Nút thắt’ giải ngân vốn đầu tư công
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương cho rằng đầu tư công đang có một bước thụt lùi trong việc cải cách thủ tục hành chính.
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Đầu tư công sửa đổi, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đặt vấn đề về việc các dự án đầu tư của tư nhân như sân bay Vân Đồn làm rất nhanh, rất gọn nhưng các dự án đầu tư công lại được triển khai quá chậm.
“Một trong những nguyên nhân khiến các dự án này chậm là do vấn đề thủ tục quá nhiều, chưa phân cấp, phân quyền cho các cấp, ngành quản lý. Đầu tư công đang có một bước thụt lùi trong việc cải cách thủ tục hành chính”, ông Phương nhận định.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cũng cho rằng, thời gian qua vướng mắc trong triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn, ngoài nguyên nhân do thủ tục hành chính thì còn có nguyên nhân khác do khâu chuẩn bị đầu tư các dự án, tổ chức thực hiện, triển khai giải phóng mặt bằng chậm và năng lực nhà thầu hạn chế.
Đơn cử như việc hai dự án trọng điểm quốc gia dự án đường cao tốc Bắc – Nam và dự án sân nay Long Thành chưa giải ngân được do chưa xong dự án, chậm giao vốn.
Nếu do vướng quy định pháp luật thì cần sửa quy định pháp luật nhưng quy định pháp luật phù hợp nhưng khâu tổ chức thực hiện thiếu đồng bộ, nhất quán làm chậm trễ thì phải điều chỉnh ở khâu này chứ không sửa quy định pháp luật, bà Tâm nhấn mạnh.
Trước thực trạng các dự án đầu tư công chậm triển khai, theo đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), những yếu tố khiến giải ngân chậm đầu tư công trong hai năm vừa qua không nằm trong nội hàm luật mà do tư duy cán bộ giao triển khai.
Nếu thực hiện tốt quy định của luật, giao vốn đúng hạn và thực hiện hậu kiểm thì vấn đề giải ngân đã tốt hơn rất nhiều. Luật Đầu tư công mới đi vào vận hành hơn ba năm, trong đó, quy định về vốn đầu tư trung hạn, triển khai phân vốn chưa làm tốt thì không thể nói tới những việc khác. Việc sửa Luật chỉ là hình thức chữa cháy chứ không thể đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Đơn cử như việc nâng mức phân loại dự án đầu tư, theo ông Kiên, việc chậm triển khai giải ngân các dự án từ nhóm A chuyển lên dự án trọng điểm quốc gia do Quốc hội phê chuẩn có vướng mắc. Ví dụ như dự án Metro Bến Thành, Suối Tiên được điều chỉnh từ mức A lên mức trọng điểm quốc gia.
“Quá trình chuyển như thế ai chịu trách nhiệm phê duyệt? Ủy ban Nhân dân TP. HCM hay Chính phủ trình phê duyệt. Vướng là vướng ở chỗ này chứ không phải là vướng mức vốn là bao nhiêu. Vấn đề nằm ở khâu thực hiện chứ không phải do luật”, ông Kiên nhận định.
Sửa đổi Luật Đầu tư công: Nhiều vấn đề chưa ngã ngũ
Dù theo nghị trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua dự án Luật Đầu tư công sửa đổi, nhưng trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 28/5 vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau từ các đại biểu Quốc hội.
Đáng chú ý là quy định việc nâng mức vốn đầu tư dự án quan trọng quốc gia từ 10 nghìn lên 20 nghìn tỷ đồng. Theo cơ quan soạn thảo, việc nâng mức vốn này là cần thiết. Tuy nhiên, nhiều đại biểu băn khoăn rằng, nếu điều chỉnh mức vốn lên 20 nghìn tỷ đồng thì Quốc hội sẽ không còn quyết định dự án đầu tư công nào.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trong hai nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và XIV chỉ có hai dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội là quá ít, nếu điều chỉnh tăng lên 20 nghìn tỷ đồng thì có thể không còn dự án nào trình Quốc hội. Trong khi đó, nếu trình Quốc hội xem xét, quyết định các dự án quan trọng quốc gia thì gần như chắc chắn sẽ bố trí được nguồn vốn và có thể có những chính sách đặc thù để thực hiện dự án một cách nhanh chóng.
Quan điểm của ông Hàm là giữ tiêu chí phân loại dự án như quy định hiện hành. Trong thực tế thời gian qua, việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định, tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với mức vốn 10 nghìn tỷ đồng không phát sinh vướng mắc. Ngược lại nếu điều chỉnh như đề xuất của Chính phủ sẽ gây xáo trộn lớn trong chuyển dịch phân loại, quản lý dự án.
Tương tự với quy định về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn, ở phương án thứ nhất, Ủy ban thường vụ Quốc hội và nhiều đại biểu đề nghị quy định theo hướng Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn, gồm tổng mức đầu tư, tiêu chí, danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án chi đầu tư từ ngân sách Trung ương theo đúng tinh thần của Hiến pháp.
Trong khi đó ở phương án hai, Chính phủ và một số vị đại biểu đề nghị quy định Quốc hội quyết định tổng mức, giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo đúng khung kế hoạch đầu tư công trung hạn được quốc hội thông qua. Vì, quy định Quốc hội quyết định danh mục dự án và mức vốn bố trí cho từng dự án sẽ dẫn tới mất nhiều thời gian, phát sinh nhiều thủ tục hành chính.
Mặt khác, danh mục dự án cần qua nhiều bước để xác định thông tin nên cần có thời gian, nếu có thay đổi sẽ phải thực hiện các thủ tục báo cáo Quốc hội tại kỳ họp, tính linh hoạt trong điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ hạn chế.
Theo đại biểu Phương, nên để Quốc hội khóa mới quyết định quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn. Kế hoạch đầu tư công trung hạn phải phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội tại chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quốc gia.
Do đó, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quốc gia phải sang nhiệm kỳ khóa mới sau Đại hội Đảng toàn quốc và kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa mới mới định hình được chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Kế hoạch đầu tư công trung hạn nên do Quốc hội khóa mới quyết định, Chính phủ và Quốc hội khóa cũ chuẩn bị.
Trong phần giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định việc vẫn muốn giữ quyền năng cao nhất là Quốc hội nhưng việc điều hành cụ thể thế nào cho linh hoạt thì giao lại cho Chính phủ thực hiện và chịu trách nhiệm. Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật quan trọng này.
An Chi/The Leader