Nhìn nhận chặng đường 20 năm phát triển của Tạp chí Kiến trúc Việt Nam
Sự ra đời và duy trì lâu bền bất cứ một tạp chí định kỳ nào cũng là việc khó, với một tạp chí chuyên ngành như “Kiến trúc Việt Nam” lại khó gấp bội. Nhất là trong điều kiện tổ chức và nhân sự liên tiếp biến đổi, khi quy luật thị trường trở thành thách thức sinh tử, khi sự sao nhãng việc đọc là hiện tượng phổ biến ở ngay giới hay chữ. “Kiến trúc Việt Nam” thoạt đầu 3 tháng 1, sau 2 tháng, và rồi đều đặn mỗi tháng 1, vừa kiên trì đi tiếp nối con đường vạch ra từ số đầu cuối năm 1994, vừa nhanh nhạy đổi thay không biết dừng, chiếm lĩnh vững chãi và thâm canh cần mẫn như nhà nông, những địa hạt mà nó được phân định 20 năm trước.
Được giao việc tổng đánh giá cả trăm số tạp chí đã chào đời, tôi cho rằng cách trình bày phù hợp nhất là theo thứ tự sau: những chặng đường đã qua; những lĩnh vực và vấn đề chính mà tạp chí theo đuổi; sự nhìn nhận và đánh giá chung và, cuối cùng, những gợi ý cho chặng đường phía trước:
1. Quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng số 452/BXD – TCLĐ ngày 30 tháng 6 năm 1994 xác định nhiệm vụ của tạp chí Kiến trúc Việt Nam là: Nghiên cứu lý luận, phê bình định hướng nghệ thuật sáng tác kiến trúc theo đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Giới thiệu những ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sáng tạo kiến trúc. Quyết định số 04/BXD – TCLĐ ngày 5 tháng 1 năm 1995 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng sửa đổi: Tạp chí Kiến trúc Việt Nam có nhiệm vụ thông tin nghiên cứu lý luận, phê bình định hướng nghệ thuật kiến trúc Việt Nam theo đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Quyết định số 71/QĐ – VKTQG ngày 6 tháng 5 năm 2014 xác định: Tạp chí Kiến trúc Việt Nam là tạp chí khoa học chuyên ngành kiến trúc, cơ quan ngôn luận của Bộ Xây dựng về lĩnh vực kiến trúc hoạt động theo Luật báo chí, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Tính chất cơ bản của tạp chí qua các quyết định nêu trên, từng thời gian được làm rõ và chuẩn xác hóa, từ nhiệm vụ “nghiên cứu” sang nhiệm vụ “thông tin” và nay là “tạp chí khoa học chuyên ngành kiến trúc, cơ quan ngôn luận của Bộ Xây dựng về lĩnh vực kiến trúc”. Cách viết trong các văn bản tuy có khác nhau, nhưng tôn chỉ mục đích được hiểu và được triển khai nhất quán theo hướng tạp chí của một tổ chức nghiên cứu khoa học chuyên ngành.
Trong cuộc đời 20 năm của mình, tạp chí KTVN đã trải qua nhiều biến động về tổ chức: Từ năm 1994 trực thuộc Trường Đại học kiến trúc Hà Nội, năm 1995 trực thuộc Bộ xây dựng năm 1999 trực thuộc Viện nghiên cứu kiến trúc, rồi Viện kiến trúc quy hoạch đô thị và nông thôn và từ năm 2014 trở lại Viện kiến trúc Quốc gia tái lập. Cũng trong 20 năm ấy, tạp chí 6 lần thay người cầm chịch: PGS.TS. KTS Đặng Tố Tuấn, GS.TS Nguyễn Bá Đang, KTS Phạm Thanh Tùng, GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu, TS.KTS Nguyễn Đình Toàn, nhà báo Phạm Thanh Huyền.
