16/03/2017

Phỏng vấn KTS Toyo Ito: Thiết kế kiến trúc hòa nhập với thiên nhiên

Tại diễn đàn Kiến trúc Việt Nam – Nhật Bản 2017,  diễn giả  KTS Toyo Ito, chủ nhân giải thưởng Pritzker 2013 đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về những vấn đề tiếp cận trong kiến trúc, tương lai kiến trúc, xu thế và vai trò của KTS với xã hội. 

Kiến Việt (KV): Xin chào KTS Toyo Ito, tôi là Vương Đạo Hoàng đến từ trang tin điện tử về kiến trúc lớn nhất Việt nam – . Hôm nay tôi rất hân hạnh được phỏng vấn ông với tư cách là một KTS cũng như một người làm báo. Xin ông chia sẻ với những người rất hâm mộ ông, những KTS Việt Nam về cách ông hành nghề cũng như sáng tạo từ trước đến nay.

Toyo Ito : Nhìn một cách tổng thể, những công trình kiến trúc đang được xây dựng quanh chúng ta là những công trình kiến trúc hiện đại (modernism) của thế kỉ 21. Các công trình này đều đã phát huy vai trò của mình trong quãng thời gian tồn tại. Tuy nhiên, bản thân kiến trúc cần phải thay đổi để thích hợp với những vấn đề nảy sinh như: sinh thái hay bền vững. Nói cách khác, chúng cần phải thay đổi như thế nào để môi trường sống của chúng ta trên trái đất trở nên tươi đẹp hơn? Tôi đang trăn trở tìm kiếm câu trả lời phù hợp nhất cho vấn đề này.

KV: Câu hỏi tiếp theo là xu hướng thiết kế trong việc hành nghề kiến trúc?

Toyo Ito: Kiến trúc và đô thị của thời đại chúng ta đang được thiết kế và xây dựng tách rời với thiên nhiên. Vậy nên thiết kế sao cho hòa nhập và thân thiện với thiên nhiên, môi trường là một xu hướng quan trọng. Tôi cũng sẽ nói chi tiết hơn về vấn đề này trong buổi nói chuyện hôm nay.

KV: Ông có thể chia sẻ cách ông bắt đầu thực hiện một dự án được không ?

Toyo Ito: Nhiều dự án của tôi bắt đầu từ các cuộc thi thiết kế. Khi đó, việc đầu tiên là chúng tôi cần đọc rất kĩ yêu cầu của đề bài cuộc thi rồi mới bắt đầu tìm kiếm phương án. Cùng với đó, chúng tôi cũng suy nghĩ về phương án theo hướng những vấn đề như tôi đã đề cập ở trên. Điều này dẫn đến sẽ có những vấn đề phát sinh đi lệch hướng so với đề bài đặt ra và tôi cần giải quyết lần lượt những vấn đề đó.

KV: Được biết ông đã đạt giải thưởng Pritzker, giải thưởng kiến trúc danh giá vào năm 2013. Giải thưởng này đã tác động như thế nào đến quá trình hành nghề kiến trúc của ông?

Toyo Ito: Số lượng các buổi nói chuyện tăng lên, công việc không nhiều hơn và phí thiết kế cũng không nhiều hơn (cười)

 

KV: Theo ông, KTS có vai trò như thế nào đối với xã hội? KTS có thể sử dụng sức ảnh hưởng của mình để  tác động tích cực đến xã hội như thế nào?

Toyo Ito: Có rất nhiều KTS , trong đó có cả tôi đã từng tự hào về các tác phẩm của mình với những người trong nghề. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng chúng ta cần suy nghĩ lại rằng: đối với những người không ở trong ngành kiến trúc thì sao? KTS có thể cống hiến được gì? Tôi đã thực sự cảm nhận được điều này sau sự kiện sóng thần ở miền đông bắc Nhật Bản ngày 11/3/1011 và đang có nhiều hoạt động liên quan đến vấn đề này.

KV: Xin ông cho biết điều gì khiến ông lo lắng trong bối cảnh hiện nay của thế giới với rất nhiều những xung đột và khó khăn đang diễn ra như thảm họa tự nhiên, xung đột tôn giáo…

Toyo Ito: … Trong bối cảnh chính trị hiện nay, có nhiều người suy nghĩ theo hướng chỉ có lợi ích riêng cho đất nước hay nhóm của mình. Tôi đánh giá đây là một tình huống rất nguy hiểm. Chúng ta cần vượt qua biên giới giữa các quốc gia, tăng cường giao lưu với nhau… tương tự như trong sự kiện này, chúng ta cùng tham gia giao lưu về kiến trúc giữa Việt Nam và Nhật Bản. Những việc như  thế này sẽ có ảnh hưởng  tích cực  đến các lĩnh vực kinh tế cũng như chính trị. Đối với cá nhân tôi, thông qua việc hành nghề kiến trúc, trong khả năng có thể tôi muốn được giao lưu với nhiều quốc gia trên thế giới.

KV: Ông có thể cho biết quan điểm của ông về kiến trúc xanh và kiến trúc bền vững ?

Toyo Ito: Đương nhiên việc sử dụng hiệu quả những nguồn năng lượng từ thiên nhiên là một vấn đề quan trọng. Tuy nhiên nếu chúng ta chỉ chú ý đến việc này thì cuộc sống và sinh hoạt của con người sẽ mất đi những điều thú vị. Theo tôi, chúng ta cần đặt sự thú vị trong cuộc sống của con người lên trên sau đó tìm kiếm lời giải đáp làm sao để vừa đảm bảo yếu này, vừa tiết kiệm năng lượng. Tôi nghĩ điều này hoàn toàn khả thi.

KV: Ông nghĩ gì về tương lai của kiến trúc trong bối cảnh hiện nay với sự thay đổi của công nghệ, trí tuệ nhân tạo, sự xuất hiện của robot, sự biến đổi của môi trường, khí hậu, xã hội, con người?

Toyo Ito:  Bằng việc sử dụng kĩ thuật công nghệ, đặc biệt là máy tính, chúng ta phải vượt qua được tư duy kiến trúc tách rời với tự nhiên. Nói một cách khác, chúng ta cần tìm lại sự gần gũi với thiên nhiên như trước đây. Nếu chúng ta sử dụng công nghệ mà không có sự cân nhắc kĩ, chúng ta sẽ dễ rơi vào trường hợp tạo ra những kiến trúc tách rời khỏi thiên nhiên.

KV: Câu  hỏi cuối cùng, ông nghĩ thế nào về câu chuyện kiến trúc trong bối cảnh tương phản của bản địa và toàn cầu? đặc biệt ở Việt Nam nói riêng,  KTS cần có vai trò như thế nào?

Toyo Ito: Thế giới hiện nay đang chuyển động theo hướng toàn cầu hóa. Nhưng nếu chỉ vì mục đích kinh tế thì sự toàn cầu hóa này không có ý nghĩa gì. Chính việc làm thế nào để phát huy được các yếu tố bản địa trong thời điểm hiện nay là một vấn đề lớn. Hiện nay con người trên trái đất đang bận rộn chạy theo kinh tế toàn cầu hóa nhưng điều này có thực sự làm con người cảm thấy hạnh phúc hơn không thì không gì có thể đảm bảo được. Hạnh phúc của con người có nhiều phần không liên quan đến kinh tế. Khi nghĩ về điều này, tôi cảm thấy các yếu tố như lịch sư rhay tính bản địa càng trở nên quan trọng hơn!

Thực hiện:  KTS  Vương Đạo Hoàng

 Phiên dịch: KTS Trần Đại Nghĩa 

Theo Kiến Việt