07/08/2023

Nhìn lại sau 10 năm thực hiện chiến lược Phát triển KT-XH Hà Nội 2012-2022 – Bài 1: Hạ tầng cho nền kinh tế tri thức Hà Nội: những bước tiến trong 10 năm qua

Năm 2012 Thủ tướng “Phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (gọi tắt là “Chiến lươc”), trong đó giai đoạn tới 2020 sẽ triển khai các dự án quan trọng nhằm phát triển kinh tế tri thức Hà Nội – tiền đề cho định hướng cho nền kinh tế 4.0 hiện nay. Năm 2022 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định Nhiệm vụ lập quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030. Trước khi lập trình cho tương lai, Hà Nội xem lại những kết quả thực hiện” Chiến lược” của 10 năm qua (2012-2022).

Khu đô thị công nghệ cao Hòa Lạc sau 10 tập trung đầu tư (2012-2022)

“Chiến lược” đặt ra mục tiêu tới năm 2050, Hà Nội là Thủ đô quốc gia của một nước phát triển với khoảng 110-115 triệu dân… trở thành Trung tâm sáng tạo hàng đầu của cả nước với nhiều lĩnh vực đạt trình độ quốc tế; khoa học – công nghệ tiên tiến, hiệu quả cao; giáo dục, đào tạo tiên tiến, hiện đại. Hệ thống kết cấu hạ tầng đa dạng, hiện đại, đồng bộ… Phối hợp với các cơ quan Trung ương hoàn thành xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghệ cao sinh học, Khu công viên công nghệ thông tin Hà Nội trước năm 2020; tạo sự liên kết giữa các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội và các địa phương khác từ khâu nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, phân phối sản phẩm để hình thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn và hiệu quả cao”.

Khu công nghệ cao Hoà Lạc thành lập năm 1998, năm 2001 làm đường nhỏ kết nối với Hà Nội; Năm 2005-2016, các khu đất lớn ven đường hoán đổi thành 500 triệu USD đầu tư nâng cấp mở rộng đường. Năm 2011, QHC 1259 xác định Hòa Lạc là một trong 5 đô thị vệ tinh; Năm 2015, vay ODA và đối ứng 450 triệu USD để khởi công đầu tư hạ tầng toàn bộ khu; đã có 70 dự án giao đất với tổng vốn đăng ký đầu tư 3,8 tỷ USD. (1)

Đầu tư nhiều tỷ USD, nhưng tới năm 2022 mới có 10 nghìn sinh viên Đại học FPT  đăng ký và đang học, dự kiến đưa 15 nghìn sinh viên Đại học Quốc gia lên Hòa Lạc. Hy vọng 10 năm tới, Hòa Lạc có 60 nghìn người, đạt 10% dân số dự kiến. Nhiều ý kiến cho rằng sự chậm trễ này do thiếu hệ thống giao thông đủ mạnh kết nối với trung tâm Hà Nội.

Năm 2014, JICA hỗ trợ nghiên cứu “Điều tra thu thập dữ liệu cho tuyến buýt nhanh (BRT) tại Hà Nội” (gọi tắt là Báo cáo JICA-2014). Nghiên cứu hướng đến Đô thị vệ tinh Hòa Lạc, với chức năng là Đại học Quốc gia và Khu công nghệ cao, rộng hơn 200km2 để tiếp nhận 600.000 người năm 2030. Báo cáo JICA-2014 đã dựa vào dự báo 400 nghìn khách/ngày, giá vé và tổng đầu tư đường sắt đô thị (ĐSĐT) để ra kết quả: sau 48 năm khai thác (đến năm 2064) mới hoàn vốn. Cụ thể: tỉ lệ hoàn vốn nội bộ kinh tế EIRR = 10.90% thấp hơn 12% – chỉ số tối thiểu trong “Hướng dẫn lập báo cáo đánh giá năng lực của hoạt động trong lĩnh vực công” của Ngân Hàng Phát triển Châu Á (ADB). Tỉ lệ hoàn vốn nội bộ tài chính (FIRR) là âm (-) do đầu tư lớn và doanh thu từ vé không đủ.

