Quảng Ninh: Nâng cao công tác quy hoạch, quản lý đô thị
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm đến công tác quy hoạch và phát triển đô thị. Đến nay toàn tỉnh có 4 TP và 2 thị xã trực thuộc tỉnh; đã nâng cấp một số đô thị tại các huyện…, nâng tỷ lệ đô thị hóa đạt 64%, thuộc diện cao nhất trong toàn quốc.
Khu đô thị mới Vinhomes Bến Đoan (TP Hạ Long) do Tập đoàn Vingroup đầu tư, đang được hoàn thiện.
Theo Quyết định số 2622/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, quan điểm phát triển là: “Xây dựng Quảng Ninh là cực tăng trưởng, là cửa ngõ hợp tác kinh tế quốc tế, là nguồn cung cấp nguyên liệu và năng lượng của quốc gia…”. Trên cơ sở đó, thời gian qua tỉnh đã tập trung nguồn lực làm công tác quy hoạch, nhằm tạo cơ hội đầu tư phát triển kinh tế – xã hội ở tầm cao mới. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành và công bố 7 quy hoạch chiến lược. Các đồ án quy hoạch chiến lược của tỉnh đều thuê các đơn vị tư vấn hàng đầu của thế giới thực hiện, được triển khai một cách đồng bộ, bài bản. Điển hình như Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2014 để làm căn cứ triển khai các đồ án quy hoạch khác. Trên cơ sở các đồ án quy hoạch được duyệt, tỉnh đã thu hút được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển đô thị, trong đó có các dự án quan trọng về hạ tầng giao thông, điện, nước, các thiết chế văn hóa được triển khai. Các địa phương rất quan tâm bố trí lực lượng làm công tác thanh, kiểm tra xây dựng và quản lý trật tự đô thị. Công tác quản lý dịch vụ công ích, như vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh, chiếu sáng công cộng theo hướng xã hội hóa thu hút được nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia thực hiện, giảm chi phí ngân sách Nhà nước cho dịch vụ công ích. Công tác cấp phép và quản lý sau cấp phép đã có thay đổi tích cực, với số lượng hồ sơ đề nghị cấp phép lớn, tuy nhiên các địa phương đã hoàn thành và rút ngắn được thời gian cấp phép cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu (thời gian thực hiện cấp phép trung bình khoảng 14 ngày, quy định không quá 20 ngày), từ đó góp phần đẩy nhanh thời gian đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Công tác quy hoạch xây dựng giao thông được các cơ quan có thẩm quyền chấp nhận. Sở Xây dựng đề xuất quy hoạch vùng liên tỉnh Hải Phòng – Quảng Ninh dọc theo tuyến đường nối đường từ Hạ Long với đường cao tốc 5B Hà Nội – Hải Phòng; tuyến QL279 nối Quảng Ninh – Bắc Giang và tuyến QL4B Quảng Ninh – Lạng Sơn. Việc quy hoạch xây dựng dọc các tuyến quốc lộ trên đã tạo thành những vành đai phát triển kinh tế và mở rộng không gian đô thị cho một số vùng đất giàu tiềm năng. Trong lập quy hoạch xây dựng, ngành Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương quy hoạch xây dựng vùng – tỉnh để thay thế cho quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị – khu dân cư như trước đây. Kết quả rõ nét nhất là việc lập quy hoạch liên vùng, như quy hoạch khu vực Móng Cái – Hải Hà – Vân Đồn. Việc lập quy hoạch phân khu, bao gồm các khu đô thị, công nghiệp, cụm công nghiệp đã cơ bản hoàn thành với khá nhiều nội dung, như tuyến đường bao biển Hà Khánh – Hà Tu (TP Hạ Long); tuyến đường tránh phía bắc Hạ Long; tuyến đường tránh khu đô thị nam Uông Bí; khu đô thị trên tuyến tránh Đông Triều; khu hợp tác biên giới cầu Bắc Luân 2. Cùng với các tuyến giao thông, hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số khu đô thị mới, mang dáng dấp hiện đại tại các địa phương, như Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái… Điển hình như các khu đô thị mới ở TP Hạ Long do các Tập đoàn Myway, Vingroup, Sun Group, Bim làm chủ đầu tư, đã tạo diện mạo mới khang trang, hiện đại hơn.
Tuy nhiên, thực tế công tác lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết còn bất cập, nhất là việc kết nối hạ tầng, thoát nước, cấp nước, cấp điện (điển hình qua đợt mưa lũ các năm 2015, 2016). Công tác quản lý quy hoạch còn yếu, dẫn đến phá vỡ quy hoạch ban đầu, việc điều chỉnh quy hoạch chưa tuân thủ đúng các nguyên tắc, đôi khi còn tùy tiện điều chỉnh nhiều lần; chất lượng một số quy hoạch chưa cao, thiếu tính khả thi, không đảm bảo nguồn lực để thực hiện. Bên cạnh đó, việc công khai quy hoạch và giám sát của cộng đồng dân cư trong thực hiện quy hoạch còn hình thức, không hiệu quả; cấp phép xây dựng còn nhiều tồn tại, điển hình là vi phạm về chiều cao tầng, mật độ xây dựng, hình thức kiến trúc… chưa quản lý được không gian kiến trúc tổng thể…
Như vậy, để nâng cao công tác quy hoạch và quản lý đô thị, phát huy có hiệu quả của toàn bộ hệ thống đô thị thời gian tới vẫn là vấn đề mà các nhà quản lý đô thị quan tâm, khắc phục, giải quyết.
Hiểu Trân/Báo Xây dựng