Phát triển công trình xanh tại Việt Nam – Những câu hỏi đặt ra?
(TCKTVN 231) – Công trình xanh Việt Nam sẽ phát triển theo mô hình nào?
PGS.TS Phạm Đức Nguyên (Hội Môi trường Việt Nam)
Ngày nay cả thế giới đều thừa nhận công trình xanh mang lại lợi ích cho mỗi người, mỗi gia đình, mỗi đô thị, mỗi đất nước và cả thế giới, vì: CTX giảm 30-50% năng lượng điện và nước tiêu thụ; CTX bảo vệ, tôn tạo hệ sinh thái; CTX góp phần bảo tồn tài nguyên thiên nhiên; CTX bảo đảm môi trường sống tốt (cả vật chất & tinh thần) cho con người; CTX góp phần hiệu quả, tích cực chống lại Biến đổi khí hậu. Vì vậy CTX cần có một phong trào rộng lớn, mạnh mẽ chứ không phải chỉ là có một vài công trình, dù đạt chứng chỉ cao nhất (Bạch kim).
Hiện trên thế giới có 2 mô hình phát triển CTX: (1) Mô hình “tự phát/tự nguyện” để cho các Hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ đứng ra chủ trì thực hiện (phần lớn các nước phát triển đang làm, Đông Nam Á có Malaysia); (2) Mô hình nhà nước (một tổ chức chính phủ lãnh đạo) như mô hình BCA của Singapore.
Singapore mới chính thức phát triển CTX từ năm 2005, đến năm 2012 đã có 1.200 tòa nhà đạt chứng chỉ CTX, chiếm 21% tổng số tòa nhà. Đã có 2 chương trình quốc gia về phát triển CTX (dự kiến năm 2030 có 80% tòa nhà đạt chứng chỉ CTX).
Vậy Việt Nam cần phải làm gì để phát triển nhanh, mạnh Phong trào CTX?
(1) Thành lập cơ quan Chủ trì lãnh đạo Phong trào CTX cấp quốc gia? (2) Xây dựng chính sách phát triển CTX ở VN nhằm khuyến khích hay bắt buộc (trường hợp nào?); Giảm thuế, ưu tiên cấp phép xây dựng; Giải thưởng (trong giai đoạn đầu)… (3) Xây dựng hệ thống đánh giá CTX Việt Nam (Các nước Anh, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Australia, … đều có hệ thống đánh giá riêng của nước mình. Thậm chí mỗi nước còn có nhiều hệ thống đánh giá khác nhau cho các công trình khác nhau. Ví dụ Mỹ có 12 hệ thống đánh giá cho các công trình khác nhau); (4) Thủ tục đánh giá cấp chứng chỉ CTX.
Chất lượng nguồn nhân lực CTX tại Việt Nam hiện nay ra sao?
Ông Đỗ Hữu Nhật Quang – Giám đốc Công ty GreenViet: Nguồn nhân lực tư vấn công trình xanh không có bất kỳ trở ngại nào đáng kể, bởi lẽ nhu cầu về công trình xanh hiện nay vẫn chưa cao. Điều quan trọng là phải thuyết phục được chủ đầu tư theo đuổi dự án công trình xanh ngay từ bước ý tưởng, thiết kế. Tôi thấy rằng năng lực của những người làm tư vấn, thiết kế công trình xanh Việt Nam hoàn toàn không thua kém các bạn quốc tế, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á, nếu được đào tạo một cách bài bản, sẽ trở thành thế hệ KTS đầy triển vọng phục vụ nhu cầu công trình xanh ngày càng tăng trong tương lai.
Rào cản nào của Việt Nam trong phát triển công trình xanh ?
Ông Đào Xuân Lai – Trưởng ban Môi trường và Biến đổi khí hậu (UNDP): Khó khăn đầu tiên trong phát triển công trình xanh ở Việt Nam là chính sách cụ thể trong lĩnh vực này như các tiêu chuẩn, tiêu chí. Lần đầu tiên một điều khoản liên quan đến vấn đề này đã được luật hóa trong Luật Xây dựng sửa đổi, tuy nhiên mới dừng lại ở mức khuyến khích. Tuy vậy, tôi hi vọng đây là nền tảng ban đầu cho chúng ta.