Sơ đồ bố trí dân cư trong Quy hoạch chung Hà Nội 2030 tầm nhìn 2050. Báo cáo JICA-2014. Dự báo 80% số chuyến đi trong ngày trong không gian 20% trung tâm đô thị.

Tuyến ĐSĐT số 5 và các dự án đã quy hoach, giao đất – CitySolution trình bày từ thông tin trong Báo cáo JICA-2014. Tuyến đường sắt tốc hành Tokyo-Tsukoba (nguồn: GS.TS Naohisa Okamoto)

Đô thị Hòa Lạc vốn lấy hình mẫu là thành phố khoa học Tsukuba, kết nối với Tokyo bằng tuyến tàu tốc hành 58 km đi trong 1 giờ. Theo GS Naohisa Okamoto, Đại học Tsukuba (Nhật Bản): Tổng đầu tư tuyến là 8,2 tỷ USD, nhưng các nhà đầu tư có lãi vì khai thác 18 dự án “Chuyển đổi đất”: Nhà nước giao đất rẻ, nhà thầu bán đất gần ga đắt hơn 5.000 lần. Tuyến ĐSĐT Hòa Lạc – Văn Cao khác hẳn: đã kín đặc các dự án đô thị, bất động sản, không còn đất để “Nhượng quyền phát triển” (Transfer of Development Rights – TDR), không còn cơ hội để phát triển đô thị theo tuyến giao thông (Transit Orient Development – TOD). Không có đường kết nối nhanh, Hòa Lạc còn vắng.

Phát triển khoa học và công nghệ tạo tiền đề phát triển nhanh và chất lượng

Đó là một mục trong nội dung của “Chiến lược”, đặt ra mục tiêu Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo quốc gia, trung tâm phát triển công nghệ, một trong những trung tâm nghiên cứu hàng đầu về một số lĩnh vực khoa học cơ bản ở khu vực Đông Nam Á và Châu Á …Nội dung bài viết tập trung soi chiếu vào 2 nội dung dễ nhận biết: một là kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị đất đai đô thị Hà Nội trong 10 năm qua; hai là những thất bại của các dự án đầu tư, chi phí lớn cho khoa học công nghệ.

Năm 2001-2011, Hà Nội xuất hiện rất nhiều viễn cảnh dự án bất động sản vẽ trên nền bản đồ vệ tinh (Google Earth), đơn giản là tư liệu bản đồ địa hình và địa chính Hà Nội rất lạc hậu về thông tin và công nghệ phát hành (dạng giấy và dạng số); Ngay cả bản vẽ quy hoạch chung (QHC 1259 – công bố 2011) cũng vẽ trên bản đồ 2D. Năm 2022, Viện Quy hoạch Hà Nội trình bày báo cáo rà soát đánh giá QHC 1259 sau 10 năm thực hiện (2011-2021) và các đề xuất mới (2023) vẫn theo lối cũ, giống như tư vấn nước ngoài vẽ “Thành phố Bắc sông Hồng” năm 2023, theo cách vẽ từ 2009: tô màu trên bản đồ ảnh chất lượng thấp, thiếu thông tin; Không có khả năng tích hợp, tham chiếu, dự báo tác động tích cực cùng với rủi ro để có giải pháp phòng ngừa.

Sau 20 năm (2000-2020): không kể vài sáng kiến nhỏ lẻ ở cấp cơ sở, toàn hệ thống thông tin quản lý đất đai của ngành Tài nguyên môi trường đến thành phố Hà Nội không mấy thay đổi. Công dân và các tổ chức tiếp cận khó khăn: các dự án đầu tư liên quan đến giải phóng mặt bằng đều phải đo vẽ khảo sát lại từ đầu, các dự án chậm tiến độ, tăng vốn, thậm chí bị dừng vô thời hạn vì khiếu nại chậm trễ do chậm giải phóng mặt bằng… Nhận rõ hơn là quy trình “ma hồn trận” xác nhận nhà – đất cho các đơn xin mua nhà xã hội của các cơ quan nhà đất/địa phương hiện nay đang bộc lộ yếu kém, lạc hậu của hệ thống thông tin quản lý nhà – đất Hà Nội.

