11/09/2023

Nhìn lại sau 10 năm thực hiện chiến lược Phát triển KT-XH Hà Nội 2012-2022 – Bài 6: Quy hoạch – xây dựng trụ sở các bộ, ngành tại Thủ đô

Theo tiến độ Quy hoạch Thủ đô sẽ báo cáo lần đầu vào cuối năm 2023. Trong 15 chủ đề tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô đã trao đổi vào đầu tháng 8/2023, chưa có quy hoạch trụ sở mới các bộ, ngành, nhưng đây là nội dung không thể tách rời trong Quy hoạch Thủ đô, do vậy các đề xuất mới trong Quy hoạch Thủ đô cần đáp ứng cho việc hiện thực hóa công việc này.

Những dự án xây dựng trụ sở Bộ, ngành mới tại Hà Nội

Với lý do giảm bớt tắc nghẽn giao thông trung tâm Hà Nội, việc di dời trụ sở các cơ quan ra khỏi các quận nội thành được thực hiện theo quyết định của Chính phủ có từ năm 1997, đã có 8 bộ, ngành di dời sang trụ sở mới từ năm 2012. Tuy nhiên, hiện vẫn còn trên 10 bộ, ngành chưa di dời ra khỏi khu vực nội đô.

Tuy nhiên, với một số bộ, ngành, sau khi di dời đến “ngôi nhà mới” thì vẫn giữ lại một số cơ quan trực thuộc tại trụ sở cũ, nơi mà các tuyến đường luôn xảy ra ùn tắc là điều không thích hợp. Ngoài ra, việc lấy các lý do để ở lại như tạo điều kiện cho việc phát triển thêm chức năng nhiệm vụ mà không trả lại trụ sở cũ là không thuyết phục. Hà Nội kiên định với việc chuẩn bị đất đai quy hoạch 2 khu vực xây dựng trụ sở bộ, ngành mới tại Mễ Trì (Nam Từ Liêm) và Tây Hồ Tây (Tây Hồ).

Đồ án quy hoạch trụ sở 36 bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của đoàn thể được Thủ tướng phê duyệt ở khu Tây Hồ Tây và Mễ Trì. Theo đó, đến năm 2030, hệ thống trụ sở mới sẽ là nơi làm việc của 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ và 6 cơ quan trung ương của các đoàn thể. Quyết định phê duyệt không nêu rõ các bộ, ngành nào sẽ về khu Tây Hồ Tây. Tuy nhiên, trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội tháng 10/2022, Bộ Xây dựng đề xuất di dời 13 trụ sở bộ, ngành về khu Tây Hồ Tây và đã tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể. Cuộc thi đặt ra yêu cầu ý tưởng quy hoạch – kiến trúc khu trụ sở làm việc phải đáp ứng yêu cầu đồng bộ, hiện đại; thể hiện tính chất của cơ quan Nhà nước thân thiện, cởi mở, hướng tới phục vụ người dân, đảm bảo sự linh hoạt để thích ứng với yêu cầu của các bộ, ngành khác nhau. Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của các tổ chức tư vấn trong nước ngoài nước và đã công bố kết quả với 3 tác phẩm đạt giải A, B, C và 2 giải khuyến khích.

Ngày 20/7/2023, Bộ Xây dựng công bố đồ án quy hoạch trụ sở bộ, ngành, các cơ quan trung ương tại khu Tây Hồ Tây và Mễ Trì với tổng diện tích đất 90ha. Báo chí kèm theo ảnh minh họa của phương án đạt giải A, nhưng không rõ đây là phương án chính thức hay chỉ là minh họa? Bởi sẽ có khoảng cách rất lớn từ phương án quy hoạch đến triển khai thực tế, nhiều ẩn số từ ý tưởng đến thực hiện chưa có lời giải.

Phương án Quy hoạch khu Mễ Trì công bố trên báo. Hình ảnh Quy hoạch khu Tây Hồ Tây công bố trên báo là hình minh họa Giải A và B cuộc thi ý tưởng Quy hoạch khu vực này.

Thời gian nào các Bộ, Ngành sẽ di rời tới trụ sở mới?

