24/11/2017

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quy hoạch

Họp phiên toàn thể tại hội trường sáng 24/11, với 88,19% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Quy hoạch.

Luật quy định việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; quản lý Nhà nước trong hoạt động quy hoạch.

Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Luật quy định rõ nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch là: Tuân theo quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường.

Bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Bảo đảm tính nhân dân, sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân, trong đó lợi ích quốc gia là cao nhất; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới.

Bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, dự báo, khả thi, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước; bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch, tính bảo tồn. Bảo đảm tính độc lập giữa cơ quan lập quy hoạch với hội đồng thẩm định quy hoạch. Bảo đảm nguồn lực để thực hiện quy hoạch…

Luật quy định rõ trình tự trong hoạt động quy hoạch gồm: Lập quy hoạch; thẩm định quy hoạch; quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch; công bố quy hoạch; thực hiện quy hoạch.

Về chính sách của Nhà nước về hoạt động quy hoạch, Luật quy định Nhà nước quản lý phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường theo quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và huy động nguồn lực để thúc đẩy phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt.

Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ nguồn lực cho hoạt động quy hoạch bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động quy hoạch. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động quy hoạch.

Luật quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quy hoạch gồm: Lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch không phù hợp với quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch liên quan đến việc đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ.

Lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, tư vấn phản biện độc lập không đủ điều kiện về năng lực chuyên môn phù hợp với công việc đảm nhận hoặc trái với quy định của pháp luật. Cản trở việc tham gia ý kiến của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân về quy hoạch.

Không công bố, công bố chậm, công bố không đầy đủ quy hoạch hoặc từ chối cung cấp thông tin về quy hoạch, trừ trường hợp thông tin thuộc bí mật Nhà nước; cố ý công bố sai quy hoạch; cố ý cung cấp sai thông tin về quy hoạch; hủy hoại, làm giả hoặc làm sai lệch hồ sơ, giấy tờ, tài liệu trong hoạt động quy hoạch. Thực hiện không đúng quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt. Can thiệp bất hợp pháp, cản trở hoạt động quy hoạch.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Các quy định của Luật về lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2018.

Theo Nguyễn Hoàng/baochinhphu.vn