Nhân sự ở đâu mà tích hợp?
Sẽ vướng rất nhiều luật
– Là chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, ông đánh giá như thế nào về dự án Luật Quy hoạch?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo UBTVQH dự án Luật Quy hoạch có ảnh hưởng đến 32 luật. Tuy nhiên, theo tôi, dự thảo Luật Quy hoạch sẽ ảnh hưởng đến 70 luật và 85 nghị định. Như vậy, chỉ nói về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Quy hoạch đã thấy không ổn rồi. Hay dự thảo Luật Quy hoạch nhưng phạm vi điều chỉnh lại loại trừ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn ra để thực hiện theo Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị. Tại sao luật lại trừ cái nọ, cái kia? Đã là luật thì trong phạm vi điều chỉnh là điều chỉnh cái gì và cái gì tuân theo. Giờ chúng ta nói vì quy hoạch xây dựng đô thị và quy hoạch nông thôn đã có luật riêng rồi nên Luật Quy hoạch không động chạm đến nữa – nói như thế đã thấy không chuẩn. Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính |
– Đây là dự án Luật rất quan trọng để chúng ta xây dựng quy hoạch, khớp nối các quy hoạch cho quốc gia. Tuy nhiên, đi vào nội dung cụ thể, dự thảo Luật mới nhất, tôi thấy còn một số vấn đề không ổn. Nếu cứ đi theo tinh thần của dự thảo Luật hiện nay, tôi e rằng, sẽ vướng với rất nhiều luật khác. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng “giậm chân tại chỗ”, đặc biệt là đối với công tác quy hoạch, quy hoạch xây dựng vùng và quy hoạch xây dựng nông thôn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Rất nhiều bộ luật khác phải điều chỉnh, thay đổi, nếu chúng ta không làm đến nơi đến chốn việc này thì sẽ dẫm chân nhau, ảnh hưởng đến quá trình quản lý xã hội thông qua các luật.
Hiện nay, các bộ, ngành đều làm quy hoạch nên quy hoạch này có thể chồng lấn lên quy hoạch kia. Vì vậy, Luật Quy hoạch phải là luật khung về quy hoạch. Tức là, chúng ta phải tạo ra được một hành lang pháp lý rõ ràng, thống nhất để các luật, các cơ quan liên quan đến quy hoạch phải tuân thủ, không được chồng lấn lên nhau chứ không phải là cứ khớp nối hết các quy hoạch hiện nay, cho ra một bộ luật thật to, “ôm” hết tất cả các luật khác vào.
– Đến thời điểm này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Xây dựng vẫn đang tranh luận rất quyết liệt về quy hoạch xây dựng nên được thể hiện trong Luật Quy hoạch như thế nào. Quan điểm của ông về vấn đề này thì thế nào?
– Quy hoạch xây dựng là để tổ chức không gian lãnh thổ trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế – xã hội. Tầm nhìn của quy hoạch xây dựng vùng là tầm nhìn xa, trên tầm nhìn kinh tế – xã hội. Tất cả các yếu tố dự báo phát triển kinh tế – xã hội, tiến bộ khoa học kỹ thuật, lịch sử, nhân văn cho đến lao động… đều được tích hợp để làm quy hoạch xây dựng.
Trong quá trình phát triển xã hội, quy hoạch xây dựng, trong đó có quy hoạch xây dựng vùng đóng vai trò rất quan trọng vì tổ chức không gian lãnh thổ, phát triển đô thị lớn hay nhỏ, nhà cửa phân bố ra sao… Mặc dù Luật Xây dựng ban hành từ năm 2003, nhưng thực tế từ khoảng năm 1956 – 1957, chúng ta đã có quy hoạch xây dựng vùng rồi. Điều này cũng hợp thông lệ quốc tế. Quy hoạch xây dựng vùng cũng đã được thể hiện trong cuộc sống xã hội như quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng quốc gia, chẳng hạn quy hoạch xây dựng vùng Hà Nội hay vùng đồng bằng sông Cửu Long… Nếu tích hợp quy hoạch xây dựng vùng vào quy hoạch tổng thể sẽ rất khó, vì quy hoạch tổng thể chỉ là vấn đề về con số, kế hoạch; còn đây là quy hoạch vật thể, tổ chức không gian. Chúng ta xây dựng luật mà khó thực hiện như vậy thì có nên không?
Phải nhìn nhận thực tế khách quan
– Đúng là rất khó nhưng thẳng thắn mà nói thì có khó đến mức không làm được không, thưa ông?
– Trong điều kiện hiện nay, tôi xin nói rằng, không ai có thể làm chủ một đồ án tích hợp như thế! Ví dụ, vừa qua, chúng ta làm quy hoạch xây dựng vùng Hà Nội. Từ khâu lập quy hoạch, quy hoạch đến phê duyệt kéo dài tới 3 – 4 năm liền vì rất phức tạp, thực hiện tích hợp như dự thảo Luật Quy hoạch thì thời gian chắc chắn sẽ lâu hơn. Hiện nay, Bộ Xây dựng làm quy hoạch xây dựng vùng có nhiều chuyên gia đào tạo bài bản, kinh nghiệm mà có khi còn trầy trật 2 – 3 năm mới làm xong.
Hơn nữa, đồ án quy hoạch không phải cá nhân nào cũng làm được. Quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội chẳng hạn. Để làm được, phải có chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, QH, Chính phủ, sự tham gia của các bộ chuyên ngành và Thành phố Hà Nội… tiến hành hết sức bài bản, thông qua rất nhiều cấp mới ra được bản quy hoạch đó. Nếu tích hợp như dự thảo Luật Quy hoạch thì ngay cả việc cử hay chọn cán bộ đứng ra chủ trì đồ án tích hợp cũng đã rất khó vì chưa ở đâu làm và có thể chẳng chọn được ai. Nhân sự ở đâu mà thực hiện tích hợp như thế được?
– Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Quy hoạch cho rằng, phải tích hợp vì đó là xu thế tất yếu. Nhưng như ông nói, việc tích hợp trong giai đoạn hiện nay là rất khó khả thi. Vậy thì nên xử lý câu chuyện này thế nào, thưa ông?
– Công tác quy hoạch vừa qua, đúng là có cái chúng ta làm được, có cái chưa làm được. Giữa lý luận và thực tế còn vênh nhau. Quy hoạch thì có nhưng chưa thực hiện được. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có nguyên nhân từ công tác quản lý. Tôi cho rằng, nếu có sai lầm trong quản lý phát triển thì người ra quyết định phải chịu trách nhiệm. Phải rõ ràng, minh bạch trong câu chuyện này. Ví dụ khu đô thị Linh Đàm, diện tích có 12 hecta mà cho xây 1 khối nhà như thế thì làm sao đúng luật được? Trách nhiệm của người phê duyệt như thế nào?
Luật Quy hoạch phải nhìn nhận thực tế khách quan của bao nhiêu năm qua. Tích hợp để có quy hoạch chung, mỗi ngành mỗi cấp có hành lang đi rõ ràng, không chen lấn nhau thì trước hết, các cơ quan quản lý phải có sự hợp tác hết sức khoa học, tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc chung của Luật Quy hoạch.
– Xin cảm ơn ông!