30/07/2020

Nhiều nhà máy sẽ lỡ cơ hội phát triển sản xuất nếu chây ỳ di dời khỏi nội thành

Dù nằm trong lộ trình phải di dời, nhưng hàng loạt nhà máy sản xuất trong khu vực nội thành Hà Nội đến nay vẫn chây ỳ, bám trụ do tiếc ‘đất vàng’. Theo chuyên gia, việc này làm lỡ đi cơ hội phát triển sản xuất của các nhà máy. 

Chậm di dời khỏi nội đô có thể khiến nhiều nhà máy bỏ lỡ cơ hội mở rộng sản xuất. Ảnh: I.T.

Chậm di dời khỏi nội đô có thể khiến nhiều nhà máy bỏ lỡ cơ hội mở rộng sản xuất. Ảnh: I.T.

Theo kế hoạch UBND thành phố Hà Nội vạch ra năm 2016, đến năm 2020 sẽ có 117 cơ sở sản xuất phải di dời khỏi địa bàn 12 quận. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, Hà Nội mới chỉ di dời được 4 nhà máy trong tổng số 117 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm hoặc nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi nội thành.

Thực tế ghi nhận tại Hà Nội cũng cho thấy, dù nằm trong lộ trình phải di dời, hàng loạt nhà máy sản xuất nằm trong diện phải di dời đến nay vẫn chây ỳ, bám trụ, thậm chí có nhiều nhà máy đã có cơ sở mới nhưng vẫn không chịu từ bỏ cơ sở cũ.

Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, hiện nay, các nhà máy trong nội thành Hà Nội đều nằm trên những mảnh đất lớn, có giá trị cao, “miếng bánh lợi ích” từ những miếng đất để lại vẫn còn tồn tại, vì vậy nhiều doanh nghiệp chưa có nhu cầu mở rộng sản xuất vẫn chưa dời đi.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Trần Huy Ánh, nên phân định rõ nhiệm vụ nhà máy là sản xuất, đất là công sản. Nếu dịch chuyển nhà máy, nhà nước sẽ đền bù chi phí xây lắp phần thô theo đúng không gian trước kia của nhà máy. Còn giá trị chênh lệch về đất thì nhà máy không được hưởng, như vậy mới có thể hài hòa lợi ích của cả đôi bên.

“Chúng ta đang nhầm lẫn giữa giá trị đất và giá trị phát triển sản xuất. Nhà máy lẽ ra phải định vị bằng giá trị sản xuất chứ không phải định giá bằng đất. Việc này khiến chính quyền lúng túng trong việc giải quyết di dời các nhà máy”, ông Ánh nhấn mạnh.

Theo KTS Trần Huy Ánh, nhiều nhà máy vẫn chỉ nhìn thấy giá trị mảnh đất sở hữu trong nội thành chứ chưa thấy hết tiềm năng phát triển sản xuất khi di dời. Ảnh: Huyền Trang.

Theo KTS Trần Huy Ánh, nhiều nhà máy vẫn chỉ nhìn thấy giá trị mảnh đất sở hữu trong nội thành chứ chưa thấy hết tiềm năng phát triển sản xuất khi di dời. Ảnh: Huyền Trang.

Cũng theo KTS Trần Huy Ánh, nếu một nhà máy thực sự muốn phát triển về sản xuất thì việc di dời đến khu công nghiệp tập trung sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Bởi, trong giai đoạn kinh tế chuyển biến nhanh như hiện nay, các nhà máy cần có không gian để có thể chuyển đổi phương thức sản xuất, dây chuyền công nghệ sản xuất thay vì loay hoay trong nội thành.

Vị kiến trúc sư này cũng cho biết, đa phần các nhà máy trong thành phố xây dựng từ rất lâu, việc xử lý điều kiện khắt khe về tiếng ồn, ô nhiễm, khói bụi, nước thải sẽ tốn kém hơn rất nhiều việc ở trong các khu công nghiệp tập trung, nơi được chia sẻ cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường. Ngoài ra, nếu các nhà máy đến một không gian có điều kiện tốt hơn sẽ dễ dàng thu hút nguồn lao động, đảm bảo cho người lao động điều kiện sinh hoạt tốt hơn thì người lao động cũng gắn bó với nhà máy hơn.

Còn theo PGS. TS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia, để thúc đẩy việc di dời các nhà máy phải khỏi nội đô, không thể bỏ qua các chính sách ưu đãi đi kèm, về đất, thuế, công nghệ… để cân bằng lợi ích của các bên, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Huyền Trang/doanhnhantre.vn