24/04/2018

Phú Quốc trong cơn sốt đất: Hai mặt trái ngược

“Đất Phú Quốc” đang là từ khoá nóng của giới đầu tư bất động sản. Thông tin Phú Quốc sắp trở thành đặc khu khiến cho giá đất tăng chóng mặt, không ít người mua trở tay không kịp vì mỗi ngày một giá.

Cò đất thao túng

Những ngày đầu hè, Phú Quốc không chỉ nóng bởi khách du lịch đến đảo Ngọc tăng mạnh mà còn nóng hơn bởi không khí sôi sục, các nhà đầu tư đua nhau đổ xô tới đây để tìm đất. Từ ngày được Thủ tướng Chính phủ cho lập dự án mở rộng khu kinh tế cửa khẩu thị trấn Dương Đông (Phú Quốc) với diện tích 3.000 ha thì việc mua bán sang nhượng đất đai diễn ra phức tạp, tạo cơn sốt đất “ảo”. Giới đầu cơ cũng mượn cớ thao túng thị trường, đẩy giá đất Phú Quốc tăng chóng mặt.

Một nhân viên môi giới có nhiều năm kinh nghiệm ở Phú Quốc cho biết, giá đất Phú Quốc đã tăng gấp 3-4 lần, mặt bằng giá đã ở mức cao. Tình trạng sốt đất nền ở nhiều khu vực cũng đã diễn ra mạnh thời gian qua như tại Cửa Dương, Cửa Cạn, Dương Tơ, Hàm Ninh, Dương Đông…

Tại thị trấn Dương Đông, giá đất cao nhất là mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, lô đất 500m2 được chào giá 39 tỉ đồng. Trên tuyến đường tránh thị trấn Dương Đông, giá đất mặt tiền thời điểm cuối năm 2016 chỉ khoảng 3,5 tỉ đồng lô 1000m2, hiện vọt lên 9 tỉ đồng.

Hay một lô khác ở Bến Tràm, giữa năm 2017 một lô đất chỉ 1 tỷ đồng, cách đây hơn một tuần giá 3 tỷ đồng, nay chủ đất nói được 5,2 tỷ mới bán. Giá giao dịch các nền nhà tái định cư từ dự án cáp treo chỉ khoảng 350 triệu đồng/nền, hiện tăng lên dao động ở mức 1,6-1,8 tỉ đồng/nền.

phú quốc,bất động sản phú quốc,nhà đầu tư,nhà đất phú quốc,sốt đất phú quốc
Đất nền Phú Quốc được thổi giá

Anh Hải, một nhân viên môi giới cho hay, mỗi ngày anh tiếp khoảng 100 khách đến giao dịch. Đông nhất là thứ bảy và chủ nhật, đối tượng mua đất Phú Quốc chủ yếu đến từ Hà Nội, TPHCM, Việt kiều… Có người mua cùng lúc cả chục nền, mua đi rồi bán lại, không ai có nhu cầu mua để xây nhà thời điểm này.

Đất sốt giá, người ta đổ xô vào tận các ngõ, ngách để “thu gom”, bất chấp nơi đó có phù hợp với quy hoạch chung hay không. Giới đầu cơ sẽ trả giá từ thấp lên cao dần tùy theo tình trạng pháp lý của mảnh đất: có ấp, xã xác nhận; có đo đạc sơ đồ vị trí; có ký giáp ranh hay chưa… Một số hộ nhận giao khoán rừng âm thầm chuyển nhượng đất dưới hình thức giao sổ nhận khoán bất hợp pháp.

Không chỉ tăng theo tháng, mà biến động hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Một miếng đất người này vừa mua 10 tỷ vào buổi sáng, nhưng chỉ vài giờ sau một nhóm người khác trả ngay 12 tỷ thậm chí 15 tỷ. Giá đất ở Phú Quốc cao chót vót và nhiều rủi ro, nhưng vẫn có người mua vì kỳ vọng khi lên đặc khu… mọi chuyện sẽ khác.

Thực tế, không phải nơi nào cũng “sốt” mà đang phân hóa rõ các khu vực và dòng sản phẩm. Chính vì số người tham gia vào thị trường quá lớn và có nhiều nhóm khách hàng đã đầu tư vào Phú Quốc, nay thấy nhiều loại đất có rủi ro cao, không phù hợp nên họ đã tìm đến đầu tư vào những sản phẩm chắc chắn, quy hoạch tốt, có sổ đỏ rõ ràng.

