Những viên ngọc kiến trúc trên “con đường tơ lụa” Hà Giang
(TCKTVN 233) – Đến Hà Giang là đến với tỉnh biên giới địa đầu phía Bắc Tổ quốc Việt Nam. Có những ngã rẽ khác nhau nhưng có một tuyến lên phía Bắc rồi sang Đông Bắc, từ quốc lộ số 2 nối tiếp quốc lộ 4C qua 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc được anh em mệnh danh là “Con đường tơ lụa”.
Đó là do trên cung đường này không những chỉ được ngắm những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tuyệt đẹp của cổng trời Quản Bạ, Yên Minh, sông Miện, Nho Quế, đèo Mã Pì Lèng, dốc Thầm Mã, cao nguyên đá Đồng Văn… mà trên con đường này còn đậm đặc những công trình kiến trúc truyền thống, độc đáo, khi là một chuỗi tạo thành Phố, lúc thành một điểm dân cư trở thành Làng, lúc lại đơn chiếc nhưng nổi trội trong khung cảnh thơ mộng.
Theo năm tháng, có Cũ, có Mới, khi là viên ngọc thô, lúc lại là những hạt ngọc được chế tác tinh túy… tất cả dần tạo nên bản sắc của Hà Giang đa sắc tộc, chuyển mình phát triển, quyến rũ lạ kỳ.
Thành Cán Tỷ
Địa điểm: Xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, nằm ở một vị trí rất hiểm yếu, án ngữ hẻm vực sông Miện với con đường huyết mạch của khu vực biên giới Việt – Trung.
Thành được quân đội Pháp xây dựng từ những ngày đầu chiếm đóng Hà Giang (1887) gồm hai bức tường thành bằng đá hộc có bề dày gần 1m, nằm đối diện với nhau qua sông Miện. Trên tường thành có các lỗ châu mai hướng về phía Bắc và hệ thống lô cốt kiên cố. Điểm kết thúc tường thành có hang đá là nơi trú ẩn và kho vũ khí. Tuy thành đã đổ nát khá nhiều nhưng vẫn giữ được cấu trúc chính.
Làng văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm
Địa điểm: Trung tâm xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ.
Làng là nơi sinh sống của người Dao Chàm hay Dao áo dài, được bao bọc bởi rừng nguyên sinh và ruộng bậc thang. Đây là làng đầu tiên phát triển loại hình du lịch cộng đồng ở Quản Bạ từ năm 2012. Những ngôi nhà trình tường được tu sửa, vừa giữ được kiến trúc truyền thống, vừa đáp ứng đủ các dịch vụ cơ bản (ăn ở vệ sinh, sạch sẽ, món ăn ngon…).
Người dân vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện qua những phong tục tập quán, nghi lễ truyền thống, nếp sinh hoạt thường nhật như dân ca, dân vũ, trang phục, kiến trúc nhà ở, trò chơi dân gian, lễ hội, đặc biệt là lễ cấp sắc – nghi lễ mà người đàn ông Dao được cấp sắc mới được coi là đã trưởng thành.
Khu nghỉ dưỡng H’Mông Village Resort
Địa điểm: Tráng Kìm, Quản Bạ
Khu nghỉ dưỡng 20 ha này là địa điểm du lịch mới từ một hai năm trở lại đây năm gần đây, cả về địa danh và kiến trúc. Chủ nhân là chàng rể của Hà Giang đã cố gắng xây dựng những công trình mang hơi hướng hình ảnh của các dân tộc Hà Giang với những dãy nhà xây mới nhưng có lớp màu vôi tựa nhà tường trình đất màu vàng thổ và mái ngói âm dương.
Các homestay trên sườn cao hơn được tạo hình với hình ảnh những chiếc gùi, đan xen với rừng cây đào, cây mận đang được trồng xen lẫn. Các chức năng đáp ứng nhu cầu của du khách cũng được hoàn thiện như bể bơi vô cực với hệ thống nước khoáng tự nhiên, không gian biểu diễn, giao lưu…
Với vị trí bên các sườn núi cao ôm trọn rừng đá, tầm nhìn bao quát cả thiên nhiên ở thung lũng Tráng Kìm, dòng sông Miện và dãy núi của Quản Bạ, luôn biến đổi trong ngày khi bình minh lên, mây vờn đỉnh núi cũng như khi hoàng hôn. Hình ảnh kiến trúc là sự mày mò mong muốn cái mới của chủ đầu tư nhưng dự án này đã trở thành động lực, hạt nhân, đánh thức cả một vùng cùng phát triển.
Sủng Là
Địa điểm: Xã Sủng Là, huyện Đồng Văn
Từ Yên Minh lên thị trấn Đồng Văn, đến ngã ba Phó Bảng, nơi con đèo xinh đẹp ôm trọn một thung lũng xanh là điểm cao và đẹp nhất để ngắm toàn cảnh Sủng Là. Đây có thể coi là xã vùng cao đẹp nhất vùng cao nguyên đá Đồng Văn.
Từ trên con đường vắt vẻo lưng chừng trời nhìn xuống, Sủng Là như một bức tranh thiên nhiên thanh bình, xinh đẹp. Sủng Là nằm giữa những dãy núi đá tai mèo nhấp nhô, thâm sẫm một màu, những ngôi nhà một tầng, mái dốc xen lẫn những cánh đồng ngô, hoa đào, hoa mận, hoa cải sắc màu dưới những hàng cây sa mộc cao vút.
Sát về phía chân núi là Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm với con đường dốc len lỏi bên những ngôi nhà đất trình tường màu vàng thổ trong những khuôn viên sân vườn, dưới những mái ngói âm dương cũ nâu trầm.
“Nhà của Pao”
Địa điểm: Thuộc Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm, Sủng Là.
Ngôi nhà được chọn làm bối cảnh của phim “Chuyện của Pao” nên tên này được gọi theo một cách dễ nhận biết.
Đây là một ngôi nhà cổ của gia đình “tứ đại đồng đường” – ông Mua Súa Páo thuộc tầng lớp quý tộc xưa của đồng bào H’Mông vốn nổi tiếng từ nhiều năm trước cùng sinh sống.
Khuôn viên nhà được bao bọc bởi dãy tường đá xếp – đặc trung của người H’Mông Hà Giang. Qua lối cổng gỗ nhỏ bằng gỗ trên lợp mái ngói âm dương là cây đào ngay sau cổng và khoảng sân ngoài lát đá nhìn vào dãy nhà phụ chia cho các con.
Còn ngôi nhà cổ có tuổi đời gần 100 năm được biết đến khi đi qua lối tường mù vào khoảng sân trong vuông vức, lát đá ở giữa với các dãy nhà tường trình đất, mái ngói âm dương, chuồng trại bao quanh và mở lối nhìn ra khoảng sân giữa này tạo không gian sinh hoạt chung của cả đại gia đình.
Ngôi nhà chính 02 tầng có nhiều phòng khác nhau dùng là phòng khách, phòng ở, nhà kho, bếp và một khu để nuôi gia súc, gia cầm. Gian chính trên thềm cao và có hàng hiên phía trước. Phía trên lối vào nhà chính đã được cải tạo để có được 02 phòng cho du khách có nhu cầu nghỉ lại, trải nghiệm cùng gia đình, bạn bè.
Dinh thự vua Mèo (Nhà Vương)
Địa điểm: Thung lũng Xà Phìn (Đồng Văn)
Dinh thự có diện tích gần 3.000m2, khởi công 1898, hoàn thành 1907, được xây dựng trong khu đất có lưng tựa núi như ngai, 2 bên hông có hai ngọn núi cao như quan văn quan võ chầu, phong thủy có ý nghĩa phát triển (núi bên phải) và giàu có (núi bên trái), phía trước là dãy núi uốn lượn tựa rồng bay phượng múa. Phía ngoài Dinh thự có hai hàng sa mộc cao vút.
Kiến trúc công trình mang phong cách kết hợp: Dân tộc H’Mông (tường đá, mái ngói âm dương, các họa tiết, lan can gỗ, chân tảng đá dưới chân cột hình quả thuốc phiện khứa lấy nhựa) – kiến trúc Trung Hoa (nhà theo dạng 3 khối nhà tam cấp, có sân trong ở giữa) và kiến trúc Pháp (02 lô cốt bảo vệ được xây cao, hệ thống lan can sát thi công và vận chuyển từ Pháp về lắp đặt).
Dinh thự được xếp vào hạng di tích quốc gia ngày 23/7/1993.
Thị trấn Phó Bảng
Địa chỉ: huyện Đồng Văn
Thị trấn Phó Bảng thuộc huyện Đồng Văn, nằm sâu bên trong thung lũng cao nguyên đá, bốn bề là núi. Thị trấn có vài chục nóc nhà cổ bám dọc con đường vòng vèo và len lỏi trong các nhánh lối riêng từ dãy núi này sang dãy núi khác, thay đổi cảnh sắc.
Các ngôi nhà chỉ cao 1 tầng và có tầng xép là nơi cất đồ, chứa ngô, thóc… và trước cửa mỗi nhà đều trồng loài hoa Mãn đình hồng – hoa to, đa sắc màu vàng, da cam, hồng và đỏ thẫm nhưng chung hình thức kiến trúc truyền thống của người H’Mông và người Hoa tuổi đời đã hơn trăm năm với tường trình đất màu vàng thổ rêu mốc, mái lợp ngói âm dương, cánh cửa gỗ cũ kỹ dán những câu đối chữ Hán phía trên. Nơi đây cũng là thung lũng trồng hoa hồng cánh nhỏ nhưng thơm ngát cung cấp cho cả tỉnh.
Tất cả tạo nên khung cảnh như chuyện cổ tích độc đáo của Hà Giang đa dân tộc, quyến rũ và níu chân mọi du khách từ cái nhìn đầu tiên.
Nhà cổ Lũng Táo
Địa chỉ: Thôn Há Súng, xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn (Hà Giang)
Tuy cách không xa đường đi Cột cờ Lũng Cú nhưng ngôi nhà cổ của dòng họ Vừ dù được xây dựng trước cả Dinh thự họ Vương nổi tiếng ở Xà Phìn nhưng lại ít người biết tới. Đó là vì con đường dẫn vào có độ dốc lớn và ngôi nhà lại sau một quả núi trong Lũng Táo nên khuất tầm mắt. Sinh sống tại đây hiện tại có 8 hộ gia đình, 29 nhân khẩu đều là con cháu đời thứ 6 và thứ 7 của chủ nhân đầu tiên.
Ngôi nhà này là sự giao thoa hài hòa giữa kiến trúc dân tộc Mông và Hoa Nam, được chia làm 3 khu vực với 3 ngôi nhà sàn gỗ riêng ghép lại có lối đi thống nhất và tổng thể tạo hình thế đại bàng tung cánh. Thềm nhà được đặt ở trên bệ đá cao và có các bậc đá dẫn lên. Lối cửa chính xuyên qua một mặt nhà, vào khoảng giữa của tòa chính được lát đá. Bao quanh sân là 4 nhà sàn gỗ 2 tầng, mái lợp ngói âm dương cùng hướng vào sân chính. Hai cánh là hai dãy nhà 1 tầng đối xứng trên thềm cao. tường trình đất, cũng lợp mái ngói âm dương… được cùng một nhóm thợ xây thuê từ Hoa Nam – Trung Quốc thi công và cùng xây dựng trong khoảng thời gian hơn 8 năm.
Các chi tiết được thi công tinh xảo và đẹp từ con sơn đến lan can gỗ. Hình ảnh của hoa anh túc có mặt khắp nơi: Các cột nhà bằng gỗ được kê chân tảng bằng đá đẽo hình hoa anh túc. Cột kèo cửa bằng đá và bằng gỗ thông đỏ. Bồn tắm sữa dê đục bằng đá nguyên khối.
Cột cờ Lũng Cú
Địa điểm: xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn
Tuy không nằm ở vị trí cực Bắc của Tổ quốc nhưng cột cờ Lũng Cú là cột cờ biểu tượng quốc gia tại địa đầu Tổ quốc, trở thành Di tích quốc gia – điểm đến nổi tiếng nhất của Hà Giang mà mỗi người dân nước Việt Nam ai cũng mong muốn được đặt chân đến.
Cột cờ nằm trên đỉnh núi Rồng (Long Sơn) của Lũng Cú có độ cao khoảng 1470m so với mực nước biển. Cột cờ Lũng Cú được xây dựng đầu tiên từ thời Lý Thường Kiệt và ban đầu chỉ làm bằng cây sa mộc. Cột được xây dựng lại từ thời Pháp thuộc, năm 1887 và tiếp tục được trùng tu hoặc xây dựng lại nhiều lần với kích thước, quy mô lớn dần theo những lần năm 1992, 2000 và năm 2002 cột cờ có độ cao 20m.
Cột cờ hiện nay được xây dựng mới với chiều cao 33,15m trong đó phần chân cột cao 20,25m, đường kính ngoài thân cột rộng 3,8m. Thân cột hình bát giác tựa như cột cờ Hà Nội. Chân, bệ cột cờ có 8 mặt phù điêu bằng đá xanh mô phỏng hoa văn mặt của trống đồng Đông Sơn và những họa tiết minh họa các giai đoạn qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước, cũng như con người, tập quán của các dân tộc ở Hà Giang. Trong lòng thân cột có cầu thang bộ dẫn lên đỉnh.
Trên đỉnh cột là quốc kỳ Việt Nam cao 6m, rộng 9m, tổng diện tích 54m², tượng trưng cho 54 dân tộc cùng chung sống trên đất nước Việt Nam
Đường lên đỉnh núi được xây dựng lại với 839 bậc đá lên theo lối cũ và đồng thời xây một lối đi mới cũng có số lượng bậc là 839 đi xuống. Từ trên đỉnh Cột cờ có thể bao quát toàn bộ Lũng Cú và dải biên giới phía Bắc trên địa bàn tỉnh Hà Giang với thiên nhiên ngoạn mục, cao nguyên đá Đồng Văn trùng điệp như một kiệt tác của tạo hóa. Dưới chân cột là nhà lưu niệm trưng bày các dụng cụ lao động, trang phục, sản phẩm văn hóa của các dân tộc Hà Giang.
Bản Lô Lô Chải cực Bắc
Điạ đểm: Xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn:
Bản Lô Lô Chải nằm cách hơn 1km về phía Bắc của cột cờ Lũng Cú. Đây là điểm du lịch không thể bỏ qua trên bản đồ du lịch của tỉnh Hà Giang mỗi khi du khách có dịp tham quan cột cờ Lũng Cú đến. Nhờ có du lịch, đời sống của bà con ở vùng Cao nguyên đá nay đã có nhiều khởi sắc.
Con đường dốc qua cổng làng với hai bên đầy hoa cải, tam giác mạch và những cây đào, mận, lê khoe sắc dẫn đến những ngôi nhà tường trình đất, mái lợp ngói âm dương ẩn hiện: Khi thì ngang ngay bên đường, lúc lại nằm trong khuôn viên của lối xóm, cứ thay đổi đến bất ngờ.
Những ngôi nhà tường trình đất của đồng bào Lô Lô Chải là cư dân chủ yếu của làng (105 hộ) cùng với các kiểu nhà truyền thống của 10 hộ dân tộc H’Mong ở đây được tu sửa, chỉnh trang thành những Homestay hay quán cà phê độc đáo – điểm nhấn ở Lô Lô Chải thu hút du khách khi đến thăm quan du lịch.
Trưởng thôn Sình Dỉ Gai là người tiên phong trong việc phát triển kinh tế bằng dịch vụ Homestay từ cơ duyên năm 2014 tình cờ mời khách người Nhật Yasushi Ogura đến nhà ăn cơm khi ông ấy du lịch đến đây đã động viên đầu tư xây nhà truyền thống làm dịch vụ Homestay và hỗ trợ tiền.
Du lịch cộng đồng nơi đây ngày càng phát triển, được công nhận là Làng Văn hóa và được tỉnh đưa vào chương trình Dự án bảo tồn làng văn hóa truyền thống, người dân trong bản càng ý thức hơn việc phải gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc như một tài nguyên để khai thác du lịch, phát triển nghề may trang phục truyền thống sặc sỡ, thêu, làm mộc… tới các lễ hội truyền thống như: lễ cúng thần rừng, lễ mừng lúa mới, lễ mừng nhà mới và đặc biệt là các điệu múa dân gian.
Cuộc sống của đồng bào Lô Lô đã đổi thay khác xưa rất nhiều từ khi có Chương trình xây dựng nông thôn mới, có đường bê tông vào từng xóm, bản,… tất cả đem đến cơ hội công ăn việc làm cho mọi lứa tuổi dân cư làng.
Làng văn hóa Má Lé
Địa điểm: Xã Má Lé, huyện Đồng Văn.
Nằm khoảng giữa thị trấn Đồng Văn và khu di tích quốc gia cột cờ Lũng Cú (cách thị trấn Đồng Văn khoảng 13 km), làng cổ Má Lé nhỏ, dọc ven đường, được bao bọc bởi bốn bề là núi đá, khí hậu mát mẻ, trong lành.
Sơ khai, làng là của người Lô Lô đến khai phá và sinh sống. “Má Lé” là âm đọc trại của từ “Mia” ám chỉ là vùng đất của người Lô Lô. Về sau người Giáy (Giấy) đến cư trú và sinh sống, cư trú đến nay (chiếm 90%) cũng đã được 5 đến 6 đời (khoảng hơn 200 năm), với 97 hộ dân làm nghề trồng lúa nước ruộng bậc thang, chăn nuôi gia súc và một phần của nghề thủ công làm hài thêu và vẫn giữ được sinh hoạt, phong tục tập quán như xưa.
Về tổng quan, làng cổ mang đậm nét kiến trúc của người Giáy với những ngôi nhà sàn hai tầng được làm bằng các loại cây rừng gỗ chắc như nghiến, rẻ,… Tuy nhiên, một phần vì gỗ rừng khan hiếm và do sống gần với người H’Mông có sự ảnh hưởng giao thoa, tác động phần nào nên đa phần làm nhà ở theo kiến trúc của người H’Mông: nhà trình tường đất, mái lợp ngói âm dương với gia đình giàu có hoặc lợp cỏ tranh với những gia đình chưa có điều kiện.
Hiện nay, làng còn nhiều nhà trình tường đất tuổi đời trên dưới 100 năm và bảo tồn được một ngôi nhà sàn cổ, có tuổi đời trên 200 năm (có khác lạ là cầu thang đi ngay bên sườn phía trước nhà, có thể do đất hẹp sát đường đi), được chỉnh sửa thành Homestay Má Lé phục vụ khách du lịch. Không gian tầng dưới ăn uống, bar và bàn mộc sử dụng chung cho cả 2 chức năng. Tầng sàn trên có cả không gian buồng to tập thể, có cái bếp giữa phòng hay các buồng nhỏ ngăn chia bên chái hay góc nhà.
Trên cung đường Lũng Cú – thị trấn Đồng Văn nếu không để ý thì cũng khó phát hiện lối vào làng cổ truyền thống đẹp của người Giáy này vì đường dốc thấp và song song với giao thông bên ngoài nên khuất lấp.
Phố cổ Đồng Văn
Phố cổ Đồng Văn nằm ở thị trấn Đồng Văn chạy từ tuyến giao thông huyết mạch vào tận sườn bên ngọn núi cao, bao gồm những dãy nhà cổ 2 tầng tường trình đất, mái ngói âm dương, chạy bao quanh chợ cổ Đồng Văn. Dù được xây dựng từ những năm 1920 nhưng đến giờ vẫn gần như còn nguyên vẹn.
Các ngôi nhà cổ trên phố cùng với Chợ là yếu tố hạt nhân tạo nên hình ảnh nổi bật của nơi chốn này, là điểm đến không thể bỏ qua khi tới du lịch Hà Giang, nhất là mỗi phiên chợ cuối tuần đông đúc nhộn nhịp mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao, những món ăn thắng cố, bánh cuốn, phở tươi tráng bốc khói nghi ngút trên phố trong lòng núi tạo khung cảnh vừa tình và thơ, nao lòng du khách.
Tỉnh cũng như huyện Đồng Văn có chính sách khuyến khích để các ngôi nhà xây mới trên phố vẫn mang được kiểu dáng, vật liệu tường trình đất, màu vàng thổ và mái lợp ngói âm dương nhằm tiếp tục phát huy giá trị di sản của tuyến phố này.
Trên tuyến phố cổ vẫn giữ được các ngôi nhà cổ, được cải tạo chỉnh trang lại thành các Homestay, quán cafe đẹp độc đáo.
Chợ cổ Đồng Văn
Chợ Đồng Văn là khu chợ cổ, nằm trong quần thể phố cổ Đồng Văn. Chợ được xây dựng bằng đá hộc, mái lợp ngói âm dương đồng điệu như các ngôi nhà trên phố cổ tạo nên một quần thể không gian liên kết, đồng chất.
Nơi đây là trung tâm giao lưu kinh tế, trao đổi hàng hoá và văn hoá lớn nhất ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Vào ngày chợ phiên chỉ tổ chức và Chủ nhật, cả khu phố cổ nhỏ bé tĩnh lặng trở nên náo nhiệt đông vui như ngày hội với đủ sắc màu sặc sỡ của trang phục người Dao, Mông, Tày, Nùng, Giáy, Lô Lô…, đi từ sớm đem theo những gùi rau, gùi củi, tay dắt trâu bò, lợn, chó… vượt qua mấy ngọn núi để xuống cho kịp phiên chợ.
Các mặt hàng truyền thống như thổ cẩm, đồ thủ công gia dụng, nông sản, sản vật trong vùng do họ làm ra… được bày bán, cạnh đó là các món ăn khói và vị của thắng cố, bánh cuốn nghi ngút bay quyện vào không gian núi rừng, phố cổ thật thi vị và hấp dẫn. Khác với phiên chợ dưới xuôi là người ta đến chợ để mua bán, đồng bào đến phiên chợ Đồng Văn, ngoài việc mua bán, trao đổi hàng hoá thì chợ còn là nơi để mọi người giao lưu, gặp gỡ.
Những năm gần đây, chợ được chuyển sang khu đất mới, chợ cổ chuyển sang là nơi kinh doanh giải khát phục vụ khách du lịch, đơn điệu và không còn hồn cốt sinh hoạt và sắc màu văn hóa các dân tộc.
Homestay Phố Cổ
Địa chỉ: số 10, phố Cổ, thị trấn Đồng Văn
Nếu chỉ loanh quanh với không khí nhộn nhịp quanh chợ cổ Đồng Văn mà không đi tiếp sâu vào ngõ sát bên hông quán cafe phố Cổ thì bạn sẽ bỏ lỡ những ngôi nhà cổ dưới chân núi Đồn Cao sâu phía trong, trong đó có ngôi nhà cổ được xây dựng năm 1925, nay cải tạo là Homestay Phố Cổ và chủ nhân là một tay máy “có tiếng” với những bức hình siêu đẹp về Hà Giang mến yêu.
Qua mấy bậc thềm đá bán nguyệt là đến với dãy nhà ngang hai tầng
phía ngoài vách gỗ, mái ngói âm dương của người Hoa, lưng tựa vào núi đá Đồn Cao. Tầng một có hàng hiên, trên mái cũng lợp ngói âm dương, cột gỗ được kê lên chân tảng bằng đá hình hoa anh túc.
Phía sau của khuôn viên là sân trong lát đá – khoảng không gian yên tĩnh nhưng chứa đầy xe máy của “dân phượt” mà nếu không tìm hiểu, để ý thì không hiểu bằng cách nào mà xe vào được vào đó. Hóa ra ngay từ ngoài đã có một lối nhỏ chất liệu như thềm đá, dốc đi xe vào, thông qua cả gian nhà mà vào sâu sân trong này.
Ngao Homestay Đồng Văn
Địa chỉ: 19 Đường Trần Phú, thị trấn Đồng Văn
Ngao Homestay nguyên là ngôi nhà cổ khuất trong ngõ lớp phía sau của tuyến đường chính 3/2 – thị trấn Đồng Văn nên đến với khuôn viên ngôi nhà này là gặp một không gian yên tĩnh và phảng phất hương vị tự nhiên: màu của đất từ ngôi nhà tường trình và màu của thân cây vô tri vô giác, qua bàn tay khối óc của Tuyến và những người dân nơi đây giờ thành người thợ tạo hình nên.
Vẫn là nhà tường trình đất, mái lợp ngói âm dương nhưng trong từng cm vuông nơi đó là những tác phẩm nghệ thuật từ chất liệu gỗ cũng đang thả hồn phiêu cùng du khách như ngôi nhà này là dành cho chúng.
Đến với nơi đây, bạn sẽ nghe một trái tim nhiệt thành kể chuyện sống động về con người, tập tục, văn hóa của nơi chốn mà Tuyến làm rể với người vợ là giáo viên một trường Hàm Yên, về những chuyến đi rừng cả tháng trời, về cả những thần – hồn trong từng tác phẩm được tạo ra dù mục đích kinh doanh hay nghệ thuật.
Làng cổ Thiên Hương
Địa điểm: Cách 5,4km về phía tây – bắc thị trấn Đồng Văn
“Làng Thiên Hương” còn gọi là “làng Mã Pắng” là làng của người dân tộc Tày và Giáy, sát biên giới với Trung Quốc.
Từ thị trấn Đồng Văn theo con đường dốc một bên là vách núi, một bên là vực thẳm, nhìn sâu xuống dưới là những thửa ruộng bậc thang và dòng sông Nho Quế, phía xa xa là ngọn núi thuộc địa phận Trung Quốc, nơi đây là nơi bắt đầu của sông Nho Quế chảy vào Việt Nam.
Ngay ngã ba đầu dốc trước khi vào làng là một khóm rừng 11 cây đa đại cổ thụ trên 700 năm tuổi, tán rộng, thân cây có chu vi trên cả chục mét. Dưới gốc cây lớn nhất là một ngôi miếu thần Lâm, nơi đây có cả lễ cúng rừng. Thế mới hiểu đồng bào nơi đây coi trọng và bảo vệ rừng thế nào.
Từ đây con đường gần 1km chỉ xuống dốc và dẫn vào làng với những ngôi nhà cổ ngót nghét cả trăm tuổi, đa phần là một tầng, tường trình đất và mái lợp ngói âm dương cũ đã ngả màu cứ thoắt ẩn thoắt hiện trên con đường chính ngoằn nghèo hoặc thấp thoáng trong các lối ngõ. Cái hay là các ngôi nhà bên con đường chính này không xây sát hay quay mặt trực tiếp ra đường. Nơi thì là những bờ tường xếp đá, lúc lại là dãy tường trình đất không cửa quay lưng lại.
Điều đặc biệt nữa là làng rất nổi tiếng với nghề nấu rượu ngô men lá thơm ngọt, làm nên thương hiệu sản phẩm rượu độc đáo của Hà Giang, thơm đến độ mà tên làng nghĩa là hương của trời.
Cuộc sống của người dân nơi đây còn rất nghèo nhưng đồng bào lại rất giỏi, nói rất sõi tiếng Kinh, Mông và tiếng Hoa. Một số ngôi nhà do người Kinh lên cải tạo lại thành homestay thu hút khách vì những điều độc đáo khác biệt của Thiên Hương. Tính cách hồn hậu, cởi mở, thân thiện và mến khách của người dân nơi đây còn làm say lòng du khách hơn cả giọt rượu men lá mà họ dâng mời. Đó là điều hấp dẫn du khách đến và quay trở lại làng cổ Thiên Hương này.
Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’Mông
Địa điểm: thôn Pả Vi Hạ (xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc)
Trên con đường “Hạnh phúc” nối Mèo Vạc với Đồng Văn, dưới chân đèo Mã Pì Lèng hùng vĩ và gần với tuyến đường dẫn xuống dòng sông Nho Quế, cách trung tâm huyện Mèo Vạc 4km là Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’Mông được khởi công xây dựng 12/2016 trên quy mô 4,6 ha và đang dần hoàn thiện, đưa vào khai thác sử dụng.
Làng được quy hoạch mới rõ ràng, có 2 trung tâm giao lưu cộng đồng và các dãy nhà của 26 hộ dân tộc Mông bao quanh 2 sân trung tâm. Từ không gian chung của Làng đến từng ngôi nhà đều mang đậm bản sắc văn hóa của người H’Mông với những nếp nhà trình tường truyền thống, hàng rào đá, tường đất vàng và vách gỗ nâu.
Nơi đây dần trở thành địa điểm tham quan, lưu trú mới của khách du lịch tìm hiểu văn hóa phong tục tập quán dân tộc H’Mông: cách thức sinh hoạt, trồng ngô, dệt thổ cẩm và các món ăn dân tộc truyền thống, khác biệt.
Làng văn hóa được coi như yếu tố hạt nhân, kích thích sự phát triển kinh tế Mèo Vạc cũng như phát huy đem lại lợi ích cả về kinh tế và hiểu biết về văn hóa với sự tham gia của cộng đồng dân tộc H’Mông trong du lịch, phát huy các giá trị dân tộc mình.
Chúng Pủa Homestay Mèo Vạc
Địa chỉ: thị trấn Mèo Vạc
Chúng Pủa còn có một tên gọi khác là Auberge de Meovac (Nhà trọ Mèo Vạc), trong tiếng của người dân tộc H’Mông, Chúng Pủa cũng có nghĩa là bên suối, ngôi nhà cổ này nằm trong một con ngõ khá nhỏ của thị trấn Mèo Vạc.
Trước khi được cải tạo thành Chúng Pủa homesay Mèo Vạc – nơi lưu trú nổi tiếng nhất ở thị trấn Mèo Vạc, Chúng Pủa được biết tới là ngôi nhà cổ khoảng một trăm năm tuổi của gia đình ông Vàng Mí Sì, bán lại cho ông Trần Minh Thái năm 2011. Sau quá trình tu sửa và xây dựng lại, ngôi nhà đã có diện mạo như bây giờ.
Kiến trúc ngôi nhà cổ Chúng Pủa được xây dựng theo kiến trúc của ngôi nhà tường trình truyền thống với những bức tường trình đất sét, mái lợp ngói âm dương, bao quanh bởi một lớp hàng rào đá, giúp cho ngôi nhà của người H’Mông chắc chắn, cách nhiệt: ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè, đồng thời chống được thú dữ và thiên nhiên khắc nghiệt. Mái nhà được lợp bằng ngói âm dương hoặc tranh giúp ngôi nhà điều hòa nhiệt độ suốt trong năm.
Hàng cột hiên bằng gỗ được đặt trên chân tảng bằng đá hình hoa thuốc phiện, còn giữ nguyên được sắc màu thời gian. Qua lối cổng là khoảng sân lát đá trước tòa nhà chính vuông góc với dãy nhà phụ tạo nên hình chữ L. Sân được trồng cây hoa đào lớn. Xung quanh nhà chính là không gian trống kết nối các tiện ích cần thiết, hiện đại của chức năng homestay mang đến cho du khách sự tiện nghi và sạch sẽ. Điều đặc biệt trong những căn phòng nghỉ tại nhà cổ Chúng Pủa là nội thất được khéo léo trang trí với những vật dụng hay họa tiết của đồng bào dân tộc mang đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ.
Đã có rất nhiều viên ngọc được kể. Sẽ có rất nhiều viên ngọc đang được rèn giũa. Nhưng Hà Giang chỉ có thể phát triển bền vững khi giữ hồn cốt đặc trưng, tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc mà kiến trúc là một trong những vật phẩm biểu hiện tính văn hóa của nơi chốn này./.
Bài và ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức