Theo đó, tỉnh không cấp phép đầu tư xây dựng mới các cơ sở sản xuất lò thủ công, lò thủ công cải tiến và lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đối với các dự án đang xây dựng trái phép, không phép phải đình chỉ xây dựng, buộc tháo dỡ hoặc cho chuyển sang xây dựng lò tuynel nếu dự án đó phù hợp với quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh. Đối với các dự án đã hoàn thành xây dựng thì lên kế hoạch dừng sản xuất hoặc chuyển đổi sang lò tuynel, chậm nhất hoàn thành vào tháng 12/2015.Tại kế hoạch này, UBND tỉnh Quảng Nam cũng mạnh mẽ “nói không” với lò gạch thủ công khi đưa ra thời hạn đến hết năm 2015 sẽ xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công và lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục.
Tỉnh Quảng Nam sẽ không cấp phép đầu tư xây dựng mới các cơ sở sản xuất lò thủ công
Quảng Nam hiện đang đẩy mạnh sắp xếp lại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ; hướng dẫn các hộ tư nhân liên doanh, liên kết, góp vốn mở rộng sản xuất, chuyển đổi công nghệ nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu và bảo vệ môi trường; hạn chế đầu tư các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung (lò tuynel) và yêu cầu không sử dụng đất sản xuất nông nghiệp để sản xuất gạch.
Tỉnh Quảng Nam đang khuyến khích đầu tư các cơ sở sản xuất gạch không nung, bê tông bọt, bê tông khí chưng áp AAC với nhiều cơ chế ưu đãi như: ưu đãi thuế doanh nghiệp, áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với các vật tư, thiết bị; dự án công suất 7 triệu viên/năm trở lên được hưởng ưu đãi như đối với các dự án thuộc chương trình cơ khí trọng điểm; hưởng chính sách khuyến công, chính sách về sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây không nung…
Tại Quảng Nam hiện có 37 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung đang hoạt động với tổng công suất khoảng 700 triệu viên/năm, đáp ứng 80% nhu cầu vật liệu (thời điểm năm 2015), nhưng lại chưa có nhà máy chính thức hoạt động cung ứng vật liệu xây không nung.
|
Mạnh Thân – VLXD.org