13/04/2015

Phố đi bộ không chỉ để đi bộ

Bên cạnh những phê phán “thiếu phần hồn”, đi vào chi tiết phố đi bộ Nguyễn Huệ với kế hoạch vận hành xóa bỏ hiểu lầm của nhiều người rằng phố chỉ dành để… đi bộ.

Đánh giá về công trình phố đi bộ Nguyễn Huệ, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Nguyễn Thành Chung cho biết công trình thể hiện ý chí quyết tâm của TP, góp phần hoàn thiện mỹ quan đô thị ngày càng văn minh, hiện đại.

Mở rộng không gian đi bộ

Dự án nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Huệ được phân chia thành hai đoạn thuộc hai tiểu dự án: Đoạn từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Lê Lợi và đoạn từ đường Lê Lợi đến Công viên Bạch Đằng.

Khi hoàn thành, đường Nguyễn Huệ thành phố đi bộ kết hợp với xe máy, xe ô tô trong đó phần vỉa hè được mở rộng thêm 2,5-3 m so với vỉa hè cũ rộng trung bình 4 m, phần mặt đường cho xe rộng thêm một làn xe cho mỗi bên, riêng phần lõi của quảng trường đi bộ cũng được mở rộng thêm do dỡ bỏ các dải phân cách trước đây. Điểm mới nữa là giữa vỉa hè, mặt đường và quảng trường không có sự chênh cao, phân cách bằng bó vỉa và bồn cây như trước mà liền lạc và được phân biệt bằng màu sắc của đá. “Điều này làm cho diện tích, không gian của toàn tuyến phố thêm rộng, người dân đi bộ thoải mái trên ba phần công năng của tuyến phố vào các dịp hội, lễ, tết” – ông Nguyễn Vinh Ninh, Giám đốc Khu quản lý Giao thông đô thị số 1 (Khu 1), Sở GTVT, cho biết.

Hầm kỹ thuật hiện đại và bảo đảm mỹ thuật

Theo ông Ninh, toàn bộ hệ thống cấp thoát nước, điện, chiếu sáng, viễn thông… đều đi ngầm dưới đất bằng các hào kỹ thuật. Riêng hệ thống cấp nước lần đầu tiên sử dụng loại ống có tuổi thọ trên 50 năm, cao hơn tuổi thọ ống gang hiện nay 20 năm. “Toàn bộ hệ thống ống cấp nước đi dưới hào kỹ thuật bằng bê tông cốt thép nên dễ quản lý, sửa chữa khi có xì bể, không phải đào, cào bóc đường như ở các công trình khác. Điểm đặc biệt khác nữa là các trụ cứu hỏa được đặt âm hai bên đường nhằm bảo đảm mỹ quan cho khu phố đi bộ” – ông Ninh nói.

Phố đi bộ đang được hoàn tất giai đoạn cuối, chuẩn bị khánh thành. (Ảnh chụp ngày  11-4) Ảnh: HTD

Phố đi bộ đang được hoàn tất giai đoạn cuối, chuẩn bị khánh thành. (Ảnh chụp ngày 11-4) Ảnh: HTD

Toàn bộ hệ thống chiếu sáng hai bên vỉa hè, mặt đường, quảng trường, cả chiếu sáng mỹ thuật dọc hai bên quảng trường và chiếu sáng các gốc cây xanh… đều đi ngầm. Đi dọc phố, không có ngọn đèn chiếu sáng nào từ trên cao rọi xuống mà toàn bộ là từ dưới mặt vỉa hè, đường, quảng trường chiếu hắt lên với đủ loại màu sắc.

Tại hai vị trí vòng xoay Cây Liễu cũ (giao lộ Lê Lợi – Nguyễn Huệ) và vòng xoay Quả cầu – Đồng hồ trước tòa nhà Sunwah (giao lộ Nguyễn Huệ – Mạc Thị Bưởi) có hai sàn phun nước theo nhạc điệu. Bình thường, người dân vẫn đi bộ trên mặt sàn này nhưng khi đến giờ thì từ dưới sàn giao lộ nước sẽ được phun lên theo nhạc điệu và hòa vào với ánh sáng đủ màu cũng từ dưới sàn hắt lên. Nước phun chụm lại vào giữa tâm vòng tròn, không tung tóe, bắn ra ngoài nên người dân có thể đứng quanh vòng xoay không gờ chắn này để thưởng ngoạn.

Đi bộ theo ngày, theo giờ

Đến ngày 11-4, tại các đường tiếp giáp với đường Nguyễn Huệ như đường Huỳnh Thúc Kháng, Mạc Thị Bưởi, Lê Thánh Tôn quẹo sang… đã lắp đặt xong 162 trụ ngăn xe tự động. Vào các ngày, giờ bình thường thì hệ thống trụ này nằm chìm dưới mặt đường để cho các loại xe máy, ô tô vào ra phần đường dành cho xe trên phố Nguyễn Huệ. Vào các ngày cuối tuần, từ sau 18 giờ đến 23 giờ hoặc vào các dịp hội, lễ, tết các trụ này sẽ được trung tâm điều khiển “bấm” cho nhô lên khỏi mặt đường để toàn bộ tuyến phố chỉ dành cho đi bộ. “Như vậy việc lưu thông của các loại xe đến-đi khỏi các văn phòng, nhà hàng, khách sạn nằm dọc đường Nguyễn Huệ vào các ngày thường hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Chỉ có điều các loại xe sẽ đi theo một chiều, từ hướng rạp Rex xuống đến cách đường Tôn Đức Thắng hơn 20 m thì có điểm quay đầu riêng, không phải nhập hoặc quay đầu trên đường Tôn Đức Thắng” – ông Ninh cho biết.

Cũng theo ông Ninh, Khu 1 và Sở GTVT vừa trình lên UBND TP đề xuất trong giai đoạn đầu, đường Nguyễn Huệ chỉ đi bộ vào hai tối cuối tuần là thứ Bảy và Chủ nhật, 18-23 giờ. Ngoài thời gian trên, đường Nguyễn Huệ vẫn cho xe lưu thông ở đường hai bên.

Đến khi người dân TP quen dần với phố đi bộ, các loại hình hoạt động ở đây tăng lên và thu hút nhiều người đến thì đường Nguyễn Huệ sẽ trở thành phố đi bộ vào tất cả buổi tối trong tuần, còn ban ngày vẫn cho xe lưu thông ở hai bên đường.

Sau năm, bảy năm nữa, khi tuyến metro số 1 đi vào khai thác và các tuyến lân cận như Huỳnh Thúc Kháng, Mạc Thị Bưởi, Lê Lợi, Nguyễn Siêu… trở thành phố đi bộ thì đường Nguyễn Huệ mới trở thành phố đi bộ 24/24 giờ. “Trong cuộc họp mới đây giữa chúng tôi, các sở, ngành và UBND quận 1 đều thống nhất theo lộ trình trên và trình lên TP quyết định” – ông Ninh nói.

Nhiều sinh hoạt, nhiều tiện ích

Đến nay phương án khai thác trên mặt phố đi bộ đường Nguyễn Huệ được TP giao UBND quận 1 xây dựng, trình lên. Theo đó, nơi đây sẽ tổ chức các buổi diễu hành, mít-tinh, các lễ hội đường phố, đường hoa. Cạnh đó, trên phố sẽ có những hoạt động như triển lãm, sinh hoạt thể thao và cuối tuần sẽ có biểu diễn nghệ thuật…

Ngoài ra, bên cạnh việc cho phép các khách sạn, nhà hàng, quán cà phê “mở cửa” ra mặt tiền phố, sẽ bố trí những ki-ốt di động bán các mặt hàng lưu niệm, đặc sản của địa phương để thu hút du khách. Để phục vụ cho lượng người tăng lên và các nhu cầu sinh hoạt ăn uống đa dạng, dọc tuyến phố đã lắp đặt các tiện ích công cộng như ghế đá, thùng rác và hai nhà vệ sinh công cộng ngầm dưới đất.

Theo ông Ninh, trong quy hoạch được duyệt, khu phố đi bộ cho phép phương tiện công cộng được lưu thông vào. Theo đó, các xe buýt được duy trì nhưng phải đi theo lộ trình quy định, không được cắt ngang phố đi bộ. Các trạm xe buýt sẽ đặt ở những vị trí gần tuyến metro số 1 để người dân có nhiều hướng đi xe buýt hoặc metro.

Theo ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Sở GTVT, đề án mở các tuyến xe điện ở khu vực trung tâm TP và trên tuyến đường Nguyễn Huệ được Sở nghiên cứu từ giữa năm 2014 sẽ được “thúc” nhanh hơn sau khi phố đi bộ hoạt động. Cạnh đó, Sở và TP khuyến khích các đơn vị, nhà hàng, khách sạn trên đường Nguyễn Huệ tổ chức xe điện để phục vụ khách.

Nhằm giảm ngân sách, TP và quận 1 cũng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, lắp đặt WiFi miễn phí trong khu vực phố đi bộ hoặc lắp đặt các biển báo thông tin điện tử, màn hình cảm ứng tại các trạm xe buýt để thông tin về vị trí trạm xe buýt, nhà hàng, quán ăn, khách sạn trong khu phố đi bộ.

Ông NGUYỄN HỮU TÍN, Phó Chủ tịch UBND TP:

Không có việc cấm xe vào phố đi bộ

Theo quy hoạch, các đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi và một phần đường Lê Lợi, Hàm Nghi sẽ trở thành khu mua sắm và phố đi bộ. Tuy nhiên, không phải sẽ cấm hẳn không cho xe ra vào khu vực này mà vẫn có khung giờ cho các phương tiện lưu thông, giống như ở các nước trên thế giới.

Tạo mọi điều kiện giữ xe cho khách đi bộ Hiện phần lớn tầng hầm của tổng số 59 tòa nhà dọc tuyến đường Nguyễn Huệ chỉ giữ xe nội bộ, chỉ có 4-5 bãi giữ xe cho khách vãng lai và không giữ xe vào ban đêm. Riêng Khu 1, nghiên cứu các tuyến đường gần đường Nguyễn Huệ như đường Đồng Khởi, Hàm Nghi, Huỳnh Thúc Kháng, Công viên bến Bạch Đằng… có 27 vị trí giữ xe. Sắp tới, UBND quận 1 sẽ làm việc với các đơn vị có bãi giữ xe, đề nghị tổ chức giữ xe vào ban đêm để giữ xe cho hành khách đến phố đi bộ Nguyễn Huệ.Để có thêm bãi giữ xe cho phố đi bộ, các cơ quan chức năng sẽ xây dựng cơ chế, chính sách cho phép các cơ quan nhà nước sau giờ làm việc ban ngày được tổ chức giữ xe vào ban đêm.

Trước mắt, Khu 1 và Sở GTVT đề xuất TP cho sử dụng một số đoạn vỉa hè đường Hồ Tùng Mậu, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế để giữ xe hai bánh như đã thực hiện vào dịp tổ chức đường hoa Nguyễn Huệ. Việc lập các bãi và phí giữ xe sẽ giao các đơn vị công ích quận 1 hoặc lực lượng thanh niên xung phong thực hiện theo quy định hiện hành.

 

Theo PLTP