(Xây dựng) – Theo nhu cầu phát triển không ngừng của cuộc sống, thị trường BĐS ViệtNam đang ngày càng phong phú và đa dạng. Cùng với các loại hình office-tel (căn hộ kết hợp văn phòng làm việc), condo-tel (căn hộ nghỉ dưỡng ven biển kết hợp khách sạn), home-tel (nhà ở kết hợp khách sạn)… ra đời thì nay, kinh nghiệm từ Nhật Bản đang đem đến cho các nhà đầu tư một nhu cầu mới, đó là oldo-tel.
Mới đây, Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) đã có cuộc khảo sát tại Nhật Bản và phát hiện ra một loại hình BĐS mới chuyên phục vụ cho người già, được gọi là oldo-tel (viết tắt của 2 từ tiếng Anh: Old – người cao tuổi hay người già và hotel – là khách sạn). Khách sạn này được xây dựng với một thiết kế, sử dụng trang thiết bị nội thất chuyên biệt, không khác nhiều so với các thiết bị hiện đại của một bệnh viện cao cấp quốc tế tại Việt Nam.
Theo TS Phan Hữu Thắng – Phó chủ tịch VNREA, thành viên đoàn khảo sát, có thể đặt tạm tên cho loại hình đầu tư – kinh doanh BĐS này là oldo-tel để thay cho những cụm từ khác như “khu dưỡng lão, chăm sóc người già, mất trí nhớ” hay “khu điều dưỡng, cung cấp dịch vụ y tế cho người già”,… không phù hợp với những gì đoàn khảo sát đang chứng kiến.
Ở oldo-tel, người cao tuổi như đang được sống tại một khách sạn 5 sao, lại có quyền sở hữu phòng ở do đã mua lại từ chủ đầu tư đến 10 năm; nếu sống lâu hơn 10 năm sẽ tiếp tục được ở miễn phí, bởi chủ đầu tư đã bán được tài sản đầu tư trong ngắn hạn, thu hồi vốn và có một nguồn khách ổn định lâu dài.
Tài sản đó vẫn có khả năng sinh lời tiếp sau 10 năm bán ngắn hạn, thay vì việc phải cung cấp dịch vụ của một khách sạn 5 sao, họ sẽ cung cấp dịch vụ của một oldo-tel 5 sao với sự khác biệt không lớn là trang thiết bị nội thất, thiết kế phù hợp với sinh hoạt hàng ngày của người già, cùng với sự chú ý chăm sóc y tế đối với loại khách hàng đặc biệt này.
Người Nhật nổi tiếng là sống lâu và phần lớn tiền gửi tiết kiệm thuộc về lớp người nhiều tuổi. Vì thế, thị trường BĐS oldo-tel có nhiều tiềm năng phát triển.
Ở Việt Nam, lớp người có thu nhập cao đang ngày càng nhiều lên và đồng thời có lòng báo hiếu bậc sinh thành những năm cuối đời khi công việc ngày càng bận rộn. Các thành viên trong đoàn khảo sát hy vọng loại hình oldo-tel sẽ được các nhà đầu tư BĐS Việt Nam nghiên cứu, áp dụng để góp phần giúp nhiều người đền đáp công ơn đối với các bậc sinh thành.
Lẽ đương nhiên, cũng mong muốn chính sách vĩ mô nước nhà sẽ có những bước đi phù hợp nhằm hỗ trợ loại hình BĐS này hình thành và phát triển, bởi đạo lý dân tộc “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Và bên cạnh đó là yêu cầu từ bản chất ưu việt của chế độ xã hội về chăm sóc người cao tuổi.
Nguyễn Hoàng Linh/Báo Xây dựng