Phát triển các cực kinh tế biển – Nhà nước đóng vai trò dẫn đường
(KTVN 228) – LTS: Khi KTVN đặt vấn đề: GS Đặng Hùng Võ nhìn nhận như thế nào về việc Việt Nam cần thiết sớm có một kế hoạch hành động cụ thể cho sự hình thành phát triển các cực kinh tế biển đảo Việt Nam để thực hiện chiến lược phát triển nền kinh tế hướng biển? GS đã khẳng định đây là vấn đề rất quan trọng. GS cho rằng, Việt Nam cần xem xét và có chiến lược thực hiện nhiệm vụ này sớm. Với bài viết này, GS chia sẻ quan điểm ở các khía cạnh: Xác định các cực kinh tế biển và định dạng phát triển các cực kinh tế biển như thế nào? Phát triển bất động sản ven biển như thế nào để tạo động lực phát triển kinh tế biển? Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Trước hết, để bắt đầu câu chuyện, chúng ta cần khẳng định rõ: Phát triển phải dựa vào động lực từ kinh tế tư nhân, còn quy hoạch đóng vai trò dẫn đường của nhà nước. Hiện nay, đang có sự lẫn lộn về mặt vị trí. Tư nhân nhiều khi đang dẫn dắt theo góc nhìn riêng của mình, các bước quy hoạch hay điều chỉnh quy hoạch cũng dễ bị chi phối bởi những điều này.
Trên thế giới, mức độ đô thị hóa luôn được coi là chỉ số đánh giá sự phát triển của mỗi quốc gia. Theo kinh nghiệm của các quốc gia có biển, phát triển các đô thị vùng biển bao giờ cũng đi trước một bước để từ đó phát triển tiếp về cả hướng tới các vùng xa biển và hướng ra biển với sự tính toán trước các kết nối trong tương lai.
Tại Việt Nam, nhìn lại các khu vực, có thể thấy đô thị hóa cần dựa vào các cực phát triển đô thị theo định hướng phát triển mạnh chuỗi đô thị ven biển trước một bước với tính toán kết nối cho tương lai. Bức tranh chung sẽ như thế nào?
Xác định các cực phát triển kinh tế biển như thế nào?
Miền Bắc
Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là mỗi vùng phải xác định được thế mạnh, tiềm năng, động lực phát triển kinh tế. Ví dụ, đới ven biển Móng Cái – Cát Bà nên cân đối giữa công nghiệp – nông nghiệp – du lịch. Quan điểm của tôi là cần từng bước đóng cửa dần việc khai thác than của Quảng Ninh để tập trung cho phát triển kinh tế biển.
Móng Cái – Cát Bà là một dải đặc biệt, gắn với một quần thể vô vàn đảo nhỏ chứa đựng đặc trưng thiên nhiên vùng biển thuộc 2 vịnh Bái Tử Long và Hạ Long. Đối diện với phía biển là vùng núi thấp dần tới đồng bằng. Tại đây, hiện đã có 2 đô thị lớn là TP Hải Phòng, TP Hạ Long và một thành phố lớn đã được quy hoạch cho tương lai là Vân Đồn. Phát triển tiếp chỉ còn là quy hoạch đô thị phù hợp tại khu vực này.
Tiếp theo, dải Vinh – Quảng Bình, với Quảng Bình là vương quốc hang động gắn với những bãi biển rất đẹp liên tiếp từ Xuân Thành, Hà Tĩnh tới hết Quảng Bình. Vùng này đã thu hút một lượng khách du lịch khá lớn tới các hang động của Quảng Bình. Khi các bãi biển đẹp của Hà Tĩnh và Quảng Bình được phát triển thì dải Vinh – Quảng Bình có thể coi là vùng du lịch khá toàn diện. Bên cạnh du lịch, công nghiệp và đánh bắt hải sản cũng có thể phát triển mạnh ở đây. Hiện tại, đã có Vinh là TP lớn và 2 TP nhỏ là Hà Tĩnh và Đồng Hới. Tại khu vực này, có thể phát triển theo triết lý chuỗi đô thị nhỏ dọc bờ biển, rất phù hợp với vùng có chiều ngang hẹp nhất đất nước.
2 dải ven biển có tiềm năng lớn về kinh tế biển đã nói ở trên, Các tỉnh khác thuộc vùng biển ở Đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa cũng có những tiềm năng nhất định về kinh tế biển nhưng khó có thể lựa chọn làm một vùng trọng điểm quốc gia bởi nó mới chỉ mang tính địa phương.
Trong thời gian qua, sự nóng lòng về phát triển công nghiệp đã làm cho một số địa phương có tiềm năng lớn về nông nghiệp nhưng lại chuyển sang đầu tư công nghiệp. Nay kêu gọi phát triển nông nghiệp quy mô lớn thì không còn đất sản xuất nông nghiệp đủ rộng để đầu tư (Hưng Yên, Hải Dương).
Miền Trung
Trong câu chuyện phát triển đô thị, tôi vẫn đánh giá Đà Nẵng là ví dụ điển hình – Nhà nước làm quy hoạch, thể hiện vai trò điều tiết, dẫn hướng, khuyến khích và tư nhân đưa tiền vào đầu tư theo quy hoạch. Cốt lõi của vấn đề vẫn là lợi ích, cái đó quyết định mọi thứ trong phát triển.
Đà Nẵng đã rất tâm huyết với việc phát triển thành phố theo hướng hiện đại, đưa ra ý tưởng khai thác phía bờ biển bên kia sông Hàn. Đà Nẵng bây giờ so với ngày xưa đã khác xa một trời một vực. Từ đó, bãi biển Đà Nẵng thành một điểm du lịch thu hút khách rất mạnh. Sân bay Đà Nẵng trở thành sân bay quốc tế có tên trên bản đồ du lịch thế giới, đã tạo ra được một cực du lịch miền Trung.
Trong khi, cũng là sân bay cũ, có tiềm năng lớn nhưng sân bay Chu Lai, Quảng Nam đã không bật lên được như một sân bay trọng điểm.
Bản chất của đô thị sống được, phát triển được là phải sản sinh ra mật độ kinh tế cao, tức là phải có nguồn công việc để thu hút dân tụ đến.
Đà Nẵng hiện nay vẫn chỉ tăng được mật độ kinh tế nhờ phát triển du lịch. Dải ven biển tiếp theo đã được hình thành kéo từ Đà Nẵng tới Chu Lai qua Hội An và Tam Kỳ, trong đó Chu Lai có thể quy hoạch để trở thành một thành phố công nghiệp lớn. Như vậy, du lịch và công nghiệp sẽ trở thành những nguồn chính tạo ra mật độ kinh tế cao cho vùng.
Tiếp theo là dải ven biển Nam Trung Bộ kéo dài từ Quy Nhơn qua Tuy Hòa, tới Nha Trang, Cam Ranh rồi vào tới Phan Rang và kết thúc tại Phan Thiết. Tại đây, một số thành phố đã trở thành điểm du lịch có tiếng như Nha Trang, Cam Ranh hay Mũi Né. Một số thành phố mới nổi lên về du lịch như Tuy Hòa hay Cam Ranh. Nhìn tổng thể, dải ven biển này có tiềm năng kinh tế biển khá lớn, kể cả du lịch biển, vận tải biển, đánh bắt hải sản và khai thác khoáng sản biển.
Miền Nam
Vùng Đông Nam Bộ hiện nay là vùng có mật độ kinh tế công nghiệp khá cao, bao gồm các tỉnh ven biển Đông Nam Bộ kéo tới 2 tỉnh đầu tiên của Tây Nam Bộ là Tiền Giang và Long An, với trung tâm là TPHCM. Tại vùng này, nhìn trên bản đồ có thể thấy Cần Giờ như một vùng xanh của rừng và biển ở giữa, xung quanh là một vành đai đô thị kéo từ TP Vũng Tàu, qua Bà Rịa, tới Biên Hòa, Thủ Dầu Một, tiếp là TPHCM, vòng qua Tân An tới điểm cuối là Gò Công Dự án thành phố lấn biển Cần Giờ là một sáng kiến hay, là thành phố đặt tại một vịnh nhỏ, biển lặng, tựa lưng vào rừng Cần Giờ hướng ra biển, đối diện với TP Vũng Tàu. Mật độ kinh tế của vùng này dựa chủ yếu vào công nghiệp, các thành phố đều được coi là thành phố vệ tinh của TPHCM được kết nối bằng các phương tiện giao thông vận tải hiện đại.
Tại vùng Tây Nam Bộ, TP Cần Thơ đang được coi là thủ phủ của vùng. Từ đây, có thể phát triển chuỗi đô thị qua Rạch Giá, Hà Tiên tới Phú Quốc. Đây là vùng trọng điểm nông nghiệp, nên phát triển đô thị nông nghiệp gắn với khu dự trữ sinh
quyển của thế giới. Thiên nhiên biển, nông nghiệp, kênh rạch và đảo Ngọc Phú Quốc tạo nên tiềm năng lớn về du lịch, nông nghiệp, hải sản và khai thác năng lượng tái tạo từ trời và từ biển.
Ở Việt Nam, chỉ có vùng biển Kiên Giang không thuộc biển Đông mà thuộc vịnh Thái Lan, trên đường hàng hải nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Điểm mạnh về kết nối hàng hải này sẽ trở thành tuyệt đối khi kênh đào Kra cắt qua đoạn hẹp nhất của eo biển Malacca được thực hiện.
Định dạng phát triển các cực kinh tế biển như thế nào?
Đối với kinh tế biển, phải xác định là mật độ kinh tế tạo thành từ đâu: du lịch hay hàng hải hay đánh bắt hải sản hay khai thác năng lượng? Xác định động lực kinh tế của vùng để phát triển kinh tế dạng nào, chỉ du lịch hay chỉ công nghiệp, chỉ nông nghiệp hay có thể kết hợp nhiều dạng phát triển kinh tế. Mặt khác, cần xem xét việc phát triển kinh tế sẽ tác động đến xã hội, môi trường như thế nào?
Tôi thấy rằng hiện nay, chúng ta đã làm được quy hoạch các vùng đô thị, chưa có quy hoạch vùng nông nghiệp. Muốn hay không muốn, Việt Nam bắt đầu từ một nước thuần nông, muốn công nghiệp hoá cần phải có một quá trình, không thể chỉ làm công nghiệp mà bỏ đi nông nghiệp. Từ năm 2013, Chính phủ đã đặt ra chương trình đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, trong đó đã đặt ra nhiệm vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao.
Cho đến nay, quy hoạch phát triển kinh tế của ta mới chỉ dừng lại ở một số định hướng chung mà nhiều khi hay bị thay đổi. Điều quan trọng là phải làm như thế nào thì ít khi được chỉ ra cụ thể. Trước năm 2013, mô hình tăng trưởng của ta dựa chủ yếu vào vốn đầu tư cho công nghiệp hóa, nên các địa phương bị lệ thuộc khá nhiều vào khả năng tài chính của nhà đầu tư, nhà đầu tư đòi gì cũng được. Trung ương cũng như các địa phương muốn nước ta sớm trở thành một nước công nghiệp, sau vài lần lùi hạn nhưng rồi hạn chót vào 2020 đã không thành. Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết về chủ trương đưa Việt Nam thành một nước công nghiệp vào năm 2030.
Mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào vốn đầu tư đã làm cho nước ta không thể chủ động hình thành những mắt xích cơ bản của một chuỗi giá trị sản xuất. Nguyên liệu cơ bản thiếu, công nghiệp phụ trợ thiếu. Khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) kiểu mới ta mới vỡ lẽ ra điều này. Tôi cho rằng một chuỗi giá trị toàn cầu chỉ hiệu quả khi mà kinh tế toàn cầu kết nối một cách nhuần nhuyễn, không còn phân biệt chính trị, không còn mâu thuẫn, chia cắt. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, ta vẫn phải đảm bảo những mắt xích chính của quá trình sản xuất các hàng hóa của ta dựa vào công nghiệp phụ trợ nội địa.
Đến nay, hầu như sản phẩm của công nghiệp phụ trợ cho sản xuất hàng hóa của Việt Nam vẫn phải nhập chủ yếu từ Trung Quốc. Ngay trong nông nghiệp, nhiều loại cây con giống, thức ăn gia súc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vẫn phải nhập từ Trung Quốc. Hệ quả là ta mất thế chủ động và không được miễn giảm thuế theo các hiệp định FTA.
Phát triển bất động sản ven biển như thế nào để tạo động lực phát triển kinh tế ven biển?
Tôi cho rằng bất động sản (BĐS) Việt Nam là một ngành phát triển nhưng vẫn là do tư nhân dẫn dắt. Ngay việc xác định kinh tế BĐS gồm những hoạt động kinh tế nào cũng chưa cụ thể, số liệu thống kê cũng chỉ gồm kinh doanh dịch vụ nhà ở, trong khi BĐS được xác định trong luật pháp là gồm đất đai và các tài sản không di dời được gắn liền với đất. Như vậy, hạ tầng khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp cũng thuộc phạm vị BĐS, hay vườn cây lâu năm, một cánh rừng sản xuất cũng thuộc phạm vi BĐS.
Theo khái niệm BĐS như trên, trên thực tế ở ta chưa hình thành BĐS nông nghiệp, vậy là khó cho tạo dựng cơ sở để phát triển nông nghiệp. Bất động sản công nghiệp cũng đã được nhiều người nhắc tới nhưng đang được quản lý phát triển theo kiểu bao cấp. Cần khu công nghiệp nào thì Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mặc dù đã có quy hoạch được phê duyệt. Nếu muốn phát triển theo kinh tế thị trường thì Nhà nước phê duyệt quy hoạch và trao quy hoạch đã được phê duyệt để thực hiện theo cơ chế thị trường.
BĐS đang được hiểu theo thông lệ hiện nay chủ yếu là nhà ở, gần đây có thêm BĐS du lịch – nghỉ dưỡng kiểu mới (như condotel, officetel, shophouse,…). Kiểu kinh doanh BĐS ở ta cũng khác với các nước phát triển. Họ đầu tư vào BĐS để đưa vào khai thác nhằm sinh lợi, còn ở ta thì mua BĐS rồi chờ giá cao hơn thì bán, không quan tâm mấy tới việc khai thác cho thuê. Chính cách kinh doanh BĐS của người Việt Nam như vậy làm cho giá BĐS khá cao mà không trở thành hữu dụng cho phát triển. Đây chính là nhược điểm lớn trong phát triển đô thị ở Việt Nam. Tiền bỏ vào quá nhiều cho phát triển đô thị làm cho thiếu khả năng thu hút lao động vào đô thị trong khi BĐS lại ít được đưa vào khai thác.
Hiện nay BĐS nhà ở tại các thành phố lớn còn đang thiếu, cung ra thị trường bao nhiêu nhà ở cũng hết, cầu cao mà cung thấp. Người ở các tỉnh mua nhà ở tại các đô thị lớn chiếm tỷ trọng khá cao. Tôi cho rằng đây là xu hướng thiếu tích cực, vì từ đó sẽ tạo ra một Mega city chỉ bằng cách thức phát triển BĐS nhà ở, trong khi đô thị này không đủ tiềm lực tài chính để phát triển hạ tầng cho tương xứng. Đô thị luôn trong trạng thái phát triển không bền vững.
Nhà nước vẫn luôn có chủ trương không hình thành Mega city, nhưng trên thực tế Hà Nội và TPHCM vẫn là những thành phố phát triển theo kiểu “vết dầu loang”. Nghịch lý này hiện nay
đã có chủ trương cần loại bỏ nhưng không có biện pháp khả thi để thực hiện. Quy hoạch đã thể hiện nhưng lại bị điều chỉnh để thừa nhận đô thị loang ra ngày một rộng hơn, hạ tầng không tương xứng làm cho tắc nghẽn giao thông, trường học thiếu, điểm vui chơi thiếu, công viên thiếu.
BĐS du lịch, nghỉ dưỡng hiện nay còn nhiều tiềm năng vì hạ tầng du lịch không đủ cho tăng trưởng khách du lịch, cầu lưu trú đang rất lớn. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết đưa kinh tế du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây chính là phân khúc có sức phát triển mạnh trong thời gian tới.
Nhu cầu phát triển BĐS là rất lớn, nhất là khi có định hướng phát triển các chuỗi đô thị ven biển. BĐS nhà ở và BĐS du lịch, nghỉ dưỡng sẽ là những BĐS trọng tâm cho phát triển phần nội thị của các đô thị. Thị trường BĐS lúc này rất cần một khung pháp luật đồng bộ, đủ sức sống để góp phần đẩy nhanh đô thị hóa mà trọng tâm là các chuỗi đô thị ven biển./.
GS Đặng Hùng Võ