Rào cản thứ hai là điểm chung của các quốc gia đang phát triển, đó là giá năng lượng chưa cao.
Thứ ba là nhận thức của khách hàng. Chính khách hàng là người xác định thị trường. Nếu khách hàng không chọn sống trong một tòa nhà mà tiêu tốn tiền điện nhiều, thì sẽ buộc thị trường sẽ phải thay đổi.
UNDP sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Chính phủ trong xây dựng các chính sách, nghị định tiếp theo. Bên cạnh chính sách, chúng tôi cũng đã triển khai nhiều hành động thực tế (thử nghiệm ở 22 công trình, đưa ra 27 giải pháp khác nhau từ thiết kế, kiểm toán năng lượng cho đến quá trình vận hành). Chúng tôi sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực quốc tế. Chúng tôi rất mong được tiếp tục đồng hành với Bộ Xây dựng, Bộ Công thương cũng như các doanh nghiệp.
Tác động của hệ thống luật pháp đối với sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả như thế nào?
Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương: Theo quan điểm của Bộ Công thương, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã phủ tất cả lĩnh vực của nền kinh tế, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả rộng khắp trên phạm vi cả nước, trong đó có lĩnh vực xây dựng.
Cụ thể, lĩnh vực quy hoạch – kiến trúc cho các đô thị đã bao hàm các tiêu chuẩn, quy chuẩn đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Thứ hai, về xây dựng, việc phát triển ngày càng nhiều các công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng trên phạm vi cả nước đã giúp cho Chính phủ đạt được mục tiêu về nâng cao hiệu quả sử dụng hiệu quả năng lượng trong ngành xây dựng.
Thứ ba việc nâng cao hiệu quả sử dụng hiệu quả năng lượng trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Chúng tôi đánh giá riêng ngành xi măng đã tiêu tốn nhiều năng lượng nhất trong các ngành công nghiệp của Việt Nam. Đối với những ngành này, chúng ta có thể xây dựng những định mức cụ thể về tiêu thụ năng lượng. Chúng ta quản lý giám sát những doanh nghiệp sản xuất vượt các chỉ tiêu mà quy chuẩn quốc gia quy định.
Lĩnh vực cuối cùng cần thúc đẩy sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng là chiếu sáng công cộng. Đây là lĩnh vực có tỷ trọng tiêu thụ năng lượng cao.
Trong nhiều năm vừa qua, Bộ Công thương với tư cách là đầu mối của Chính phủ trong việc tổ chức và triển khai sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng đã và đang hợp tác chặt chẽ với Bộ Xây dựng để đưa các nội dung của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào các văn bản pháp luật, vào chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai các hoạt động phổ biến, hướng dẫn luật cũng như sửa đổi Luật và Nghị định 21. Trong khuôn khổ của chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, với nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các dự án tài trợ, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ ngành có liên quan sẽ sử dụng một cách hiệu quả nhất để thúc đẩy việc thực thi luật và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các ngành
Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả – khuyến khích hay bắt buộc?
Ông Nguyễn Công Thịnh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường – Bộ Xây dựng: Thời điểm xây dựng Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, do mức độ phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam còn thấp, quy định nên mang tính khuyến khích, thúc đẩy và dần dần mới đưa thêm những quy định bắt buộc cho nên Luật chứa khá nhiều nội dung khuyến khích. Từ quan điểm của Luật mà chúng ta khuyến khích, từ các chế tài rất mềm, đã không tác động được đến chủ đầu tư, không tác động đến thị trường.
Vì vậy, sắp tới Chính phủ sửa đổi Nghị định 21, sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tôi nghĩ rằng với điều kiện hiện nay, chúng ta hoàn toàn phải tăng được tính chế tài, tính bắt buộc nhiều hơn nữa, kèm theo đó là các cơ chế ưu đãi. Đây là thời điểm chín muồi để chúng ta suy nghĩ về khung pháp lý, để sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 140 của Chính phủ là cơ sở pháp lý vững chắc để chúng ta bắt tay vào việc sửa luật. Ngày 1/1/2021 sắp tới, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng sẽ có hiệu lực, những nghị định hướng dẫn cũng sẽ lồng ghép nội dung về tiết kiệm năng lượng, công trình xanh để chúng ta cùng đồng hành với doanh nghiệp, với thị trường, để chúng ta không bị bỏ lại quá xa so với các nước trong khu vực.
Làm công trình xanh ở Việt Nam – thuận lợi và khó khăn?
Bà Đỗ Ngọc Diệp – Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) Ngân hàng Thế giới
Cho đến nay Việt Nam chưa có một định nghĩa thống nhất về chứng chỉ xanh cũng như xác nhận cho các đơn vị đang hoạt động trên thị trường thuộc khuôn khổ CTX. Điều này không tạo nên một tiền đề cho các sở, ban ngành phía địa phương sử dụng để đưa vào những chính sách của mình. Và như vậy làm CTX cho thấy rõ một số thuận lợi và khó khăn như:
Về mặt khó khăn:
Thứ nhất, ví dụ TPHCM đã có những quyết định ưu đãi về thuế sử dụng đất cho các công trình được coi thân thiện môi trường. Tuy nhiên, chưa có định nghĩa thế nào là công trình thân thiện môi trường, nên không có nhiều chủ đầu tư có thể tiếp cận được ưu đãi đó. Đó chính là khó khăn đầu tiên khi không có tính chính thống và các chính sách khuyến khích;
Thứ hai là chưa có sự tham gia của các ngân hàng. Các ngân hàng chính là nhà đầu tư. Ở nước ngoài, Nhà nước tạo ra các gói vay riêng cho CTX với những ưu đãi tạo nên các động lực lớn cho chủ đầu tư.
Thứ ba là nhận thức của người dân có giới hạn nên chưa quan tâm tới vấn đề xanh trong công trình của mình. Xanh chưa phải ưu tiên hàng đầu của người mua nhà. Khó khăn nữa là hiện tại năng lượng Việt Nam được trợ giá rất mạnh. Chúng ta đang trả 4% GDP trợ giá cho giá điện. Người tiêu dùng không nhìn thấy giá điện ảnh hưởng quá lớn tới thu nhập nên đang dùng quá thoải mái, chưa có ý thức tiết kiệm.
Về mặt thuận lợi:
Thứ nhất, Điều thuận lợi cho việc làm CTX đó là việc quyết định xây dựng một công trình từ vấn đề thiết kế, kỹ thuật, quyết định phân khúc chỉ là một ý kiến của chủ đầu tư. Chính vì vậy hiện nay việc thuyết phục làm CTX nằm trong tay một nhóm nhỏ chủ đầu tư hoặc những người có quyền quyết định trong các công ty đầu tư;
Thứ hai là đội ngũ kiến trúc sư và kỹ sư đông đảo, trong đó nhiều kiến trúc sư trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài, tiếp cận với kiến thức sách vở. Và gần đây, nhiều giáo sư nước ngoài tới Việt Nam truyền bá kiến thức, kinh nghiệm… Phần lớn chúng ta có một đội ngũ kiến trúc sư và kỹ sư Việt Nam dồi dào, trình độ đáp ứng được yêu cầu;
Thứ ba là bản thân phát triển CTX đang trong giai đoạn nở rộ, chúng ta vẫn còn có rất nhiều công trình để tiếp cận, thay đổi và chuyển hóa thành xanh. Nếu ở thị trường đã phát triển, muốn xây dựng lại phải đợi 200 năm. Trong vòng 200 năm đó, chúng ta không thể làm được gì nhiều. Việt Nam trong giai đoạn chớm nên chúng ta có thể thay đổi nhiều. Các công trình của Việt Nam chỉ mất khoảng 50 năm. Cái dễ nữa ở Việt Nam là ít sự cạnh tranh, số lượng các dự án xanh chưa nhiều.
Phát triển vật liệu xanh và tiết kiệm năng lượng cần chú trọng thực hiện những cơ chế chính sách nào?
PGS.TS. Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện vật liệu xây dựng:
Tầm quan trọng của vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng trong phát triển công trình xanh, cũng như xu hướng phát triển vật liệu xây dựng xanh trên thế giới hiện nay rất tiệm cận với quan điểm phát triển xanh, bền vững của Liên hợp quốc. Đó là sử dụng ít nhất nguồn tài nguyên có thể, nhưng lại đạt được hiệu quả tối đa. Để đạt được điều đó, các quốc gia cần giảm thiểu tiêu thụ năng lượng trong sản xuất và giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, vật liệu xây dựng xanh cần phải loại bỏ các yếu tố độc hại trong quá trình sản xuất, đồng thời dễ dàng tái chế để làm đầu vào cho vật liệu khác.
Cần chú trọng thực hiện cơ chế chính sách về vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng.
Tại Việt Nam, những năm qua, Bộ Xây dựng đã rất tích cực và chủ động tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, đồng thời ban hành theo thẩm quyền nhiều cơ chế, chính sách, nhiều đề án, chiến lược, chương trình nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng không nung, vật liệu xanh, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng hiệu quả.
Thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng thực hiện nhiều giải pháp, bao gồm: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về vật liệu xây dựng, trong đó chú trọng các chính sách ưu đãi sản xuất và sử dụng vật liệu xanh, vật liệu tiết kiệm năng lượng cho công trình xây dựng; Đổi mới, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm vật liệu xây dựng; Tăng thuế môi trường đối với những vật liệu gây ô nhiễm môi trường; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, áp dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất…
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý doanh nghiệp; đào tạo đội ngũ chuyên gia, kỹ sư có trình độ chuyên môn cao; đào tạo nhân viên kỹ thuật và đội ngũ công nhân lành nghề, có khả năng nắm bắt công nghệ mới, làm chủ dây chuyền sản xuất hiện đại, chủ động trong công tác thiết kế, phát triển sản phẩm mới thân thiện với môi trường; đào tạo đội ngũ nhân viên kinh doanh có trình độ, kỹ năng, có khả năng hội nhập quốc tế.
Phát triển gạch không nung cần cụ thể hơn nữa vềtiêu chuẩn và định mức
Bà Tô Thị Lợi – Chánh Văn Phòng Hội Môi trường Xây dựng Miền Nam
Phát triển gạch không nung cần cụ thể hơn nữa về tiêu chuẩn và định mức.
Mặc dù Bộ Xây dựng đã có nhiều chính sách về phát triển, khuyến khích sử dụng, sản xuất vật liệu không nung, tuy nhiên, hiện nay loại vật liệu này vẫn chưa phổ biến trên thị trường xây dựng. Có rất nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là do người dân đã quen dùng vật liệu gạch nung truyền thống. Thị trường nhân lực xây dựng hiện nay chủ yếu là lực lượng nông nhàn, kinh nghiệm trong xây dựng thường là xây bằng gạch nung. Do vậy, khi chuyển sang các vật liệu khác họ cảm thấy khó khăn. Thứ hai, hiện nay định mức của ngành Xây dựng cho vật liệu không nung chưa có nhiều, do vậy các doanh nghiệp, đặc biệt là các công trình đầu tư công là rất khó. Thứ ba là các cơ sở sản xuất vật liệu không nung hiện nay chỉ tính trên vấn đề cơ lý còn các vấn đề về các thông số vật lý thì lại vẫn chưa có thể áp dụng. Hơn nữa vật liệu nung như gạch đỏ, tính chất co dãn với khí hậu ổn định hơn.
Để đẩy mạnh phát triển thị trường vật liệu gạch không nung, tôi đề nghị Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng các bộ tiêu chí, chỉ tiêu thống nhất đối với vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, các trường đào tạo xây dựng có các chương trình giảng dạy nâng cao năng lực nhân lực ngành trong sử dụng vật liệu gạch không nung.