23/09/2015

Những khoảng giếng trời đẹp và tiện ích trong nhà ống

Không chỉ là nơi lấy sáng cho cả nhà, khu vực thông tầng còn được tận dụng làm phòng khách, nơi đặt bàn ăn hay để tiểu cảnh lãng mạn.

1. Bố trí phòng khách, tủ kệ hiện đại

Nằm ở giữa nhà, khu sinh hoạt chung là phần kết nối giữa bếp ăn và phòng ngủ. Phòng khách thoáng rộng nhờ được bố trí dưới khu thông tầng nhiều ánh sáng. Phần gầm cầu thang liền kề được tận dụng làm tủ kệ để đồ.


Bức tranh màu sắc nổi bật tạo điểm nhấn thu hút ở khu tiếp khách, giao lưu của cả gia đình.

2. Bàn ăn nhỏ dưới tán cây xanh

Dù ngôi nhà có diện tích nhỏ (40 m2) nhưng chủ nhà vẫn dành khoảng không lớn để làm nơi lấy sáng, thông gió. Ở đó, anh trồng một cây khế và bố trí bàn ăn của gia đình liền kề. Chủ nhà mong muốn dù phải sống ở đô thị chật hẹp nhưng con của mình vẫn có thể tiếp cận với thiên nhiên.


Sự hy sinh diện tích ở cho giếng trời của chủ nhà đem lại nhiều hiệu quả.

3. Mọi phòng đều nhìn thấy khoảng xanh

Ngôi nhà của KTS Nhâm Chí Kiên khá rộng (mặt tiền 4,8m, dài 25m) nên anh dành khoảng giữa nhà làm hồ nước, trồng các cây dây leo, bồn hoa. Nhờ vậy, từ các phòng, mọi người trong nhà đều có thể nhìn được màu xanh của cây lá.


Phòng làm việc ngăn cách với giếng trời bởi giá sách thoáng nên vẫn có sự riêng tư tương đối và nhận được ánh sáng.

4. Khoảng vườn có cả xích đu giữa nhà

Muốn tách biệt ngôi nhà khỏi phố xá ồn ào, bụi bặm, chủ nhà làm mặt tiền kín đáo và dành một diện tích lớn làm vườn giữa nhà. Đó là nơi mọi thành viên được sum họp, vui chơi và ngắm những loại cây cảnh dân dã.


Những loại cây quen thuộc như lộc vừng, trúc… được trồng ở khu vườn bí mật giữa nhà.

5. Phần kết nối xanh giữa các phòng

Dù phần giếng trời không rộng nhưng kiến trúc sư đã có thiết kế khéo léo giúp xóa nhà khoảng cách giữa nhà ở và thiên nhiên. Ngồi trong phòng khách hoặc khi chuẩn bị bữa ăn, chủ nhà sẽ có được cảm giác thư thái bởi xung quanh luôn có màu xanh cây lá.


Cỏ cây mọc xòe vào sàn nhà, lối đi làm giảm sự khô cứng của các bức tường.

Theo VnExpress.net