Nhìn lại hình thức kiến trúc Hà Nội – Những chặng đường sáng tác
(KTVN 252)
DẪN NHẬP
Công cuộc phục hồi kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất và phát triển, mở rộng Thủ đô được đặt ra từ ngay sau ngày tiếp quản Thủ đô (từ năm 1954 đến nay) đã trải qua 70 năm dưới chính quyền cách mạng. Nhìn lại hình thức kiến trúc trong bối cảnh Hà Nội từ “một thời đạn bom, một thời hòa bình” đến thời kỳ Đổi mới và phát triển hiện nay, để thấy hơn tính xã hội của kiến trúc qua những chặng đường sáng tác của KTS. Theo đó, những hoạt động kiến trúc đã góp phần thể hiện sự năng động và sức sống nội tại của một đô thị có lịch sử nghìn năm với một quá khứ chồng xếp nhiều tầng văn hóa.
Trong kiến trúc, giá trị tạo hình hay giá trị thẩm mỹ của công trình thể hiện ra và dễ nhận thấy nhất là từ hình thức thông qua kênh cảm thụ bằng thị giác. Dù hình thức biểu hiện nội dung hay hình thức không phản ánh công năng mà theo đuổi hình thức, thì hình thức vẫn luôn thể hiện giá trị tạo hình của kiến trúc, bởi nó là hình ảnh của phố phường, của diện mạo đô thị và tinh thần của nơi chốn. Chẳng thế mà khi nói về “khu 36 phố phường xưa” – nay thuộc Khu Phố Cổ của Hà Nội, là liên tưởng ngay đến hình ảnh những ngôi “nhà ống, mái ngói lô xô” in dấu thời gian trong tranh “Phố Phái”, ảnh Phùng Thái, Đỗ Huân… trong không gian phố thị đậm chất bản địa, giàu bản sắc văn hóa Việt mà chẳng nơi nào có được.
Cũng như diện mạo đô thị của “Khu Phố Tây” – nay là Khu Phố Cũ, dễ được nhận ra bởi hình ảnh đậm nét những tòa biệt thự, công thự, dinh thự, hiển hiện trên những tuyến phố rộng rãi, rợp bóng cây xanh do Pháp xây dựng thời thuộc địa. Đặc biệt, nói đến kiến trúc nhà ở Hà Nội không thể không kể đến các biệt thự kiểu Pháp và châu Âu. Với dáng vẻ kiều diễm, hình thức phong phú của các phong cách kiến trúc thời thượng khi đó như Tân cổ điển (Neo-clasicim), Art-Deco, Địa phương Pháp (French Regional Style), Đông Dương (Indochina Style), Hiện đại (Modernism),… cùng một vài phong cách tự do khác, các công trình trong Khu Phố Cũ đã hình thành một “nơi chốn”, một “địa danh” sáng giá trong lòng Hà Nội.
Mặc dù đến nay, rất nhiều công trình đã thay đổi chức năng nhưng hình thức kiến trúc vẫn giữ được dáng vẻ ban đầu, giữ được hình ảnh đặc trưng cho kiến trúc truyền thống Việt, kiến trúc thuộc địa Pháp trong khu vực gắn với ký ức đô thị và trở thành quỹ di sản kiến trúc quý giá của Hà Nội.
NHÌN LẠI
Hình thức kiến trúc, theo dòng thời gian và điều kiện kinh tế – xã hội, có hai giai đoạn chính mà kiến trúc Hà Nội thể hiện những vấn đề cốt lõi trong sáng tác, thiết kế các loại công trình. Đó là trong Thời bao cấp – vừa có chiến tranh vừa có hòa bình và Thời mở cửa – phát triển kinh tế thị trường, mở rộng giao lưu quốc tế. Trong giai đoạn nào, Hà Nội cũng có những công trình kiến trúc thể hiện đặc điểm của thời cuộc. Và trong bối cảnh nào, hình thức – khát vọng của kiến trúc hiện đại, cũng luôn là đối tượng được các KTS tìm tòi, bền bỉ sáng tạo và kiên trì thể hiện giá trị nghệ thuật trong mỗi công trình hoặc cả một quần thể kiến trúc.
Trước tiên, về những công trình xây dựng trong Thời bao cấp mà nay một số được ghi nhận trong lịch sử kiến trúc Việt Nam, gắn với thế hệ KTS đầu tiên của đất nước bởi giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ được khẳng định. Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Trường Đại học Thủy Lợi, Trụ sở Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục thống kê, Bộ Công nghiệp… là những dấu ấn kiến trúc lưu lại một giai đoạn lịch sử – chặng đường sáng tác ban đầu của KTS Việt Nam trong nền độc lập.
Nhìn lại kiến trúc công trình Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (KTS Nguyễn Ngọc Chân). Đây là một ví dụ cho công trình kiến trúc sử dụng hệ cột thức để nhấn mạnh mặt tiền – một trong những xu thế kinh điển để thể hiện độ trang trọng. Hình thức bám sát chức năng, bố cục hình khối không gian cân xứng, đã tạo được vẻ khang trang nghiêm túc cần thiết đối với một trường học chính trị.
Một công trình vào loại to đẹp nhất trong nửa đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX là trụ sở Tổng cục Thống kê (KTS Đoàn Văn Minh) tọa lạc ở góc đường Hoàng Diệu – Hoàng Văn Thụ, đã thể hiện giải pháp tạo hình khúc chiết và bố cục hợp lý.
Hình thức kiến trúc công trình mạch lạc, trang trí đơn giản và màu sắc đặc trưng, tạo được cảm giác ổn định, vững vàng và tin cậy, rất phù hợp với công năng của một trụ sở. Điểm đặc biệt của tòa nhà là phần bề mặt cong lõm vào ở phía trước – điều hiếm thấy ở công trình góc phố, và trên các mặt đứng có vần luật đều đặn, hình thành bởi những dãy cửa sổ kiểu ban công lặp lại. Hệ kết cấu nhà bằng tường gạch chịu lực, dưới có tường dày hơn các tầng trên và giữa 2 phần có đường gờ ngang dài phân cách tạo ra phần đế chắc chắn. Phần thân nhà thanh thoát bởi hiệu quả của tổ hợp những vệt tường giáp cửa với gờ chỉ phân vị dọc, cao suốt 3 tầng phía trên.
Thủ pháp tạo hình thức mặt đứng tương tự cũng được KTS áp dụng khi thiết kế Trường Đại học Thủy Lợi. Cũng là một ví dụ tiêu biểu cho những công trình kiến trúc dùng hệ kết cấu tường gạch rất phổ biến trong thời kỳ này. Nhìn chung, những công trình công cộng, trường học, bệnh viện, được thiết kế và xây dựng trong thời kỳ bao cấp đều có điểm chung là tạo hình đơn giản, hình thức kiến trúc giản dị thuần khiết. Nghệ thuật kiến trúc tuy chừng mực nhưng tính rõ ràng và sự trang trọng luôn thấy được ở mỗi công trình. Hoạt động kiến trúc trong điều kiện kinh tế nhà nước bao cấp, khó khăn nhiều mặt, đội ngũ và lực lượng sáng tác hạn chế nhưng vẫn có những tác phẩm kiến trúc xứng tầm thời cuộc.
Nhìn lại những năm tháng thực hiện đổi mới trên nền kinh tế thị trường, Thủ đô được quy hoạch mở rộng gấp 3 lần trước đây, những dự án xây dựng công trình các loại lần lượt tiến hành nhằm xây dựng bộ mặt thành phố “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” cùng đất nước ngày một thêm những công trình to đẹp và đàng hoàng hơn. Hà Nội như một đại công trường hoạt động không ngơi nghỉ trong gần 40 năm qua đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt đô thị bởi hạ tầng nâng cấp và những gương mặt kiến trúc mới.
Trong không gian thành phố, nhìn lại khu vực Quảng trường Ba Đình lịch sử – trung tâm chính trị của cả nước, đã hiện diện thêm 3 công trình kiến trúc trọng đại của dân tộc, được nghiên cứu quy hoạch bài bản, đầu tư xây dựng mới, đáp ứng sử dụng lâu dài: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Lăng Bác), Nhà Quốc hội và Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ (Đài liệt sỹ Bắc Sơn).
Hình thức và nội dung của mỗi công trình đều qua tuyển chọn công phu từ các cuộc thi kiến trúc, thay thế vị trí những công trình đã xây dựng từ năm 1959-1960 như Lễ đài Ba Đình, (KTS Nguyễn Văn Ninh) và Hội trường Ba Đình (KTS Trần Hữu Tiềm, KTS Nguyễn Cao Luyện).
Theo đó, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đóng vai trò chủ đạo trong bố cục không gian, đã được khởi công xây dựng vào ngày 02/9/1973, khánh thành ngày 29/8/1975 theo phương án thiết kế được chọn (KTS Menzensev và G.Isacovich – Liên Xô). Hình thức kiến trúc của Lăng gợi hình ngôi nhà 5 gian, thể hiện tính hiện đại – dân tộc, trang nghiêm và cao quý. Chi tiết nội ngoại thất được xử lý đơn giản nhưng tinh tế, trang trọng.
Hình khối của Lăng gồm 3 phần: bệ Lăng cao 9m, thân Lăng – nơi quàn thi hài Bác có kích thước 10x10x10m và mái 4,65m. Toàn bộ phần bệ Lăng có 3 bậc cấp càng lên cao càng thu dần vào, bậc cấp thứ nhất dài 35m, cấp thứ hai dài 20,8m và cấp thứ ba dài 20m. Hai thành phần quan trọng khác góp phần tạo thành quần thể Lăng hoàn chỉnh là 2 lễ đài 2 bên, mỗi bên dài 66m có khả năng chứa được khoảng 1.000 người. Tòa Lăng được tạo hình vững chãi, cân bằng, tỷ lệ hài hòa và có vị trí trang trọng nhất trong không gian quảng trường Ba Đình. Hình thức kiến trúc bình dị, toát lên sự trong sáng và đức tính giản dị, gần gũi quần chúng của Bác Hồ.
