02/06/2015

Quỹ bảo trì chung cư: Khó do thiếu chế tài?

Sự chây ỳ, chậm chễ trong việc thành lập Ban quản trị được cho là nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu minh bạch trong quản lý, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư. Người dân đề nghị cần sớm có chế tài xử phạt để tránh tình trạng này tiếp tục tái diễn.

5

Câu chuyện lợi ích

Việc quản lý sử dụng nhà chung cư, tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu Ban quản trị đã được quy định tại Luật Nhà ở 2005. Cùng với đó, Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư do Bộ Xây dựng đã được ban hành tại Quyết định 08/2008/QĐ-BXD ngày 28/5/2008. Tại Hà Nội, UBND Thành phố cũng đã ban hành Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư tại Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 04/01/2013.

Theo đó, trách nhiệm quản lý nhà chung cư trên địa bàn trong đó có việc thành lập các Ban quản trị thuộc trách nhiệm của Chủ đầu tư và UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn nơi có nhà chung cư; đồng thời cũng có trách nhiệm của các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm tháng 4/2015, mới chỉ có 36% trong tổng số chung cư đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng trên địa bàn Hà Nội thành lập được Ban quản trị theo quy định.

Theo tìm hiểu của Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, nguyên nhân chính của tình trạng này là do một số chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định của pháp luật, cố tình trây ỳ, chậm triển khai tổ chức Hội nghị nhà chung cư để thành lập Ban quản trị.

“Đây hoàn toàn là vấn đề lợi ích của chủ đầu tư. Bởi nếu thành lập được Ban quản trị thì theo quy định, chủ đầu tư phải bàn giao quỹ bảo trì và phải đóng phí diện tích tầng hầm, thương mại chủ đầu tư giữ lại để kinh doanh. Một điều không kém phần quan trọng là cư dân có quyền quyết định lựa chọn Ban quản trị để đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ”, ông Nguyễn Văn Cẩn, Trưởng Ban quản trị tòa nhà Keangnam phân tích.

Cần quy định chế tài xử phạt

Liên quan đến vụ việc cư dân tòa nhà Keangnam gửi đơn lên Thủ tướng vì lo ngại sẽ mất trắng toàn bộ quỹ bảo trì, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh về kinh phí bảo trì tại khu Keangnam Hanoi Landmark Tower (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) theo thẩm quyền và quy định hiện hành, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết Bộ sẽ “phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội nắm tình hình, kiểm tra, đôn đốc các bên liên quan, đặc biệt là chủ đầu tư tòa nhà Keangnam thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam trong việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của cư dân theo quy định”.

Trong tuần qua, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội và quận Nam Từ Liêm đã làm việc với Ban quản trị tòa nhà Keangnam và cư dân ở đây để tìm hiểu thông tin và đôn đốc các bên thực hiện. Được biết, trong ngày hôm nay (1/6), các cơ quan chức năng của Hà Nội sẽ làm việc với chủ đầu tư tòa nhà Keangnam (Công ty TNHH MTV Keangnam Vina) về vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Trưởng Ban quản trị tòa nhà Keangnam cho biết, đến thời điểm này chưa có quy định, chế tài cụ thể nào để xử phạt những chủ đầu tư vi phạm quy định về thành lập Ban quản trị chung cư cũng như quản lý, sử dụng quỹ bảo trì.

“Đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện”, ông Cẩn nói.

Từ ngày 1/7/2015 Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chính thức có hiệu lực thi hành. Thiết nghĩ, việc ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn cần phải có những quy định hết sức chi tiết, cụ thể và có chế tài xử phạt nghiêm minh để bổ sung hoàn thiện những khoảng trống, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện.

Ông Cẩn kiến nghị: “Nên trao thêm quyền hạn cho các cơ quan thuế, không chỉ kiểm tra chủ đầu tư về nghĩa vụ nộp các khoản thuế cho ngân sách Nhà nước mà còn được phép kiểm tra những số liệu liên quan đến việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì và xử phạt nghiêm những vi phạm.

Theo Chính Phủ