Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương: Nhiều ý tưởng cho đô thị Huế trong tương lai
Hội thảo cuối kỳ về “Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương và dự án thí điểm” nhằm chia sẽ định hướng phát triển đô thị Huế trong tương lai theo xu hướng bền vững về môi trường, văn hóa, lịch sử và kiến trúc vừa được UBND TP Huế và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp tổ chức cuối tuần qua tại TP Huế (Thừa Thiên – Huế).
Lấy khu vực trung tâm thành phố làm điểm nhấn
Dự án “Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương và dự án thí điểm” do KOICA tài trợ với tổng kinh phí 6 triệu USD. Dự án nghiên cứu, quy hoạch có chiều dài 15km dọc tuyến sông Hương, đoạn từ đồi Vọng Cảnh đến phố cổ Bao Vinh, bao gồm cả cồn Hến và cồn Dã Viên. Bề rộng của mỗi bên sông tiếp cận đến các tuyến đường dọc hai bờ sông hoặc cách mép sông trung bình mỗi bên khoảng 100m.
Phạm vi lập quy hoạch thuộc phạm vi quản lý hành chính của TP Huế và một phần của thị xã Hương Trà và huyện Phú Vang. Diện tích khu vực lập quy hoạch gần 840ha, trong đó diện tích đất dọc hai bờ sông hơn 313ha, diện tích đất Cồn Hến trên 26ha, diện tích đất cồn Dã Viên 11ha, diện tích mặt nước của sông Hương 485ha. Quy mô dân số khoảng 14 nghìn người.
Dự án “Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương” nhằm thiết lập quy hoạch phù hợp với sự phát triển của đô thị Huế trong tương lai theo xu hướng bền vững về môi trường, văn hóa, lịch sử và kiến trúc.
Quy hoạch chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm TP Huế và dọc hai bên bờ Bắc – Nam sông Hương làm chủ đạo. Ở khu vực bờ Bắc sông Hương hình thành nên cảnh quan dọc bờ sông từ đường Lê Duẫn đến đường Trần Hưng Đạo đối diện với Hoàng thành (Đại nội Huế) với công viên Thương Bạc, công viên Phú Xuân, chợ Đông Ba được kết nối bằng tuyến đi bộ ven sông và các công trình thương mại, dịch vụ…
Khu vực bờ Nam sông Hương phân bố thành các trục chức năng thương mại, khách sạn và văn hóa kết nối với các công viên 3/2, công viên số 19 Lê Lợi, công viên Tứ Tượng, công viên Lý Tự Trọng được phân bố dọc theo trục đường Lê Lợi. Đồ án đã đề xuất mở rộng đường Lê Lợi gắn với các khu vực phát triển du lịch.
Đồng thời cần có phương án tái sử dụng đối với một số khu vực được quyết định di dời với một phần chức năng hành chính. Khai thác phát triển thành chức năng phục vụ du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ tổng hợp, công trình văn hóa, đường đi bộ, quảng trường, bãi đỗ xe, điểm xanh, công trình công cộng… đối với cồn Hến và cồn Dã Viên.
Tạo điểm nhấn cho đô thị Huế
Dự án thí điểm được xây dựng ở trung tâm TP Huế với tuyến đường đi bộ bằng gỗ lim dọc sông Hương để tạo không gian điểm nhấn nhằm phục vụ giải trí, khu vui chơi cho du khách khi đến tham quan thành phố. Dự án tạo kết nối với các công viên ven sông giúp người dân, du khách đi lại thuận tiện, thoải mái.
Ở khu vực quảng trường bến thuyền, bậc thang không gian để tổ chức sự kiện, ăn uống… Khu vực cầu đi bộ sẽ bố trí xây dựng vườn thực vật thủy sinh ở một phần khu vực dọc sông. Kết nối với chân cầu Phú Xuân với vỉa hè hai bên trái tuyến.
Ở khu vực chân cầu Phú Xuân – sân khâu biểu diễn ngoài trời cho phép bố trí bến thuyền quy mô nhỏ ở khu vực cuối cầu đi bộ, xem xét địa hình bố trí các băng ghế ở phía Nam sân khấu, đồng thời sử dụng vật liệu phù hợp để phân biệt với cầu đi bộ.
Ông Kim Jin-oh – Trưởng đại diện KOICA tại Việt Nam nhấn mạnh: Dự án “Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương và dự án thí điểm” với tư cách là dự án nối tiếp của Đồ án “Quy hoạch xây dựng và cải thiện chung TP Huế”, góp phần vào việc phát triển cân bằng đô thị với ý nghĩa “phát triển và bảo tồn”, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua mô hình phát triển trung tâm sông Hương.
Với dự án thí điểm đã xây dựng tuyến đường đi bộ dài gần 400m góp phần hoàn thành tuyến đường đi bộ dài 1,9km bắt đầu tư phía Nam TP Huế tạo ra một tuyến đường du lịch và không gian văn hóa đặc trưng của thành phố. Dự án đã tạo sự kết nối liên tục các tuyến đường đi bộ với công viên giúp người dân thuận tiện đi lại…
Thông qua dự án hy vọng góp phần đưa TP Huế không những trở thành trung tâm văn hóa và du lịch tiêu biểu của cả nước mà còn trở thành điểm đến du lịch quốc tế.
Phát biểu tại Hội thảo ông Nguyễn Văn Thành – Chủ tịch UBND TP Huế cho biết: Dự án “Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương và dự án thí điểm” là dự án do Chính phủ Hàn Quốc tải trợ không hoàn lại. Dự án cơ bản hoàn thành, hiện đang lập thủ tục thẩm định và phê duyệt. Dự án thí điểm đã hoàn thành và đang chờ hoàn thiện một số hạng múc phụ trợ để bàn giao đưa vào khai thác sử dụng.
Trên cơ sở Đồ án “Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương”, UBND thành phố đang triển khai xây dựng, chỉnh trang công viên Tứ Tượng, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, lắp đặt hệ thống camera giám sát, điện chiếu sáng nghệ thuật cầu Trường Tiền, xây dựng đường đi bộ ven sông trong khuôn viên công viên Lý Tự Trọng để kết nối với dự án cầu gỗ lim.
Hình thành tuyến đường kết nối các khu vực bờ Nam, từ khu vực phố đi bộ Võ Thị Sáu, Chu Văn An, Phạm Ngũ Lão đến phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, công viên 3/2, Tứ Tượng, Lý Tự Trọng… Các hạng mục chỉnh trang hai bờ sông Hương hoàn thiện sẽ trở thành trục cảnh quan chính tạo sự thay đổi cho bộ mặt đô thị Huế.
Tại buổi thảo luận các chuyên gia và các sở, ngành, địa phương đã đánh giá cao kết quả “Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương và dự án thí điểm”.
Dự án phê duyệt là cơ sở pháp lý để tỉnh kêu gọi đầu tư và tạo điều kiện cho TP Huế triển khai các dự án chỉnh trang đô thị phù hợp với quy hoạch. Tạo điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan cho khu vực trung tâm của TP Huế.
Trí Đức/BXD