Từ Lăng Bác nhìn sang Nhà Quốc Hội – công trình công sở có quy mô lớn và phức tạp nhất được xây dựng từ sau ngày thống nhất đất nước, theo phương án kiến trúc được chọn (GS.TS.KTS Meninhard và các KTS: Nicolaus Goetze, Dirk Heller, Joern Ortmann – Liên Bang Đức) năm 2009-2014, và xây trên vị trí Hội trường Ba Đình trước đây.
Nhà Quốc hội có kích thước mặt bằng 102x102m, cao 39m, quy mô 5 tầng nổi và 2 tầng chìm. Hình khối hiện đại, tích hợp các giải pháp ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến. Hình thức kiến trúc sáng sủa, mới mẻ với mặt đứng 4 phía được hình thành từ những thanh lam xếp đều, mau dần từ dưới lên dọc theo thân nhà. Thủ pháp tạo tuyến ngang thành các khối đều đặn, lặp lại và đan xen những khoảng trống trồng cây trên cao khá đẹp. Hình khối không gian nội và ngoại thất đều nhấn mạnh tính hình học, sử dụng hiệu quả những đường thẳng và góc vuông. Khối tròn của mái và hội trường lớn nội tiếp trong khối vuông thân nhà, nhấn mạnh trọng tâm – nơi diễn ra các kỳ họp của Quốc hội, cùng các phòng làm việc bao quanh, rất cô đọng hình thức thể hiện và ý nghĩa của nội dung. Công trình đạt độ khang trang, kiến trúc hiện đại và có tính bản địa.
Gần với Nhà Quốc hội và thẳng trục với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, là Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ (KTS Lê Hiệp), công trình nằm trên đường Bắc Sơn về phía đường Hoàng Diệu được xây dựng vào năm 1993-1994. Đây là công trình được Thủ tướng Võ Văn Kiệt chọn thực hiện từ phương án giải B của cuộc thi “Đài liệt sỹ Bắc Sơn” do thành phố Hà Nội tổ chức vào năm 1992.
Với hình khối vuông vắn 7,1×7,1m cao 12,6m – tỷ lệ cân xứng với không gian và vị trí khu đất, kiến trúc Đài Liệt sỹ Bắc Sơn đã trở thành tác phẩm nghệ thuật thành công nhất giữa “hình và ý” như từng thấy khía cạnh (điểm) này ở kiến trúc Chùa Một Cột và Khuê Văn Các. Sự cô đọng về khối, lồng kết chặt chẽ về hình giữa các mảng đặc rỗng để truyền tải nội dung của những phần nhìn thấy (mái âm lõm vào) và tự thấy ý nghĩa nội dung (tưởng niệm), là thành công lớn về tạo hình để tạo ra hình thức tác phẩm, kết tinh được giá trị nghệ thuật hiện đại – dân tộc sâu sắc ở công trình này.
Tác giả cũng bộc bạch: “Ý tưởng tác phẩm của tôi rất giản dị. Tôi cũng chỉ định làm ra ngôi miếu và tấm bia nhưng không phải bằng cách xây lên hoặc đắp vào mà là đào xuống hoặc khoét đi, khoét sâu đến mức đục thủng. Một số phụ liệu đi kèm cũng là những gì người Việt thường dùng để tưởng nhớ người đã khuất: hoa lá, cỏ cây, mây trời, hương khói…”. Và điều đó đã trở thành giá trị nghệ thuật đích thực của Đài. KTS đã vật chất hóa ý tưởng của mình bằng ngôn ngữ hình khối – hình thức kiến trúc công trình đậm chất điêu khắc, vừa trang nghiêm, giản dị mà độc đáo.
Trong khu vực quảng trường còn phải kể đến Bảo tàng Hồ Chí Minh (KTS G.Isacovich – Liên Xô) khánh thành năm 1990. Công trình thể hiện hình tượng kiến trúc gợi đến dáng dấp một ngôi đình hoặc như một bông hoa sen, tuy có chút cường điệu. Vì khối tích lớn quá mức cần thiết nên khi trưng bày nội thất phải bày vẽ thêm, nhiều thứ lấp vào cho bớt chống chếnh. Nhưng do khéo léo đặt công trình xoay đi một góc 45o với hướng vào chính nên đã có hiệu quả cảm thụ tích cực trong không gian chung.
