07/08/2017

Nhìn lại 10 năm QHC thủ đô Hà Nội trong vai trò điều tiết quy hoạch cấp dưới

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Mô hình không gian Hà Nội gồm đô thị hạt nhân, đô thị mở rộng và 5 đô thị vệ tinh, trong đó  lõi nội đô lịch sử được kiểm soát bảo tồn nghiêm ngặt các di sản đô thị và lối sống truyền thống. Giới chuyên môn vẫn đánh giá đây là tầm nhìn tốt nhất cho Hà Nội hàng trăm năm sau. Hình như Chính quyền đô thị và các nhà đầu tư bất động sản chưa nắm bắt được những cơ hội lớn kể trên, mà vẫn luẩn quẩn trong tư duy “vị trí trung tâm”, “đất vàng” và  kiểu phát triển “mì ăn liền”. Phân tích Quy hoạch hai bờ sông Hồng và Quy hoạch dự án cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội để nói lên thực trạng sau quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Đến bao giờ quy hoạch mới được tuân thủ vẫn là câu hỏi được bỏ ngỏ?

Không gian hồ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) từng bị đề xuất thu hẹp để xây dựng dự án cao tầng phục vụ cải tạo khu chung cư cũ theo đề xuất của doanh nghiệp

Không gian hồ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) từng bị đề xuất thu hẹp để xây dựng dự án cao tầng phục vụ cải tạo khu chung cư cũ theo đề xuất của doanh nghiệp

Việt Nam hiện đang trở thành một quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh và mạnh mẽ. Dự kiến tăng trưởng kinh tế quốc gia giai đoạn tới sẽ duy trì 6-6,5% mỗi năm. Dân số đô thị sẽ tăng từ xấp xỉ 30% hiện nay lên trên 50% vào năm 2025. Hà Nội là trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, là trung tâm công nghệ, kinh tế, văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế lớn nhất. Trong bản quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030 tầm nhìn 2050 Hà Nội phê duyệt 2008, có mục tiêu rất rõ ràng: Là Thành phố Xanh: Phát triển bền vững về môi trường, Thành phố Văn Hiến: Cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, Thành phố Văn Minh – Hiện đại: Phát triển bền vững trên nền tảng kinh tế tri thức.
Quy hoạch đô thị thế giới từ những năm 80 – 90 thể kỷ 20 thực sự đã đột phá sang tư duy của kinh tế thị trường khi chuyển từ quan điểm Phân bố sử dụng lãnh thổ theo chức năng sang quan điểm tạo sự đồng thuận, minh bạch về cơ hội để thiết lập các Chiến lược phát triển lãnh thổ phù hợp nguồn lực vốn luôn hạn hẹp. Sau 30 năm, quy hoạch đô thị Việt Nam vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể (Các quy hoạch: Hai bờ sông Hồng, Bảo tồn các trung tâm lịch sử đô thị, Cải tạo khu chung cư cũ, Du lịch nghỉ dưỡng Sơn Trà,… đang gây tranh cãi về tính pháp lý cũng như chuyên môn) chỉ có thể giải thích bằng sự thiếu đổi mới về phương pháp và tư duy tiếp cận thực hiện quy hoạch. Cần một sự tự “thức tỉnh quy hoạch” nhiều hơn như một phương pháp bảo đảm đô thị hóa bền vững ở Việt Nam. Bản quy hoạch quan trọng nhất có thể kiểm chứng giữa kỳ vọng quy hoạch và thực tế triển khai sau 10 năm là Quy hoạch chung mở rộng Hà nội năm 2008.

Bản quy hoạch chung Hà nội mở rộng 2008 có là cơ hội lớn?
Mô hình không gian Hà Nội gồm đô thị hạt nhân, đô thị mở rộng và 5 đô thị vệ tinh, trong đó lõi nội đô lịch sử được kiểm soát bảo tồn nghiêm ngặt các di sản đô thị và lối sống truyền thống. Đặc biệt hơn, quy hoạch chung Hà Nội mở rộng 2008 chỉ cho phép khu vực lõi nội đô lịch sử có dân số tối đa là 0,8 triệu người (Thời kỳ 1943 công bố bản quy hoạch Hà Nội của L.G Pineau dự kiến cho 1 triệu dân sinh sống tại vùng nội đô lịch sử này), điều này ghi nhận một bước ngoặt về tầm nhìn quy hoạch. Quy hoạch chung 2008 chỉ rõ bằng chiến lược khống chế kiểm soát mật độ và tầng cao xây dựng tại đô thị nội đô, cấm xây dựng cao tầng tiếp trong lõi nội đô lịch sử gồm 4 quận cũ (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa) để đạt được mục tiêu giảm dân số từ 1,4 triệu xuống còn 0,8 triệu đến năm 2030.

Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050

Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050

 

Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050

Cấu trúc cơ bản của Khu 2 từ cầu Thang Long đến cầu Chương Dương (Dự án QH Hai bờ sông Hồng)

Đó cũng là kỳ vọng của Quy hoạch chung mở rộng Hà Nội lên gấp bốn lần khi dự kiến xây dựng Chuỗi đô thị nằm dọc đường vành đai IV Đan Phượng – Hoài Đức – Hà Đông – Thường Tín… nơi đây sẽ xây dựng các công trình có mật độ cao, ưu tiên về cảnh quan cây xanh mặt nước. Chuỗi đô thị này sẽ ôm lấy đô thị lõi lịch sử, có vùng đệm ngăn cách bởi hành lang xanh dọc sông Nhuệ và tiếp nhận nhiều đồ án đã được phê duyệt để phát triển Hà Nội lên phía Tây (gồm trên 750 dự án lớn và kể cả dự án nhỏ nằm chờ cơ hội quy hoạch 2008 thì phải hơn 1000 dự án). Ngoài ra bản quy hoạch còn đưa 5 đô thị vệ tinh và hành lang xanh bao trùm hơn 1000 làng cổ xứ Đoài vào không gian phát triển. Có nghĩa, sự mở rộng cơ hội đầu tư bất động sản và kinh tế đô thị đã được Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ bằng một quỹ đất khổng lồ lên đến 3.344,7002km2 và dân số thực tế là 6.232.940 người, dự kiến sẽ lên đến 10,5 triệu dân. Ngay trong bản quy hoạch đã ước tính xây hạ tầng cơ bản khoảng 90 tỷ USD. Một bản quy hoạch đầy tham vọng, và, có những kỳ tích để chúng ta nhìn lại sau 10 năm một cách khách quan về tầm nhìn quy hoạch này:
1, Mở rộng Hà Nội để có kết nối vùng theo hành chính và kéo theo nó là cả nền kinh tế bất động sản – vốn là sự hấp dẫn tự nhiên khi các quốc gia bắt đầu đô thị hóa như Việt Nam.
2, Mô hình Mẹ – Con của liên kết vệ tinh cho các cụm và chuỗi đô thị mở ra cơ hội đánh thức sự phát triển các vùng nông thôn đang “ngủ yên” hàng trăm năm nay.
3, Những khái niệm về hệ sinh thái đô thị (Hành lang xanh, Vành đai xanh, Đô thị sinh thái, Đô thị nông nghiệp, Đô thị nội đô lịch sử như lõi cần bảo tồn…) xuất hiện như những ý tưởng chủ đạo trong phát triển đô thị đương đại ở Việt Nam.
4, Quy hoạch hai bờ sông Hồng chạy dài 150km được phê duyệt cùng Quy hoạch chung mở rộng 2008 thay vì dài có 40km như đề xuất trước đó. Tầm nhìn cho sông Hồng đoạn qua Hà Nội mở rộng gồm 150km kế thừa hoàn toàn tư tưởng của Tư vấn Nhật – HAIDEP năm 2006 trong báo cáo Vùng Hà Nội cũ có đề xuất khu vực sông Hồng được giữ như một khu bảo tồn thiên nhiên giữa trung tâm đô thị – một dạng vành đai xanh và công viên trung tâm (Central Park). Giới chuyên môn vẫn đánh giá đây là tầm nhìn tốt nhất cho Hà Nội hàng trăm năm sau.

Bao giờ quy hoạch được tuân thủ
Hình như Chính quyền đô thị và các nhà đầu tư bất động sản chưa nắm bắt được những cơ hội lớn kể trên, mà vẫn luẩn quẩn trong tư duy “vị trí trung tâm”, “đất vàng” và kiểu phát triển “mì ăn liền”. Có thể phân tích hai quy hoạch sau đây để nói lên thực trạng đáng buồn sau quy hoạch và thực hiện quy hoạch.
Đến bao giờ quy hoạch mới được tuân thủ vẫn là câu hỏi được bỏ ngỏ.
Quy hoạch hai bờ sông Hồng:
Sông Hồng chảy qua Hà Nội trước khi mở rộng chỉ dài khoảng 40km, và năm 2008 khi mở rộng sang toàn bộ Xứ Đoài thì lại lên tới hơn 150 km (tính từ Tân Phong – Ba Vì đến Quang Lãng – Phú Xuyên). Ước mơ có một thành phố hai bên sông không phải chỉ của hôm nay mà đã bắt đầu hơn một thế kỷ trước, khi toàn quyền Paul Doume cho khánh thành cầu Long Biên huyền thoại năm 1902 nối hai bờ sông Hồng để tạo nền kinh tế hàng hóa, tạo thị, tạo nên đô thị hiện đại cho Hà Nội. Những năm chiến tranh dài dằng dặc đã làm cho thành phố hầu như chỉ dừng lại ở bờ Nam. Hầu như người làm quy hoạch nào nhìn lên bản đồ Hà Nội đều có thể hình dung ra một viễn cảnh dễ đạt được nhất, và cũng đáng ưu tiên nhất là biến nó thành một thành phố hai bên bờ sông Hồng, với sức mạnh kinh tế của lõi phía Bắc để làm đối trọng với lõi hiện có phía Nam sông Hồng.

