06/12/2019

Quy hoạch đô thị “khai tử” di tích

Đó được xem là một trong những nguyên nhân được lãnh đạo Sở VHTT TPHCM khẳng định lại một lần nữa tại chương trình Lắng nghe và trao đổi tháng 12.2019 với chủ đề “Bảo tồn di sản văn hóa – Thực trạng và giải pháp” do HĐND TPHCM vừa phối hợp HTV tổ chức.

heo thống kê, TPHCM hiện có 172 di tích đã được xếp hạng, 100 công trình, địa điểm thuộc danh mục kiểm kê. Một số di tích trên địa bàn thành phố đã xuống cấp, thậm chí bị xâm hại, điển hình là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia chùa Giác Lâm (quận Tân Bình). Đây là ngôi chùa cổ, có lịch sử hình thành hơn 250 năm, đang lưu giữ 113 pho tượng cổ bằng gỗ mít và những hiện vật quý giá. Tương tự, tình trạng xâm hại cũng xảy ra tại di tích khảo cổ học quốc gia Lò gốm Hưng Lợi (quận 8); di tích quốc gia chùa Phụng Sơn (quận 11),…

Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia Hội quán Nhị Phủ TP.HCM đang được tu bổ tôn tạo

Di tích kiến trúc – nghệ thuật quốc gia Hội quán Nhị Phủ TPHCM đang được tu bổ tôn tạo

Di tích, công trình kiến trúc lâu đời đã bị xoá sổ

Theo ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VHTT TPHCM, thời gian qua, hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn đạt được kết quả đáng ghi nhận. Trong 10 năm qua, TP đã bố trí kinh phí hơn 500 tỉ đồng để tu bổ, tôn tạo 32 di tích. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, TP đã tập trung nguồn vốn hơn 200 tỉ đồng hoàn thành tu bổ, tôn tạo nhiều công trình, kiến trúc có giá trị. “Dù TP tiên phong trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị, nhưng công tác này thực tế cũng còn nhiều bất cập. Hiện nay có tới 18 di tích, công trình kiến trúc lâu đời đã bị xoá sổ hoàn toàn. Nguyên nhân do trong quá trình quy hoạch giao thông đô thị TP đã bỏ sót khu vực bảo vệ di tích; quá trình phân loại di tích, di sản chậm, dẫn đến việc nhiều di tích lại nằm trong khu vực quy hoạch”, ông Nam cho hay.

Đại diện các Sở, ban, ngành TPHCM cho rằng, TP đã và đang đối mặt với các vấn đề nan giải trong quá trình phát triển của một đô thị lớn. Do đó vấn đề bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị ngày càng khó khăn, phức tạp. Các di sản văn hóa, không gian kiến trúc đô thị có phần bị biến dạng, biến mất hoặc đang bị đe dọa trước áp lực về quá trình đô thị hóa, sức ép về tăng dân số, áp lực về quỹ đất để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế – xã hội TP. Bên cạnh đó, việc xây dựng các quy định về bảo tồn di sản còn chậm so với quá trình phát triển kinh tế – xã hội; công tác vận động các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý các công trình, địa điểm trong danh mục lập hồ sơ xếp hạng di tích còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng.

Giải pháp nào trong việc bảo tồn di sản văn hóa

Theo Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TPHCM Lê Tú Cẩm, di sản văn hóa là một ngành có thể khai thác theo hướng gắn với du lịch để thu hút du khách. Cụ thể, du khách đến tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh rất đông đảo, vì vậy nếu được đầu tư đúng, thì di sản sẽ giúp thu về tiền. Trong tổng số 172 di tích được xếp hạng nói trên, thực tế có khoảng 40 di tích, công trình địa điểm thực sự thu hút khách du lịch. Các di tích văn hóa ở TP rất phong phú về nội dung, số lượng và có bề dày lịch sử gắn liền với những nét đặc trưng nhất của người dân Nam Bộ. Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP nhấn mạnh rằng, “khi phát triển du lịch di sản thì có nguồn thu để bảo tồn. Nhưng chúng tôi thấy như vậy là chưa đủ. Nhiều di tích mới là tài nguyên mà chưa là điểm đến. Sở Du lịch đang nỗ lực biến những tài nguyên này thành điểm du lịch”.

Các đại biểu nhận định, một trong những bất cập hiện nay là Luật Di sản văn hóa chưa đưa ra đầy đủ các giải pháp định lượng, trách nhiệm cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước, chủ sở hữu di tích, cơ sở pháp lý và quy trình thực hiện cho việc bảo tồn di sản,… Bên cạnh đó, cơ quan quản lý còn thiếu nhân lực và điều kiện thực hiện bảo tồn di sản, việc quy hoạch và nhận diện di sản, di tích chưa thực hiện đến nơi đến chốn dẫn đến việc xuống cấp hoặc biến dạng nhưng không kịp thời phục dựng… Ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TP chỉ ra rằng cần tập trung 5 giải pháp trong việc bảo tồn và phát huy di sản trên địa bàn TP: Tăng cường quản lý nhà nước; nâng cao vai trò của cộng đồng; đẩy nhanh việc lập hồ sơ khoa học cho di tích, di sản; đầu tư ngân sách và đẩy mạnh xã hội hóa; tăng cường hợp tác trong và ngoài nước để thực hiện tốt hơn công tác bảo quản di tích, di sản. “TP chúng ta có 172 di tích thì mỗi hồ sơ phải có những chi tiết được bảo quản, trùng tu như thế nào, nâng cấp ra sao trong tổng thể, như vậy sẽ giúp cho người làm chủ di sản, di tích đó dễ dàng hơn trong công tác bảo quản, tu bổ và phát huy các giá trị”, ông Hải phân tích.

Với 320 năm hình thành và phát triển, vùng đất Gia Định – Sài Gòn – TPHCM đang lưu giữ nhiều tinh hoa di sản văn hóa đô thị. Đây chính là lợi thế, tiềm năng để xây dựng và phát triển các di sản thành những sản phẩm du lịch đặc trưng, đồng thời góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa riêng của TP.

Thuỳ Trang/Báo Văn hoá