25/11/2022

Phát triển đô thị ở tỉnh biên giới Lạng Sơn

Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ của Việt Nam, nằm ở vị trí có các tuyến đường Quốc lộ 1A, 1B, 4A, 4B, 31, 3B, 279 và tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội – Đồng Đăng – Bằng Tường – Bắc Kinh đi qua, là trung tâm kết nối quan trọng của vùng, cả nước và điểm trung chuyển quan trọng của khu vực; nằm trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Tỉnh có 231,74km đường biên giới quốc gia (Việt Nam – Trung Quốc), có hệ thống cửa khẩu trên bộ quan trọng nhất của cả nước trong kết nối, thông thương với nước bạn Trung Quốc với 02 cửa khẩu quốc tế (cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị và cửa khẩu ga đường sắt Đồng Đăng), 01 cửa khẩu song phương (Chi Ma) và 09 cửa khẩu phụ/lối mở.

Hệ thống đô thị của tỉnh được phân bố tương đối đồng đều, việc xây dựng và phát triển đô thị bám sát các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội

Là vùng đất “phên dậu” của Tổ quốc, với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, giàu truyền thống cách mạng, giữ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Tỉnh Lạng Sơn có diện tích 831.018ha, đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố cả nước, được chia thành 11 huyện, thành phố với 15 đô thị các loại, gồm 01 đô thị loại II là thành phố Lạng Sơn, 01 đô thị loại IV là thị trấn Đồng Đăng và 13 đô thị loại V là các thị trấn thuộc các huyện.

Hệ thống đô thị của tỉnh được phân bố tương đối đồng đều, việc xây dựng và phát triển đô thị bám sát các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, giữ vai trò là hạt nhân quản lý, trung tâm động lực phát triển của từng huyện, của từng tiểu vùng trong tỉnh và toàn tỉnh; tạo thành hệ thống liên hoàn trong hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Không gian đô thị từng bước được mở rộng, dân số tăng, đời sống nhân dân ngày một nâng cao. Hệ thống đô thị phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại hơn; kiến trúc, cảnh quan được cải thiện rõ rệt, ngày càng sáng – xanh – sạch – đẹp, hài hòa với thiên nhiên.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quy hoạch phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Do tỉnh Lạng Sơn là khu vực núi cao có địa hình chia cắt phức tạp, khó khăn trong đầu tư cơ sở hạ tầng; xuất phát điểm về kinh tế – xã hội thấp, cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp còn cao, công nghiệp chưa phát triển, thương mại du lịch, dịch vụ có nhiều tiềm năng nhưng khai thác còn hạn chế; các đô thị trên địa bàn tỉnh chủ yếu ở quy mô nhỏ, tốc độ đô thị hóa diễn ra chậm; mật độ dân số đô thị trung bình toàn tỉnh thấp; quỹ đất dành cho các hoạt động phát triển kinh tế, phát triển đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư nông thôn, khu du lịch… chưa được khai thác sử dụng một cách tối ưu.

Kiến trúc cảnh quan đô thị chưa thực sự hấp dẫn, nhiều công trình xây dựng chưa đảm bảo các yêu cầu về mỹ thuật – kiến trúc, hiện tượng nhà ở hình ống, hộp diêm có phần gia tăng. Không gian sinh hoạt công cộng như công viên, quảng trường, khu vui chơi giải trí, công trình điểm nhấn… chưa được đầu tư đầy đủ; hình thái đô thị chưa rõ rệt. Các lợi thế của địa phương về cảnh quan tự nhiên, hệ thống sông, hồ, đồi, núi, điểm ngắm cảnh có tầm nhìn đẹp chưa được khai thác có hiệu quả, đặc biệt là cảnh quan khu vực ven sông của đô thị bị che kín.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị còn thiếu và chưa đồng bộ; chưa thể hiện được vai trò kết nối, chia sẻ giữa khu vực đô thị, nông thôn và các khu vực chức năng quan trọng. Hệ thống giao thông không có sự phân cấp rõ ràng, phần lớn các đô thị đều có hệ thống giao thông đối ngoại xuyên cắt qua đô thị, thiếu hệ thống đường vành đai, đường tránh qua đô thị; đường cấp đô thị, cấp khu vực có lộ giới nhỏ.

Công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: tiến độ lập các đồ án quy hoạch còn chậm, chất lượng thấp, chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng với yêu cầu về phát triển kinh tế – xã hội; chưa có sự thống nhất giữa các quy hoạch chuyên ngành; việc triển khai thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế, tỷ lệ phủ kín quy hoạch còn thấp; việc nghiên cứu áp dụng các mô hình mới trong phát triển đô thị, như đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, đô thị tăng trưởng xanh chưa được định hướng cụ thể và có sự lựa chọn thích hợp.

Không gian đô thị từng bước được mở rộng, dân số tăng, đời sống nhân dân ngày một nâng cao

Những hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan đó là do quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và pháp luật về đất đai còn bất cập, chồng chéo, nhiều nội dung không thống nhất. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế hiện đang được áp dụng thống nhất trên toàn quốc, không căn cứ vào đặc trưng vùng, miền cũng như thực tế phát triển của từng đô thị, nên chưa tạo được nét riêng có cho các đô thị theo vùng, miền đặc biệt là các đô thị vùng biên giới. Về nguyên nhân chủ quan là do công tác tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, việc quản lý xây dựng về phát triển đô thị hiệu quả chưa cao, chưa sát sao kịp thời, thiếu quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; nguồn lực cho công tác quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và chỉnh trang đô thị còn hạn chế. Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý sai phạm, tiêu cực chưa kịp thời và nghiêm minh.

Trước thực trạng này, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, giải pháp đẩy mạnh quy hoạch và phát triển đô thị. Nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về quy hoạch và phát triển đô thị được nâng lên.

Với quan điểm đô thị hóa tiếp tục được xác định là tất yếu khách quan, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững của tỉnh trong thời gian tới. Vì vậy, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong việc hoàn thiện thể chế, quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo và tạo động lực phát triển quan trọng để xây dựng Lạng Sơn trở thành cực tăng trưởng và là trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và các nước Đông Bắc Á qua tuyến đường bộ theo Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra. Tỉnh Lạng Sơn đã xác định một số mục tiêu như đến năm 2025: tỷ lệ đô thị hóa khoảng 30%; số lượng đô thị toàn tỉnh có 15 đô thị (gồm: 01 đô thị loại II; 14 đô thị loại V). Đến năm 2030: tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40%; số lượng đô thị toàn tỉnh có 17 đô thị (gồm: phấn đấu đạt một số tiêu chí của đô thị loại I – thành phố Lạng Sơn là đô thị thông minh; 03 đô thị loại IV; 13 đô thị loại V), trong đó hình thành thêm 02 đô thị loại V có đường biên giới quốc gia là thị trấn Chi Ma – Yên Khoái (huyện Lộc Bình) và thị trấn Tân Thanh (huyện Văn Lãng). Tầm nhìn đến năm 2045: tỷ lệ đô thị hóa tối thiểu bằng tỷ lệ đô thị hóa trung bình của cả nước. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các khu vực, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỉ trọng lớn phù hợp với định hướng quy hoạch tỉnh; phát triển du lịch và nông lâm nghiệp; khai thác hiệu quả và bền vững các công trình văn hóa, lịch sử. Hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I của thành phố Lạng Sơn đến năm 2045.

Để hoàn thành các mục tiêu đã xác định, trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn cần tập trung triển khai thực hiện một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp như sau:

1. Triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 81-NQ/TU ngày 06/7/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính mở rộng thành phố Lạng Sơn theo hướng sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính của huyện Cao Lộc vào thành phố Lạng Sơn, hình thành đô thị tỉnh lỵ (loại I) là đô thị có yếu tố đặc thù độc đáo, có biên giới quốc gia; mở rộng không gian, tăng cường thu hút đầu tư và phát huy mọi nguồn lực tạo đột phá phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững với tầm nhìn dài hạn, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng thành phố Lạng Sơn với mục tiêu trở thành một trong những cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Lạng Sơn.

2. Xây dựng, đổi mới các cơ chế, chính sách và triển khai thực hiện phát triển đô thị: tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch, phát triển đô thị, kiến trúc, xây dựng bảo đảm tính minh bạch, thống nhất, hạn chế tối đa mâu thuẫn và chồng chéo. Cụ thể hóa các quy định về đất đai, quy hoạch đô thị, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở…; nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định các loại quy hoạch; nghiên cứu, quy hoạch và phát triển đồng bộ các khu đô thị mới theo hướng xây dựng đô thị thông minh, đô thị xanh, đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với không gian, cảnh quan, bản sắc văn hóa. Tiếp tục hoàn thiện đề án đề xuất điều chỉnh phạm vi ranh giới Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn theo hướng đưa thành phố Lạng Sơn (phạm vi địa giới hành chính thành phố Lạng Sơn hiện nay) ra ngoài Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn; hoàn thành xây dựng, trình cấp có thẩm quyền xem xét thông qua Đề án điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính mở rộng thành phố Lạng Sơn và Đề án rà soát, đánh giá, phân loại đô thị thành phố Lạng Sơn.

Hệ thống đô thị phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại hơn

3. Huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút nguồn lực phát triển kinh tế đô thị, kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố Lạng Sơn trở thành cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng; thành phố Lạng Sơn và các đô thị trung tâm thị trấn trở thành các đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị. Quản lý chặt chẽ việc tuân thủ các chỉ tiêu về quy hoạch, thực hiện theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị; đẩy mạnh huy động nguồn lực trong công tác lập quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị.

Phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ và du lịch thực sự là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tập trung thu hút một số nhà đầu tư lớn phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh… trong đó đặc biệt là Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn. Khuyến khích phát triển các thị trấn nông – công nghiệp trên cơ sở các khu dân cư nông thôn hiện có trở thành các trung tâm dịch vụ, sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm, nguyên liệu, chuyển giao công nghệ…

4. Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, nâng cao đạo đức xã hội, ý thức pháp luật, xây dựng văn hóa và con người Lạng Sơn gắn với các giá trị chân -thiện – mỹ; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác; chủ động thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội. Quan tâm thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong tất các ngành, lĩnh vực tạo động lực hình thành và phát triển đô thị thông minh, đô thị sinh thái, đô thị phát triển bền vững.

Hồ Tiến Thiệu – Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn/Báo Xây dựng