Nhà Bảo tàng đã trở thành một điểm đến trong toàn tuyến tham quan Lăng Bác – Phủ Chủ tịch – Nhà sàn Bác Hồ (KTS Nguyễn Văn Ninh) – Chùa Một Cột – Bảo tàng Hồ Chí Minh, đang diễn ra thường xuyên trong khu vực Ba Đình hiện nay.
Tuy mỗi một công trình nói trên đều rất “danh giá” nhưng nhìn trong một tổng thể với Phủ Chủ tịch, Văn phòng Trung ương Đảng và Trụ sở Bộ Ngoại giao đã có từ trước, thì bộ mặt Quảng trường Ba Đình hiện tại đang thiếu hụt độ gắn kết chung, thiếu độ hoành tráng cần thiết. Kiến trúc hiện đại và cổ điển Pháp ở đây tranh chấp nhau cả về tỷ lệ và quy mô. Trừ Lăng Bác và Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ nằm cùng một trục là có mối quan hệ không gian, còn lại mỗi nhà có một trục riêng, không gian riêng và không hòa với không gian chung sân Quảng trường (320x100m), là Trụ sở Bộ ngoại giao và Văn phòng Trung ương Đảng (cải tạo từ chức năng trường học nhưng vẫn giữ hình thức kiến trúc ban đầu).
Hình thức kiến trúc chung của một quần thể các công trình tạo ra được hình ảnh đặc trưng cho một phạm vi không gian xác định cũng là một tiếp cận cần thiết, như trong khuôn viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, vốn là dạng đặc biệt về trường học có nhiều vấn đề về quy hoạch và kiến trúc đặt ra trong quá trình thiết kế (KTS chủ trì: Hà Đức Lịnh) là một trường hợp.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có quy mô lớn, được quy hoạch lại và xây dựng mới trên khu đất Trường Đại học Sư phạm cũ, tổng thể trường có 15 khoa. Giải pháp tổ chức kiến trúc cho quần thể khu học chính là vừa hợp khối vừa phân tán, là ý đồ chủ đạo trong bố cục tổng mặt bằng linh hoạt, nhấn mạnh trục chính nhưng không đối xứng hoàn toàn. Các khối kiến trúc được liên kết với nhau bằng một hệ thống nhà cầu. Hình thức bố cục lặp lại các tòa nhà các khoa kiểu sân trong gần giống nhau là cần thiết trong việc tạo thành vần luật và nhịp điệu chung, nhằm nhấn mạnh yếu tố cảm thụ bằng hình ảnh để nhận diện chức năng. Khu học chính và khu ký túc xá đã hình thành được một quần thể kiến trúc hiện đại – bản địa, sinh động. Hình thức kiến trúc cho từng đơn thể trong tổng thể đã bảo đảm vi khí hậu tốt và chú ý đến hiệu quả thẩm mỹ do quan tâm đến không gian 3 chiều.
Đặc biệt, trong Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có cụm công trình của Khoa tiếng Pháp (do các KTS Pháp thiết kế), có thể tiếp nhận 1.200 sinh viên mỗi năm, khoa được đặt trên một khu đất hình gần vuông bao gồm 6 công trình chính và một hội trường 270 chỗ, quần thể kiến trúc này được thiết kế theo quan niệm không gian phân tán với các nhà đặt tách nhau và nối với nhau bằng hành lang nhà cầu. Kiến trúc của Khoa tiếng Pháp nhìn chung hài hòa xinh xắn và thoáng đãng, các chi tiết trang trí diềm mái, lan can nhà cầu khá nhẹ nhàng và độc đáo, thích ứng với khí hậu nhiệt đới.
Ở cấp độ trường Trung học phổ thông có trường Amsterdam (KTS chủ trì: Nguyễn Tuấn Anh), xây dựng năm 2010 hoặc Trung tâm Giáo dục – Học viện Viettel (KTS Võ Trọng Nghĩa) xây dựng năm 2017 là những ngôi trường đã thiết lập được ngôn ngữ hình thức kiến trúc hiện đại mới, tạo hình khúc chiết với tinh thần kiến trúc xanh, sinh thái… đã trở thành những gương mặt kiến trúc sáng giá, đầy tính sáng tạo của giới KTS trẻ Việt Nam.
Sự xuất hiện những hình thức kiến trúc mới trong bài toán xây xen công trình vào các khu vực đã định dạng nhưng do thiết kế hợp lý về bố cục và tỷ lệ hòa hợp nên không bị vênh, bị lạc với không gian chung. Như trường hợp Nhà khách Chính phủ mới (KTS Diêu Công Tuấn) xây dựng phía sau tòa Nhà khách Chính phủ cũ trên đường Ngô Quyền, cổng vào nhà từ phía Vườn hoa Chí Linh, được coi là một trong những công trình thành công về nghệ thuật kiến trúc trong số những công trình xây dựng vào thời kỳ giữa những năm 1970.
