Phú Quốc có rất nhiều lợi thế cạnh tranh với Phuket, Bali
“Bali đi theo hướng là văn hoá, nhưng bây giờ cũng xuống cấp rồi. Phuket theo cái hướng vui chơi giải trí về đêm với đủ các loại hình, sản phẩm du lịch đêm, kết hợp thể thao và nhiều thứ khác. Cá nhân tôi đánh giá không cao Phuket. Phú Quốc hiện nay có rất nhiều lợi thế cạnh tranh với các đảo cũng như các điểm đến trong khu vực” – PGS.TS Phạm Trung Lương chia sẻ.
Phú Quốc chật kín khách du lịch dịp đầu năm mới 2024, mỗi ngày có tới hơn 60 chuyến bay đi và đến. Những con phố tắc nghẽn. Pháo hoa ngợp trời từ tối đến giao thừa Tết Dương lịch 2025. Có những điều chưa từng xảy ra ở Phú Quốc, khiến hòn đảo này trở thành một hiện tượng của du lịch Việt Nam năm 2024 vừa qua.
Chúng tôi đã có bài phỏng vấn PGS.TS Phạm Trung Lương, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Việt Nam về những sự bứt phá, thay đổi của du lịch Phú Quốc.
Là một chuyên gia có cái nhìn toàn cảnh và tổng thể về du lịch, ông đánh giá như thế nào về lợi thế và tiềm năng của Phú Quốc (Kiên Giang) ở giai đoạn hiện tại?
PGS.TS Phạm Trung Lương: Hơn chục năm nay, Phú Quốc có sự thay đổi và phát triển rất mạnh mẽ. Rất may cho Phú Quốc là có nhiều nhà đầu tư có tâm, có tầm nên Phú Quốc mới có diện mạo như hôm nay. Với bất kỳ điểm đến nào thì vai trò của các nhà đầu tư rất quan trọng. Họ có thể có năng lực, nhưng nếu không có tầm nhìn, không có tâm huyết với sự phát triển thì chỉ hướng vào lợi nhuận thôi và như thế, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tính bền vững của điểm đến.
Quay lại với Phú Quốc, thời gian đầu, trước khi Tập đoàn Sun Group và các Tập đoàn, nhà đầu tư khác vào, khu vực trung tâm đảo như Dương Đông, Bãi Dài bị cắt nhỏ, phân lô, đúng tư duy trên đất liền. Kể từ khi Tập đoàn Sun Group đầu tư phía Nam đảo thì hòn đảo này thay đổi hẳn. Tôi đánh giá sự đầu tư phía Nam đảo của Sun Group là dũng cảm vì vùng đất đó rất khó để làm. Tuy nhiên, Nam đảo lại có hệ sinh thái biển, tài nguyên biển cực kỳ độc đáo. Những đảo Hòn Rỏi, Hòn Thơm cùng một số đảo khác có những giá trị rất đặc biệt, cần bảo tồn và khai thác tốt hơn theo hướng sinh thái. Phía Nam hiện nay đã được Sun Group đầu tư khá tốt, tạo ra sự khác biệt riêng.
Sự khác biệt trong du lịch là rất quan trọng. Để có được sự khác biệt, nổi trội hơn so với những đảo du lịch khác trong khu vực và thế giới, tôi cho rằng Sun Group nên phát triển một công viên đại dương. Ở đó, sử dụng nhiều nhất có thể các yếu tố thiên nhiên, các hệ sinh thái được phục hồi lại và người ta có thể quan sát và trải nghiệm đáy biển bằng các thiết bị hiện đại, ví dụ như tàu lặn. Hoặc là tạo ra các khu trải nghiệm dưới đáy biển. Đó là những sản phẩm rất hay, rất độc đáo mà bây giờ kỹ thuật, công nghệ là hoàn toàn cho phép làm được điều đó.
Các sản phẩm mang tính hiện đại như show “Symphony of the Sea -Bản giao hưởng đại dương” hay các công trình có tính biểu tượng như Cầu Hôn cũng phù hợp ở những khu vực đó. Sự hoà quyện giữa các sản phẩm hiện đại và sản phẩm gắn với các yếu tố thiên nhiên chắc chắn sẽ tạo ra sự khác biệt lớn cho Phú Quốc.
Có một thời gian dài theo sát hoạt động du lịch Phú Quốc, ông đánh giá như thế nào về sự đổi thay ngoạn mục của hòn đảo này?
PGS.TS Phạm Trung Lương: Phát triển như hiện nay của Phú Quốc cũng đã có sự khác biệt so với ý tưởng ban đầu. Có thể khẳng định so với nhiều điểm đến khác trên cả nước, Phú Quốc có nhiều cơ hội phát triển, cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực như: Phuket (Thái Lan), Bali (Indonesia)… Tuy nhiên, Bali đi theo hướng là văn hoá. Đảo này lấy văn hoá là hồn cốt để phát triển. Phuket theo cái hướng vui chơi giải trí về đêm với đủ các loại hình, sản phẩm du lịch đêm, kết hợp thể thao và nhiều thứ khác. Cá nhân tôi đánh giá không cao Phuket. Bali theo hướng phát huy bản sắc văn hoá nhưng bây giờ cũng xuống cấp rồi. Phú Quốc hiện nay có rất nhiều lợi thế cạnh tranh với các đảo cũng như các điểm đến trong khu vực. Điều quan trọng là phải tạo ra được sự khác biệt, giữ được các yếu tố thiên nhiên. Đây là lợi thế lớn nhất của Phú Quốc. Trước mắt, phải xác định và định hướng phát triển đô thị thành phố Phú Quốc theo hướng nào: Công nghiệp hay du lịch, kinh tế biển…?
Nếu xác định du lịch là mũi nhọn thì các quy hoạch phải phục vụ cho phát triển du lịch. Các ý tưởng phát triển du lịch cũng mang dáng dấp của đô thị du lịch, không phải giống như đô thị bây giờ đang làm. Có như vậy, Phú Quốc mới tạo nên sự khác biệt, nhất là những khác biệt về giá trị sản phẩm du lịch mà người khách du lịch có thể thụ hưởng. Và cái giá trị này mình phải tôn trọng thiên nhiên, cố gắng giữ được nhiều nhất cái thiên nhiên thì lúc đấy mới có sự phát triển rất lâu dài và dư địa phát triển là rất lớn.
Quy hoạch du lịch Phú Quốc từ những năm 2000 cũng có rất nhiều ý tưởng mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Phú Quốc là điểm đến toàn cầu, thế nên ngay từ thời điểm đó chúng tôi đã đề xuất miễn visa cho tất cả khách quốc tế ở mọi nơi trên thế giới đến Phú Quốc. Chính sách miễn visa này của Phú Quốc đã được thực hiện tốt và phát huy hiệu quả trong thực tế và là yếu tố quan trọng để thu hút khách quốc tế đến thành phố này. Bên cạnh đó, việc đưa điện từ đất liền ra Phú Quốc thay vì xây 2 nhà máy nhiệt điện trên đảo như một số đề xuất ban đầu đã giúp Phú Quốc vừa giữ được môi trường, vừa phát triển mạnh mẽ như ngày nay.
Có thể thấy, so với sự đìu hiu, lộn xộn cách đây một năm, Phú Quốc hiện nay gần như “lột xác”. Thành phố Phú Quốc không chỉ văn minh, sạch sẽ nhờ công tác chỉnh trang đô thị, mà còn ngày càng thu hút đông du khách. Ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi này của Phú Quốc?
PGS.TS Phạm Trung Lương: Sau dịch Covid-19, trong nỗi lo lắng phục hồi chung, Phú Quốc mặc dù đón khách trở lại sớm nhưng lại để xảy ra tình trạng nhếch nhác, “chặt chém” khách, giá cả đắt đỏ, ứng xử với khách thiếu văn minh… Tuy nhiên, đáng mừng là sau 1 năm nỗ lực chấn chỉnh, hình ảnh Phú Quốc đã được cải thiện rất nhiều. Theo thống kê, mỗi ngày trong tháng 12 này, đặc biệt dịp Noel và Tết Dương lịch, có ngày Phú Quốc đón hơn 30 chuyến bay quốc tế, nhiều gấp hơn 2 lần so với các tháng đầu năm nay và tạo cách biệt lớn nếu so với cùng kỳ năm 2023, thời điểm mỗi ngày hòn đảo chỉ đón 2-5 chuyến bay quốc tế.
Nhiều chuyến bay thẳng đến Phú Quốc nhưng hiện nay vẫn ít các chuyến bay nối từ các trung tâm du lịch lớn của cả nước đến Phú Quốc. Đây là câu chuyện tôi nghĩ đã có từ rất lâu mà cho đến nay chúng ta chưa giải quyết được, đó là chưa có “cái bắt tay” thực chất giữa ngành Du lịch và ngành giao thông vận tải, đặc biệt là Hàng không dẫn đến giá vé máy bay trong nước đến Phú Quốc khá cao, khiến khách du lịch nội địa phải cân nhắc việc lựa chọn đi du lịch Phú Quốc.
Ở đây tôi cũng muốn nhấn mạnh vào thị trường nội địa. Khách nội địa của chúng ta có nhiều phân khúc khác nhau nên cũng cần phải có những sản phẩm phù hợp với các phân khúc mà mình mong muốn. Trong mọi trường hợp, phải giảm thiểu tối đa tác động tới môi trường tự nhiên. Bài toán đấy là bài toán làm được chứ không phải không. Cho nên, phải đổi mới tư duy, có cái nhìn tích cực về khách nội địa để khai thác tốt hơn thị trường này trong tương lai. Ngoài việc giải quyết những vấn đề liên quan đến giá vé máy bay cần tăng cường liên kết với vận tải đường thuỷ để nâng cấp điều kiện chuyên chở tốt hơn khách tới Phú Quốc.
Tôi cho rằng, các sản phẩm của Phú Quốc hiện tại đã phù hợp với đối tượng khách nội địa tầm trung trở lên rồi chứ không phải là khách đại trà. Tuy nhiên, cần phải đa dạng các sản phẩm du lịch để kích thích chi tiêu của du khách. Đặc biệt, cần chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm thì lúc đó du khách đến Phú Quốc mới chi tiêu mạnh được.
Ngoài hệ thống sản phẩm, các công trình có tính biểu tượng ở Phú Quốc như Cầu Hôn ở phía Nam đảo cũng rất quan trọng bởi vì đó là những hình ảnh, ấn tượng sâu đậm sẽ đọng lại trong tâm trí của du khách sau mỗi chuyến đi và sẽ lan toả đến bạn bè, người thân và qua đó Phú Quốc được biết đến nhiều hơn trên thị trường khách quốc tế và trong nước.
Theo Đồ án quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040, thành phố Phú Quốc phấn đấu trở thành một đô thị biển đảo, là trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao, có bản sắc, sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế…Theo đánh giá của ông, Phú Quốc thời gian qua đã đi đúng hướng chưa và đạt được những dấu ấn gì để đạt được mục tiêu này?
PGS.TS Phạm Trung Lương: Muốn hình thành hệ thống đô thị du lịch biển đảo thì cần phải có hệ thống tiêu chí được pháp luật thừa nhận. Trước đây khái niệm “Đô thị du lịch” đã được thể hiện trong Luật Du lịch, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khái niệm này đã không được trong các Luật liên quan, đặc biệt là Luật quy hoạch đô thị. Thực tế cho thấy bên cạnh chức năng đô thị chung, có nhiều đô thị có những lợi thế riêng trong phát triển như di sản văn hóa, công nghiệp hay du lịch. Khi nói đến đô thị biển đảo thì đó là chúng ta đang đề cập đến vị trí địa lý của đô thị nằm ở khu vực ven biển hay trên các hải đảo chứ chưa thể hiện được chức năng, lợi thế chính trong phát triển đô thị. Chính vì vậy chúng ta chưa tạo được sự khác biệt mang tính đặc thù trong phát triển đô thị. Đô thị du lịch chính là đô thị đặc thù mà ở đó sự phát triển của đô thị dựa chính vào những lợi thế về du lịch. Chính vì vậy cần có hệ thống tiêu chí riêng đối với những đô thị này.
Các tiêu chí mang tính đặc thù về du lịch đó phải thể hiện được vai trò của ngành Du lịch trong phát triển KT-XH, đặc biệt vai trò của du lịch đối với cuộc sống của người dân đô thị, thể hiện được vai trò văn hoá địa phương, lối sống và cách ứng xử của của người dân với khách du lịch, thể hiện được yêu cầu về kiến trúc, xây dựng các công trình hạ tầng, dịch vụ xã hội, thể hiện được yêu cầu về kiến trúc cảnh quan, không gian công cộng,… Phát triển đô thị du lịch biển đảo Phú Quốc không phải là ngoại lệ và chính quyền thành phố cần phải có tầm nhìn và kiên định với hướng phát triển đó.
Vai trò của các nhà đầu tư ở đây cũng rất quan trọng. Phú Quốc đã có nhiều nhà đầu tư lớn nhưng phải có chính sách để giữ chân các nhà đầu tư và thu hút thêm các nhà đầu tư xanh. Nhiều nhà đầu tư lớn đang ở Phú Quốc, dành những điều tâm huyết cho Phú Quốc. Ngược lại, chính quyền cũng cần có những chính sách để họ yên tâm đầu tư với các chính sách dài hạn, ổn định.
Phú Quốc hoàn toàn có thể trở thành trung tâm du lịch sinh thái đẳng cấp quốc tế nếu có nhiều nhà đầu tư xanh, nhà đầu tư du lịch tâm huyết, có tầm nhìn xa. Bên cạnh đó, cần có chính sách để người dân để tham gia vào phát triển du lịch.
Từ khi làm Quy hoạch du lịch Phú Quốc cách đây 20 năm đến giờ tôi vẫn muốn và tin rằng Phú Quốc sẽ trở thành điểm đến mang tầm quốc tế, có vị trí quan trọng trong phát triển du lịch cũng như kinh tế- xã hội của đất nước. Với những giá trị về cảnh quan, tự nhiên, môi trường xã hội, môi trường đầu tư, tôi nghĩ Phú Quốc hoàn toàn có thể làm được điều đó. Vấn đề là quyết tâm chính trị và sự vào cuộc một cách thực chất thì mới biến các mong muốn này này thành hiện thực được. Và nếu được như vậy, Phú Quốc sẽ đóng góp rất lớn không chỉ cho địa phương tỉnh Kiên Giang mà còn cho đất nước.
Hiện nay, xu hướng xanh và riêng tư đang chiếm ưu thế. Có thể khai thác các vịnh nhỏ, các đảo riêng tư để phát triển sản phẩm du lịch, hình thành các sản phẩm cao cấp, sản phẩm du lịch xanh, sinh thái đích thực, tạo sức hút mới cho du lịch Phú Quốc.
Tôi thấy, Tập đoàn SunGroup vừa qua đã hình thành các sản phẩm mới, show diễn mới, hoạt động mới để thu hút khách tới Phú Quốc như: Cầu Hôn, chuỗi show diễn quốc tế “Nụ hôn của biển cả” và “Bản giao hưởng đại dương” với 2 màn trình diễn pháo hoa mỗi tối, khởi công tòa nhà Khát Vọng – Aspira Tower hay đưa thương hiệu nghỉ dưỡng Rixos cao cấp về đảo… Những công trình, sản phẩm, dịch vụ này đã và sẽ góp phần kích thích chi tiêu của khách, phát triển cái kinh tế ban đêm, khách có thể kéo dài ngày lưu trú ở Phú Quốc mà không nhàm chán. Nên tiếp tục duy trì và phát triển hơn nữa các sản phẩm du lịch như vậy ở phía Nam đảo.
Xin cảm ơn ông!
PV