Bộ Xây dựng vừa có công văn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đăng tải các đồ án quy hoạch chung, phân khu, quy hoạch chi tiết… lên Cổng thông tin điện tử của Bộ. Yêu cầu này nhằm, tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt.
Yêu cầu công khai quy hoạch
Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đăng tải thông tin hồ sơ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị lên Cổng thông tin điện tử.
Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Xây dựng và chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc, cơ quan chuyên môn đăng tải các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thuộc thẩm quyền phê duyệt cấp tỉnh, huyện quy định tại Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị lên Cổng thông tin điện tử quyhoach.xaydung.gov.vn.
“Nội dung thông tin đăng tải trong các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị bao gồm: Quyết định phê duyệt; Bản đồ hiện trạng; Sơ đồ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan; Bản đồ quy hoạch sử dụng đất; Bản đồ giao thông; Bản đồ tổng hợp đường dây, đường ống kỹ thuật; Thuyết minh tóm tắt…”, công văn Bộ Xây dựng nêu rõ.
Người dân khu đô thị Ciputra phản đối chủ đầu tư đang tìm cách điều chỉnh giai đoạn 2 vì cho rằng việc điều chỉnh là chạy theo lợi ích của nhà đầu tư. Điều đáng nói, từ việc xin ý kiến điều chỉnh quy hoạch lần này, cư dân lại phát lộ ra việc chủ đầu tư đã nhiều lần xin điều chỉnh quy hoạch nhiều ô đất mà không lấy ý kiến người dân.
Công văn được ban hành nhằm thực hiện Nghị quyết số 83/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ xây dựng Cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Người dân “đói” và bị bưng bít về thông tin quy hoạch
Liên quan đến vấn đề quy hoạch xây dựng, Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ trước đó đã chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập trong công tác quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt như việc lập quy hoạch đô thị chưa đồng bộ; chất lượng một số quy hoạch chưa cao, thiếu tính khả thi.
Đặc biệt, công tác điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại các đô thị lớn, tập trung đông dân cư còn tùy tiện, có xu hướng gia tăng dân số, tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, gây quá tải hạ tầng đô thị…
Thời gian gần đây, ngay trên địa bàn Hà Nội, việc nhiều nhà đầu tư, nhiều khu đô thị xin điều chỉnh quy hoạch trở thành điểm “nóng” về an ninh trật tự khi người dân không đồng tình xuống đường băng rôn phản đối vì cho rằng việc điều chỉnh sẽ phá vỡ quy hoạch ban đầu, gây quá tải lên hạ tầng đô thị, thay đổi quy hoạch nhằm phục vụ lợi ích nhóm của nhà đầu tư, không vì lợi ích của cư dân.
Đơn cử như tại Khu đô thị Nam Thăng Long Ciputra; Khu đô thị Đoàn ngoại giao, Khu đô thị mới Trung Hòa-Nhân Chính, Khu đô thị Mổ Lao, Khu đô thị Linh Đàm…
Mặc dù thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có tác động rất lớn tới quyền lợi của người dân và công tác công bố thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được quy định rất cụ thể, là yêu cầu bắt buộc trong Luật Đất đai, Luật Phòng chống tham nhũng và nhiều văn bản pháp lý khác nhau, nhưng trên thực tế, việc thực hiện còn nhiều hạn chế.
Khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) vốn chật chội, bức bí nhưng mới đây chủ đầu tư xin “nhồi” thêm cao ốc cao 18-23 tầng tại khu đất dịch vụ thương mại vốn được quy hoạch 3 tầng đã khiến cư dân bức xúc, kịch liệt phản đối. Hiện Chủ tịch Hà Nội đã yêu cầu làm đúng quy hoạch tại khu đô thị này.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, hệ quả từ việc thiếu thốn các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tạo ra rủi ro cho các giao dịch chuyển nhượng đất đai, đồng thời tiềm ẩn những nguy cơ về tham nhũng. Đơn cử có thể nhìn thấy ngay là việc khi muốn mua quyền sử dụng một mảnh đất, phần lớn người tham gia giao dịch khó kiểm chứng được miếng đất đó có tranh chấp hay giải tỏa gì không.
Tại quy định hiện hành, với thông tin quy hoạch, Phòng Tài nguyên – Môi trường của quận/huyện nơi mảnh đất tọa lạc sẽ nắm thông tin này và sẽ cung cấp thông tin khi có yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, không dễ để người dân có được thông tin từ cơ quan chức năng nêu trên.
“Ngoài việc chồng chéo dữ liệu giữa UBND cấp xã, Phòng Tài nguyên – Môi trường và các phòng/văn phòng công chứng, thì không ngoại trừ trường hợp gây khó dễ để đòi “phí lót tay”. Cũng không ngoại trừ một số lãnh đạo địa phương ém nhẹm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không công bố rộng rãi, mà chỉ cung cấp cho một số nhà đầu tư, nhằm đầu cơ trục lợi”, vị chuyên gia cho biết.
Trong khi đó, ông Đỗ Viết Chiến – Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được minh bạch thông tin, công khai rộng rãi sẽ góp phần giảm khiếu kiện về đất đai. Nhưng trên thực tế, đã có nhiều bài học về sự buông lỏng quản lý, thiếu định hướng trong quy hoạch, không công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kịp thời dẫn đến nhiều hệ lụy, những vụ khiếu kiện đông người, kéo dài.
Ninh Phan/Tiền Phong