Nhà khách Chính phủ có hình khối hiện đại, được nhấn mạnh theo phương vị ngang và tương phản đặc – rỗng bằng vệt tường lan can song song với băng kính sẫm màu của các phòng ngủ bao quanh các bề mặt. Đặc biệt, trên mặt đứng có 2 mảng tường chạy dọc 5 tầng cao lên và nhô ra đúng vị trí hành lang giữa, kết hợp với mảng hoa văn trang trí đẹp, đã tạo ra hiệu quả cân bằng tĩnh của một nhà khách có hình thức kiến trúc bám sát nội dung sử dụng.
Nhà Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội (KTS Lê Văn Lân) xây dựng năm 1974-1977 là một trong những công trình kiến trúc dành cho thiếu nhi vào loại lớn, nó thay thế cho ngôi nhà cũ là “Ấu trĩ viên” có quy mô nhỏ do Pháp xây dựng trước đây, và được mở rộng ra phía đường Lý Thái Tổ – Trần Nguyên Hãn. Công trình có tổng diện tích sử dụng 7.000m2 bao gồm một tòa nhà 6 tầng và một hội trường 520 chỗ, mỗi ngày có thể tiếp đón 5.000 em thiếu nhi đến vui chơi giải trí tiến hành các hoạt động văn hóa văn nghệ sinh hoạt câu lạc bộ học tập phát triển năng khiếu và hướng nghiệp trong 95 phòng với 5 khoa…
Hình thức kiến trúc của công trình rất mới mẻ hiện đại trong Thời bao cấp, đặc biệt việc sử dụng 1/2 tầng dưới để trống đặt khối nhà trên cột đã gây được ấn tượng nhẹ nhàng, cổng ra vào tạo hình chữ A, B vui vẻ và hấp dẫn. Kiến trúc Nhà Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội thực sự là một tác phẩm sáng tạo trong sáng tác kiến trúc trong những năm 70 của thế kỷ XX.
Còn không ít những công trình trong mọi loại hình kiến trúc vừa đáp ứng sử dụng tốt vừa là những tác phẩm kiến trúc do các thế hệ KTS Việt Nam thiết kế mà hình thức kiến trúc đã thể hiện sự sáng tạo, góp phần tích cực vào từng giai đoạn xây dựng và phát triển Thủ đô. Từ nhà trẻ mẫu giáo, trường học, bệnh viện, trụ sở làm việc, đến các công trình văn hóa – thể thao, khách sạn, nhà hàng kể cả kiến trúc của những nhà máy, cây cầu… không thể kể ra hết được khi nhìn lại chặng đường 70 năm sáng tác mà giới KTS đóng góp.
Trong lĩnh vực kiến trúc nhà ở của Hà Nội có thể nhận thấy đặc điểm kiến trúc của hai thời kỳ rất khác nhau về hình thức: đơn giản ngăn nắp nhưng đơn điệu trong Thời bao cấp và “trăm hoa đua nở” trong Thời mở cửa.
Thời kỳ những ngôi nhà lắp ghép 4-5 tầng trong các khu ở tập thể của Hà Nội là sản phẩm kiến trúc thể hiện những sáng tác thiết thực, gắn liền với chặng đường thiết kế theo phương châm “thích dụng, bền chắc, tiết kiệm và mỹ quan trong điều kiện có thể”.
Điểm dễ thấy là hình thức kiến trúc ngôi nhà đơn giản, hình khối vuông vức cùng các thành phần chức năng ở, hành lang, lan can, cửa các loại… đều thể hiện đúng bản chất sử dụng, trang trí mộc mạc. Các thiết kế nhà mẫu kiểu hành lang bên hoặc hành lang giữa với căn hộ từ 24-36m2, xây dựng bằng kỹ thuật lắp ghép bê tông tấm lớn, nhìn chung rất tiết kiệm và đáp ứng việc xây dựng hàng loạt là một đặc thù. Các khu ở như Thanh Nhàn, Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ, Thành Công, Thanh Xuân,… hình thành trong giai đoạn 1960-1985 trên cơ sở nguồn đầu tư công hạn hẹp nhưng đã tích cực đáp ứng phần nào nhu cầu ở của xã hội đương thời và trở thành những điểm dân cư thân thuộc của người Hà Nội trong suốt thời gian qua.
Theo thống kê, Hà Nội có khoảng hơn 1.570 nhà ở tập thể, phần lớn đến nay đã cũ, xuống cấp và hết niên hạn sử dụng, nhiều nhà bị biến dạng do người ở tự cơi nới… Đã đến lúc các khu ở tập thể hoàn thành “vai trò lịch sử”, và nhiều lý do phải cải tạo, xây mới thay thế cho phù hợp với nhu cầu ở mới và xu thế phát triển chung của Hà Nội.
Các khu nhà tập thể và mô hình tiểu khu sẽ không tồn tại, việc nhắc lại nhằm khẳng định vấn đề là loại hình nhà ở tập thể ra đời trong thời kỳ bao cấp là dấu ấn đặc trưng của kiến trúc nhà ở Hà Nội trong một giai đoạn lịch sử. Thời mà Nhà nước quản lý toàn diện các hoạt động xã hội, trực tiếp đầu tư và quản lý xây dựng, kiến trúc đô thị tuy đơn điệu và buồn tẻ nhưng trật tự và ngăn nắp, tiết kiệm, giải quyết tốt nhiệm vụ và yêu cầu của thời cuộc. Do vậy, ngoài những ghi nhận bằng trang viết và phim ảnh, việc thiết kế cải tạo để giữ một số lượng nhà thích hợp (như một “nhóm nhà” chẳng hạn) trong một khu nhà ở tập thể nào đó, để lưu lại hình ảnh thực của loại “nhà ở tập thể” đã từng ghi dấu trong lịch sử phát triển nhà ở Hà Nội là việc làm cần thiết.
Nhà ở đến nay trong các dự án phát triển nhà ở đô thị chung quy có 3 loại chính là nhà liền kề, biệt thự và chung cư cao tầng đã hiện diện khắp nơi trong thành phố và vùng ngoại ô.
Chung cư cao tầng trong số các nhà cao tầng là loại hình nhà ở mà trong Thời bao cấp không có thì nay đang chiếm số lượng chủ yếu trong các khu đô thị mới. Kiến trúc nhà khá đa dạng và dễ nhận thấy trong không gian đô thị do đa số được tổ chức thành cụm, có khối tích lớn và cao.
Mô hình khu đô thị mới, khu ở mới khác hẳn với mô hình tiểu khu nhà ở tập thể về cơ chế đầu tư xây dựng, được vận hành và quản lý theo nhu cầu thị trường, tuân thủ quy hoạch phát triển nhà ở của thành phố.
Khu đô thị mới Linh Đàm là hình mẫu đầu tiên của Hà Nội được thí điểm xây dựng theo chủ trương của trung ương Đảng từ năm 1997. Quy hoạch không gian cảnh quan cho 3 khu, gồm các nhà chung cư cao tầng, biệt thự và liền kề xây dựng trên tổng diện tích 200ha là một kỳ vọng, đến năm 2022 hoàn thành và hoạt động với quy mô dân số khoảng 25.000 người.
Vấn đề phát sinh là sau những điều chỉnh quy hoạch ban đầu và thay đổi kiến trúc giữa chừng, đã kéo theo những liên quan về nghệ thuật tổ chức không gian và hình thức kiến trúc hạn chế, nhiều phần chắp vá. Một cụm, khoảng chục tòa nhà cao tầng hình thức kiến trúc đơn điệu lại quá sát nhau, gây phản cảm.
.
Ở Việt Nam, thiết kế nhà cao tầng và chung cư cao tầng ban đầu còn khá lúng túng. Trong đề xuất những mẫu nhà A, B, C cho nhà chung cư cao tầng Bắc Linh Đàm khi đó, bản thiết kế sơ bộ còn thiếu cả hộp kỹ thuật, thang thoát hiểm, hố thu rác và số lượng thang máy…, phải bổ sung vào mẫu chọn khá nhiều vấn đề. Ngay sau đó những tiến bộ trong công tác thiết kế chung cư cao tầng ở Hà Nội đã bắt nhịp tốt, ví dụ từ kiểu mặt bằng nén do ảnh hưởng mẫu nước ngoài, dẫn đến sảnh các tầng bí và tối, luôn phải bật đèn, đã được rút kinh nghiệm bằng cách mở khe cho các sảnh tầng thoáng sáng tự nhiên, mẫu mã căn hộ ngày càng đa dạng, đáp ứng cho nhiều đối tượng chọn lựa. Tuy nhiên về hình thức kiến trúc chưa được phong phú, nhiều cuộc thi về nhà ở đã tổ chức vẫn trao giải nhưng thành công là loại nhà ở nhỏ, thấp tầng còn nhà chung cư cao tầng thì vẫn chưa có đột phá.
Cái khó và cần thể hiện ra được hình ảnh cho công trình là từ công năng và kỹ thuật xây dựng, các giải pháp tạo hình cho nhà cao tầng nói chung và chung cư cao tầng nói riêng là phải tạo ra hình thức kiến trúc mới. Nếu nội dung là ý nghĩa cơ bản của kiến trúc thì hình thức thể hiện hình khối, giá trị nghệ thuật thẩm mỹ của tác phẩm kiến trúc.