Đại dịch COVID 2020-2021 chứng kiến sự bùng nổ ứng dụng công nghệ thông tin trong xã hội có bước tiến lớn: nhờ thương mại điện tử mà hầu hết hàng hóa thiết yếu vượt qua rừng chốt chặn, phong tỏa để tới hang cùng ngõ hẻm phục vụ toàn xã hội, so với chuyện một ngày thay mấy mẫu giấy đi đường cho thấy sự chậm chạp trong bộ máy hành chính đã không theo kịp tốc độ tiến hóa nhanh, mạnh mẽ ngoài xã hội.
Trong 10 năm qua, nhiều dự án đầu tư lớn cho phát triển khoa học công nghệ, nhưng liền ngay theo đó là những vụ án tham nhũng liên quan; từ Đề án 112 năm 2005, đến Nhật Cường Mobile (2015) tiếp ttheo là “đại án” Việt Á-AIC (2020): tiêu cực lớn, đặc biệt nghiêm trọng, rất phức tạp, dư luận xã hội rất quan tâm, xảy ra trong những lĩnh vực chuyên môn sâu (lĩnh vực y tế, giáo dục, ngoại giao, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đăng kiểm, buôn lậu…) gây thiệt hại rất lớn về tài sản… có cùng một kiểu: đơn vị triển khai / trúng thầu không có năng lực; các tổ chức cá nhân phê duyệt thẩm định, tổ chức thực hiện không phù hợp dẫn đến đổ vỡ liên tục, quy mô lớn hơn, nhiều tổ chức cá nhân vi phạm hơn; sai phạm ở cấp quản lý cao hơn, nghiêm trọng hơn. Sau 10 năm Hà Nội tụt hậu bởi các dự án khoa học công nghệ cho kết quả chất lượng kém đã cản trở, kìm hãm tiến bộ. Cơ hội đã trôi qua, tiền bạc đã mất đi không thể lấy lại được. Bài học lớn là muốn đổi mới thì không thể làm theo cách cũ, vậy 10 năm tới Hà Nội theo mô hình mới nào?

Mô hình phát triển KHCN sáng tạo mới tạo ra thành phố sáng tạo 

Dự án ĐSĐT Hòa Lạc – Văn Cao dài 38km, khái toán 65.404 tỉ đồng (2,8 tỷ USD) đã dự kiến đầu tư công, nhưng rủi ro rất lớn. Báo cáo JICA-2014 kết luận không thể làm ĐSĐT mà nên thay bằng BRT-02, trong khi BRT-01 Hà Nội còn bất ổn thì Hà Nội cần tìm kiếm loại hình phù hợp hơn. Nhóm chuyên gia Việt Nam hợp tác quốc tế City Solution đề xuất xây dựng tuyến đường trên cao có kết cấu như ĐSĐT nhưng trước mắt chạy BUS nhanh, khi tích tụ đủ lượng người đi/nguồn vốn thì chuyển đổi thành ĐSĐT.

CitySolution đề xuất tuyến BUS nhanh chạy trên đường Thăng Long hiện đang có nền yếu, ngập nặng mỗi khi mưa lớn bằng đường trên cao có kết cấu ĐSĐT, nội địa hóa 100%. Chi phí bằng 14% tổng đầu tư ĐSĐT.

Bản đồ số hóa/đồng bộ hồ sơ quy hoạch sử dụng đất tích hợp với các nội dung khác đặt trên nền bản đồ vệ tinh, cung cấp miễn phí tại “quyhoach.hanoi.vn” bởi VietPalm. Ví dụ bản đồ tổng thể Hà Nội và phóng to chi tiết một lô đất.

