08/04/2016

Nội đô lịch sử Hà Nội: Khu nào được xây cao tầng, cao bao nhiêu?

Quỹ đất quy mô từ 2 ha trở lên có được khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, cơ quan đơn vị được ưu tiên để xây dựng các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị. Không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.

Nội đô lịch sử Hà Nội: Khu nào được xây cao tầng, cao bao nhiêu?

Khu vực triển lãm Giảng Võ sẽ có công trình cao nhất trong nội đô lịch sử Hà Nội (50 tầng)

Đó là nội dung quan trọng trong Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu nội đô lịch sử thành phố Hà Nội mà UBND Hà Nội vừa ban hành.

Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng được áp dụng trên khu vực có quy mô diện tích khoảng 3.881 ha thuộc địa giới hành chính 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, một phần phía Bắc Hai Bà Trưng và một phần phía Nam của quận Tây Hồ.

Quy chế này cho phép xây dựng công trình cao tầng tại: Các vị trí hai bên đường vành đai, tuyến phố hướng tâm, tuyến phố chính và tại các khu vực điểm nhấn đô thị; Các dự án tái thiết đô thị bao gồm việc đầu tư xây dựng các khu chung cư cũ và quỹ đất sau di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, giáo dục, cơ sở giáo dục và các cơ quan, đơn vị; Xây dựng công trình cao tầng trong trường hợp xây dựng lại các khu chung cư, tập thể cũ.

Cụ thể công trình cao tầng tối đa của từng khu vực như sau:

Đường Vành đai 1 gồm các tuyến: La Thành – Xã Đàn – Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân – Kim Ngưu đến nút giao Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái được xây công trình tối đa 24 tầng, 86m.

Đường Vành đai 2 gồm các tuyến từ cầu Nhật Tân đến nút giao Hoàng Hoa Thám – Bưởi – Láng – Trường Chinh – Đại La – Minh Khai. Đường vành đai 2 được xây công trình tối đa 27 tầng, 97 m;

Đường ven sông Hồng như An Dương Vương – Âu Cơ – Nghi Tàm – Yên Phụ – Trần Nhật Duật – Trần Quang Khải – Trần Khánh Dư – Nguyễn Khoái được xây tối đa từ 21 tầng – 39 tầng, tùy theo đoạn tuyến.

Đối với tuyến phố hướng tâm được quy định gồm: Phố Giảng Võ, Láng Hạ, Văn Cao, Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn, Lê Duẩn, Giải Phóng được xây tối đa từ 9 – 27 tầng, tùy theo đoạn tuyến.

Tuyến phố chính bao gồm: Hàng Đậu, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Hào Nam, Hoàng cầu, Yên Lãng, Lò Đúc, Kim Ngưu, Chùa Bộc, Thái Hà, Huỳnh Thuc Kháng (kéo dài qua Pháo đài Láng), Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Đội Cấn được xây tối đa từ 13 tầng – 24 tầng, tùy theo đoạn tuyến. Một số tuyến phố không được phép xây cao tầng như Hàng Đậu, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Lò Dúc, Chùa Bộc, Đội Cấn (trừ trường hợp là các điểm nhấn kiến trúc).

Các khu vực điểm nhấn đô thị được chia làm 3 loại gồm : Tổ hợp công trình cao tầng như Khu vực xung quanh hồ Giảng Võ (21 tầng), xung quanh hồ Thành Công (24 tầng), xung quanh ga Hà Nội (18 tầng), Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái  (21 tầng); Các Nút giao gồm Vành đai 2 – Hoàng Hoa Thám – Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy – La Thành – Bưởi – Láng, Nguyễn Chí Thanh – Láng, Láng Hạ, – Láng, Tây Sơn –  Láng, Giải Phóng – Trường Chinh – Đại La, Kim Ngưu – Minh Khai đều tối đa là 39 tầng, riêng nút Nguyễn Chí Thanh – La Thành (24 tầng), nút Nguyễn Khoái – Vĩnh Tuy (21 tầng); Các vị trí khác như nút giao khu đô thị Tây – Hồ Tây và Vành đai 2 (39 tầng), bán đảo phía Đông Hồ Tây (39 tầng), ga Hà Nội (18 tầng), Khu vực triển lãm Giảng Võ (50 tầng), Ô đất tại 29 Liễu Giai (45 tầng).

Đối với các khu chung cư cũ thuộc các dự án tái thiết đô thị có quy mô 2ha trở lên, quy chế quy định khu Nguyễn Công Trứ được xây tối đa 25 tầng; Giảng Võ, Hào Nam, Ngọc Khánh 21 tầng; các khu Thành Công, Khương Thượng, Vĩnh Hồ, Nam Đồng, Kim Liên, Láng Hạ, Phương Mai, Thanh Nhàn được xây 24 tầng. Riêng khu Văn Chương chỉ được xây cao tối đa 18 tầng.

Với các quỹ đất quy mô từ 2 ha trở lên thuộc các dự án tái thiết đô thị có được khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, cơ quan đơn vị được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị. Không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.

Các khu chung cư, tập thể có quy mô diện tích nhỏ hơn 2 ha. Hạn chế làm gia tăng dân số khu vực dự án, Chiều cao công trình xem xét trên cơ sở chiều cao tối đa được phép nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng trên các tuyến đường vành đai, tuyến phố hướng tâm, tuyến phố chính tương ứng.

Khu vực nội đô lịch sử Hà Nội được chia thành 07 khu vực để kiểm soát và quản lý tầng cao, chiều cao xây dựng công trình như sau:

Khu Trung tâm chính trị Ba Đình có quy mô diện tích khoảng 134,4 ha; Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long có quy mô diện tích khoảng 18,358 ha; Khu phố Cổ có quy mô diện tích khoảng 82 ha; Khu phố cũ có quy mô diện tích khoảng 507,88 ha; Khu vực hồ Gươm và phụ cận có quy mô diện tích khoảng 63,72 ha; Khu vực Hồ Tây và phụ cận có diện tích khoảng 1009,02 ha; Khu vực hạn chế phát triển gồm Khu vực Văn Miếu và phụ cận có quy mô diện tích khoảng 39,48 ha và Khu vực hạn chế phát triển có quy mô diện tích khoảng 2.3030,23 ha.

N.Đăng/Cafeland