Trường hợp chung cư cao tầng và căn hộ cao cấp ở Hà Nội thuộc loại “hàng hiếm” về kiến trúc hiện đại – bản địa do Tập đoàn TID đầu tư và KTS nước ngoài thiết kế. Đó là tòa nhà Dolphin Plaza (KTS Tan Jiann Woel – Singapore) sử dụng giải pháp khung kết cấu vượt nhịp táo bạo và hình thức kiến trúc mạch lạc làm nó rất khác với nhiều chung cư khác ở Hà Nội hiện tại. Ý tưởng nhấc khối ở lên khỏi khối đế – khối dịch vụ 3 tầng, một khoảng trống để tạo sân vườn vui chơi ngay trên nóc khối đế là phép tạo hình không gian nâng cao giá trị và cấp độ ở của tòa nhà. Hình thức bố cục khối uyển chuyển và tổ chức công năng hợp lý cho ngôi nhà hòa quyện với khu đất vốn không vuông vắn là thành công lớn về giải pháp kiến trúc ở công trình này. Khối các căn hộ trong 4 cánh có hành lang bên, căn hộ nào cũng sáng sủa và thoáng đãng, người sử dụng được đề cao…
Dolphin Plaza đã được tặng Giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm 2012, bởi đã hội tụ những ưu điểm về nghệ thuật tạo hình, thể hiện tốt về hình thức và chức năng ở. Thực sự là một đóng góp tích cực trong lĩnh vực phát triển nhà ở, là điểm sáng kiến trúc của thành phố trên bước đường đi tới văn minh hiện đại.
Nhà ở là một lĩnh vực rất sôi động và luôn luôn được coi trọng trong chính sách phát triển xây dựng ở Hà Nội, kiến trúc thể hiện trong các khu dân cư của hai thời kỳ bao cấp và kinh tế thị trường rất khác nhau.
Nếu như khu ở trong Thời bao cấp nhà ở xây theo kế hoạch để cung cấp cho cán bộ nhà nước, cấu trúc khu ở theo tầng bậc với hạ tầng được thực hiện đồng bộ, tuy kiến trúc đơn giản có phần đơn điệu nhưng môi trường sống thoáng đãng, khác với các khu ở mới, khu đô thị mới, xây nhà để kinh doanh theo cung cầu thị trường, đa số xây nhà ở trước để rao bán, các công trình dịch vụ thiết yếu làm sau. Nhìn chung, trong mỗi thời kỳ, phụ thuộc và chi phối bởi điều kiện kinh tế và nhu cầu của xã hội, sáng tác của các KTS luôn thể hiện được hình thức kiến trúc phù hợp với từng đối tượng, càng về sau càng đòi hỏi sự cạnh tranh sáng tạo cao hơn.
Hình thức kiến trúc theo xu hướng thể hiện những tìm tòi, khai thác các yếu tố văn hóa đặc trưng trong tạo hình, biểu hiện những sáng tạo cũng được ghi nhận như ở các công trình: Nhà Hát chèo Việt Nam (KTS Vũ Đại Hải), Bệnh viện Quốc tế (KTS Nguyễn Vũ Hưng) thể hiện hình thức kiến trúc hiện đại – bản sắc, hoặc như Đài phát thanh – truyền hình Hà Nội (KTS Hoàng Ngọc Hoa), Nhà ga T1 – Sân bay quốc tế Nội Bài (KTS Lương Anh Dũng, Thân Hồng Linh), Bảo tàng Phòng không (KTS Ngô Doãn Đức) thể hiện kiến trúc biểu hiện – hình tượng,…
Những công trình ra đời trong phong trào kiến trúc xanh, sinh thái từ sau năm 2011, đã đóng góp cho Hà Nội khá nhiều công trình hiện đại mới, đề cao vẻ đẹp của ngôn ngữ hình thức kiến trúc. Tạo lập những hình khối sinh động và xử lý không gian rất sáng tạo như: Nhà hành chính FPT (KTS Võ Trọng Nghĩa), Trường cấp 1&2 SENTIA, Biệt thự bên hồ (KTS Hoàng Thúc Hào, Đỗ Minh Đức), Không gian Ngói, Nhà biết cách thở (KTS Đoàn Thanh Hà), V+H FAMILY HOUSE (KTS Mai Lan Chi, Marek Obtulovic)… là những ví dụ về công trình thể hiện tính thời đại mà phần lớn do đội ngũ KTS trẻ thực hiện với công nghệ thiết kế tiên tiến và tư duy kiến trúc chặt chẽ về hình học, vật lý kiến trúc, kết cấu và sử dụng vật liệu.
Thông qua việc tiếp cận một số công trình đã nêu trên, bài viết muốn nêu ra vấn đề quan trọng là kiến trúc Hà Nội trong thời nào cũng có những công trình được KTS vào cuộc thiết kế công phu, tạo ra hình thức kiến trúc đặc trưng cho mỗi thời cuộc và trở thành hình ảnh của mỗi địa điểm. Nhưng hình thức kiến trúc tốt của những công trình riêng rẽ lại chưa tập hợp thành yếu tố quyết định được bộ mặt kiến trúc đô thị, hiện tượng Hà Nội “nhà đẹp lên nhưng phố xấu đi” đã diễn ra, vì sao? Câu trả lời có lẽ phải dành cho tất cả, và có thể cũng vì đang có quá nhiều nguyên nhân và hệ lụy, phải gỡ dần.
