Những điểm mới của Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020
Từ ngày 1-1-2021, Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020 (gọi tắt là Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020) chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới có tính đột phá, tập trung vào cải cách hành chính, giảm bớt một số thủ tục trong việc xây dựng. Từ đó tiết kiệm công sức, thời gian, tiền bạc với người dân, doanh nghiệp và giảm bớt áp lực giải quyết thủ tục hành chính với cơ quan chức năng.
Nhiều quy định mới
Một trong những điểm mới nổi bật của Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 là thời gian cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng công trình, bao gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời chỉ còn 20 ngày (theo Luật Xây dựng năm 2014 là 30 ngày).
Đặc biệt, Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 quy định các trường hợp nhà ở riêng lẻ được miễn giấy phép xây dựng như sau: nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 7 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 7 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng, trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa.
Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 đã bổ sung trường hợp được miễn phép xây dựng là công trình quảng cáo không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về quảng cáo; công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo quy định của Chính phủ.
Bên cạnh các điểm mới về cấp phép xây dựng thì Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 còn bổ sung quy định chi tiết về trình tự phá dỡ công trình xây dựng với các bước như sau: lập phương án, giải pháp phá dỡ công trình xây dựng. Trường hợp công trình thuộc diện phải có quyết định phá dỡ, cưỡng chế phá dỡ thì phải có quyết định phá dỡ hoặc quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng. Thẩm tra, phê duyệt thiết kế phương án, giải pháp phá dỡ công trình xây dựng đối với công trình xây dựng ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng. Tổ chức thi công phá dỡ công trình xây dựng. Tổ chức giám sát, nghiệm thu công tác phá dỡ công trình xây dựng. Trình tự này không có trong Luật Xây dựng năm 2014.
Theo một số luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh, Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 đã khắc phục những hạn chế còn tồn đọng của bộ luật cũ, tháo gỡ toàn diện, triệt để các vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập hiện nay trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là đã rà soát lại quy định của các luật có liên quan để không chồng chéo, đảm bảo thuận tiện, thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp.
Lưu ý các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, việc miễn giấy phép xây dựng nhà riêng lẻ được quy định rất cụ thể, rõ ràng tại Điểm h và i, Khoản 2, Điều 89, Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020. Đặc biệt đã bổ sung khu vực miền núi, hải đảo; đồng thời quy định rõ hơn đối với công trình xây dựng ở nông thôn chỉ có công trình xây dựng cấp IV tới dưới 7 tầng mới được miễn phép (khác với Luật Xây dựng năm 2014 không đề cập quy mô công trình).
Tuy nhiên, luật sư Ngô Văn Định nhấn mạnh, mặc dù Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 quy định được miễn giấy phép xây dựng nhưng chủ đầu tư công trình phải có trách nhiệm gửi thông báo thời điểm khởi công xây dựng, hồ sơ thiết kế xây dựng theo quy định đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương để quản lý (trừ nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 7 tầng và nhà ở miền núi, hải đảo vừa nêu trên).
Liên quan đến quy định mới này, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa Trương Vĩnh Hiệp cũng lưu ý: “Riêng với TP.Biên Hòa là đô thị loại I, đều có quy hoạch đô thị đối với các phường, xã, vì vậy các công trình xây dựng nhà riêng lẻ dù dưới 7 tầng cũng đều phải xin phép và được cấp phép như bình thường. Nếu các trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định”.
Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 được Quốc hội thông qua ngày 17-6-2020 với 2 thời điểm hiệu lực là ngày 15-8-2020 (một số nội dung) và ngày 1-1-2021 (có hiệu lực chính thức). Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung 66 điều và thay thế thuật ngữ tại 13 điều trong tổng số 168 điều của Luật Xây dựng năm 2014.
Đăng Tùng/Báo Đồng Nai