy cảm nước), GI (Green Infrastructure – Cơ sở hạ tầng xanh). Tuy có nhiều cách đặt tên khác nhau, các thuật ngữ này đều để chỉ một hệ thống quản lý nước mưa, trong đó nhấn mạnh đến sự tích hợp với quy hoạch và phát triển đô thị.

Việc áp dụng LID để giảm thiểu vấn đề ngập nước được ghi nhận sớm nhất từ năm 1993 trong nghiên cứu về sử dụng ô trữ sinh học tại Maryland, Hoa Kỳ. LID đã được áp dụng tại đây như một cách để giảm thiểu tác động tiêu cực của đô thị hóa và vấn đề gia tăng bề mặt không thấm nước. Bằng cách bố trí các ô trữ sinh học, đầm cỏ, vườn mưa tại các khu dân cư, khu thương mại, giải pháp LID mang lại lợi ích như giảm lưu lượng dòng chảy mặt, tăng bổ cập nước ngầm, giảm ô nhiễm thông qua một loạt các quá trình thấm, lọc, hấp thu.

Quản lý nước mưa bền vững là ý tưởng dựa trên các quy định quốc tế và từ từng quốc gia. Châu Âu, ở Mỹ, và ở Úc, pháp luật về quản lý nước mưa được phát triển rộng rãi. Ở châu Âu, luật pháp về quản lý nước mưa phân tán là khá tiên tiến, thông qua Chỉ thị khung nước của Liên minh châu Âu. Theo đó đã yêu cầu tất cả các nước trong Liên minh châu Âu xây dựng luật pháp cho tất cả các vấn đề liên quan đến quản lý nước (bao gồm nước mưa). Chỉ thị khung nước của Liên minh châu Âu phục vụ cho việc tổ chức các khu vực quản lý, thúc đẩy truyền thông và hợp tác, xây dựng các mục tiêu cho việc bảo vệ và phục hồi các hệ thống nước (Khung Chỉ thị về Nước 2000). Các tiêu chuẩn về kiểm soát nước ở châu Âu trước đây tập trung vào nước uống, thủy sinh, tắm, nước ngầm, và nước sinh hoạt. Đạo luật Tài nguyên Nước Đức năm 2010 của Đức đưa ra các chỉ thị rõ ràng cho quản lý nguồn nước, bao gồm ô nhiễm và suy thoái nước ngầm, xử lý nước thải đô thị, bảo vệ môi trường, rủi ro lũ lụt và thiết lập các khuôn khổ cho các mạng lưới hành động cộng đồng. Vương quốc Anh mặc dù không bắt buộc nhưng Hệ thống thoát nước đô thị bền vững SUDS được nhắc đến như là giải pháp được ưa chuộng để quản lý nước mưa. Quy hoạch Đánh giá Tác động Môi trường xác định rằng SUDS có thể được sử dụng để giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và đô thị.

Chương trình Cơ sở hạ tầng Xanh của Thành phố New York là một nỗ lực do Cục Bảo vệ Môi trường dẫn đầu và các cơ quan đối tác thiết kế, xây dựng và duy trì một loạt các phương án cơ sở hạ tầng xanh bền vững như mái nhà xanh và vườn mưa trên đường phố, vỉa hè, trường học và khu vực công cộng. Cơ sở hạ tầng xanh thúc đẩy quá trình tự nhiên của nước bằng cách thu thập và quản lý dòng chảy của nước mưa từ đường phố, vỉa hè, bãi đậu xe, mái nhà và hướng nó vào các hệ thống thiết kế đặc trưng của môi trường đất, đá và thực vật. Việc sử dụng cơ sở hạ tầng xanh để giảm lưu lượng ô nhiễm thông qua hệ thống thoát nước mưa riêng. Ngoài các lợi ích về chất lượng nước, cơ sở hạ tầng xanh cũng làm đẹp đường phố và khu phố xung quanh trong khi vẫn cải thiện chất lượng không khí.

