10/01/2018

Phát triển đô thị vệ tinh trong đồ án quy hoạch chung Hà Nội

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Quy hoạch chung (QHC) xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bao gồm: Đô thị trung tâm và 05 đô thị vệ tinh cùng các thị trấn sinh thái. Đây là cơ hội để Hà Nội có đủ thế và lực phát triển đồng bộ, xứng tầm là một đô thị trung tâm của Vùng và cả nước. Tuy nhiên, phát triển đồng bộ hệ thống các đô thị vệ tinh để đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển chung cần có những giải pháp và chiến lược quy hoạch, quản lý phát triển đô thị cụ thể. Việc phát triển chùm đô thị vệ tinh nhằm thu hút nguồn lực phát triển, thu hút dân cư từ đô thị trung tâm ra đô thị vệ tinh và phát triển hệ thống giao thông kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh, quản lý khu vực hành lang xanh.

Xây dựng mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối tại Đô thị vệ tinh Phú Xuyên (Hà Nội)

Xây dựng mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối tại Đô thị vệ tinh Phú Xuyên (Hà Nội)

HỆ THỐNG ĐÔ THỊ VỆ TINH TRONG TỔNG THỂ TP HÀ NỘI
Theo Đồ án QHC xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, Thủ đô Hà Nội có diện tích khoảng 3.344km2, gồm đô thị trung tâm và 05 đô thị vệ tinh cùng các thị trấn sinh thái. Đô thị trung tâm Hà Nội dự kiến có dân số khoảng 4,6 triệu người (2030) gồm: Khu vực nội đô; Chuỗi khu đô thị phía Đông vành đai 4 và chuỗi khu đô thị phía Bắc sông Hồng. Năm đô thị vệ tinh gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn, ở cự ly khoảng 25 – 30km tính từ trung tâm thành phố. Theo dự kiến, các đô thị vệ tinh được phát triển hoàn chỉnh đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội một cách độc lập và hỗ trợ, giảm tải một số chức năng cho đô thị trung tâm như: Công nghiệp, công nghệ cao, giáo dục, đào tạo, y tế, du lịch, đầu mối hạ tầng kỹ thuật diện rộng… Chức năng chính của 05 đô thị vệ tinh được quy định cụ thể trong Đồ án Quy hoạch chung 2011 được phê duyệt bao gồm:
– Đô thị vệ tinh Hòa Lạc nằm ở phía Tây đô thị trung tâm, có dân số dự kiến là 600.000 được xác định là đô thị khoa học công nghệ và đào tạo với mục tiêu chính là khuyến khích phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút di dân.
– Đô thị vệ tinh Xuân Mai nằm ở phía Tây đô thị trung tâm có dân số dự kiến là 220.000 với chức năng được xác lập là đô thị dịch vụ – công nghiệp. Trong đó, phát triển các trung tâm dịch vụ gắn với cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống; và phát triển các dịch vụ thương mại đầu mối kết nối Hà Nội với các tỉnh phía Tây Bắc đất nước.
– Đô thị vệ tinh Phú Xuyên nằm ở phía Nam đô thị trung tâm, với dân số dự kiến khoảng 127.000, là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung tâm trung chuyển hàng hóa. Trong đó, đầu tư xây dựng các cơ sở kinh tế về công nghiệp, y tế, giáo dục, vui chơi giải trí, thể dục thể thao nhằm thu hút và cung cấp nguồn lực tại chỗ và các vùng hoạt động kinh tế lân cận.
– Đô thị vệ tinh Sơn Tây nằm ở phía Tây Bắc đô thị trung tâm, có dân số dự kiến khoảng 186.000, được xác định là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng.
– Đô thị vệ tinh Sóc Sơn nằm ở phía Bắc đô thị trung tâm, có dân số dự kiến khoảng 250.000, được xác định là đô thị dịch vụ và đô thị sinh thái được phát triển dựa trên cơ sở trung tâm dịch vụ cảng hàng không, dịch vụ thương mại, logistics và trung chuyển hàng hóa quốc tế, trung tâm dịch vụ du lịch thương mại nghỉ dưỡng cấp vùng và thành phố, phát triển công nghiệp sạch của thành phố, trung tâm dịch vụ đào tạo cấp vùng.