Điều cần ghi nhận trước tiên là qua 20 năm tồn tại, với hàng trăm số báo, tạp chí KTVN bất chấp những thay đổi về tổ chức và nhân sự lãnh đạo, vẫn kiên trì tuân thủ con đường và củng cố vị trí của mình với tư cách là một ấn phẩm định kỳ, là đầu ra và đồng thời là đầu cầu liên kết của một cơ quan nghiên cứu khoa học chuyên ngành. Nó đảm nhiệm vai trò một đầu mối quan trọng đặc biệt trong việc thu hút và lan tỏa tri thức kiến trúc theo nghĩa rộng, một diễn đàn sáng tạo trong hành nghề và của bàn luận, một trung tâm thông tin kiến trúc và hoạt động xây dựng.
2. Tạp chí kiến trúc Việt Nam đảm đương nhiệm vụ cơ quan ngôn luận của Bộ Xây dựng về lĩnh vực kiến trúc, là một bộ phận cấu thành hữu cơ của thiết chế nghiên cứu khoa học chuyên ngành, đương nhiên và trước hết, nó phải phản ảnh những chức năng và kết quả hoạt động chính yếu của tổ chức này: nghiên cứu các vấn đề và cục diện liên quan đến kiến trúc nước nhà trong quá khứ, trong hiện tại và cả trong tương lai, nói một cách khái quát. Đồng thời tạp chí phải thu hút sự hợp tác của giới chuyên môn, khai thác và phát huy rộng rãi những kết quả và thành tựu trong nghiên cứu và thực tiễn kiến trúc.
Cụ thể, sau đây là những nội dung lớn tạp chí đã đặt thành trọng tâm và soi rọi trong tất cả các ấn phẩm của mình:
– Lịch sử kiến trúc, di sản, bảo tồn và bản sắc kiến trúc Việt
– Các vấn đề lý luận, thực tiễn, tâm điểm, mũi nhọn của nền kiến trúc đương đại Việt Nam.
– Các vấn đề quy hoạch và quản lý phát triển đô thị và nông thôn
– Sáng tác kiến trúc, tác phẩm, tác giả và phê bình kiến trúc
– Đào tạo kiến trúc sư.
– Các xu hướng phát triển kiến trúc và đô thị, các tác phẩm và các kiến trúc sư quốc tế
– Các nghiên cứu mang tính dự báo, mở rộng tầm nhìn về triển vọng kiến trúc, phát triển đô thị v.v…
– Thông tin và trao đổi.
Dựa theo những nội dung lớn nêu trên, tạp chí xây dựng những chủ đề, những chuyên mục và những chuyên đề gắn với các địa phương cụ thể. Tương thích với thực tiễn nghiên cứu, với những nhu cầu của từng thời kỳ và, đặc biệt, để tạo ra sự linh hoạt cần thiết với thị hiếu của độc giả, tạp chí luôn thay đổi các đề mục, và cả cách đặt tên đề mục, song vẫn kiên trì theo đuổi cái cốt yếu của tôn chỉ mục đích: Đó là lấy lý luận soi rọi thực tiễn, lấy thực tiễn làm sống động lý luận và, cuối cùng, là cả hai phạm trù ấy phải nằm trong mối quan hệ tương hỗ hữu cơ. Một Viện nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc mang tính chất hàn lâm, một tạp chí nghiên cứu khoa học tương ứng, – đó là mục tiêu lâu dài, mà ta không thể sao nhãng, song nó phải được xắp đặt vào một tương quan phù hợp trong điều kiện thực tế hiện nay ở nước ta. Xin đưa ra một ví dụ để so sánh: Ở số đầu ra cuối năm 1994, tạp chí đưa ra những đề mục sau: Diễn đàn nghiên cứu; Kiến trúc và đời sống; Giới thiệu kiến trúc sư; Đến với bạn đọc; Thông tin và đào tạo. Ở số 9 năm 2014: Đô thị tương lai; Vấn đề quan tâm; Góc thiết kế; Doanh nghiệp – dự án – cuộc thi; Công nghệ – vật liệu – giải pháp; Diễn đàn nghiên cứu; Sắc màu nội thất; Nhìn ra thế giới. Chắc hẳn nhiều độc giả mong muốn có sự rạch ròi nào đó giữa các chủ đề: lý luận, thực tiễn, phê bình, trao đổi v.v… Song, cũng chắc hẳn, những người làm tạp chí đã có sự đắn đo trong ưu tiên.
Chất lượng của các bài báo, trọng lượng khoa học và uy tín của tạp chí hoàn toàn phụ thuộc vào những người viết có tâm huyết và có trách nhiệm với công việc viết lách nhọc nhằn. Lật lại các số báo, ta ngạc nhiên trước những tên tuổi tác giả, thán phục những gì họ hiến tặng. Đúng là hiến tặng, bởi sự đền đáp cho họ không dễ dàng gì từ một ấn phẩm khoa học. Xin cùng nhau điểm tên những người viết từ giới khoa học xã hội và nhân văn: Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Khắc Tụng, Trịnh Cao Tưởng, Trần Lâm Biền, Nguyễn Vinh Phúc, Dương Trung Quốc, Băng Sơn, Phan Thuận An, Nguyễn Hồng Kiên… Và những người viết từ giới kiến trúc chúng ta: Nguyễn Cao Luyện, Đàm Trung Phường, Ngô Huy Quỳnh, Trương Quang Thao, Hoàng Đạo Cung, Huỳnh Lẫm, Đặng Thái Hoàng, Trần Hùng, Nguyễn Bá Đang, Nguyễn Đức Thiềm, Nguyễn Việt Châu, Nguyễn Đình Toàn, Phạm Sỹ Liêm, Phạm Đức Nguyên, Nguyễn Huy Côn… Những ai đó trong số họ đã để lại cho đời những giọt trí tuệ trước khi ra đi. Những ai đó trong số họ có lẽ đã quên bẵng đi là mình đã từng gửi gắm một phần tình cảm, một phần suy ngẫm nơi tạp chí.
3. Nhìn lại những chặng đường phát triển của tạp chí, rà soát lại các nội dung cốt lõi và các bài viết cùng hàm lượng trí tuệ và thông tin đăng trong tất cả các số, từ đầu đến nay, có thể hoàn toàn vững tâm ghi nhận những thành công sau đây:
– Tạp chí đã tự khẳng định mình là một ấn phẩm khoa học, tập hợp và đăng tải có hệ thống các nghiên cứu, các bài viết có chất lượng khoa học và chuyên môn, bước đầu góp phần tạo nên những nền tảng vững chãi cho kho tàng lý luận và kiến thức của ngành, đặc biệt góp phần quan trọng vào công việc thâm nhập sâu và rộng vào lịch sử và di sản kiến trúc dân tộc, vấn đề bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc và đô thị, các vấn đề cơ bản và thiết thực trong kiến trúc, xây dựng đô thị thời nay, góp phần kéo gần lại với giới chuyên môn trong nước những xu hướng và những thành tựu của kiến trúc thế giới; hậu thuẫn tích cực cho việc phát hiện và quảng bá những sáng tạo mới cùng các tác giả kiến trúc sư.
– Tạp chí đã chiếm giữ được vị trí của mình trong hàng ngũ khá đông đảo các tạp chí chuyên về kiến trúc và quy hoạch xây dựng đô thị, quan trọng hơn, tạp chí đã hình thành được đội ngũ đông đảo bạn đọc và cộng tác viên. Sở dĩ được như vậy là do tạp chí luôn luôn tìm tòi đổi mới, thính ứng với thực tiễn kiến trúc và xã hội, mạnh dạn và cởi mở tạo ra và bước vào các cuộc đối thoại, nhạy cảm với những biến đổi về nhu cầu và thị hiếu của giới nghề nghiệp.
– Đảm bảo nội dung và tính khoa học – nghiệp vụ của một ấn phẩm chuyên ngành, tạp chí đã trụ vững trước những thử thách hoạt động theo cơ chế thị trường – chủ động tài chính duy trì ổn định hoạt động, quả là một khó khăn vô ngần, một bài toán ám ảnh thường trực. Không bị chậm một số, không làm hao mòn bản chất tạp chí, – đó là sự nỗ lực ghê gớm của tập thể anh chị em trong Ban biên tập.
Đúc kết lại, có thể khẳng định: Tạp chí Kiến trúc Việt Nam đã định hình, đã tạo dựng được vị trí tự tại của mình, đã đảm bảo hoặc đang vươn tới tính cơ bản, tính khoa học, tính vấn đề, tính tổng hợp, tính lan tỏa, tính năng động cùng độ nhạy bén, và ở mức độ cần thiết, – tính nhất quán đặc thù của một ấn phẩm khoa học.
Được dịp đọc hầu hết những bài viết mà tôi quan tâm, tôi ngạc nhiên khám phá cho mình cả một quỹ tích lũy tri thức khá đồ sộ và thật phong phú về mọi phương diện của kiến trúc, náu mình và có nguy cơ bị lãng quên trong các số báo đi nhanh vào dĩ vãng. Nếu không hệ thống hóa chúng lại và công bố chúng, để chúng tỏa phát ra những tia sáng tuyệt diệu của trí tuệ chắt chiu, thì chẳng những tất thảy sẽ đi vào hư vô mà khi ai đó hễ nói ra một ý nghĩ nào đó hoặc đưa ra một phát hiện nào đó, khỏi ngộ nhận mình là người đầu tiên. Cách kỷ niệm tốt nhất ngày sinh thứ 20 là in ấn một tập hợp những bài viết quý giá đó.
4. Con đường nào cho phát triển tiếp theo của tạp chí KTVN? Nên chăng:
– Kiên trì, vừa hiệu chỉnh và vừa thúc đẩy sự phát triển của tạp chí theo con đường đã được xác lập qua 20 năm tồn tại, lấy việc vun đắp và khẳng định từng bước sứ mệnh và tính chất khoa học chuyên ngành của nó, để đóng góp vào những nỗ lực thiết lập nền tảng vững chắc về lý luận cũng như phương pháp lý luận cho nền kiến trúc, trên cơ sở cân bằng hợp lý và uyển chuyển giữa lý luận và thực tiễn, giữa cái cơ bản và chưa cơ bản; chú trọng tải trọng về tri thức khoa học trong sự hài hòa với những vấn đề hôm nay của kiến trúc và, đặc biệt trong sự tương thích với nhu cầu thiên về tính thiết thực và tính thu hút ở số khá đông độc giả hiện nay. Cách đặt vấn đề như thế thực ra không có gì là mới; bởi trong dòng chảy tự nhiên không chỉ của thời nay, Viện kiến trúc Quốc Gia và cơ quan ngôn luận của nó, không thể tách biệt tư duy và hoạt động của mình khỏi trong cỗ máy của thị trường toàn phần hóa.
– Nên chăng Tạp chí triển khai một cấu trúc nội dung bao gồm phần cứng thường trực và phần mềm cô đọng, với những chuyên mục cố định và nhưng chuyên mục thay đổi theo từng số. Cần tăng cường chất lượng của các bài viết, hễ là khoa học phải ra khoa học, hễ là phóng sự phải ra phóng sự. Thị sở hơn cả là đòi hỏi chuyên nghiệp hóa cách thức và hình thức trình bày các nội dung và bài viết, chuyển nghiệp hóa hình ảnh minh họa. Một tạp chí chuyên môn, tồn tại lâu dài, cần thiết định hình diện mạo của mình. Bài viết thì nên xúc tích mà lại giàu ý. Trình bày thì nên giản dị mà lại sang.
Nhìn xuyên suốt một chặng đường 20 năm, lật lại từng trang của hàng trăm số tạp chí, người viết bài tổng hợp này có nhiều cơ sở để tin tưởng là tạp chí Kiến trúc Việt Nam sẽ giữ vững và khẳng định hơn nữa vị trí của mình với tư cách là một ấn phẩm dành cho trí tuệ kiến trúc xưa – nay mai, dành cho sáng tạo kiến trúc và sự thành danh của các chủ thể sáng tạo, một diễn đàn rộng cửa và sống động cho các ý tưởng và cho kiến thức kiến trúc./.
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính