Những sơ phác của KTS Frank O Gery
Trường phái Kiến trúc Phi Cấu tạo (Deconstruction) còn được gọi là Giải tỏa kết cấu do Peter Eisenman đưa ra từ năm 1988 và KTS Mỹ Frank O’Gehry là tác giả của nhiều công trình phi cấu tạo xuất sắc. Những sơ phác công trình của ông gây kinh ngạc giới kiến trúc vì những nét vẽ tài hoa phức tạp và rối rắm diễn đạt tư tưởng sáng tạo hình khối không gian tác phẩm của mình.
Ngôi nhà của ông xây dựng ở Santa Monica bang California (Hoa Kỳ) năm 1978 đã được ông sơ phác nguệch ngoạc theo trường phái này.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, thường được coi là bản tuyên ngôn của trường phái phi cấu tạo là Bảo tàng Guggenheim Bilbao (Tây Ban Nha) xây dựng năm 1997. Bảo tàng được xây dựng bằng bê tông cốt thép, thép, kính và được bao bọc bằng titan, được thiết kế giống hình ảnh một vũ nữ tung váy múa điệu Flamenco, một điệu vũ dân gian nổi tiếng của Tây Ban Nha. Những sơ phác nguệch ngoạc, những hình vẽ bút chì diễn đạt hình ảnh bên ngoài của công trình phản ánh ý đồ sáng tạo của tác giả. Phần nội thất cũng phức tạp không kém, rất khó nhận biết được cấu tạo chịu lực của công trình.
Từ năm 1992 đến năm 1996, Frank O’Gehry cùng KTS Vlado Milumic xây dựng công trình Dancing House. Đây là Nhà văn hóa Ba Lan xây dựng tại Thủ đô Praha (Cộng hòa Séc). Lấy cảm hứng từ một cặp vũ công Fred Astaire và Ginger Rogers nổi tiếng ở Hollywood những năm 50 của thế kỷ 20 là, hai ông đã sáng tác ra ngôi nhà Dancing House với sơ phác..
Ngôi nhà chọc trời Beekman Building được xây dựng ở New York năm 2006 – 2010 có mặt đứng uốn lượn như sóng được xem là một hiện tượng bất thường. Những sơ phác của Gehry xác định một bệ và 4 tầng tháp giật cấp. Vỏ ngoài uốn lượn được làm bằng thép không gỉ.
Năm 2003, một tác phẩm nổi bật khác của Gehry ra đời – Đó là Nhà biểu diễn nhạc Walt Disney xây dựng ở Los Angeles bang California Hoa Kỳ. Bà Lillian – vợ họa sĩ Walt Disney nổi tiếng (đã quá cố), góp 50 triệu USD trong tổng chi phí 276 triệu USD để xây dựng trung tâm hòa nhạc này. Công trình mang hình dáng một chiếc thuyền khổng lồ với những cánh buồm no gió, lớp vỏ bên ngoài uốn lượn theo phong cách Bảo tàng Guggenheim Bilba. Với công trình này, Gehry đã phác thảo khá nhiều hình, cả phác thảo phối cảnh và ở nhiều vị trí khác nhau.
Năm 2008, Bảo tàng Louis Vuitton được xây dựng ở rừng Boulogne quận 16 thủ đô Paris (Pháp). Chủ tịch Tập đoàn tài trợ LVMH, ông Bernard Arnault không giấu giếm tham vọng là Bảo tàng Louis Vuitton sẽ trở thành điểm dừng chân của hàng triệu du khách đến thăm Thủ đô Paris mỗi năm và còn “đóng đinh” thương hiệu vào nền nghệ thuật đương đại nói riêng và văn hóa nói chung của nước Pháp. Những sơ phác công trình này rất rối rắm, nó mô tả 12 cánh buồm ghép từ 3600 mảnh kính với diện tích 11.705 m2. Công trình như một đám mây trôi trên rừng Bois de Boulogue. Bên ngoài là kính, nhìn từ trên cao xuống thấy lõi của Bảo tàng là khối xây có một trụ cao và xung quanh có 5 khối xây khác. Mặt bằng và mặt cắt thể hiện rõ là các khối xây được bao bọc bằng hệ thống kết cấu dàn thép phủ kính. Hai sơ phác được cụ thể hóa bằng mặt hồi.
Năm 2017, Gehry thiết kế công trình IAC Building tại số 555 W 18th St, ở New York. Đây là một nhóm gồm 5 ngôi nhà nằm cạnh một đại lộ. Năm ngôi nhà 10 tầng trắng muốt đứng tựa sát vào nhau với dáng nghiêng nghiêng như 5 diễn viên múa đang biểu diễn. Nét sơ phác và công trình được diễn đạt tại hình sau.
Khách sạn Marques de Riscal được Gehry thiết kế theo phong cách Bảo tàng Guggenheim Bilbao cũng như Trung tâm hòa nhạc Walt Disney. Đó là những tấm titan bay bổng ngoạn mục che phủ công trình ở trong. Màu sắc bên ngoài khách sạn lấy cảm hứng từ một chai rượu Marques de Riscal: Màu hồng của rượu, màu bạc của nắp chai và màu vàng của lớp lưới bao ngoài vỏ chai.
Năm 2017, Gehry thiết kế Bảo tàng nghệ thuật trên hòn đảo Saadiyat ở Abu Dhabi, các tiểu vương quốc Arập thống nhất. Bảo tàng này có hình khối lộn xộn phức tạp như mô tả trong bản sơ phác.
Bảo tàng sinh học Biomuseo ở Panama cũng là một công trình phức tạp gồm nhiều hạng mục được che phủ bởi nhiều mái gấp có màu sắc sặc sỡ. Với công trình này, Gehry sơ phác khá nhiều hình vẽ ở những góc độ khác nhau (hình 38). Hình 39 là hình ảnh công trình nhìn từ biển vào, hình 40 là ảnh chụp từ trên cao.
Tác phẩm Phòng âm nhạc thực nghiệm cũng được thiết kế với những vỏ bọc bằng kim loại uốn lượn và sặc sỡ bao quanh một khối hộp nhô cao lên đôi chút. Tại bản vẽ sơ phác ta thấy rõ ý đồ của tác giả với những đường uốn lượn bao quanh khối hộp.
Bảo tàng Vitra design Museum được thực hiện một phong cách khác, ở đây không có những đường uốn lượn của các tấm kim loại như đa số công trình của Gehry mà là những khối hộp có góc cạnh xếp chồng chéo kên nhau. Các nét sơ phác được thể hiện gần đúng hoàn toàn trên thực tế cho ta thấy tác giả có ý đồ rõ ràng về các hình khối sẽ xuất hiện trong không gian thực
Ngôi nhà chung cư Opus Hong King như 3 người đứng sát vào nhau trên một ngọn núi, như tượng của Tam Đa theo truyền thống Trung Quốc – 3 ngôi nhà vặn mình nhẹ nhàng một cách duyên dáng.
Frank Gehry là một thủ lĩnh xuất sắc trong trường phái phi cấu tạo. Tác phẩm của ông rất phức tạp nên những sơ phác của ông cũng rất rối rắm. Nhưng quan sát kỹ ta thấy những nét nguệch ngoạc lung tung ấy rất có hồn, diễn đạt được tư tưởng sáng tạo không gian của công trình. Bao giờ những sơ phác ấy cũng nêu được nét chủ đạo của tác phẩm, lần theo những sơ phác ấy sẽ giúp ta hiểu được phần nào tư tưởng sáng tạo của tác giả.
PGS.TS Tôn Đại
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2018)