(KTVN 245) – Thủ đô Hà Nội, nơi hội tụ nghìn năm văn hiến, đến nay vẫn còn lưu trữ sự phát triển của mình qua các lớp thời gian, các lớp cấu trúc hình thành đô thị từ làng xóm xưa đến đan xen, mở rộng, phát triển đô thị hôm nay. Trong đó, vùng đất Ba Đình lịch sử – nơi khởi đầu của đất Thăng Long – Kinh kỳ tới nay vẫn ẩn chứa sâu đậm những dấu ấn thời gian, văn hoá, lịch sử. Để chia sẻ với bạn đọc hình dung về Vùng đất văn hoá, lịch sử, di sản cũng như định hướng phát triển quận Ba Đình hiện nay, phóng viên Tạp chí KTVN đã có cuộc phỏng vấn Ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Ông Tạ Nam Chiến – Chủ tỊch UBND quận Ba Đình
PV. Theo Ông, những giá trị đặc biệt của quận Ba Đình là gì?
ÔNG TẠ NAM CHIẾN: Không thể không có đôi chút tự hào khi nói rằng, trước khi Hà Nội trở thành một Đô thị, thì vùng đất mà nay là Ba Đình đã là một thành thị. Đó là khu Hoàng thành – Thăng Long, nơi ở của 52 đời Vua, đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới, là khu vực 13 làng trại của nông dân, thợ thủ công vẫn còn dấu ấn của cấu trúc làng xã, nơi đậm đặc các di tích Văn hoá lịch sử (với 54 di tích văn hoá lịch sử đã được công nhận).
Năm 2023, kỷ niệm 1013 năm Thăng Long – Hà Nội, cũng là năm thứ 980 kể từ khi Thượng đẳng Phúc Thần Hoàng Phúc Trung được Vua ban tặng vùng đất này để khai hoang lập ấp.
Và kể từ khi Lý Thái Tổ lựa chọn thành Đại La, “đô cũ của Cao Vương” là kinh đô triều Lý và cho xây dựng, củng cố kinh thành, xây dựng cung điện…, quá trình phát triển của Thăng Long-Hà Nội gắn chặt với mảnh đất Ba Đình. Quá trình lịch sử đó đã để lại cho Ba Đình những dấu ấn đặc thù, đa dạng và mỗi một thời kỳ lịch sử phát triển đó đều gắn với một yếu tố đô thị và làm nên đặc thù của Ba Đình,
Đoan môn (Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)
Bên cạnh khu vực Thành – Thị, Ba Đình còn có khu phố Cũ được hình thành từ thời kỳ đô thị hoá sau năm 1882 (sau khi Pháp chiếm thành Hà Nội lần thứ 2), với rất nhiều công trình trước 1954 có giá trị kiến trúc. Ba Đình cũng còn tồn tại nhiều khu tập thể cũ, dấu ấn của thời kỳ đầu xây dựng CNXH ở miền Bắc đang cần được tái thiết, cải tạo…
Cũng không thể không kể đến yếu tố đặc thù tự nhiên của đô thị, đó là sông Hồng mà Ba Đình cũng góp phần hơn 1,5km trên tổng chiều dài hơn 40km qua khu vực đô thị và rất nhiều hồ lớn.
Ngày nay, cùng với sự phát triển chung của Thành phố, kinh tế – xã hội và cơ sở hạ tầng quận Ba Đình có những bước phát triển mạnh, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, nhưng những yếu tố đặc thù đó luôn được Quận quan tâm, gìn giữ. Những khu vực cải tạo, tái thiết phải được tập trung phát triển đảm bảo sự hài hoà, cân đối; những khu vực di sản cần được bảo tồn, phát huy; những yếu tố đặc thù, các giá trị vật thể cũng như tinh thần, văn hoá cần được khôi phục, nâng tầm.
Cầu Long Biên (Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)
PV: Xin Ông cho biết đôi nét về Định hướng phát triển tuận Ba Đình và làm sao để bảo tồn phát huy giá trị vốn có của nó?
ÔNG TẠ NAM CHIẾN: Thật là không công bằng khi khu vực phía Đông Hoàng thành (khu phố Cổ) được quan tâm bảo tồn, còn khu vực phía Tây (khu Thập tam trại) dường như bị lãng quên. Quá trình đô thị hoá, cùng sự quản lý lỏng lẻo trong nhiều thập kỷ qua đã làm khu vực Thập tam trại “biến dạng”, cấu trúc làng xã gần như bị xoá mờ. Đến nay, những gì còn lại ngoài các công trình di tích LSVH là một số ít các thiết chế còn sót lại như giếng nước, ao làng, cổng làng, đình làng…
Nhiệm vụ chúng tôi đặt ra là nhận dạng ra trong cái bề bộn – sản phẩm của đô thị hoá tự phát – những gì còn sót lại của cấu trúc làng xã và khâu nối chúng lại với nhau. Những thiết chế qua thời gian, qua những tác động của con người đã bị hư hỏng, mất mát cần phải “khôi phục” lại. Đưa chúng về gần với nguyên bản ban đầu, hay thậm chí là dựng lại dạng thức kiến trúc của nó là việc rất khó, nhiều khi công tác GPMB cần đến vài năm. Việc này cần có rà soát, phân tích trên tổng thể để đưa ra phương án khả thi nhất. Một số thiết chế, chúng tôi đưa ra phương án tái dựng lại hình ảnh của chúng, như là một biểu tượng. Ví dụ, một cái giếng làng nay chỉ còn lại bằng cái “giếng nhà”, chúng tôi chọn cách dùng vật liệu kính, đèn LED để tái dựng … “giếng ảo”.
PV: Theo quy hoạch, quận Ba Đình là trung tâm đô thị lịch sử của Thủ đô, vậy theo ông làm thế nào để nâng cao chất lượng sống của người dân đô thị trên địa bàn Quận nói riêng và người dân Thủ đô cũng như du khách trong và ngoài nước nói chung?
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)
ÔNG TẠ NAM CHIẾN: Chúng ta vẫn hiểu chất lượng sống theo hướng điều kiện sống, môi trường sống và tiện ích cuộc sống. Cùng với các giải pháp chung về thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện môi trường được thực hiện theo chỉ đạo của Thành phố, chúng tôi tập trung vào tạo dư địa cho kinh doanh dịch vụ, tăng cường các tiện ích đô thị, giữ văn minh, trật tự đô thị để từ đó tác động ngược lại tích cực đến phát triển kinh tế xã hội.
Chương trình phát huy các tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Quận đã đề ra xây dựng 2 khu vực kinh tế đô thị là khu phố Ẩm thực đêm kết hợp đi bộ tại Đảo Ngọc – Ngũ Xã và khu phố kinh doanh dịch vụ – đi bộ tại hồ Ngọc Khánh. Vừa qua, sau 8 tháng khai trương khu phố Đảo Ngọc – Ngũ Xã đã thu hút, mở mới hơn 30 cơ sở kinh doanh ẩm thực, tăng thu ngân sách từ thuế lên 154%.
Công viên Thủ Lệ (Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)
Quận Ba Đình cũng như các quận nội đô lịch sử khác đều rất hạn hẹp về quỹ đất dành cho không gian công cộng, ngay cả khi xác định được quỹ đất cũng còn nhiều khó khăn trong GPMB… Với rất nhiều cố gắng, trong năm 2022 – 2023 chúng tôi đã và sẽ cải tạo nâng cấp thêm 12 vườn hoa, 1 công viên và sẽ tiếp tục đầu tư xây mới 8 vườn hoa từ nay đến năm 2025. Các không gian công cộng cũng sẽ được tăng cường các tiện ích, từ wifi miễn phí, nước uống sạch, hệ thống thông tin hướng dẫn du khách… Chúng tôi cũng xem việc cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể cũ, bao gồm cả các chung cư cũ đơn lẻ nằm rải rác trong các phố cũ như là một cơ hội để tạo ra nhiều không gian công cộng, cây xanh, nhiều tiện ích, nhiều dịch vụ hơn nữa phục vụ cho cuộc sống.
PV: Thưa Ông! với những chia sẻ ở trên, chúng tôi đã hình dung được bức tranh chung về văn hoá, di sản, cũng như định hướng phát triển của Quận Ba Đình hiện nay trong việc nâng cao giá trị di sản, chất lượng sống người dân gắn với phát triển kinh tế xã hội, xứng với vai trò là quận trung tâm lịch sử của Thủ đô. Trân trọng cảm ơn Ông!
Minh Khôi (Thực hiện)