22/09/2015

Phát triển đô thị Bắc Ninh theo 3 hành lang, 4 phân khu

Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1560/QĐ-TTg ngày 10/9/2015 đã xác định tầm nhìn mới xây dựng, phát triển đô thị Bắc Ninh trở thành thành phố văn hóa, sinh thái, hướng tới kinh tế tri thức, đô thị thông minh với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.


Ảnh minh họa.

Phát triển 3 hành lang, 4 phân khu

Theo phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đô thị Bắc Ninh có diện tích 26.326 ha bao gồm thành phố Bắc Ninh, huyện Tiên Du, thị xã Từ Sơn và 3 xã: Hán Quảng, Yên Giả, Chi Lăng (thuộc huyện Quế Võ); quy mô dân số đến năm 2030 đạt 890 nghìn người, trong đó, dân số đô thị là 735 nghìn người.

Đô thị Bắc Ninh phát triển theo 3 hành lang (đô thị, sáng tạo, sinh thái), tạo thành tam giác phát triển đô thị. Hành lang đô thị kết nối Bắc Ninh – Tiên Du – Từ Sơn; hành lang sáng tạo kết nối Bắc Ninh với Nam Sơn, là trung tâm nghiên cứu giáo đục đào tạo trong tương lai; hành lang sinh thái là hành lang bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch văn hóa, sinh thái dọc sông Đuống, tạo động lực phát triển cho khu vực phía Nam khu quy hoạch và Nam sông Đuống, tăng cường liên kết đô thị Nam Sơn với Hà Nội. Trọng tâm của tam giác phát triển là khu vực Phật Tích, các cực Bắc Ninh, Từ Sơn, Tiên Du, Nam Sơn là các trọng điểm có vai trò động lực phát triển đô thị.

Cũng theo đồ án, định hướng phát triển không gian xác định rõ khu vực hiện hữu và khu phát triển mới sẽ được cải tạo, xây dựng và phát triển.

Trong đó, khu vực hiện hữu sẽ được cải tạo nâng cấp các trung tâm hành chính, công cộng, thương mại dịch vụ; di dời các cơ sở sản xuất không phù hợp ra bên ngoài; bổ sung hoàn thiện nâng cấp hệ thống hạ tầng đảm bảo tiêu chuẩn đô thị loại I; cải tạo chỉnh trang đô thị, chỉnh trang kiến trúc các khu dân cư và làng xóm đô thị hóa trong quá trình mở rộng đô thị. Di tích lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể, không gian làng truyền thống, khu vực bảo tồn thiên nhiên và di sản quanh khu vực Phật Tích, núi Dạm, sông Đuống, quan họ sông Cầu, khu vực bảo tồn tự nhiên khu Phú Lâm, làng nghề và làng quan họ sông Ngũ Huyện Khê và bộ khung thiên nhiên các triền sông, núi Sót được bảo tồn, phát triển.

Khu vực phát triển mới được xác định gồm phân khu đô thị Bắc Ninh, Tiên Du, Nam Sơn và khu đô thị Từ Sơn. Khu đô thị Bắc Ninh là trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh Bắc Ninh, trung tâm cấp vùng về thương mại – dịch vụ – tài chính – công sở, đến năm 2030 dân số đạt khoảng 245.000 người, diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 2.400 ha. Phát triển mới khu đô thị Tây Bắc với trung tâm mới thành phố Bắc Ninh, xây dựng mới các khu thương mại, dịch vụ cấp đô thị, đồng thời phát triển mới khu vực đô thị phía Tây với trung tâm là trục đường H, xây dựng mới trung tâm thương mại dịch vụ cấp vùng Thủ đô.

Phân khu đô thị Tiên Du là đô thị văn hóa, lịch sử, giáo dục đào tạo; là trung tâm cấp vùng về giáo dục đào tạo, du lịch, trung tâm cấp đô thị về thương mại, dịch vụ. Đến năm 2030 dân số đạt khoảng 100.000 người, diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 1.600 ha.

Phân khu đô thị Nam Sơn sẽ trở thành đô thị sinh thái – đào tạo – khoa học kỹ thuật, trung tâm kinh tế tri thức của đô thị Bắc Ninh gắn kết với thiên nhiên, dân số đến năm 2030 đạt khoảng 100.000 người, diện tích đất xây dựng đô thị 2000ha. Nơi đây sẽ xây dựng các cơ quan nghiên cứu phát triển khoa học kỹ thuật tiên tiến, thu hút các trường đại học cấp quốc gia, trường đại học quốc tế, xây dựng trung tâm hành chính cấp đô thị, các công trình thương mại dịch vụ, y tế, khu liên hợp thể thao cấp tỉnh, xây dựng khu dân cư chất lượng cao, nhà ở chuyên gia, khu đô thị đại học….

Khu đô thị Từ Sơn là đô thị công nghiệp tiếp cận Thủ đô, trung tâm công nghiệp sạch, công nghệ cao của Vùng Thủ đô; đô thị có các khu dân cư chất lượng cao với trung tâm là hành chính công cộng thu hút dân cư đến định cư, giảm áp lực tập trung dân số cho đô thị, trong đó khu vực phát triển đô thị mới tại phía Bắc, phát triển đô thị mới dọc theo trục đường tỉnh 295C, 287, 277; tiếp tục đầu tư xây dựng khu công nghiệp Đại Đồng – Hoàn Sơn, Khu công nghiệp VSIP… nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghiệp sạch, công nghệ cao vào đầu tư sản xuất; khu đô thị Hương Mạc, Phù Khê phát triển đô thị có tính chất dịch vụ tiểu thủ công nghiệp làng nghề theo hướng hiện đại.

Xây dựng nông thôn mới gắn bảo tồn làng nghề

Đồ án đã định hướng phát triển nông thôn (gồm các vùng nông nghiệp và dân cư nông thôn tại các xã Phú Lâm, Yên Giả, Chi Lăng và các làng nghề ven sông Đuống) theo hướng cải tạo, xây dựng nông thôn mới trên cơ sở bảo tồn, giữ gìn cấu trúc không gian làng nghề truyền thống, bảo tồn di tích lịch sử – văn hóa, tôn giáo và cảnh quan thiên nhiên gắn với khai thác du lịch nông thôn, xây dựng và phát triển nông thôn mới đạt các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Không chỉ phát triển mô hình khu dân cư sinh thái mật độ thấp, là trung tâm dịch vụ hỗ trợ du lịch, nông nghiệp làng nghề truyền thống mà đô thị Bắc Ninh còn phát triển các vùng nông nghiệp ngoại thành, ngoại thị, gắn với quá trình đô thị hóa các phân khu đô thị, phát triển mô hình nông nghiệp kỹ thuật cao tại khu vực Nam Sơn trên cơ sở liên kết các trung tâm nghiên cứu.

Phấn đấu thành thành phố trực thuộc Trung ương

Mục tiêu được xác định rõ là xây dựng và phát triển đô thị Bắc Ninh trở thành đô thị loại 1 vào những năm 20 của thế kỷ 21, làm tiền đề xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.

Đây cũng là một trọng tâm kinh tế thuộc vùng trọng điểm phía Đông và Đông Nam Vùng Thủ đô Hà Nội với các cảng biển Bắc bộ, có tiềm năng phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch và kinh tế tri thức; là đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng của Vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; gắn kết hai hành lang kinh tế: Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và Lạng Sơn – Hà Nội -Hải Phòng – Quảng Ninh.

Đồ án cũng đã đề ra định hướng hệ thống xã hội và hạ tầng kinh tế, thiết kế đô thị… Đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông Bắc Ninh được định hướng phát triển với các trục giao thông chủ đạo, gồm đường giao thông quốc gia, đường tỉnh, trục đường liên kết các khu vực đô thị, trong đó cao tốc Quốc lộ 1, Nội Bài – Bắc Ninh – Quảng Ninh, Quốc lộ 18 cũ, Quốc lộ 3, 17, 38, Vành đai 4, đường tỉnh 295B là trục liên kết vùng; Quốc lộ 1, Quốc lộ 18 cũ, Vành đai 4, đường tỉnh 295B, 295C là trục liên kết đô thị; đường tỉnh 285, 287, 295C là trục liên kết khu vực.

Tầm nhìn đến năm 2050, đô thị Bắc Ninh sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của Vùng kinh tế Bắc bộ và Vùng Thủ đô Hà Nội với trọng tâm là dịch vụ thương mại, đào tạo – nghiên cứu khoa học, du lịch văn hóa, y tế – nghỉ dưỡng và logistic với chất lượng cao; trở thành đô thi lớn phát triển bền vững với đặc trưng: Văn hóa – sinh thái – tri thức; có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao.

Vũ Huyền/ Theo Báo Xây dựng