09/10/2015

Quy chuẩn, Tiêu chuẩn trong thiết kế trường học

Theo số liệu “Thống kê Giáo dục và Đào tạo” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2013 -2014 cả nước có 13.514 trường Mẫu giáo, Mầm non; 15.361 trường Tiểu học; 10.847 trường Trung học cơ sở; 2708 trường Trung học phổ thông; 294 trường Trung cấp chuyên nghiệp; 215 trường Cao đẳng và 204 trường Đại học. Với thực trạng cơ sở vật chất trường lớp các cấp phát triển như hiện nay, nhu cầu về xây dựng, cải tạo, quy hoạch thiết kế đang gia tăng đáng kể. Một trong những khâu quan trọng nhất của quá trình thực hiện mục tiêu nhằm đảm bảo chuẩn cơ sở vật chất và môi trường học tập cho thế hệ tương lai của đất nước theo Đề án Quốc gia “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”, chính là việc soát xét, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thiết kế công trình trường học – thực tiễn áp dụng và giải pháp hoàn chỉnh là những căn cứ pháp lý hàng đầu.

Trường học xây dựng trong khu đô thị mới tp Hà Nội

Trường học xây dựng trong khu đô thị mới tp Hà Nội

Tổng quan về hệ thống Quy chuẩn, Tiêu chuẩn thiết kế trong lĩnh vực công trình trường học
Hiện nay, ngoài bộ Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, trong đó các công trình trường học được nêu chung ở phần các công trình dân dụng (tập 2, năm 1997), tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về thiết kế các công trình giáo dục bao gồm những tiêu chuẩn (hiện hành) sau: TCVN 3907:2011 “Trường Mầm non – Yêu cầu thiết kế”, TCVN 8793:2011 “Trường Tiểu học – Yêu cầu thiết kế”, TCVN 8794:2011 “Trường Trung học – Yêu cầu thiết kế”, TCVN 3981:1985 “Trường Đại học – Tiêu chuẩn thiết kế”, TCVN 4602:2012 “Trường Trung cấp chuyên nghiệp – Tiêu chuẩn thiết kế”, TCVN 9210:2012 “Trường Dạy nghề – Tiêu chuẩn thiết kế”. (Ngoài ra, còn có TCVN 5719:1993 “Phòng học Trường phổ thông cơ sở – Yêu cầu vệ sinh học đường”, được coi như một phần yêu cầu riêng đối với phòng học).
Như vậy, so với các cấp học và cơ sở giáo dục tương ứng được quy định trong Luật Giáo dục 2005 (số 38/2005/QH 11)thì hệ thống văn bản Tiêu chuẩn thiết kế về cơ bản là đáp ứng được. Hiện chỉ còn thiếu Tiêu chuẩn thiết kế đối với những mô hình trường ít phổ biến hơn như: Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Học tập cộng đồng, Các loại trường chuyên biệt khác (Phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; trường phổ thông chuyên; trường năng khiếu nghệ thuật, thể thao; trường dành cho người khuyết tật).
Nhìn chung, về cấu trúc nội dung và hàm lượng, các Tiêu chuẩn thiết kế hiện hành đều đã thể hiện được những nội dung cơ bản, cần thiết khi thiết kế từng loại hình trường. Đó là những phần về Quy định chung; Yêu cầu về khu đất xây dựng và tổng mặt bằng; Nội dung công trình và yêu cầu, giải pháp thiết kế kiến trúc; Yêu cầu thiết kế hệ thống kỹ thuật; Yêu cầu về công tác hoàn thiện.Theo đó, ở phần “nội dung công trình và yêu cầu giải pháp thiết kế kiến trúc” về cơ bản, bao quát được hầu hết các hạng mục, công trình đặc thù của từng loại hình trường cũng như sự khác biệt về dây chuyền công năng của mô hình trường học đó. Các Tiêu chuẩn hiện hành (ngoại trừ TCVN 3981:1985) hầu hết đều được biên soạn lại và ban hành sau khi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (Luật 68/2006/QH 11) có hiệu lực. Do đó, phần biên soạn đã cập nhật được các quy định mới theo Luật, thống nhất để có thể áp dụng.
Tuy nhiên, các Tiêu chuẩn hiện hành chủ yếu là các Tiêu chuẩn sửa đổi, thay thế sau khi soát xét đối với các tiêu chuẩn trước đó. Việc biên soạn Tiêu chuẩn (TCVN 3981:1985 “Trường Đại học – Tiêu chuẩn thiết kế”, có niên hạn biên soạn quá lâu vẫn chưa thể tiến hành soát xét, thay thế. Cũng ở đây, mức độ sửa đổi cũng chưa thật thống nhất như đã thể hiện ở từ ngay tên gọi (Không có sự khác biệt giữa “Yêu cầu thiết kế” và “Tiêu chuẩn thiết kế”). Đây chính là sự hạn chế về mức độ cập nhật cũng như tính thời sự thường gặp phải trong thực tiễn áp dụng Tiêu chuẩn thiết kế.

Công trình trường học xanh tại Bình Dương

Công trình trường học xanh tại Bình Dương

Thực tiễn áp dụng hệ thống tiêu chuẩn thiết kế trong các công trình giáo dục
Thứ nhất, trong khi ngành giáo dục trong và ngoài nước đã có nhiều cuộc cải cách đáng kể về nội dung, chương trình, niên chế cũng như mô hình trường, cơ sở giáo dục thì hệ thống tiêu chuẩn thiết kế công trình trường học vẫn còn chưa theo kịp với những thay đổi đó. Có thể lấy ví dụ như trong các trường phổ thông khi học chế thay đổi với chương trình học 2 buổi /ngày đã xuất hiện nhu cầu bán trú cũng như các diện tích chức năng tương ứng, hay sự thay đổi về phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm ở cấp trung học, rồi khái niệm mới về lớp học thông minh, lớp học linh hoạt theo phương pháp lấy học sinh làm trung tâm… đã làm thay đổi các yêu cầu về kích thước phòng học. Hay như ở bậc đại học, học chế tín chỉ đã làm thay đổi cơ bản không chỉ ở chương trình, mà còn tác động đến cấu trúc lớp học, giảng đường và các không gian chức năng khác cũng như những yêu cầu thiết kế chúng.
Thứ hai, do các tiêu chuẩn thiết kế mang tính sửa đổi, việc soát xét lại không được thực hiện định kỳ, như đã đề cập, tính lạc hậu trong nội dung là khó tránh khỏi, đặc biệt đối với tiêu chuẩn thiết kế các mô hình trường có nhiều nội dung chức năng mới như Trường trung cấp chuyên nghiệp hay trường Dạy nghề.
Thứ ba, vấn đề còn khá bất hợp lý trong tất cả các tiêu chuẩn (kể cả quy chuẩn) về trường học các cấp là các quy định về chỉ tiêu đất tính trên đầu học sinh, sinh viên và tầng cao khống chế đối với các công trình trong khuôn viên trường. Ở hầu hết các tiêu chuẩn hiện hành chưa căn cứ trên những cơ sở khoa học mà vẫn còn định tính, chủ yếu dựa trên xu hướng do những khó khăn về quỹ đất.
Thứ tư, trong các bộ tiêu chuẩn hiện hành còn thiếu những tiêu chuẩn mang tính nâng cao theo xu hướng phát triển tất yếu như Trường học Xanh, Trường học Mở… hoặc những tiêu chuẩn mang tính xã hội, cộng đồng như những yêu cầu nhằm đảm bảo giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật.
Thứ năm, hiện nay, bên cạnh hệ thống tiêu chuẩn thiết kế (mà các cơ quan quản lý xây dựng các cấp thường căn cứ để làm cơ sở xem xét thẩm định hoăc cấp phép) còn có những quy định về chuẩn cơ sở vật chất nhà trường của các Bộ, Ngành quản lý (Điều lệ trường học các cấp, Quy định về trường chuẩn quốc gia, Quy định về vệ sinh học đường)… Những điểm khác biệt giữa các văn bản này thường làm khó cho việc áp dụng tiêu chuẩn thiết kế.
Thứ sáu, việc quy định bắt buộc và tự nguyện, trong Luật đối với quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế chưa được hiểu một cách thống nhất giữa người quản lý, chủ đầu tư và người thiết kế. Bên cạnh đó, mặc dù Bộ Xây dựng cũng đã có Thông tư số 40/2009/TT–BXD “Quy định việc áp dụng tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài trong hoạt động xây dựng ở Việt nam” rộng đường cho việc thiết kế các công trình trường học chất lượng cao, nhưng thường chỉ có khả năng thực hiện đối với các trường thuộc khối tư thục.
Thứ bảy, Hệ thống tiêu chuẩn thiết kế cho trường học các cấp còn chưa đồng bộ về các mức chi tiết theo thông lệ quốc tế: Quy chuẩn, Tiêu chuẩn-Tiêu chuẩn thiết kế -Yêu cầu thiết kế và Hướng dẫn thiết kế. Trong đó, Hướng dẫn thiết kế là rất cần cho người thiết kế với những khả năng áp dụng các tiêu chuẩn khác nhau.
Trường học là một loại hình công trình công cộng rất phổ biến và hiện đang có nhu cầu xây dựng phát triển rất lớn. Tiêu chuẩn thiết kế không những cần thiết cho người trong cuộc mà còn góp phần xây dựng cho xã hội nói chung, những mô hình trường hợp lý, hiện đại, phù hợp với điều kiện sinh khí hậu Việt Nam và bắt kịp với xu hướng tiên tiến trên thế giới. Đã đến lúc tiêu chuẩn thiết kế trường học các cấp phải có cách tiếp cận mới, đồng bộ, không chỉ dừng lại ở soát xét, sửa đổi những tiêu chuẩn của ngày hôm qua. Đây cũng là một bước đi quan trọng, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu của đề án Quốc gia “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”./.

Trong khi ngành giáo dục trong và ngoài nước đã có nhiều cuộc cải cách đáng kể về nội dung, chương trình, niên chế cũng như mô hình trường, cơ sở giáo dục thì hệ thống tiêu chuẩn thiết kế công trình trường học vẫn còn chưa theo kịp. Do các tiêu chuẩn thiết kế mang tính sửa đổi, việc soát xét lại không được thực hiện định kỳ, như đã đề cập, tính lạc hậu trong nội dung là khó tránh khỏi, đặc biệt đối với tiêu chuẩn thiết kế các mô hình trường có nhiều nội dung chức năng mới như Trường trung cấp chuyên nghiệp hay trường Dạy nghề. Trong các bộ tiêu chuẩn hiện hành còn thiếu những tiêu chuẩn mang tính nâng cao theo xu hướng phát triển tất yếu như Trường học Xanh, Trường học Mở… hoặc những tiêu chuẩn mang tính xã hội, cộng đồng như những yêu cầu nhằm đảm bảo giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật.

TS.KTS Trần Thanh Bình

Tạp chí Kiến trúc Việt Nam