24/05/2021

Quảng Ninh và câu hỏi tái sử dụng phế thải khai thác than hiện nay?

“Nội dung này tôi muốn đề cập đến là hai mặt lợi hại của việc sử dụng phế thải khai thác than, xỉ lò cao làm vật liệu san lấp tại Quảng Ninh và câu hỏi cần đặt ra cho việc tái sản xuất vật liệu xây dựng hiện nay?”- Trần Huy Ánh!

Tỉnh Quảng Ninh từ lâu đã nổi tiếng với sáng kiến san lấp vùng trũng ngập ven biển để phát triển bất động sản thương mại. Tỉnh phát huy thế mạnh là có dải đất bờ biển dài hơn 300km, lại có bãi phế thải từ việc khai thác thác than có trữ lượng 1,2 tỷ mét khối (do TKV quản lý) và hàng năm phát sinh 10-15%.

Hiện Quảng Ninh còn nguồn phế thải dồi dào nữa từ xỉ lò cao các nhà máy sản xuất xi măng, nhiệt điện: bổ sung phế thải tương đương với khai thác than. Điều ngoạn mục là hầu hết các nguồn phế thải này được sử dụng để san lấp các vùng trũng ngập/hồ đầm hay dải đất ven bờ biển để làm đường giao thông, các dự án bất động sản thương mại. Nhu cầu này không có giới hạn bởi lợi ích kép: Phế thải không qua xử lý thu gom (giảm chi phí cho các nhà sản xuất khai thác than, xi măng, gốm, nhiệt điện…); Vận chuyển đến các bãi san lấp cự ly ngắn, mặt khác lại không phải đền bù, GPMB…

Trong giai đoạn 2020-2025, trên địa bàn toàn tỉnh dự kiến nhu cầu đất, cát san lấp mặt bằng khoảng 100 triệu m3/năm (tương đương với lượng phế thải phát sinh hàng năm). Đặc biệt, khu vực phía Tây của tỉnh nhu cầu sử dụng đất, cát san lấp lớn để triển khai các dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, KCN và đô thị Đầm Nhà Mạc và các dự án tại TP. Hạ Long…( theo Sở Xây Dựng Quảng Ninh).

Phát huy thế mạnh này, năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã có chủ trương đẩy mạnh việc sử dụng phế thải để san lấp. Tại cuộc họp có nội dung “…về rà soát việc khai thác, sử dụng đất đá từ các mỏ than làm vật liệu san lấp phục vụ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh” cuối tháng 12/2020, ông Cao Tường Huy, PCT- UBND tỉnh Quảng Ninh ước tính ngành than bóc xúc, đổ thải hàng trăm triệu m3 đất đá tại các mỏ mỗi năm, có xu hướng tăng lên do các mỏ khai thác xuống sâu, phải mở rộng và tăng hệ số bóc xúc.

Xe vận tải đổ bã sàng tại các bãi thải trong ranh giới mỏ

Xe vận tải đổ bã sàng tại các bãi thải trong ranh giới mỏ

Vì thế, để hạn chế khai thác tài nguyên khu vực liền kề dự án thì việc sử dụng nguồn vật liệu từ các bãi thải là phù hợp, đáp ứng yêu cầu hạ thấp bãi thải mỏ, yêu cầu đầu tư, phát triển bền vững, phù hợp xu hướng kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, giải quyết được khó khăn về diện đổ thải, giảm cung độ vận tải cho mỏ than, giảm bớt chi phí bảo vệ môi trường cho ngành Than.

Tỉnh yêu cầu Sở TN&MT làm việc với Tổng công ty Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Đông Bắc, xác định lại chính xác trữ lượng đất đá thải huy động được, nhu cầu đất đá san lấp tại các dự án, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh; Sở Xây dựng dự thảo đơn giá cụ thể đối với vật liệu san lấp là đất đá thải mỏ để thông tin đến các chủ đầu tư dự án. Đối với những bãi thải mỏ đã đóng cửa mỏ, yêu cầu TKV, Tổng Công ty Đông Bắc phải sớm bàn giao lại cho tỉnh để quản lý.

Vấn đề lợi ích kinh tế, tiện dụng này thì đã rõ, tuy vậy việc san lấp tràn lan để lại những hậu quả môi trường thường không được đề cập. Ví dụ san lấp phế thải độc hại không qua xử lý tiềm tàng khả năng hủy hoại môi trường tự nhiên bao gồm thảm thực vật, vi sinh vật và ô nhiễm nguồn nước.

Tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư nhiều triệu USD thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch bảo vệ môi trường – nhưng các bản quy hoạch này hầu như không có giá trị thực tế vì không đưa ra giải pháp nào giải quyết bảo vệ môi trường.

Hai khuôn mặt của Manila: Những dự án bất động sản phát triển bên bờ biển và rác thải tràn ngập bờ biển vốn không còn sự sống, không có bãi tắm biển tại Manila

Hai khuôn mặt của Manila: Những dự án bất động sản phát triển bên bờ biển và rác thải tràn ngập bờ biển vốn không còn sự sống, không có bãi tắm biển tại Manila

Không chỉ Quảng Ninh, hầu hết các địa phương đang tăng cường khai thác tài nguyên để bán. Với việc dùng phế thải khai thác tài nguyên để tái tạo ra tài nguyên đất mới để bán và bỏ qua những ảnh hưởng môi trường sinh thái bị hủy hoại cần được tìm ra hướng đi mới.

Câu chuyện về nguồn phế thải khai thác than khổng lồ tại Quang Ninh hiện nay cần đặt ra những câu hỏi lớn cho các cơ quan quản lý/các nhà khoa học/các nhà hoạt động môi trường. Chúng ta có thể tái tạo ra nhiều vật liệu xây dựng mới từ nguồn phế thải khai thác than như: Gạch không nung, sỏi nhẹ, bê tông đúc sẵn và đặc biệt là cát nhân tạo. Và điều này chắc chắn sẽ đem lại lợi ích tiền bạc mới nhưng không tạo ra những nguy cơ hủy hoại mới cho môi trường sống vì con người.

Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội