Những đổi thay ở “Thủ đô gió ngàn”
Với nền tảng là hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tỉnh Thái Nguyên sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhằm sớm hiện thực hóa các quy hoạch trong đó có những quy hoạch mang tính điểm nhấn tạo đà cho sự phát triển của tỉnh cũng như của vùng ATK.
Hạ tầng đồng bộ
Để thực hiện được mục tiêu lớn đã đề ra, từ năm 2010, trong quy hoạch phát triển công nghiệp Thái Nguyên đã chú trọng đến việc ưu tiên đổi mới công nghệ và công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại nhằm tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh. Với định hướng đó, cùng với các giải pháp, nỗ lực triển khai trong giai đoạn 2010 – 2015 tỉnh đã tạo được bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội; đặc biệt là xây dựng được hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Sau nhiều năm chuẩn bị và triển khai, đến nay một số dự án tạo đà đã hoàn thành và đang tiếp tục được đầu tư mở rộng, như: Xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên; nâng cấp, cải tạo QL3 cũ; xây dựng Nhà máy Nhiệt điện An Khánh I với công suất 115KW; mở rộng Nhà máy Nước sạch Thái Nguyên; xây dựng Nhà máy Nước Yên Bình công suất 1.500m3/ngđ… Cùng với đó, TCty Điện lực Miền Bắc đang cải tạo, nâng cấp các tuyến đường điện trên địa bàn tỉnh, trong đó đầu tư đường dây 220KV nối từ huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) sang huyện Phú Bình, TX Phổ Yên và TP Sông Công để phục vụ các khu, cụm công nghiệp.
Thành quả ghi trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã tạo được sự đột biến trong mời gọi đầu tư, trong đó đáng chú ý là sự có mặt của Tập đoàn Samsung với Tổ hợp công nghiệp công nghệ cao có tổng mức đầu tư trên 6 tỷ USD, từ đó kéo theo hơn 50 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và trong nước được triển khai trên địa bàn tỉnh, tạo thành chuỗi các dự án phụ trợ dần lấp đầy một số khu công nghiệp tập trung như Yên Bình, Điềm Thụy, Sông Công.
Đến nay, tổng nguồn vốn FDI đầu tư vào tỉnh đã vượt mức 7 tỷ USD, giúp Thái Nguyên lọt vào tốp 10 địa phương có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước. Từ đó tạo nên giá trị sản xuất công nghiệp tăng vọt. Nếu năm 2010, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh mới đạt giá trị 25 nghìn tỷ đồng thì đến năm 2014 đã tăng lên 175 nghìn tỷ đồng và dự ước năm nay đạt 365 nghìn tỷ đồng; Kim ngạch xuất khẩu cũng tăng từ 240 triệu USD (năm 2013) lên xấp xỉ 9 tỷ USD (năm 2014) và dự ước năm 2015 đạt 17,5 tỷ USD…
Đẩy mạnh đô thị hóa
Cùng với phát triển kinh tế, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm, tập trung mọi nguồn lực vào việc đẩy mạnh đô thị hóa, phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Nhiều đô thị được nâng loại. Thành công đáng kể nhất là việc nâng cấp quản lý hành chính TP Sông Công và TX Phổ Yên đưa các địa phương này trở thành cửa ngõ giao lưu kinh tế – xã hội với vùng đồng bằng Bắc bộ; nằm trong quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội, vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thái Nguyên có 9 đơn vị hành chính cấp huyện và 13 đô thị, đó là: 1 đô thị loại I (TP Thái Nguyên), 1 đô thị loại III (TP Sông Công); 1 đô thị loại IV (TX Phổ Yên), các đô thị còn lại đều là đô thị loại V. Các đô thị trong tỉnh đều đã được lập quy hoạch chung để quản lý (trừ thị trấn Giang Tiên đang thực hiện). Một số đô thị đang được tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Quy hoạch phân khu đang dần được lấp đầy.