Nếu như các dự án ứng dụng công nghệ thông tin do các sở ngành thành phố triển khai còn hạn chế thì các doanh nghiệp khoa học công nghệ có những sản phẩm chất lượng cao. Ví dụ như ứng dụng “Quy hoạch Hà Nội – Bản đồ” có thể tra cứu bản đồ Quy hoạch Hà Nội trên điện thoại di động, liên tục cập nhật trong nhiều năm nay. Không chỉ thông tin quy hoạch các tỷ lệ trên nền bản đồ địa hình, vệ tinh và cả bản đồ địa chính tại Hà Nội mà còn các tỉnh thành địa phương khác. Nhiều doanh nghiệp công nghệ khác cũng cung cấp các ứng dụng phân tích bản đồ vệ tinh độ phân giải cao để có thông tin sự thay đổi thảm thực vật, nước ngầm với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI). Nhiều sản phẩm dịch vụ tài chính, thanh toán liên ngân hàng, giáo dục từ xa, hội họp tại nhà, gọi xe, tự động hóa rất thành công.

Các mô hình kinh doanh công nghệ tạo ra những sức mạnh mới cho Hà Nội hôm nay và ngày mai đã có những cách tiếp cận mới,vượt qua những rào cản thủ tục đầu tư, mua sắm bằng vốn ngân sách theo cách thông thường: nặng cơ chế xin cho, nguy cơ tham nhũng tiềm tàng. Quá trình lập quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh quy hoạch chung Hà Nội là cơ hội để Hà Nội thực hiện bản quy hoạch ứng dụng công nghệ số hoá toàn diện dữ liệu đầu vào, kết xuất đầu ra là các thông tin dự báo và các kế hoạch hành động, giám sát kết quả thực hiện quy hoạch – đây chính là cách sáng tạo nhất, hiện thực nhất, đặt những viên gạch đầu tiên, nền móng cho Thủ đô Hà Nội sáng tạo trong 10 năm tới.

Bản đồ phân tích biến động thảm thực vật, mặt nước qua các năm với sự hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động kết xuất số liệu do AT.COM đã thực hiện tại tỉnh Quảng Nam

Bên cạnh những khuyến nghị ứng dụng khoa học công nghệ mới, chúng tôi giới thiệu mô hình xây dựng dữ liệu truyền thống, bởi thông tin dữ liệu do con người tập hợp với sự cẩn trọng, khoa học, chuyên nghiệp thì công nghệ thông tin mới hỗ trợ hiệu quả. Mô hình tư liệu bản đồ Atlat Nhật Bản, công bố năm 1977, 1990. Bộ tư liệu có nội dung, hình thức thực hiện thủ công nhưng rất mẫu mực: đủ thông tin hiện trạng tự nhiên kinh tế văn hóa xã hội. Các tổ chức cá nhân Nhật Bản dựa vào đó tiến hành các hoạt động đầu tư, đổi mới đất nước không ngừng, trở thành quốc gia luôn dẫn đầu trong các cuộc cạnh trạnh quy mô toàn cầu cũng như đảm bảo cuộc sống an toàn cho đất nước có nhiều thách thức tự nhiên, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế.

Trích ghép Bản đồ tỷ lệ 1/2.500.000 đủ dữ liệu tự nhiên/thông tin kinh tế

Bản đồ thổ nhưỡng, thảm thực vật cùng với dữ liệu trồng trọt. Đây chỉ là một trong hàng trăm bản đồ từng lĩnh vực chuyên sâu trong bộ Atlat Nhật Bản, mô tả tổng thể hiện trạng quốc gia. (2)

Trần Huy Ánh/Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội, thành viên khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam – Viện Kiến trúc quốc gia – Bộ Xây dựng

(1) https://tuoitre.vn/xay-dung-khu-cong-nghe-cao-hoa-lac-thanh-do-thi-khoa-hoc-767454.htm

(2) Tư liệu Bản đồ Nhật Bản trong Web site của Bộ MLIT công bố . Hanodata trích ảnh minh họa theo chủ đề – không thể hiện nội dung biên giới/ lãnh thổ.