Cụm dự án Grand Lương Yên (Hà Nội)

Cụm dự án Grand Lương Yên (Hà Nội)

Cuối năm 2008, Hà Nội đã tổ chức triển lãm Quy hoạch hai bờ sông Hồng, quy hoạch này thực hiện việc lồng ghép dự án sông Hồng dài 40km đoạn qua trung tâm Hà Nội vào Quy hoạch chung của Thủ đô. Đồng nghĩa là Quy hoạch chung Thủ đô đã phê duyệt nội dung khung của quy hoạch thành phố ven sông Hồng với 4200ha đất và có 4 khu chức năng: Khu 1- Thượng cát từ Chèm đến cầu Thăng long sẽ chuyển thành không gian xanh; Khu 2- Bãi Tứ Liên từ cầu Thăng long đến cầu Chương Dương sẽ thành không gian xanh với nhiều công trình văn hóa quốc gia mang tính chất cộng đồng (Kiên quyết hạn chế phát triển nhà cao tầng tại đây, gạt bỏ đề xuất xây cao tầng đậm đặc của tư vấn Hàn Quốc); Khu 3 – Cầu Chương Dương đến cầu Thanh Trì có cho xen cấy các khu dân cư chiều cao trung bình; Khu 4 – gắn với làng cổ Bát Tràng cũng cấm không phát triển nhà cao tầng nữa. Khung quy hoạch chức năng này thật đáng ngưỡng mộ khi pháp lý hóa hình thái không gian chủ đạo ven hai bờ sông Hồng là khu cảnh quan – khí hậu cốt lõi cho một Hà Nội bền vững lâu dài.
Việc này nhấn mạnh rằng, mọi mưu toan của con người đều nhất thời, chỉ có tự nhiên và hơn cả là con sông Cả mới là giá trị vĩnh hằng. Tư duy không gian hai bờ sông Hồng khẳng định rằng Hà Nội không tham phát triển nóng mà đánh mất giá trị văn vật ngàn năm khi hạn chế cao tầng hóa hai bên sông, rằng khi bác đề xuất của phía Hàn Quốc (di dời 170.000 dân để lấy 1500ha của khu 2 xây nhà chọc trời để bán) là cấp thiết.
Rất tiếc tầm nhìn của Quy hoạch chung Thủ Đô đã không được coi trọng chỉ sau 8 năm khi dự án này được tái khởi động lần 2.
Tháng 01/2017 khi khởi động lại dự án này, Hà Nội không làm rõ nội dung của khung pháp lý nêu trên, quy trình làm lại chưa rõ ràng: Phân Khu 2 và Khu 3 vẫn là những ám ảnh cho các nhà “tư bản đất” vì lợi thế mặt tiền quay ra sông trên chiều dài gần như của toàn bộ cơ thể Thành phố mẹ. Đã có không ít dự án lớn tranh thủ lợi thế này để xây cao tầng, bất chấp Khung quy hoạch đã phê duyệt: như khu Sun Grand Lương Yên…
Quy hoạch phân khu hai bờ sông đang được Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tiến hành đã ba năm trước, gần hoàn thành với nhiều tỷ đồng ngân sách đã được chi tiêu, bỗng nhiên bị ngừng lại bằng hai văn bản của Lãnh đạo Thành phố (Thông báo số 336-TB/TU tháng 12/2016 của Thành ủy và thông báo số 13/TB-UBND tháng 1/2017 của UBND Hà Nội), để trao quy hoạch này cho các công ty: Công ty Sun Goup; Công ty cổ phần Geleximco… cùng tài trợ để lập lại QH này. Động lực kinh doanh của các nhà phát triển bất động sản này chưa kịp bàn, thì ngày 4/2 riêng Geleximco đã cùng Viện Thiết kế và Quy hoạch thành phố Hàng Châu đi khảo sát thực địa dọc hai bên bờ sông Hồng, làm việc với Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội và được Sở bàn giao tài liệu lập quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000 (theo Vnexpress ngày 20/3/2017).
Điều này vi phạm Luật đấu thầu và Luật Quy hoạch đô thị một cách cơ bản do các quy định về đấu thầu quốc tế và pháp nhân Việt Nam khi thực hiện tư vấn quy hoạch. Đó là Luật, nếu phân tích từ hàng chục Nghị định, Thông tư hướng dẫn thì sự việc còn phức tạp hơn nữa.
Hà Nội có Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, lại đang được giao chủ trì quy hoạch phân khu hai bờ sông Hồng đang làm từ 3 năm trước. “Chưa kể còn các Viện quy hoạch của Bộ Xây dựng và các Bộ ngành, Trường đại học với rất nhiều giáo sư, tiến sỹ, kiến trúc sư giỏi. Hãy để kiến trúc sư Việt Nam thể hiện tâm huyết tài năng của mình đóng góp cho Thủ đô, tại sao việc của Hà Nội chúng ta lại đứng ngoài? Việt Nam nên tham gia bởi đó là lòng tự trọng”- KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh VP Hội KTS Việt Nam bức xúc hộ cho giới chuyên môn. Suốt từ cuối năm 2016 đến tháng 1/2017, khi Hà Nội chỉ định ba công ty liên doanh mời nhà thầu quy hoạch nước ngoài không có một lời mời cho tư vấn Việt Nam và khi lộ diện nhà tư vấn Trung Quốc thì chỉ mình Geleximco đơn độc đứng ra mời.
Thật khó hiểu, một việc quan trọng liên quan đến tương lai của Thủ đô sẽ có hơn 10,5 triệu dân sinh sống mà có tới ba cái quên: 1, “Quên” nội dung pháp lý của Khung quy hoạch hai bờ sông Hồng trong Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội mở rộng năm 2008 khi không đưa nó vào nhiệm vụ quy hoạch; 2, Lại “quên” tổ chức đấu thầu bằng hình thức thi tuyển quốc gia; 3, Và, “quên” lòng tự tôn dân tộc, “quên” giới chuyên môn trong nước khi thông qua một công ty tư nhân nhỏ để mời một viện từ Hàng Châu sang làm quy hoạch. Việc này có thể làm xuất hiện rất nhiều giả thuyết, nhưng hơn cả, phải chăng có nhóm lợi ích nào đó đã đi ngược Luật pháp, đi ngược tương lai Hà Nội khi chỉ nhằm vào quỹ đất 1500ha mặt tiền sông tại trung tâm Hà Nội?

Nhà cao tầng xây mới với mật độ cao dọc đường vành đai 3, TP Hà Nội

Nhà cao tầng xây mới với mật độ cao dọc đường vành đai 3, TP Hà Nội

Quy hoạch cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội
Tại văn bản số 5621 của UBND TP Hà Nội ngày 30/9/2016, hiện có 19 doanh nghiệp được giao lập quy hoạch chi tiết 1/500 để cải tạo các khu chung cư cũ. Nhiều “ông lớn” bất động sản sẵn sàng lao vào cuộc. Chỉ có thể giải thích các khu chung cư này sở hữu quỹ đất vàng rất lớn ngay tại bốn quận trung tâm Hà Nội cũ, là cơ hội không lặp lại:
Sun Group “ôm” 3 khu tập thể với 111 nhà chung cư cũ cần cải tạo; Cty CP Tập đoàn FLC với khu Kim Giang có 68 nhà; Tập đoàn T&T có hai khu với 41 nhà; Geleximco có Khương Thượng với 30 nhà rồi Hòa Phát 88 nhà, Cty Sông Hồng có 41, Tung Shing với 88 nhà…Ưu dãi hơn nữa, khi ngày 4/4/2016, UBND TP Hà Nội ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử Hà Nội. Theo đó, số tầng cao đối với 17 dự án chung cư cũ có diện tích trên 2ha được phép nâng tầng cao tới 25 tầng. Cải tạo những chung cư cũ có chiều cao chỉ 2-5 tầng và mật độ xây dựng rất thấp (20-30%), thành 25 tầng với mật độ cao gấp đôi ba lần quả là một cơ hội kinh doanh vàng khi Hà Nội có chính sách ưu đãi lớn để xóa nhà cũ. Lại càng nóng khi Vihajico đề xuất lấp một phần hồ Thành Công trong Quy hoạch cải tạo Khu tập thể Thành Công. Và, một lần nữa lại do… tư vấn ngoại Singapore đề xuất.
Bỏ qua chuyện lấp hồ Thành Công phản cảm khi không hỏi ý kiến dân (phiếu điều tra xã hội học không có mục hỏi dân về… lấp hồ). Vấn đề là các Quy hoạch chi tiết cải tạo hàng ngàn ha chung cư cũ tại nội đô lịch sử lại xuất hiện câu chuyện “quên” các bộ luật điều tiết công việc quy hoạch, như trường hợp Quy hoạch hai bên sông Hồng vậy. Chỉ định quy hoạch cải tạo theo cơ chế xin-cho, lại chủ đầu tư tự mời tư vấn ngoại về nhiệm vụ quy hoạch còn thiếu chi tiết – vốn bị điều tiết bởi Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội năm 2008 đã hạn chế tối đa cao tầng ở Trung tâm lõi nội đô lịch sử, Quy chế quản lý QH-KT vốn chỉ cho Nhà máy rượu Hà Nội tại Lò Đúc xây nhà cao 21-25 tầng (nhưng giấy phép năm 2016 thì cấp cho Nhà máy rượu Hà Nội là 45 tầng). Đôi khi vì nóng lòng phát triển số lượng dự án mà quên mất cơ thể vốn ọp ẹp của thành phố mẹ (Là vùng nội đô lịch sử đã bị khống chế không xây nhà cao tầng bởi Quy hoạch chung mở rộng Hà Nội năm 2008), quên tương lai của 4,5 triệu dân nội thành vốn luôn bị kẹt xe, tắc dường, ô nhiễm bụi mịn, bệnh tật, thiếu trường học, chợ búa, bệnh viện, điện nước sinh hoạt. Chất thải cho trung tâm trở thành con bệnh đầu to, thành các khu ổ chuột bằng vàng chính là đánh mất một thành phố lộng lẫy có vẻ đẹp hàng đầu châu Á, với bao công sức của tiên tổ mà hình thành.

Lời kết
Không quá lời nếu cho rằng, sự quá tải của Hà Nội đang tiêu diệt chính nó. Thành phố đang sắp đạt đến ngưỡng của một siêu đô thị Megacity, song quá trình tăng dân số lại không tỷ lệ thuận với sự cung ứng hạ tầng và quản lý đô thị. Cấu trúc thành phố mở rộng chỉ bằng quyết định hành chính và bản Quy hoạch chung mà 10 năm sau vẫn chưa làm xong các quy hoạch phân khu, nói chi đến Quy hoạch chi tiết để thực thi quy hoạch. Do vậy Hà Nội mới thiếu hụt nghiêm trọng hạ tầng kỹ thuật công trình công cộng và phúc lợi xã hội, vẫn cố xoay xở để sử dụng hạ tầng cũ của khu vực nội đô lịch sử gồm bốn quận nội thành cũ. Khu vực này, với không gian hữu hạn tiếp tục là trung tâm quá tải khi gánh các nhu cầu công cộng, dịch vụ, việc làm… cho một thủ đô đã lớn gấp 22 lần quá khứ của chính nó. Chỉ tính thời gian thi công hệ thống tàu điện ngầm (nếu đủ vốn), không dám tính thời gian quy hoạch, thiết kế, thẩm định, phê duyệt… thì cũng không dưới 10 năm. Có nghĩa, sau một đến hai thập kỷ nữa, tình trạng bế tắc, quá tải của hệ thống giao thông mặt đất sẽ ngày càng nan giải. “Bệnh đầu to” cộng với sự bế tắc giao thông đã thông báo khá rõ ràng hệ quả của phát triển Hà Nội như hiện nay, mà lẽ ra có thể được khắc phục nếu thành phố chọn hướng tiếp cận hệ thống để phát triển và mở rộng.
Chỉ có một con đường tự đổi mới QHĐT hiện nay ở Việt Nam. Chúng ta phải rời bỏ kiểu quy hoạch chính trị và quy hoạch xin – cho thời bao cấp để chuyển sang Quy hoạch chiến lược theo dạng Hợp tác quy hoạch giữa Chính quyền, Nhà chuyên môn, Nhà đầu tư với cơ chế chủ động tham gia và giám sát của Người dân tại địa điểm quy hoạch. Bởi, Việt Nam cần ra với nhân loại và bởi quy hoạch không phải việc của riêng chính quyền đô thị mà là công việc của mỗi công dân đô thị./.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thục