SUY NGHĨ
Tiêu chí hình thức luôn được đặt ra đầu tiên nhằm nhận diện giá trị kiến trúc thông qua các đặc điểm hình thức, kỹ thuật và vật liệu xây dựng của công trình khi nhìn lại kiến trúc các công trình đã xây dựng tại Hà Nội. Về nhận thức: “Hình thức không phải là mục đích tự thân, nó bao giờ cũng chỉ là câu trả lời cho biểu hiện này hay kia của cuộc sống có nhu cầu về một không gian phù hợp. Và trước khi có kiến trúc – một ngôi nhà hay cả thành phố, phải xuất phát từ nhu cầu xã hội, tức là phải xác định cơ sở xã hội cho bất kỳ hoạt động sáng tạo nào” (Ph. Novicôp).
Thời kỳ nào Hà Nội cũng có những công trình kiến trúc phản ánh điều kiện chính trị – kinh tế – xã hội với đội ngũ sáng tác là KTS Việt Nam. Tuy công trình ngày một nhiều thêm nhưng hiện tại vẫn thiếu vắng những nhà cao tầng có tầm hiện đại – bản địa, bản sắc. Thiếu công trình kiến trúc biểu tượng cho Hà Nội văn minh – hiện đại. Những công trình viện trợ trước đây từ các nước XHCN hoặc những công trình được đầu tư nước ngoài đều do KTS nước ngoài thiết kế, phần lớn mang đến Hà Nội những mẫu hình hiện đại – quốc tế, như tòa Landmark72, tòa nhà Lotte Center, tòa nhà PetroVietnam, Bảo tàng Hà Nội,… mới xây dựng gần đây.
Nhưng những ý tưởng kiến trúc của KTS nước ngoài đề xuất như Nhà hát Thăng Long (KTS Renzo Piano – Italy), Tổ hợp nhà cao tầng Lotus (KTS Norman Poster – Anh) được giải qua các cuộc thi tuyển trong nước rất liên quan đến tính hiện đại – bản sắc văn hoá Việt, hình thức kiến trúc đã khắc họa lên những hình tượng nghệ thuật không khỏi làm chúng ta suy nghĩ và học hỏi.
Hình thức kiến trúc luôn phản ánh tính xã hội của thời đại, vậy nên những công trình thuộc loại hình thức nệ cổ, nhái cổ như Trụ sở Bộ Tài chính và những biệt thự, ngôi nhà mà hình thức bắt chước kiến trúc cổ điển châu Âu, cần phải kiểm soát và tẩy chay. Bởi chúng hạ thấp thị hiếu thẩm mỹ hiện đại và kéo lùi bước tiến của sáng tác, chúng là đối tượng tiêu cực trong bộ mặt kiến trúc chung. Và với nhà phố do dân tự xây kiểu “trăm hoa đua nở” cũng cần được quản lý và hướng dẫn để giảm thiểu tác động đến diện mạo đô thị vì nay chúng hiện diện khắp nơi, rất dễ nhận thấy.
Lại một chặng đường sáng tác mới, tiếp tục chặng đường đã qua. Đội ngũ hành nghề ngày một thêm đông đảo và khả năng tác nghiệp vững vàng, trong thời kỳ công nghệ cao, Hà Nội đã có những sáng tác kiến trúc ngang tầm quốc tế. Đặc biệt, đối với lực lượng KTS trẻ nhiệt huyết và năng động, nhiều người đã thành danh sẽ tiếp tục cống hiến cho Hà Nội những công trình mới, những tác phẩm sáng tạo kiến trúc làm đẹp cho Thủ đô.
Nhìn lại hình thức kiến trúc Hà Nội qua những chặng đường sáng tác, lại thêm hiểu: “Hình thức là một thuật ngữ bao hàm nhiều ý nghĩa. Nó có thể đề cập tới diện mạo bên ngoài – cái có thể nhìn nhận được… nó cũng có thể nhắc đến một điều kiện riêng biệt mà một số thứ diễn ra hay biểu hiện trên đó. Trong nghệ thuật và thiết kế, chúng ta thường sử dụng thuật ngữ này để biểu thị cấu trúc chính thức của một sản phẩm – cách sắp xếp và phối hợp những yếu tố và những phần của một tổng thể để tạo ra một hình ảnh.” như Edmund N.Bacon đã viết./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ph.Noovicôp (1981), Tìm tòi hình tượng kiến trúc, NXB Xây dựng;
2. Đặng Thái Hoàng (1985), Kiến trúc Hà Nội thế kỷ 19-20, NXB Hà Nội;
3. Hội KTS Việt Nam (2008), Thế hệ KTS Việt Nam đầu tiên, NXB Văn hóa-Thông tin;
4. ARCHITECTURE: FORM, SPACE & ORDER, Francic d.k.Ching 2018.
TS.KTS Ngô Doãn Đức