Nhiều bất cập trong quản lý cây xanh
Lại thêm một trường hợp cây xanh bật gốc làm chết người đi đường tại TP Hồ Chí Minh. Câu hỏi được đặt ra, quy trình quản lý cây xanh trên địa bàn thành phố hiện nay như thế nào? Phương án nào phòng, chống những vụ cây xanh ngã đổ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản người dân trong thời gian qua?
Theo thông tin mới nhất mà Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh cung cấp, cây xanh ngã đổ làm chết một người đàn ông trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10) ngày 24-9 thuộc họ cây dầu có mã số 108, tán cân đối, thân thẳng. Cây được chăm sóc duy tu lần gần nhất vào ngày 1-8-2020. Nguyên nhân khiến cây ngã là luồng gió mạnh bị ảnh hưởng bởi tòa nhà Trường đại học Kinh tế mới xây dựng làm cho hệ rễ bị xoắn, đứt gãy. Quan sát tại hiện trường có thể nhận thấy cây ngã có hệ rễ bị hư hỏng, có dấu hiệu sam mục. Chủ tịch UBND quận 10 Vũ Anh Khoa cho biết: Các cây xanh ngã đổ chủ yếu là những cây xanh già cỗi, lâu năm. Ngay sau vụ tai nạn xảy ra, để phòng, chống các rủi ro cho người dân, UBND quận 10 đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh rà soát, kiểm tra cây trên địa bàn quận. Ðến nay đã xử lý được 2, 3 cây lớn tuổi, già cỗi có dấu hiệu mục rỗng, hư rễ trên đường 3/2, Tô Hiến Thành… Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trên địa bàn thành phố có nhiều đơn vị quản lý, chăm sóc cây xanh như: Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh, Công ty Dịch vụ Công ích các quận/huyện, các công ty tư nhân… Trong đó, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh là đơn vị duy tu, chăm sóc khoảng 88.000 cây xanh tại địa bàn các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp, các huyện Bình Chánh, Nhà Bè theo hình thức đấu thầu – chủ đầu tư là Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh.
Ðại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh cho biết: Công ty thường xuyên thực hiện các hoạt động duy tu, chăm sóc, cây xanh như: thu gọn tán, cắt thấp, lấy nhánh khô, cắt tỉa cành nhánh nặng tán trong mùa ra trái, đốn thay thế các cây chết khô, sâu bệnh. Liên tục kiểm tra để phát hiện kịp thời các cây xanh có nguy cơ mất an toàn; cây bị chết khô; cây bị khiếm khuyết, hư hại (sam, mục, bọng), các hành vi vi phạm xâm hại đến hệ thống cây xanh đường phố và trong các công viên, mảng xanh để đề xuất xử lý. Hầu hết các sự cố nhánh gãy, cây xanh ngã đổ trong thời gian qua là do việc đô thị hóa, thi công vỉa hè, ngầm hóa lưới điện và các tuyến ống cấp nước, thoát nước, phát quang đường dây điện… đã làm giảm sức chống chịu của hệ rễ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngã đổ và ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống cây xanh của thành phố. Ðối với các chủng loại cây có tính hướng quang cao như lim xẹt, phượng vĩ, sọ khỉ, bò cạp nước… thường bị lệch tán, nghiêng ra đường hoặc nơi có không gian rộng cho nên cây có nguy cơ gãy, đổ cao trong mùa mưa bão. Ðồng thời, tại những khu vực có nhiều nhà cao tầng còn tạo hiệu ứng gió đường hầm khiến hướng gió, sức gió thay đổi và gia tăng đột ngột khi có dông, lốc cũng là một trong những nguyên nhân làm cho cây xanh dễ ngã đổ.
Để khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý cây xanh, theo Giám đốc Trung tâm hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh) Vũ Văn Ðiệp, tháng 5-2020, Sở Xây dựng đã đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương thực hiện rà soát, kiểm tra tình trạng sinh trưởng, phát triển của toàn bộ các cây xanh đang được phân cấp quản lý và kể cả cây xanh nằm trong các khu vực công cộng khác của địa phương như: Cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện. Trong đó, tập trung kiểm tra về khả năng bảo đảm an toàn của cây xanh (rễ, thân, cành, tán lá) để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp cây xanh có nguy cơ gây nguy hiểm. Cùng với đó, kiểm tra về việc quy trình chăm sóc, duy tu định kỳ các cây xanh này (lý lịch cây, lịch sử trồng, chăm sóc, năng lực của đơn vị thực hiện duy tu), nhất là các cây trồng tại các khu vực công cộng khác.
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, giải pháp căn cơ và lâu dài nhất để hạn chế các vụ tai nạn do cây xanh bị gãy, đổ gây ra là phải lựa chọn được danh mục các loại cây trồng trong đô thị phù hợp điều kiện địa phương và có khả năng thích ứng chống chịu thiên tai. Trên thực tế, trong thời gian qua, thành phố đã trồng thử nghiệm nhiều loài cây, nhưng theo thời gian, một số loài cây bộc lộ những khiếm khuyết. Do vậy, thành phố đang tiếp tục thực hiện nghiên cứu, khảo nghiệm để ban hành danh mục cây trồng đường phố dựa trên các nguyên tắc cơ bản: Tuân thủ phù hợp đối với tiêu chuẩn, quy định xây dựng đô thị, các công trình hạ tầng kỹ thuật; Phù hợp điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Cây tạo được bóng mát, tán lá, hoa đẹp, góp phần cải thiện môi trường. Ưu tiên cây thuộc nhóm trung mộc và tiểu mộc, hạn chế cây đại mộc…
Vũ Nguyên/Báo Nhân dân