VAI TRÒ CỦA ĐÔ THỊ VỆ TINH TRONG CÁC MỐI QUAN HỆ
Đô thị vệ tinh trong mối quan hệ với đô thị trung tâm
Như vậy, theo QHC được duyệt, Hà Nội sẽ chuyển từ mô hình đô thị “Đơn cực” sang “Đa cực”, từ đô thị một trung tâm sang đô thị đa tâm. Về lý thuyết, các đô thị vệ tinh sẽ đóng vai trò đầu mối giảm tải cho đô thị trung tâm một số chức năng hiện đã quá tải như: Công nghiệp, dịch vụ, thương mại, giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao… Trên cơ sở hệ thống giao thông công cộng, hệ thống viễn thông và các hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và hiện đại, các đô thị vệ tinh sẽ được kết nối chặt chẽ với nhau và với đô thị trung tâm và vẫn đảm bảo khả năng hoạt động độc lập của các đô thị trong mạng lưới.
Điển hình như, đô thị vệ tinh Hòa Lạc được định hướng quy hoạch xây dựng, phát triển thành một đô thị mới hoàn chỉnh, đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật như một đô thị độc lập có vai trò điều hòa sự gia tăng dân số và giảm tải một số chức năng cho đô thị trung tâm như: phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, nghỉ dưỡng, y tế cấp vùng.
Đô thị vệ tinh Xuân Mai được dự kiến phát triển các trung tâm dịch vụ gắn với cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống, phát triển các dịch vụ thương mại đầu mối kết nối Hà Nội với các tỉnh phía Tây Bắc. Cùng với đô thị Hòa Lạc, đô thị Xuân Mai có vai trò hỗ trợ về đào tạo đại học, giảm tải sinh viên ra khỏi đô thị trung tâm.
Đô thị vệ tinh Sơn Tây được tổ chức theo hướng có khả năng tự cung cấp việc làm và các dịch vụ đô thị, phát triển tương đối độc lập với đô thị trung tâm, là động lực phát triển cho thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì, tạo sức hút chuyển dịch dần dân số khu vực nông thôn vào khu vực đô thị, gián tiếp giảm sự tăng dân số cơ học của đô thị trung tâm Hà Nội.
Đô thị vệ tinh Phú Xuyên được định hướng phát triển công nghiệp, y tế, giáo dục và dịch vụ thương mại cửa ngõ phía Nam Hà Nội trở thành trung tâm phát triển hỗn hợp nhằm giảm sức ép về phát triển trong đô thị trung tâm, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và đô thị hóa vùng ngoại thành.
Bên cạnh chức năng cửa ngõ giao thông phía Bắc và trung chuyển hàng hóa quốc tế, đô thị vệ tinh Sóc Sơn được định hướng phát triển về phía Nam và phía Đông với một số mục tiêu: Đáp ứng yêu cầu giãn dân, thu hút di dời các cơ sở đào tạo, phát triển các khu vui chơi du lịch nghỉ dưỡng góp phần giảm tải cho khu vực đô thị trung tâm.
Đô thị vệ tinh trong chùm đô thị
Bên cạnh vai trò hỗ trợ đô thị trung tâm, cụm đô thị vệ tinh Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai có mối quan hệ hỗ trợ trực tiếp lẫn nhau thông qua 2 tuyến giao thông QL21 – QL32 và đường Hồ Chí Minh. Với quy mô khoảng 100.000 sinh viên, nằm ở khu vực trung tâm đô thị vệ tinh Hòa Lạc, khu Đại học Quốc gia Hà Nội cùng với khu Công nghệ cao Hòa Lạc, giữ vai trò chính trong việc giáo dục đào tạo và giảm tải chức năng này đối với đô thị trung tâm. Hai đô thị Xuân Mai và Sơn Tây đều có nhiệm vụ hỗ trợ đô thị vệ tinh Hòa Lạc trong nhiệm vụ giáo dục đào tạo với quy mô ước tính 60.000 sinh viên tại mỗi đô thị. Ngược lại, đô thị Hòa Lạc là nguồn cung cấp nhân lực qua đào tạo trong các lĩnh vực du lịch, sinh thái, công nghệ cao cho các đô thị vệ tinh khác.
Cụm công nghiệp Nam Tiến Xuân cùng với các nhà máy, các làng nghề hiện có đã được sắp xếp quy hoạch hợp lý trong QHC đô thị vệ tinh Xuân Mai là động lực phát triển kinh tế từ sản xuất công nghiệp đối với cụm đô thị vệ tinh và các khu vực xung quanh. Khu vực nghiên cứu công nghệ cao tại đô thị Hòa Lạc là nguồn cung cấp nhân lực, công nghệ, máy móc thiết bị đối với các cơ sở sản xuất tại đô thị vệ tinh Xuân Mai.
Thành cổ Sơn Tây, di tích lịch sử kiến trúc cấp quốc gia là điểm nhấn của định hướng phát triển đô thị vệ tinh Sơn Tây trở thành đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, tạo sức hút đối với du khách từ đô thị Hòa Lạc và Xuân Mai, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm đối với người lao động trong khu vực. Đây cũng là động lực phát triển của đô thị Sơn Tây.