Trong những năm gần đây, tại châu Á, việc áp dụng LID cũng được quan tâm và thực hiện tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Malaysia, Singapore… trong đó điển hình là Hàn Quốc với rất nhiều nghiên cứu áp dụng LID gồm rãnh thấm, thùng chứa nước mưa, ô trữ sinh học. Các nghiên cứu cũng phân tích tác dụng giảm ngập với các trận mưa thiết kế có chu kỳ lặp lại 50 năm và 100 năm. Kết quả từ các mô hình cho thấy áp dụng LID sẽ giảm được khoảng 7 đến 15% lưu lượng cao điểm đối với các trận mưa. Nghiên cứu: “Xây dựng hệ thống thoát nước sinh thái tại Đại học Sain Malaysia” đã đưa ra kinh nghiệm của Malaysia trong việc tiến hành một số dự án thoát nước đô thị bền vững. Khu vực nghiên cứu được lựa chọn là khuôn viên trường Đại học Kỹ thuật USM, ở quận Seberang Perai Selatan, Penang, Malaysia. Khu vực rộng khoảng 128 ha và khá bằng phẳng. Mục tiêu của dự án là phát triển và đánh giá việc thay thế hệ thống thoát nước thông thường bằng một hệ thống thoát nước bền vững phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương. Các kỹ thuật được áp dụng là ao thực vật, thùng chứa nước mưa và ô trữ sinh học. Nghiên cứu cũng sử dụng phương pháp mô hình hóa mô phỏng lưu vực thoát nước của khu vực, dự báo với lượng mưa tần suất 10 năm với bước thời gian 60 phút. Kết quả các kỹ thuật LID có khả năng giảm lũ và quản lý nước mưa tại nguồn. Bằng phương pháp lấy mẫu phân tích, nghiên cứu cũng cho thấy các kỹ thuật LID hiệu quả trong việc xử lý các chất ô nhiễm trong nước mưa như SS, DO, BOD, COD, NH3-N.

Thành phố Portland, Bang Oregon, Hoa Kỳ được xem là thành phố tiên phong trong việc quản lý nước mưa với phương pháp tiếp cận sáng tạo. Các dự án quản lý nước ở Portland đã đạt được mục tiêu quản lý nước mưa cả về chất lượng và số lượng. Các kỹ thuật kiểm soát nước mưa cũng được sử dụng cho các khu vực công cộng và giáo dục. Chương trình hạ tầng xanh và quản lý nước mưa bền vững kết hợp với giáo dục cộng đồng được thực hiện từ năm 2008 đến năm 2013. Diện tích mặt nước 28.6km2, tổng diện tích khu vực 376.5km2, dân số 582.130 người, lượng mưa trung bình năm là 940mm.Thành phố Portland đã sử dụng cách tiếp cận quản lý nước bền vững không chỉ để quản lý nước mưa và cung cấp không gian mở. Một nửa Portland sử dụng hệ thống cống thoát nước chung, và một nửa sử dụng hệ thống cống tách riêng nước mưa và nước thải. Portland xây dựng các cống ngầm lớn để thu và chuyển nước thải đi xử lý, nhưng cũng sử dụng các giải pháp phân cấp như đường phố xanh, thảm xanh (thường gọi là mái nhà xanh), vườn mưa, ao chứa và các đường ống trữ nước mưa trên mái nhà để giữ nước mưa kéo dài thời gian nước mưa xuống cống rãnh. Trong năm 2008, thị trưởng thành phố đã đề ra ý tưởng Grey to Green, với ngân sách 50 triệu USD trong 05 năm để tăng tỷ lệ không gian xanh trong thành phố. Cho đến năm 2013, có 43 mẫu mái sinh thái, 50.000 cây đường phố và 920 đường phố xanh được thực hiện.Chương trình Disconnect Downspouts Program với mục đích giữ lại nước mưa trên mái nhà. Để thúc đẩy việc các chủ sở hữu đóng góp vào việc quản lý nước mưa, Thành phố giảm phí xử lý nước cho các chủ sở hữu này để nước mưa không đi vào hệ thống cống rãnh của Thành phố và đây là cơ hội để cải thiện môi trường sống ví dụ như là nước dội, xả, hoặc rửa mái nhà.

image002

Bắt đầu từ năm 2002 với ngân sách 2,6 triệu USD, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), đã triển khai hơn 25 dự án công cộng và tư nhân sáng tạo trên toàn thành phố. Ngoài ra, thành phố đã ban hành một loạt các tài liệu và tờ thông tin đưa ra các phương pháp khác nhau để phân cấp quản lý nước mưa và tích hợp nó vào cơ sở hạ tầng của thành phố. Bên cạnh việc cung cấp thông tin và gây quỹ, Thành phố Portland còn giáo dục cộng đồng bằng cách tạo điều kiện cho người dân vui chơi trong khi được tìm hiểu về giải pháp quản lý nước bền vững, bao gồm các tour du lịch bằng xe đạp, đi bộ, triển lãm Landscapes For Rain. Trên trang web Dịch vụ môi trường cung cấp bản đồ đi bộ và đi xe đạp để tham quan các kỹ thuật quản lý nước khác nhau.

Các sáng kiến được thực hiện bởi Thành Phố Portland có ý nghĩa rất lớn ảnh hưởng đến cách quy hoạch và thiết kế cảnh quan đô thị. Mục đích của họ là mang lại không gian đô thị, trước đây là bề mặt không thấm nước, trở nên gần gũi với thiên nhiên. Bằng cách xây dựng các khu thấm lọc dọc đường phố, trồng thảm thực vật trên mái nhà, trồng cây bên lề đường và bố trí không gian xanh, không gian công cộng của thành phố đã làm tăng sức hút của các khu vực công cộng. Một trong những lý do quan trọng nhất khiến thành phố lựa chọn giải pháp phân cấp là giảm chi phí so với các giải pháp thông thường. Thành Phố Portland tích hợp các ý tưởng về quản lý nước mưa phân tán với các mục tiêu quy hoạch và phát triển đô thị. Điều này được thể hiện qua chiến lược phân cấp để giảm áp lực đối với cơ sở hạ tầng nước mưa, đáp ứng mục tiêu quy hoạch không gian mở. Các mái nhà xanh, các khu vực thấm tự nhiên, vật liệu bề mặt thấm, và các biện pháp khác đều góp phần vào việc quản lý bền vững tài nguyên nước và khi tích hợp với quy hoạch đô thị hoặc thiết kế cảnh quan sẽ làm cho thành phố trở nên hấp dẫn hơn.

Portland đã rất thành công khi sử dụng hai phương pháp để giải quyết các vấn đề liên quan đến áp lực quá mức lên hệ thống thoát nước địa phương trong thời gian mưa lớn bao gồm: mở rộng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải (giải pháp thông thường); thực hiện giám sát, tính toán lượng nước mưa theo lưu vực và thực hiện các biện pháp phân cấp. Tác động kết hợp của nhiều biện pháp ở quy mô nhỏ, cục bộ đã làm giảm áp lực lên hệ thống cống thoát nước chung.

Rotterdam đã phát triển một phương pháp tiếp cận toàn diện về quy hoạch không gian và quản lý nước. Là một thành phố đồng bằng, Rotterdam từ lâu đã coi nước là một trong những điểm thu hút chính của mình, Rotterdam sử dụng nước làm cơ hội, tập trung vào các chiến lược quản lý an toàn khi cải thiện cảnh quan thành phố và khuyến khích tương tác với nước. Mục đích của Rotterdam bao gồm:

  • Bảo vệ: Bảo vệ Rotterdam chống lại lũ lụt, cả trong và ngoài đê.
  • Nước sạch: Đảm bảo chất lượng nước theo yêu cầu của Chỉ thị khung về nước của châu Âu để cải thiện tiện ích của thành phố.
  • Thành phố hấp dẫn: Lồng ghép quy hoạch đô thị với quản lý nước để giải quyết các vấn đề về nước và tăng cường sự hấp dẫn của thành phố như là một nơi để sinh sống, làm việc và thư giãn.
  • Cống rãnh: Tổ chức lại dòng chảy nước mưa thông qua các giải pháp phù hợp đối với từng khu vực cụ thể.

Một trong những giải pháp sáng tạo nhất được sử dụng bởi Thành phố Rotterdam là “quảng trường nước”. Giải pháp này góp phần nâng cao chất lượng không gian công cộng và sử dụng các hệ thống kỹ thuật để quản lý nước mưa. Trong thời gian không mưa, quảng trường được sử dụng làm không gian mở công cộng, trong khi mưa lớn quảng trường được sử dụng để lưu trữ nước mưa tạm thời.

image004

Mô hình thí điểm của “Quảng trường nước” bao gồm sân thể thao, sân chơi được thiết kế thấp hơn mặt đất khoảng 1m và được chia thành các khu vực khác nhau. Trong mùa khô thì khu vực này phục vụ giải trí, sau đó thay đổi chức năng vào mùa mưa. Vào mùa mưa, nước chảy tràn vào quảng trường này, bắt đầu lắp đầy vào khu vực ao nhỏ, rãnh được bố trí trong khu vực này. Khi mưa lớn hơn thì các khu vực sân thể thao cũng bị lắp đầy và lượng nước mưa tối đa có thể chứa lên đến 1000m3. Khi mưa kết thúc, nước mưa sẽ được giữ lại trong vài giờ và thoát vào hệ thống cống rãnh.

Hình ảnh nhìn từ trên cao của “Quảng trường nước” mùa khô, lúc mưa nhỏ và mưa lớn (từ trái qua phải)

Hình ảnh nhìn từ trên cao của “Quảng trường nước” mùa khô, lúc mưa nhỏ và mưa lớn (từ trái qua phải)

Rotterdam là một thành phố thấp hơn mực nước biển nên không thể thoát nước đi nơi khác và đối diện với vần đề ngập do mưa lớn kết hợp với gia tăng mực nước biển gây đe dọa hệ thống đê. Thành phố phải đề ra chiến lược “thành phố nhạy cảm nước”, tức là nâng đê và tạo ra các khu vực trữ nước tạm thời trong thành phố. Các vùng ngoại ô phải xây dựng vùng đệm nước bên cạnh những giải pháp nhỏ gọn được bố trí với mật độ dày đặc hơn trong khu vực trung tâm như mái nhà xanh, ô trữ nước, vùng trữ nước tạm trên đường giao thông và các hầm để xe.

Mục tiêu tổng quát Rotterdam đặt ra là phát triển các giải pháp chiến lược thích hợp cho từng khu vực. Trong giai đoạn lập quy hoạch, thành phố bắt đầu nghiên cứu các giải pháp thiết kế đa chức năng để lưu trữ nước trong khu vực đô thị dày đặc như ô trữ nước với kích cỡ và hình dạng khác nhau, rãnh chứa nước, tích hợp chứa nước mưa tại nhà để xe, mái nhà xanh. Rotterdam tạo ra nền tảng mới trong quản lý nước bền vững dựa vào các giải pháp phân cấp thông qua quy hoạch đô thị thông minh với sự hiện diện của mảng xanh và mặt nước. Các biện pháp mới được đề xuất là kết quả của sự hợp tác của các nhà quy hoạch, ban ngành và Ủy ban quản lý nước.

Thành phố Lodz, nằm ở trung tâm của Ba Lan, trước đây là một trung tâm sản xuất của ngành công nghiệp dệt. Những thay đổi kinh tế trong những thập niên cuối của thế kỷ 20 mang lại sự thay đổi đáng kể cho thành phố, Khu vực công nghiệp sụp đổ và dân số suy giảm. Các con sông, kênh rạch trong thành phố bị lấp và một số khu vực bị ô nhiễm do nước thải. Ngoài ra, phát triển đô thị dày đặc làm thay đổi cảnh quan đã dẫn đến lũ lụt theo mùa. Lodz lên kế hoạch phát triển để khôi phục các con sông và xem đây là yếu tố hấp dẫn quan trọng trong sự phát triển đô thị mới. Cảnh quan và các con sông bắt đầu được phục hồi tập trung vào các khía cạnh sinh thái. Được hỗ trợ bởi dự án nghiên cứu SWITCH, các nhà nghiên cứu từ Đại học Lodz và thành phố Lodz đã tham gia để bắt đầu một nhóm các bên liên quan địa phương từ các khu vực tư nhân và công cộng bao gồm chính quyền địa phương, các nhà cung cấp dịch vụ nước, các nhà ra quyết định, cũng như công dân tham gia vào các vấn đề nước ở đô thị để tiến tới mục đích chính của nhóm này là xác định các vấn đề ưu tiên cần giải quyết và đề ra kế hoạch không gian thống nhất cho thành phố, bao gồm việc thực hiện các giải pháp quản lý nước mưa bền vững và áp dụng các công nghệ sinh học để phục hồi chu trình nước và phục hồi các hệ sinh thái thủy sinh. Khái niệm quy hoạch tổng hợp nước và đô thị bao gồm:

– Xây dựng các khuyến nghị để bảo vệ, quản lý và phát triển không gian cho tất cả các hành lang sông ở Lodz;

– Xây dựng các khuyến nghị cho sự phát triển không gian của thành phố về quản lý nước mưa;

– Xây dựng khái niệm mới cho sự phát triển không gian của Lodz, có tính đến tầm quan trọng đặc biệt của nước và các khu vực xanh trong thành phố.

Áp dụng các giải pháp hệ thống trong quản lý và khôi phục dòng sông/quản lý lưu vực sông: một ví dụ về các lợi ích đa chiều cho môi trường đô thị và xã hội làm cơ sở cho việc thành lập “Green network” ở thành phố Lodz.

Sơ đồ chiến lược tổng hợp quản lý nước tại thành phố Lodz (thung lũng sông Sokolowka).

Sơ đồ chiến lược tổng hợp quản lý nước tại thành phố Lodz (thung lũng sông Sokolowka).

Khái niệm “Blue – Green Network” cho thấy cách tiếp cận tích hợp trong vấn đề quản lý nước và quy hoạch không gian đô thị trong thành phố. Lồng ghép nhu cầu của các cơ sở hạ tầng giải trí và giao thông với mục đích quản lý nước, khái niệm đã phát triển một sự kết hợp của các chức năng khác nhau trong không gian thành phố đáp ứng nhu cầu của người dân, môi trường tự nhiên, sự phát triển kinh tế và nâng cao giá trị hình ảnh của thành phố. Dựa trên khái niệm này, một tài liệu chiến lược tổng hợp tập trung vào quản lý nước trong thành phố và bao gồm các vấn đề nước, môi trường, cơ sở hạ tầng, kiến trúc, quy hoạch không gian và sự tham gia của công chúng được xây dựng. Kế hoạch này sẽ lồng ghép tất cả các yêu cầu của các bên liên quan. Bắt đầu với một nhóm các bên liên quan chủ chốt, bao gồm các ban ngành chính trong chính quyền thành phố và các nhà cung cấp dịch vụ nước (WWTP, các công ty cấp nước), các nhà nghiên cứu, truyền thông, trường học, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác. Các nhà nghiên cứu bao gồm các nhà sinh vật học, các nhà sinh thái học, các nhà thủy văn học, nhà khí hậu học, các nhà xã hội học, các nhà khoa học và kỹ sư y học, tất cả các công ty quy hoạch thành phố, tất cả các bên tham gia đã tham gia vào quá trình phát triển của “Blue – Green Network” và đóng góp cho sự phát triển của Lodz trở thành một thành phố bền vững.

Thành phố Lodz đã thành công khi đề ra được giải pháp tổng thể nhằm quản lý ngập nước mang tính chiến lược thông qua việc lồng ghép tất cả các yêu cầu của các bên liên quan vào một Kế hoạch thống nhất về không gian đô thị và chú trọng khía cạnh phục hồi sinh thái của khu vực.

Kinh nghiệm quản lý ngập nước thành công tại các thành phố trên thế giới đều cho thấy việc tiếp cận mềm cho việc thiết kế thoát nước là giải pháp bền vững và phù hợp nhất. Khung tiếp cận về quản lý rủi ro ngập nước cần được nghiên cứu cùng lúc với quá trình lập quy hoạch đô thị. Quá trình điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM (Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến 2025 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 24/QĐ-TTg 06/01/2010) cần xem xét vấn đề phân vùng quản lý rủi ro ngập nước là một ưu tiên hàng đầu trong nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch. Thông qua đó sẽ thiết lập bộ khung tiếp cận về ngập nước cho các khu vực khác nhau của thành phố. Các vấn đề này sẽ quyết định các nội dung quan trọng của điều chỉnh quy hoạch đô thị như định hướng không gian, mô hình phát triển đô thị và cơ cấu sử dụng đất. Mặc dù đặc thù đô thị TPHCM là rất khác biệt với đô thị tại các quốc gia phát triển, nhưng các giải pháp nêu trên vẫn có giá trị trong ứng dụng thực tiễn tại thành phố. Căn cứ theo từng khu vực hoặc lưu vực được xác định tại quy hoạch chung, thành phố cần đưa các nguyên tắc về thoát nuớc bền vững và trở thành các yêu cầu bắt buộc (Quy định do Uỷ ban nhân dân Thành phố ban hành) lồng ghép trong quá trình lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 và đặc biệt là quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho các dự án đầu tư.

Ngoài các chính sách và dự án được Thành phố triển khai thì sự tham gia của các nhà đầu tư phát triển đô thị là rất quan trọng. Các bên liên quan, bao gồm nhà nước, doanh nghiệp và người dân sẽ phối hợp cùng nhau hướng đến một đô thị thoát nước bền vững, hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực của ngập nước đến quá trình phát triển kinh tế xã hội và cuộc sống của nhân dân thành phố.

 

  • Các giải pháp kỹ thuật phổ biến bao gồm:

1. Ô trữ sinh học (Bioretention cell): Là khu vực trũng được thiết kế để thu nước mưa, cũng tại đây quy trình thấm lọc tự nhiên được thực hiện. Ô trữ sinh học có thể được bố trí xen kẽ với nhiều loại không gian kiến trúc đô thị như trong khu dân cư, khu thương mại, công viên các khoảng đất trống ven đường bãi đỗ xe…

2. Vỉa hè dễ thấm (Porours pavement): Từ năm 1999, Michel Legret đã có nghiên cứu về khả năng xử lý chất ô nhiễm và tổng lưu lượng dòng chảy tràn của vỉa hè bê tông lưới. Vỉa hè có lót bê tông lưới làm giảm đáng kể khối lượng dòng chảy tràn so với bê tông khối.ư

3. Không gian xanh đô thị (Urban Green Space): Maya P. Abi Aad vào năm 2007 đã so sánh khả năng kiểm soát nước mưa của Không gian xanh và thùng chứa nước mưa với mô hình SWMM. Kết quả nghiên cứu cho thấy không gian xanh có thể giảm cao nhất đỉnh dòng chảy cũng như lưu lượng dòng chảy.

image011

4.Thùng thu nước mưa hộ gia đình: (Rainwater Barrel): Thùng thu nước mưa có thể áp dụng cho khu dân cư, khu vực thương mại, công nghiệp để kiểm soát nước mưa từ mái nhà. Nước mưa thu được có thể dùng tưới vườn, nông nghiệp, vệ sinh, rửa xe… Lượng mưa vượt quá khả năng của thùng chứa sẽ được dẫn theo ống thoát vào hệ thống thoát nước chung.

image013

5. Ao thực vật (Vegetative Swale): Nước mưa chảy từ các tòa nhà, đường giao thông được các ao thực vật hoặc kênh hở giữ lại, qua đó làm giảm đỉnh lũ nhờ lưu giữ một khối lượng nước và một phần được thấm vào đất.

image015

6. Rãnh thấm (Infitration Trench): Rãnh thấm là một rãnh chứa đá, có ống thoát để tiếp nhận nước mưa. Nước mưa chảy tràn qua một số biện pháp tiền xử lý như ao thực vật hoặc ô trữ sinh học và chảy vào rãnh. Ngoài ra rãnh thấm còn bổ sung nước ngầm. Rãnh thấm thường được sử dụng tại những nơi có diện tích đất giới hạn, và thường ở những nơi có khí hậu ấm và khô cằn. Việc áp dụng rãnh thấm khá phổ biến, có thể dọc các đường giao thông.

image017

 

Ths.KTS Hoàng Tùng/Sở Quy hoạch-Kiến trúc TPHCM