Phát triển cây xanh đô thị: cần có kịch bản “hút” vốn tư nhân
Hội thảo “Vấn đề cây xanh đô thị thành phố Hồ Chí Minh” do Hội Kiến trúc sư thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trung tuần tháng 3.2021 đã thu hút gần 200 kiến trúc sư, chuyên gia, nhà quản lý tham dự. Nét mới của hội thảo lần này là ban tổ chức đã cập nhật các bài tham luận lên mạng qua trang web của Hội và Tạp chí KT&ĐS cũng như facebook của một số hội viên để các kiến trúc sư, người quan tâm có thể tải xuống, đọc trước khi diễn ra hội thảo. Tất cả các tham luận đều được ban tổ chức nêu tóm tắt nội dung nhưng chỉ có 6 tác giả trình bày, phần lớn thời gian còn lại dành cho thảo luận.
Phát biểu khai mạc hội thảo, KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cây xanh đô thị bằng cách so sánh: nếu đô thị là một cơ thể sống thì hệ thống giao thông giống như hệ tuần hoàn, cây xanh như lá phổi. Con người có thể nhịn ăn vài chục ngày, nhịn khát vài ngày nhưng nhịn thở thì không quá vài phút. Đưa ra thông điệp “Hành tinh chúng ta vẫn còn hy vọng khôi phục”, KTS Nguyễn Trường Lưu đề nghị các chuyên gia, nhà quản lý ở các lĩnh vực khác nhau trong đó có giới kiến trúc sư nghiên cứu và đề xuất để xây dựng cho thành phố của chúng ta phát triển với môi trường xanh sạch và bền vững.
Tham luận của ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TPHCM đã nêu nhiều thông tin về thực trạng công tác duy trì, phát triển công viên cây xanh công cộng tại TPHCM. Có thể nói, hội thảo đã giải quyết được vấn đề đầu tiên về cây xanh đô thị ngay tại hội thảo này là thực trạng thông tin về cây xanh đô thị. KTS Trần Khánh Trung, Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư TPHCM, người điều phối thảo luận đã đặt vấn đề, các tham luận gửi đến hội thảo dẫn nhiều số liệu khác nhau và hầu hết là số liệu cũ, không có tính đại diện cao. Vậy làm sao để mọi người quan tâm cùng có số liệu chính xác, thống nhất, độ tin cậy cao?
Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Văn Điệp cho biết Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TPHCM đang tiến hành lập trang web để phổ biến thông tin. Hiện trung tâm đang có chương trình số hóa toàn bộ hạ tầng kỹ thuật cây xanh trong đó có dữ liệu về 150.000 cây xanh của thành phố. KTS Phạm Thị Kiều Anh, một đại biểu tham gia hội thảo phát biểu ngay là đơn vị của bà hiện có một ứng dụng (app) quản lý cây xanh đang triển khai tại Bình Dương với nhiều tính năng cụ thể giúp nắm thông tin để chăm sóc cây xanh kịp thời. KTS Kiều Anh sẵn sàng hợp tác với trung tâm để có thể chia sẻ ứng dụng.
Trở lại với ý kiến từ các tham luận, các tác giả đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm làm tăng diện tích mảng xanh thành phố.
TS Phạm Thanh Hải, giảng viên khoa Lâm nghiệp, trường Đại học Nông Lâm TPHCM đề nghị phải duy trì và phát triển quy mô và tỷ lệ cây xanh của thành phố đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường sống và nhấn mạnh đến việc xây dựng chương trình, nội dung giáo dục ý thức sinh thái cho toàn thể cán bộ, nhân dân và thanh thiếu niên.
KTS Niê Đào Đức Nguyên khuyến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên ban hành những quy chuẩn bắt buộc trong quá trình thiết kế – xây dựng để gia tăng mảng xanh cho từng khu dân cư nói riêng cho đến cả đại đô thị nói chung. Phải có quy trình kiểm tra, quản lý chặt chẽ, chế tài thật nghiêm khắc cho những trường hợp cố ý làm sai. Với các dự án bất động sản phần lớn là các dự án chung cư hoặc dự án tổng hợp các khu nhà thấp tầng kết hợp thương mại… đề nghị tăng tỷ lệ cây xanh lớn hơn so với mức 20% hiện nay; Yêu cầu phủ xanh các phần mái bao che bằng bê tông cốt thép; Yêu cầu một tỷ lệ cây xanh nhất định trên mặt đứng.
Về tài chính, đáng chú ý là tham luận của KTS Nguyễn Đình Hòa đề xuất giải pháp thực hiện công viên cây xanh cho thành phố không sử dụng ngân sách mà cần chính sách phù hợp.
Ông Hòa phân tích: “Trong thời điểm hiện nay, việc đầu tư triển khai thực hiện quy hoạch công viên cây xanh sử dụng công cộng tập trung quy mô lớn, đều trông chờ vào nguồn ngân sách song thành phố lại dành ngân sách cho các nhu cầu cấp bách hơn như hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện, hạ tầng xã hội thiết yếu…”. Vì vậy ông Hòa cho rằng cần có kịch bản “hút” vốn tư nhân. Thành phố cần có giải pháp để thu hút mạnh mẽ hơn nguồn lực của xã hội tham gia vào việc đầu tư thực hiện, quản lý khai thác cây xanh một cách hiệu quả và khả thi.
Các kiến trúc sư phát biểu sôi nổi, Hội thảo kéo dài đến 12 giờ 30. Ban tổ chức cho biết sẽ tổ chức thêm các hội thảo tập trung vào từng khía cạnh để có thể đưa ra những giải pháp cụ thể, chi tiết hơn cho từng nhóm vấn đề.
Bài: Hy Hưng – Ảnh: Đinh Quang Tuấn/