Theo nhân viên môi giới, phân khúc này được giới đầu tư quan tâm bởi an toàn hơn. Với những nhà đầu tư dài hạn, dày dặn kinh nghiệm, họ lại đang chọn lựa các loại bất động sản an toàn hơn và tăng trưởng bền vững hơn. Đó là các biệt thự biển ở các dự án có khuôn viên đẹp, hạ tầng tốt, giá tăng bền vững. Đặc biệt là dự án của chủ đầu tư uy tín, có thương hiệu.

Đơn cử như loại hình biệt thự biển ở phía Bắc của Vingroup sau khi được giao dịch mạnh vào 2015-2016 thì nay đã tương đối ổn định. Hiện tại trên thị trường, sản phẩm biệt thự tại những dự án của CEO Group, Bim Group, Sun Group… đang giao dịch mạnh với độ ổn định cao.

Hệ luỵ cơn say đất

Nhìn lại các cơn sốt đất trên thị trường cho thấy, sau những đợt bong bóng là những hậu quả để lại khiến không ít nhà đầu tư lao đao và cả thị trường trầm lắng. Đặc biệt với những đợt lướt sóng loại hình đất nền không rõ ràng về mặt pháp lý, thì người mua cuối cùng sẽ phải chịu thiệt thòi.

Câu chuyện sốt đất Đà Nẵng là một ví dụ. Gần 10 năm trước, thị trường nhà đất Đà Nẵng từng nhiều lần lên “cơn sốt ảo”. Nhưng nhanh chóng hạ nhiệt, giá bất động sản tụt dốc không phanh, giảm tới 30%, thậm chí một số dự án giảm đến 50%.

phú quốc,bất động sản phú quốc,nhà đầu tư,nhà đất phú quốc,sốt đất phú quốc
BĐS Phú Quốc đang nóng

Nhiều đại gia bất động sản ngậm đắng nuốt cay bởi những  ám ảnh về thị trường giá đất trượt dài, áp lực nợ ngân hàng đè nặng. Từ đó đến nay, hàng loạt dự án đất vàng trung tâm và ven biển án binh bất động, trở thành những khu nhà bỏ hoang dọc ven biển.

Bài học kinh nghiệm về các cơn sốt đất do quy hoạch như sốt đất Ba Vì và một số huyện thuộc Hà Tây cũ khi Chính phủ thông qua Quy hoạch Hà Nội mở rộng năm 2009, các cơn sốt đất nền một số huyện ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh đầu năm 2017, hay mới đây là cơn sốt đất tại Đông Anh, Hà Nội mà hậu quả của nó còn kéo dài tới bây giờ.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Hội môi giới BĐS Việt Nam nhận định, khi có một quy hoạch tổng thể và chi tiết thì rõ ràng điều chúng ta nhận thấy là giá trị thực của những khu đất sẽ trở về đúng giá trị thực của nó. Thị trường bất động sản không còn diễn ra tình trạng “sốt ảo” dù giá đất sẽ tăng mạnh bởi sức hấp dẫn của các đặc khu.

Chính các nhà đầu tư cũng sẽ có cách “rót tiền” thông minh hơn khi nắm chắc được giá trị của từng vị trí. Điều này chắc chắn sẽ thu hút được các nhà đầu tư phù hợp cho vùng đất “đầy hứa hẹn” hấp dẫn về về mặt kinh tế.

Trước những lo ngại, UBND huyện Phú Quốc khuyến cáo người mua đất nên bình tĩnh, suy tính trước khi quyết định mua đất, không chạy theo cơn sốt giá và mua với bất cứ giá nào. Trường hợp cần thiết phải mua đất trên huyện đảo, người dân phải hết sức thận trọng, không nên chạy theo cơn sốt giá và mua đất bằng mọi giá, mua đất bất hợp pháp.

Vì mua đất theo kiểu ngoài luồng, “tự phát” hiện nay dễ dẫn đến “tiền mất tật mang” do đất đai ở Phú Quốc đã được quy hoạch, không phải nơi nào cũng cho phép xây dựng nhà hàng, khách sạn hay làm điểm du lịch, kinh doanh dịch vụ…

 Nam Hải/Vietnamnet