Về nguồn vốn, quy hoạch xác định vốn đầu tư công dùng giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các trụ sở làm việc của bộ, ngành. Vốn xã hội hóa được đầu tư các công trình công cộng, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, khách sạn… “Sau khi Chỉnh phủ phê duyệt quy hoạch, Bộ Tài chính cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan phải di dời trụ sở lập phương án tổng thể sắp xếp lại và xử lý các cơ sở nhà, đất. Nguồn thu được từ việc xử lý nhà, đất tại vị trí cũ sẽ được ưu tiên bố trí thực hiện dự án đầu tư xây dựng trụ sở mới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cân đối, bổ sung kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện chuẩn bị đầu tư. Hà Nội sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương đề xuất Chính phủ phương án, nguồn vốn đầu tư hạ tầng cây xanh, cảnh quan, công trình công cộng trong khu vực đã được quy hoạch… Theo lộ trình, từ năm 2023 đến 2025, các cơ quan sẽ chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng, trụ sở, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; từ 2026 đến 2030 sẽ xây dựng, hoàn thành trụ sở một số cơ quan có nhu cầu cấp thiết di dời; từ 2031 đến 2035 xây dựng trụ sở các bộ, ngành còn lại và công trình công cộng.”

Như vậy, đất sạch đã sẵn, quy hoạch đã duyệt, nguồn vốn đã xác định, liệu có tiến hành leo lộ trình đã định? Nghi ngại này có cơ sở vì Bộ Công Thương đã từng có văn bản đề nghị tiếp tục được sử dụng các trụ sở hiện có đến năm 2030, nếu không “bắt buộc phải di chuyển”- như vậy đã có đơn vị “ bàn lùi”. Thực tế Hà Nội cũng đã đầu tư 1.000 tỷ đồng xây khu liên cơ trên đường Võ Chí Công, cách khu Tây Hồ Tây 1,2 km, nhưng sau 1 năm sử dụng, vài Sở lên tòa nhà mới rồi lại quay về trụ sở cũ với lý do kiến trúc không phù hợp hoạt động, bãi đỗ xe thiếu cho cán bộ và khách, giao thông tới các khu vực khác kém, hay ùng tác đi làm muộn, họp nhỡ nhàng…

Bài học thành công là mô hình tập trung các cơ quan thành một đô hành chính Putrajaya (Malaysia) cách Kuala Lumpur 25km, kết nối bằng cao tốc 10 làn xe và tuyến tàu tốc hành đi trong 30 phút, đầu tư 8 tỷ USD, bao gồm trụ sở các bộ, ngành, giáo đường Hồi giáo tráng lệ, phong cảnh cây xanh hồ nước ngoạn mục, hàng ngàn biệt thự công vụ, chung cư cao cấp có hệ thống vận hành giám sát điện tử tối tân. Mô hình tương tự được xây dựng tại Thủ phủ hành chính Naypyidaw của Myanmar với 1 triệu người trong thành phố rộng 7.054,37 km2 (gấp đôi Hà Nội). Thành phố được xây dựng và di chuyển 11 bộ, ngành trong 1 đêm bởi mệnh lệnh quân sự. Hai mô hình này không áp dụng được tại Việt nam bởi lý do tiền bạc, quy hoạch và thể chế chính trị.

Khu hành chính mới rất khó hình thành bởi cách quy hoạch cũ

Tập hợp các thông tin về quy hoạch cũng như tiến trình thực hiện quy hoạch xây dựng trụ sở bộ, ngành mới tại Hà Nội cho tới thời điểm này vẫn chỉ là bản vẽ phối cảnh, những văn bản hành chính đưa ra các kế hoạch thực hiện, còn rất nhiều thách thức để thực hiện.

Thách thức thứ nhất là nội dung các công trình trong cả 2 khu hành chính Tây Hồ Tây và Mễ Trì chỉ là những hình khối, màu sắc các công trình xây dựng thông thường, đáp ứng những hoạt động truyền thống mà không xuất hiện những giá trị mới, như: lợi ích mới về kinh tế – xã hội cho nhà nước, thành phố, công chức, công dân khi di chuyển các trụ sở Bộ ngành về chỗ mới? Ngân sách công đầu tư lớn cho các trụ sở mới này có làm gia tăng chất lượng hạ tầng đô thị cho cả khu vực? Dự án xây dựng trụ sở bộ ngành mới có lồng ghép vào các dự án nâng cấp hạ tầng đô thị chung, mang lại lợi ích công cộng của thành phố? Không gian làm việc mới có tạo ra những giá trị mới về năng suất hiệu quả của bộ máy hành chính hiện đại, trong thế giới số chuyển động mạnh mẽ hay không?. Đây là những tổ hợp đầu tư hàng tỷ USD và vận hành bảo trì với chi phí hàng triệu USD/ngày- do vậy cách tạo ra nguồn lực đầu tư và mô hình vận hành phải khác với lối quy hoạch tư duy cũ như đã từng thực hiện.

