Phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại
Theo đánh giá của Thành ủy Hà Nội, hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa của thành phố còn thấp, phát triển đô thị chưa đồng đều và chưa tương xứng với tiềm năng. Công tác quy hoạch và phát triển các đô thị vệ tinh, phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ chưa đạt tiến độ; quản lý đầu tư và sau đầu tư ở một số khu đô thị mới, khu nhà ở còn bất cập, nhất là công tác quản lý, vận hành nhà chung cư tái định cư. Tính đồng bộ của hệ thống hạ tầng đô thị còn chưa cao. Nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, nhất là các lĩnh vực giao thông, cấp, thoát nước, xử lý rác thải, nước thải, hạ tầng viễn thông. Tỷ lệ vận tải hành khách bằng phương tiện công cộng, xử lý ô nhiễm môi trường không khí, kiểm soát và xử lý nước thải… chưa đạt kế hoạch. Tiến độ triển khai một số dự án hạ tầng kỹ thuật giao thông, các nhà máy xử lý rác thải, nước thải, công viên, nghĩa trang, cơ sở hỏa táng… còn chậm.
Bên cạnh đó, việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ còn nhiều vướng mắc, triển khai chậm. Công tác chỉnh trang đô thị tại các tuyến đường phố (lát đá vỉa hè, hạ ngầm đường dây điện, cáp thông tin,…) còn hạn chế. Chưa có quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị hoàn chỉnh. Không gian sinh hoạt, vui chơi giải trí cho cộng đồng dân cư khu vực nội đô còn thiếu. Việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, trường đại học, cao đẳng, cơ sở khám, chữa bệnh ra ngoài khu vực nội đô cũ chưa bảo đảm tiến độ. Ngành dịch vụ – thương mại đã được quan tâm, tuy nhiên, phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô; chưa phát huy lợi thế của nguồn lực về đất đai, thị trường bất động sản, các mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, các tuyến phố đi bộ,… và các loại hình kinh doanh mới gắn với đặc thù đô thị. Hiện trạng các chợ dân sinh khu vực nội đô rất thiếu, phần lớn đã xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, văn minh thương mại.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Chương trình 03-CTr/TU đặt ra mục tiêu tổng quát là phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; đảm bảo mối liên kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn. Nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉnh trang, phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng bền vững. Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô. Đảm bảo tính bền vững của quá trình đô thị hóa, giải quyết được những vấn đề thách thức đặt ra trong quá trình phát triển đô thị.
Mục tiêu cụ thể: Nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính khả thi của công tác chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị tại các khu vực trung tâm; cải tạo, chỉnh trang các khu vực đô thị cũ (về hạ tầng kỹ thuật đô thị, công trình kiến trúc, nhà ở,…) góp phần xây dựng cảnh quan thành phố xanh, văn minh, hiện đại.
Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị khung, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô; tăng cường mối liên kết vùng, tạo động lực phát triển trong vùng Thủ đô. Ưu tiên xây dựng không gian ngầm đô thị theo hướng tích hợp đa chức năng. Nâng cao chất lượng các dịch vụ công ích đô thị.
Phát triển đô thị xanh, bền vững, thông minh, hiện đại. Đầu tư mở rộng khu vực đô thị, xây dựng hạ tầng khung, hạ tầng xã hội tại 05 huyện thành quận và đô thị vệ tinh đảm bảo hài hòa mối liên kết giữa đô thị và nông thôn, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống. Hình thành các công trình, khu vực điểm nhấn đô thị mang tính biểu tượng, tạo lập không gian kiến trúc, cảnh quan đặc sắc của Thủ đô. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, đảm bảo kỷ cương và văn minh đô thị.
Phát triển mạnh mẽ kinh tế đô thị, nhất là các ngành nghề phi nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao gắn với bảo vệ môi trường; chú trọng các mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, phát triển thêm các tuyến phố đi bộ,… và các loại hình kinh doanh mới gắn với đặc thù đô thị nhằm phát huy lợi thế, nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Phát triển hiệu quả, bền vững thị trường bất động sản, khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế đô thị.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Chương trình đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm sau: Triển khai thực hiện Quy hoạch thành phố Hà Nội; rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và các quy hoạch chuyên ngành; Tăng cường chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị; Phát triển đồng bộ, hiện đại và mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; Phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại, bền vững; đầu tư mở rộng khu vực đô thị, đô thị vệ tinh; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, đảm bảo kỷ cương và văn minh đô thị; Khai thác tối đa lợi thế đô thị để phát triển kinh tế đô thị.
HP/Pháp luật và Xã hội