Tại các đô thị, những dự án phát triển đã và đang được triển khai đồng bộ, tạo hiệu ứng tích cực vào bộ mặt kiến trúc đô thị như: Dự án Khu liên hợp Trung tâm hội chợ xúc tiến thương mại ngành Xây dựng kết hợp khu ở cao cấp Picenza Plaza Thái Nguyên; Khu đô thị Hồ Xương Rồng TP Thái Nguyên; Dự án Khu đô thị số 1 P.Cải Đan (TP Sông Công); khu đô thị Kosy, khu đô thị Hồng Vũ (TP Sông Công); Dự án Khu đô thị Nam Thái (TX Phổ Yên); Dự án Khu dân cư số 1A (thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ); Khu đô thị Yên Bình…
Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX đã khẳng định một trong những quyết tâm lớn trong nhiệm kỳ là xây dựng và phát triển TP Thái Nguyên với tầm nhìn là TP sinh thái, có chức năng tổng hợp, trọng tâm là dịch vụ, du lịch và hàng hóa công nghệ xanh, chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp được phát triển theo hướng công nghiệp xanh, bền vững, tận dụng lợi thế hai bên bờ sông Cầu. Theo đó, mô hình đô thị sinh thái của TP là đa trung tâm gắn với việc hình thành các khu chức năng như: Trung tâm lịch sử hiện hữu, trung tâm giáo dục đào tạo, y tế chất lượng cao, thương mại dịch vụ, tài chính ngân hàng, các khu vực phát triển mới, khu công nghiệp, khu dự trữ phát triển và khu vực nông nghiệp đô thị. Trong đó, các khu chức năng được kết nối với nhau thông qua hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại.
Khu vực nông thôn các xã phía Tây TP Thái Nguyên được chú trọng đầu tư xây dựng nông thôn mới gắn với việc hình thành các trung tâm dịch vụ nông thôn, ưu tiên phát triển chức năng dịch vụ – du lịch – giải trí gắn với cảnh quan dòng sông Công, cảnh quan các đồi chè, cảnh quan hồ Núi Cốc. Trong khi đó, khu vực nông thôn phía Đông TP, bên cạnh việc chú trọng xây dựng nông thôn mới, sẽ hướng đến phát triển không gian sinh thái, tạo không gian chuyển tiếp có kiểm soát phát triển, không xây dựng các khu dân cư trong hành lang thoát lũ của sông Cầu…
Nâng tầm kinh tế vùng
Đó chính là mục tiêu quan trọng mà quy hoạch vùng ATK liên tỉnh Thái Nguyên – Bắc Kạn – Tuyên Quang vừa chính thức được phê duyệt và được Bộ Xây dựng tổ chức công bố; trong đó Thái Nguyên được xác định là hạt nhân cho sự phát triển.
Hiện tại kinh tế của cả vùng ATK liên tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trước bài toán khó, quy hoạch vùng đã chỉ ra lời giải khi định hướng: Gắn phát triển nông, lâm nghiệp với khai thác du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường. Trong đó, yêu cầu hạn chế tối đa chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp, vẫn tập trung phát triển vùng sản xuất nguyên liệu chè, mía và các loại cây trồng đặc sản. Tăng cường cơ sở chế biến, ứng dụng khoa học để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Với lâm nghiệp, tiếp tục bảo vệ diện tích rừng hiện có, phá rừng tạp, trồng mới rừng nguyên liệu công nghiệp có giá trị cao, phấn đấu vừa đạt độ che phủ 60% vừa tăng doanh thu trên một đơn vị diện tích.
Ngành công nghiệp cả vùng cũng được định hướng phát triển với tổng diện tích đất quy hoạch đến năm 2020 là khoảng 770ha, trong đó có 260ha đất quy hoạch khu công nghiệp, còn lại dành cho xây dựng 16 cụm công nghiệp nhỏ. Với tốc độ phát triển đó, dự kiến 10 năm sau đất dành cho công nghiệp của cả vùng sẽ là trên 1.600ha, trong đó có gần 1.000ha mở rộng 2 khu công nghiệp trọng điểm và trên 700ha phát triển cụm công nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn, Thái Nguyên phát triển công nghiệp vùng dù quy mô lớn thế nào, hiện đại ra sao vẫn không thể xem nhẹ việc bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề truyền thống tại các địa phương. Trong đó, gắn phát triển không gian làng nghề với không gian du lịch vùng, gắn sản phẩm làng nghề với các sản phẩm du lịch. Hiện tại, quy hoạch đã có, nhưng rất cần sự chủ động đề xuất phương án, cơ chế ưu tiên phát triển vùng và tổ chức triển khai quy hoạch của chính quyền các địa phương để quy hoạch đi vào cuộc sống, tạo đà cho Thái Nguyên phát triển bền vững. |
Nguyễn Thành/Báo Xây dựng