Thách thức thứ hai là hạ tầng giao thông trong bản vẽ với thực tiễn khác xa. Việc đi lại giữa các bộ, ngành tại 3 địa điểm: trung tâm cũ, Mễ Trì, Tây Hồ Tây sẽ mất hàng giờ đồng hồ và có thể lâu hơn vào giờ cao điểm, trong khi các phương án quy hoạch không có giải pháp cụ thể giải quyết thách thức này.

Thách thức thứ ba là nguồn vốn xây dựng mới từ “Nguồn thu được từ việc xử lý nhà, đất tại vị trí cũ”. Nhưng trong trung tâm thì không được xây chung cư, văn phòng khách sạn cao tầng. Đối với các nhà đầu tư vốn quen đổi đất rẻ, bán nhà đắt thì họ sẽ không mặn mà. Tiền đâu là câu hỏi đầu tiên chưa có câu trả lời.

Những thách thức trên cho thấy quy hoạch sẽ không còn là những bức tranh diễn họa với màu sắc, hình khối bắt mắt hay các chỉ tiêu mật độ, diện tích bám sát đầu bài, chấp hành chỉ đạo của các lãnh đạo bộ, ngành. Với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo (AI) và các phần mềm thiết kế chuyên dụng sẽ cho sản phẩm sau vài phút với hàng chục phương án khác nhau, nhưng như vậy chưa đủ. Phương án khả thi là phải có giải pháp tổng thể tích hợp đa mục tiêu mang lại đa lợi ích, thu hút đa nguồn lực để tạo ra các giá trị gia tăng vượt trội. Để việc di dời trụ sở các cơ quan ra khỏi các quận nội thành cần mang lại lợi ích cả trong lẫn ngoài, vận hành trơn chu từng công trình đến tổ hợp toàn khu vực; liên kết các khu vực với nhau tối ưu.

Các thành viên Hội KTS Hà Nội hợp tác với nhóm tư vấn quốc tế City Solution để xuất phương án gia tăng các giá trị mới cho các khu đất của trụ sở cũ trong nội thành: bảo tồn các giá trị kiến trúc cảnh quan hiện có, ưu tiên tái sử dụng vào các mục đích công cộng: trường học, không gian văn hóa nghệ thuật, dịch vụ thương mại, giải trí, công viên, nhưng vẫn đem lại lợi ích tiền bạc xứng đáng. Đó là giải pháp tái thiết đô thị sáng tạo, kế thừa thành công tại các thành phố Âu Mỹ, Nhật Bản.

Đề xuất mô hình giao thông nhanh khối lượng lớn chi phí rẻ, huy động nội lực chủ động đầu tư kết nối 3 khu vực, đảm bảo mỗi cuộc di chuyển dưới 30 phút. Đề xuất mô hình đầu tư xây dựng vận hành tổ hợp Mễ Trì và Tây Hồ Tây đa dụng, đa lợi ích, đa nguồn lực để từng hạng mục trong các tổ hợp mang lại lợi nhuận, tổng bài toán đầu tư không những tiết giảm ngân sách đầu tư ban đầu mà còn mang lại nguồn thu lâu dài cho ngân sách Thành phố.

City Solution đề xuất giải pháp giao thông nhanh chi phí thấp: Tuyến đường tốc hành kết nối Trung tâm hà Nội cũ với Tây Hồ Tây và Mễ trì (2A). Khai thác tuyến giao thông nhanh theo 2 giai đoạn: ban đầu chạy BUS nhanh (2B); khi lượng khách tăng sẽ chạy Đường sắt nhẹ – LRT (2C) như thành phố Vũ Hán, Trung Quốc (2D).

City Solution đề xuất giải pháp khai thác tổng hợp đa chức năng trụ sở Bộ, ngành Tây Hồ Tây với kiến tạo tổ hợp gia tăng chất lượng môi trường: chuyển hóa không khí sạch và tuần hoàn nước. Dẫn nước từ sông Hồng qua sông Nhuệ, cung cấp nước sạch đầu nguồn cho toàn bộ sông hồ Hà Nội;Tái sinh vườn Đào Nhật Tân.

Hy vọng với cách làm mới, sẽ giải tỏa những hạn chế trong việc di dời trụ sở bộ, ngành và tạo ra những tiêu chí đánh giá mới trong các phưuơng án đề xuất trong Quy hoạch Thủ đô, kịp thời loại bỏ những đề xuất không khả thi: hoặc là quá lạc hậu không đáp ứng nhu cầu phát triển, hoặc sa đà vào những viễn cảnh viển vông không tưởng.

Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội, thành viên Hội đồng khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam – Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng), KTS Ngô Bá Thành – Phòng quản lý đô thị huyện Mê Linh