Ở chung cư cũng… ngập
Hệ thống thoát nước bị hư, nước từ trong nhà vệ sinh và từ cống trào lên ngập nhà. Nước đen ngòm nên muỗi bu đông, người đi thì trượt té.
Gần ba tháng nay, các hộ dân tại chung cư Bạch Vân (phường 5, quận 5, TP.HCM, vốn là chung cư cũ thuộc sở hữu nhà nước) khổ sở vì hệ thống thoát nước bị hỏng. Nước thải sinh hoạt, từ bồn cầu nhà vệ sinh… không có chỗ thoát đã trào ra gây ngập nhà khiến người dân chịu không nổi tình cảnh này.
Sống chung với nước cống
Vợ chồng chị Hoàng Phương Anh (nhà số 18) ngao ngán với cảnh sống chung với nước cống tràn vào nhà, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Hệ thống thoát nước từ tầng bốn chung cư chạy thẳng xuống nhà chị Phương Anh để thoát ra ngoài. Khi bị tắc cống, nước ứ lại, thấm ra tường làm mục toàn bộ lớp thạch cao và chảy tràn ra nhà chị. Tại tầng trệt, trong khu vực bếp và nhà vệ sinh gần như không sử dụng được vì lúc nào cũng nhớp nháp nước cống. Được dẫn lên tầng một quan sát, phóng viên đã phải bịt mũi vì mùi hôi thối. Bên cạnh giường ngủ có hai chiếc thau hứng nước cống tràn ra đen ngòm…
Đã nhiều lần chị Phương Anh phải kêu thợ vào móc cống để đảm bảo thoát nước nhưng đến nay thì không thể khắc phục được. “Tình trạng ùn ứ nước cống ngày càng trầm trọng. Đã sắp vào mùa mưa, tình trạng này sẽ càng tồi tệ hơn” – chị Phương Anh nói.
Cùng chung cảnh ngộ, bà Diệp Lệ Quân (nhà số 16) cũng than trời vì tối nào cũng phải múc nước cống để đổ ra ngoài vì hệ thống thoát nước trong nhà bị vô hiệu. Bà Diệp cho biết nước từ trong nhà vệ sinh và từ cống trào lên ngập nhà. Nước đen ngòm nên muỗi bu đông. Con trai nhỏ của bà cũng thường xuyên bị té ngã vì nước lấp xấp trong nhà. Không những hai hộ này ở phía dưới bị mà căn hộ ở trên lầu cũng bị ứ nước do nghẹt cống.
Chị Phương Anh cho biết khi người dân phản ánh, cán bộ phường đã vào kiểm tra nhưng không phát hiện nguyên nhân gây tắc cống. Tuy vậy, phường lại đưa ra phương án xây mới ống thoát nước. Người dân đề nghị cơ quan chức năng phải có phương án khảo sát kỹ toàn bộ hệ thống để tìm ra nguyên nhân. Nếu khắc phục, sửa chữa được thì sẽ đỡ tốn kém kinh phí của dân hơn là thay mới. Thế nhưng đến nay đã hơn hai tháng, việc khảo sát vẫn chưa được tiến hành. Các hộ dân vẫn đang phải khổ sở sống chung với nước cống hôi.
Hai phương án khắc phục
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Bá Tùng, Phó Chủ tịch UBND phường 5, cho biết tình trạng hư hỏng hệ thống thoát nước như trên đúng là đã khiến người dân rất bức xúc. Trước đó phường đã cử cán bộ phường phối hợp với Công ty Dịch vụ công ích quận 5 xuống kiểm tra. “Tới đây, chúng tôi sẽ báo cáo và xin chỉ đạo của UBND quận để ra thông báo về việc khảo sát hệ thống thoát nước tại chung cư này. Chúng tôi cũng sẽ gửi thông báo đến cho dân trước khi tiến hành khảo sát để cùng phối hợp kiểm tra nhằm nhanh chóng xử lý sự cố” – ông Phan Bá Tùng nói.
Theo ông Tùng, có hai phương án xử lý: Sau khi khảo sát, nếu tìm ra nguyên nhân và khắc phục được thì sẽ khắc phục lại hệ thống thoát nước cũ đảm bảo hoạt động bình thường. Trong trường hợp hư hỏng nặng không thể khắc phục thì phải xây mới toàn bộ. Kinh phí sẽ do các hộ dân tự đóng góp.
Ông Phạm Duy Khang, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 5, nhìn nhận từ trước đến nay chung cư này không có đơn vị quản lý nên không có ai đứng ra quản lý vận hành chung cư. Ban quản trị cũng chưa được thành lập. Do vậy các cơ quan chức năng phải hỗ trợ người dân. Hiện quận chưa nhận được văn bản báo cáo của phường 5. Khi có báo cáo hoặc có đơn kiến nghị của dân, quận sẽ giới thiệu Công ty Dịch vụ công ích quận 5, là đơn vị có chuyên môn thực hiện khảo sát. Việc khảo sát có thể làm nhanh, kinh phí do bên công ích làm cũng sẽ nhẹ hơn so với dịch vụ bên ngoài…
Phường, quận cùng có trách nhiệm quản lýTheo Sở Xây dựng, Quyết định 08/2008 (của Bộ Xây dựng về quản lý sử dụng nhà chung cư) thì UBND quận có trách nhiệm kiểm tra công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo với TP nếu ngoài thẩm quyền. Ở cấp phường cũng có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND quận. Đồng thời phải phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị quản lý nhà chung cư hoặc ban quản trị để giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo trì, quản lý vận hành nhà chung cư trên địa bàn.Trong trường hợp chung cư Bạch Vân chưa có ban quản trị, phường và quận vẫn phải có trách nhiệm trong việc quản lý, vận hành chung cư này. Việc khảo sát và giải pháp xử lý sự cố cũng như kinh phí thực hiện đều phải có sự đồng tình của cư dân tại đây. |
Theo Pháp Luật TP