10/11/2014

Quản lý kiến trúc: Cần phối hợp đa ngành

Hiện nay, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên cả nước, nhiều đô thị được nâng cấp cải tạo, phát triển mở rộng, chất lượng cuộc sống đô thị cũng có nhiều cải thiện hơn… Bên cạnh đó, sự lộn xộn trong các đô thị đã và đang chứng tỏ công tác quản lý, kiểm soát phát triển đô thị chưa có hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, Bộ Xây dựng đã ban hành Dự thảo Quy hoạch đô thị và thiết kế kiến trúc, cảnh quan nhằm tháo gỡ những khó khăn kể trên.

Chỉ tiêu cây xanh công cộng phải đạt 70%

Dự thảo Quy hoạch đô thị mới ban hành cũng nêu rõ: Trong quy hoạch chi tiết đô thị cần nghiên cứu đề xuất các giải pháp quy hoạch phục vụ cho nhu cầu đầu tư hoặc chủ trương đầu tư cụ thể, đảm bảo phù hợp với chiến lược và cấu trúc phát triển chung của toàn đô thị, đảm bảo khớp nối về mặt tổ chức không gian và hạ tầng kỹ thuật giữa khu vực lập quy hoạch và các khu vực lân cận, đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả và bền vững.

Xác định các động lực phát triển của đô thị phải được đề ra dựa trên các tác động từ bên ngoài và tiềm năng nội lực bên trong đô thị (tự nhiên, con người, kinh tế, văn hóa, xã hội). Các dự báo về dân số, đất đai, yêu cầu về hạ tầng phải phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương trong các giai đoạn tương ứng. Dự báo dân số phải phù hợp với dự báo tăng trưởng dân số của vùng tỉnh và hệ thống đô thị quốc gia. Chuỗi số liệu dự báo khoảng 3-5 năm tính đến thời điểm dự báo. Dự báo đất đai đảm bảo phù hợp với các định mức, chỉ tiêu đất đai đô thị hiện hành. Dự báo theo các giai đoạn ngắn hạn (10 năm) và dài hạn (20 năm) và xu thế phát triển (50 năm). Quy hoạch trong các khu vực đô thị hiện hữu cải tạo phải đảm bảo nguyên tắc tăng cường chất lượng, số lượng các công trình hạ tầng cơ sở trong khu vực, bổ sung cây xanh và các công trình tiện ích đô thị, cải tạo môi trường sống, cảnh quan theo hướng dẫn tương đương với các chỉ tiêu của các khu phát triển mới.

Đối với các khu vực chỉ tiêu các công trình công cộng đạt quy chuẩn, quy hoạch đảm bảo duy trì phát huy được chỉ tiêu trên. Đối với các khu vực chỉ tiêu các công trình công cộng dưới mức quy chuẩn, quy hoạch có giải pháp đảm bảo đạt mức 70% so với chỉ tiêu trong quy chuẩn. Đối với các khu vực chỉ tiêu cây xanh công cộng đô thị đạt dưới mức quy chuẩn, quy hoạch phải đảm bảo các giải pháp bổ sung cây xanh đường phố, tăng diện tích cây xanh sử dụng hạn chế trong các lô đất xây dựng, đưa ra các tỷ trọng đất cây xanh phù hợp khi di dời các chức năng đất không phù hợp ra khỏi đô thị hiện hữu (công nghiệp ô nhiễm, bệnh viện, công sở…). Chỉ tiêu cây xanh công cộng đạt tối thiểu 70% so với các chỉ tiêu trong quy chuẩn.

Cần sự vào cuộc của các ngành

Theo Dự thảo, công trình công cộng ngầm phải đảm bảo kết nối không gian thuận tiện và an toàn với các công trình giao thông ngầm, các công trình công cộng trên mặt đất, các công trình công cộng ngầm liền kề và kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm chung của đô thị. Đối với các khu ở phục vụ đối tượng có thu nhập thấp, các đối tượng nhà ở xã hội, chỉ tiêu quy hoạch sử dụng các loại đất trong đơn vị ở phải đạt tối thiểu 70% so với các quy định nêu trên.

Đối với an toàn đường sắt trong đô thị, dự thảo cũng quy định đối với đô thị loại đặc biệt, loại I và II khi có đường sắt quốc gia chạy qua cần làm đường tránh ra ngoài đô thị hoặc phải có các giải pháp tổ chức giao thông phù hợp để đường sắt không ảnh hưởng xấu đến hoạt động của đô thị. Nhà ở đô thị phải cách tim đường ray gần nhất 20m. Ở những nơi đường sắt đi dưới hào, khoảng cách ly có thể giảm xuống, nhưng không nhỏ hơn 10m. Tối thiểu 50% bề rộng giải cách ly phải trồng cây xanh. Đối với đô thị cải tạo, phải xây dựng tường rào cách ly bảo vệ và đảm bảo khoảng cách quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt.

Theo TS.KTS Trương Văn Quảng – Hội Kiến trúc sư Việt Nam: “Trong hoạt động xây dựng đô thị, nhất là trong việc góp phần tạo dựng bộ mặt kiến trúc đô thị không phải chỉ có một người, một ngành, một công trình kiến trúc tham gia mà ngược lại, ở đó là công sức của nhiều người, nhiều ngành, nhiều loại công trình (kiến trúc, kỹ thuật) tạo dựng mà thành. Bởi vậy, yếu tố đa ngành trong công tác quản lý kiến trúc đô thị rất cần được quan tâm và không thể bị coi nhẹ. Sự đồng bộ, ngăn nắp của một tuyến phố không những tạo nên vẻ đẹp đô thị mà còn minh chứng cho sự thành công của công tác quản lý trong sự phối hợp đa ngành”.

Vũ Quang

Theo baoxaydung