Theo Quy hoạch chung, Hà Nội sẽ chuyển từ mô hình đô thị “Đơn cực” sang “Đa cực”, từ đô thị một trung tâm sang đô thị đa tâm. Về lý thuyết, đô thị trung tâm sẽ được giảm tải đối với một số chức năng hiện đang ở trạng thái quá tải như: Công nghiệp, dịch vụ, thương mại, giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao… Bên cạnh vai trò hỗ trợ đô thị trung tâm, cụm 3 đô thị vệ tinh Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai có mối quan hệ hỗ trợ trực tiếp lẫn nhau thông qua 2 tuyến giao thông QL21- QL32 và đường Hồ Chí Minh. Các đô thị vệ tinh nằm trong vùng phụ cận của đô thị hạt nhân trung tâm vùng Thủ đô, với khoảng cách 25-30km so với đô thị trung tâm, có nhiệm vụ hỗ trợ phát triển các đô thị trung tâm (Hà Nội- Bắc Ninh- Vĩnh Phúc), hình thành vùng giao thoa phát triển giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận.


Các thành phố vệ tinh trong mối quan hệ với vùng Thủ đô

Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tháng 5/2016 xác định vùng thủ đô Hà Nội gồm Hà Nội và 9 tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang với các mục tiêu: Phân bổ nguồn lực hiệu quả, tạo động lực phát triển, làm cơ sở xây dựng các quy hoạch khác. Nằm trong Vùng Thủ đô, 05 đô thị vệ tinh; Hà Nội có vai trò quan trọng và hứa hẹn đóng góp nhiều giá trị trong sự phát triển chung của toàn vùng.
Các đô thị vệ tinh của Hà Nội góp phần hoàn thành định hướng đến năm 2030 của quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội là “Vùng đô thị đa cực – tập trung”, liên kết không gian giữa đô thị trung tâm Hà Nội và các tỉnh xung quanh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của các đô thị tỉnh lỵ nhằm phát huy vai trò, tiềm năng, thông qua việc phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nhằm giảm sự tập trung quá tải vào trung tâm Hà Nội. Đô thị Hòa Lạc với mục tiêu là thành phố “đào tạo cấp độ cao” và “trung tâm phát triển” cho toàn vùng Thủ đô; Đô thị Sóc Sơn khai thác tiềm năng của khu vực Nội Bài và vị trí trên hành lang vận tải Lào Cai – Hải Phòng trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ cao cấp cho toàn vùng và cả miền Bắc.
Các đô thị vệ tinh nằm trong vùng phụ cận của đô thị hạt nhân trung tâm vùng Thủ đô, với khoảng cách 25 – 30km so với đô thị trung tâm, có nhiệm vụ hỗ trợ phát triển các đô thị trung tâm (Hà Nội – Bắc Ninh – Vĩnh Phúc), hình thành vùng giao thoa phát triển giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận. Thế mạnh của các đô thị vệ tinh dự kiến phát triển: Chế biến nông nghiệp, thực phẩm (Phú Xuyên); tiểu thủ công nghiệp, làng nghề (Xuân Mai); di tích lịch sử văn hóa (Sơn Tây)…
Các đô thị vệ tinh với các chức năng của mình, góp phần tạo thêm công ăn việc làm, thu hút lao động từ các tỉnh xung quanh. Đồng thời, đô thị vệ tinh kết hợp với các tỉnh lân cận hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Đô thị vệ tinh Phú Xuyên phát triển chế biến nông nghiệp, logistic, cảng sông góp phần hỗ trợ các tỉnh đã được xác định phát triển về giáo dục, y tế, dịch vụ phía Đông Nam của vùng là Hưng Yên – Hà Nam. Đô thị Xuân Mai phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tạo công ăn việc làm, thu hút nhân lực công nghiệp tỉnh Hòa Bình (giữ vai trò sinh thái, môi trường, du lịch nghỉ dưỡng trong vùng Hà Nội).
Nằm về phía Tây Bắc thủ đô Hà Nội, đô thị Sơn Tây là cửa ngõ, kết nối Hà Nội với phân vùng miền núi – trung du Tây Bắc của Quy hoạch I vùng Thủ đô. Cùng với thế mạnh về di sản văn hóa lịch sử của phân vùng, đô thị Sơn Tây dự kiến góp phần phát triển các trung tâm du lịch đô thị dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch khám phá của cả nước như: Sơn Tây – Ba Vì, Lương Sơn – Kỳ Sơn, vùng hồ Hòa Bình – Kim Bôi, vùng du lịch Quan Sơn – Hương Sơn – Tam Chúc, vùng Đền Hùng – Xuân Sơn – Thanh Thủy.
Đô thị vệ tinh Sóc Sơn giáp phân vùng miền núi trung du Đông Bắc (Thái Nguyên, Bắc Giang), thuộc hành lang kinh tế Côn Minh – Hà Nội – Quảng Ninh, nằm trên trục hội nhập quốc tế Hà Nội – Thái Nguyên (Hà Nội – Đông Anh – Nội Bài – Sóc Sơn – Yên Bình – Thái Nguyên) và hành lang cao tốc Lào Cai – Hà Nội – Hạ Long, với ưu thế là sân bay Nội Bài, là cửa ngõ giao thông quan trọng phía Bắc Hà Nội (QL3, cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên), giữ vai trò trung chuyển hàng hóa quốc tế cho toàn miền Bắc tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là khu vực Yên Bình (Nam Thái Nguyên).
Trục phát triển Hà Nội – Phủ Lý là trục cửa ngõ kết nối vùng Thủ đô với các tỉnh miền Nam, dự kiến phát triển chuỗi đô thị công nghiệp dọc theo hành lang của tuyến QL1A, đường sắt Bắc Nam và cao tốc Bắc Nam.
Đô thị vệ tinh Phú Xuyên nằm trên trục phát triển Hà Nội – Phủ Lý, với các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ tiếp vận góp phần phục vụ nhu cầu khu vực phía Nam vùng Thủ đô Hà Nội.
Đô thị Xuân Mai là cửa ngõ phía Tây Nam Hà Nội, là đầu mối giao thông liên kết Hà Nội với các tỉnh miền núi phía Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) dựa trên mạng lưới giao thông liên vùng, quốc gia (QL6 và QL21).
ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ VỆ TINH
Thu hút nguồn lực phát triển đô thị vệ tinh
Về định hướng, một đô thị vệ tinh xuất hiện không đơn giản chỉ là một quyết định hành chính mà nó phải hút được nguồn lực mạnh và có giá trị gia tăng cao như con người, tiền bạc, tài nguyên. Hay nói cách khác là người ta muốn đến định cư và muốn đầu tư lớn vào đô thị.
Các đô thị vệ tinh Hà Nội có rất nhiều nội dung, hạng mục hấp dẫn các nhà đầu tư như: các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề (Đô thị Xuân Mai, đô thị Phú Xuyên); các hoạt động giáo dục – đào tạo (Đô thị Hòa Lạc, đô thị Xuân Mai); du lịch, nghỉ dưỡng (Đô thị Sơn Tây), cơ sở hạ tầng đô thị và các dự án đầu tư đa dạng khác trong các khu đô thị vệ tinh đã, đang và sẽ được xây dựng, triển khai trong khuôn khổ Quy hoạch được duyệt, vấn đề cần đặt ra là làm sao để thu hút các chủ đầu tư chuyển từ đô thị trung tâm với nhiều ưu thế về các đô thị vệ tinh?
Để giải quyết vấn đề nêu trên, Hà Nội cần nỗ lực liên tục xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư, quan tâm cung cấp các thông tin phong phú về chủ đề quy hoạch và phát triển các đô thị vệ tinh Hà Nội, cùng các cơ chế khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ đầu tư cần thiết vào các đô thị vệ tinh trên địa bàn Thủ đô.

Cấu trúc đô thị Hà Nội trong tương lai

Cấu trúc đô thị Hà Nội trong tương lai

Về giải pháp, hạn chế sử dụng vốn ngân sách, vốn vay. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng chống lãng phí, thất thoát vốn ngân sách trong đầu tư xây dựng, phát triển đô thị vệ tinh. Xã hội hóa kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp ngoài nhà nước và tư nhân để thực hiện việc này, thành phố cần tháo gỡ những khó khăn đang tồn tại của các doanh nghiệp.
Huy động tối đa nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Để tăng cường thu hút FDI, các chính sách trong thời gian tới cần tuân thủ các yêu cầu mục tiêu quản lý Nhà nước và cam kết hội nhập về lĩnh vực đầu tư, công nghệ và bảo vệ môi trường; Công khai quy hoạch; Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư chọn lọc có mục tiêu; Cải cách và đơn giản hóa các thủ tục hành chính phù hợp với các thông lệ quốc tế; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao công nghệ… Tăng cường huy động vốn chuyển từ các hình thức Đối tác công tư (PPP) như: Xây dựng – chuyển giao (BT); Xây dựng – chuyển giao – Kinh doanh (BTO); Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT)…
UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ban ngành chức năng và địa phương liên quan phối hợp thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư đúng tiến độ. Ban hành các chính sách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, ưu đãi cho các doanh nghiệp về thủ tục, đất đai, tài chính… Phân kỳ đầu tư hợp lý, tập trung vào các dự án được xác định là động lực phát triển của đô thị. Khai thác các tiềm năng phát triển dựa trên yếu tố cảnh quan thiên nhiên (Một yếu tố mà đô thị trung tâm khó đáp ứng được).
Thu hút dân cư từ đô thị trung tâm ra đô thị vệ tinh
Về định hướng, quá trình đô thị hóa nhanh tại trung tâm Hà Nội kéo theo sự gia tăng dân số, đặc biệt là sự gia tăng cơ học, tạo rất nhiều áp lực lên đô thị trung tâm Hà Nội từ các vấn đề về nhà ở, việc làm, y tế, giáo dục… cho đến vệ sinh môi trường. Áp lực này dần dần tạo ra sự phát triển không bền vững gây ra các tai biến về môi trường, suy thoái xã hội, giảm chất lượng cuộc sống người dân Thủ đô…
Các đô thị vệ tinh được quy hoạch xây dựng phát triển với mục tiêu chính là làm giảm áp lực đối với một số chức năng của đô thị trung tâm. Để thực hiện được mục tiêu này, vấn đề thu hút dân cư từ đô thị trung tâm và khu vực khác di chuyển về các đô thị vệ tinh sinh sống là một vấn đề cần được quan tâm giải quyết. Dưới góc độ quy hoạch đô thị vệ tinh, cần đề xuất ý tưởng, giải pháp quy hoạch phù hợp với điều kiện tự nhiên, đảm bảo phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống của dân cư trong đô thị vệ tinh. Từ đó, tạo ra sức hút làm người dân di chuyển từ các khu vực khác về đô thị vệ tinh sinh sống, lao động. Bên cạnh đó, Thành phố cần đưa ra các cơ chế chính sách nhằm thu hút người dân di chuyển khỏi đô thị trung tâm, tạo cơ sở phát triển đô thị vệ tinh, dần dần tạo ra các trung tâm mới.
Về giải pháp, nhanh chóng hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh và giữa đô thị vệ tinh với các khu vực dân cư xung quanh. Xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các đô thị vệ tinh, bao gồm hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt chú trọng các tiện ích sống mà đô thị trung tâm không thể mang lại (Không gian yên tĩnh, cảnh quan, môi trường…). Thu hút đầu tư vào sản xuất, du lịch nghỉ dưỡng… nhằm tạo thêm nhiều việc làm. Ban hành các chính sách ưu đãi đối với cư dân ở đô thị vệ tinh như các chính sách về tài chính khi mua nhà, ưu đãi về học phí đối với học sinh… Đẩy mạnh công tác truyền thông, giúp dân cư đô thị trung tâm hiểu rõ về các đô thị vệ tinh và chất lượng cuộc sống tại đây.

Mặt bằng tổ chức không gian QHC đô thị vệ tinh Sóc Sơn (Hà Nội)

Mặt bằng tổ chức không gian QHC đô thị vệ tinh Sóc Sơn (Hà Nội)

Phát triển hệ thống giao thông kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh
Về định hướng, giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, cần ưu tiên đầu tư phát triển đi trước một bước với tốc độ nhanh, bền vững nhằm tạo tiền đề cho phát triển, củng cố an ninh, quốc phòng, phục vụ sự phát triển kinh tế ở cả đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh. Để kết nối giữa đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh, QHC Thủ đô Hà Nội dự kiến cải tạo 05 tuyến đường quốc lộ, cao tốc (QL32, đại lộ Thăng Long, QL6, QL1A, QL3); xây mới 04 tuyến đường (Đường Tây Thăng Long kết nối với đô thị Sơn Tây; Đường Hồ Tây – Ba Vì kết nối với đô thị Hòa Lạc và khu vực Ba Vì; Đường Hà Đông – Xuân Mai kết nối với đô thị Xuân Mai; Đường Ngọc Hồi Phú Xuyên kết nối với đô thị Phú Xuyên); Xây dựng 03 tuyến đường sắt đô thị kéo dài đến các đô thị vệ tinh (các tuyến đường sắt số 2, 3, 5). Tuy nhiên việc hoàn thành hệ thống giao thông nêu trên đòi hỏi nhiều về nguồn lực. Đây cũng là một bài toán không dễ giải cho chính quyền Hà Nội.
Về giải pháp, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đô thị vệ tinh hiện đại và đồng bộ, đáp ứng nhu cầu giao thông từ đô thị trung tâm đến đô thị vệ tinh. Ngoài hệ thống giao thông theo quy hoạch, tổ chức thêm các tuyến xe buýt, đặc biệt là xe buýt nhanh BRT kết nối các bến xe đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh và giữa các đô thị vệ tinh với nhau. Nâng cấp dịch vụ xe buýt nhằm khuyến khích người dân sử dụng xe buýt trong việc tham gia giao thông giữa đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh. Xây dựng thêm hệ thống bãi đỗ xe phục vụ việc sử dụng các phương tiện công cộng. Xây dựng mạng lưới giao thông trung chuyển kết nối giữa các hình thức giao thông tại đô thị vệ tinh.
Quản lý khu vực hành lang xanh
Về định hướng, hành lang xanh chiếm 70% đất tự nhiên, là toàn bộ khu vực nông thôn Hà Nội gồm: Khu vực bảo tồn tự nhiên, khu vực phát triển nông nghiệp, khu vực làng xóm và các di tích văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, khu vực phát triển các dự án hạ tầng kinh tế – xã hội khác. Quản lý khu vực hành lang xanh chủ yếu gồm các nội dung như ngăn chặn quá trình đô thị hóa, giữ gìn đất nông nghiệp không chuyển đổi mục đích sử dụng đất và bảo tồn thiên nhiên. Quản lý tốt khu vực hành lang xanh có ý nghĩa quyết định bằng việc phân tách giới hạn ngưỡng phát triển của đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh.
Về giải pháp, khuyến khích phát triển du lịch sinh thái, tham quan dã ngoại, vui chơi giải trí mật độ thấp. Nghiêm cấm phát triển đô thị, không xây dựng các công trình quy mô lớn làm phá vỡ cảnh quan tự nhiên. Phát triển sản xuất nông nghiệp. Không chuyển đổi đất nông nghiệp sang các loại đất khác. Tuyệt đối giữ gìn các khu vực bảo tồn tự nhiên, cảnh quan đặc thù./.

TS. KTS. Nguyễn Trúc Anh 
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội