Nhà văn hóa sinh viên – Sự đổi mới cho làng đại học
Giếng trời chính giữa tòa nhà lục giác cùng 3.000 thanh lam bao quanh giúp công trình thông gió tốt, tận dụng ánh sáng tự nhiên mà không bị chói nắng.
Nhà văn hóa sinh viên TPHCM có diện tích sàn gần 40.000m2, nằm trong khuôn viên của khu Đại học quốc gia TPHCM rộng 3,5 ha tại Dĩ An. Công trình do Công ty GK Archi (Việt Nam) và Nihon Sekkei (Nhật Bản) thiết kế, được xem là một món quà tặng của UBND TPHCM cho sinh viên Đại học quốc gia TPHCM. Công trình được khởi công từ năm 2014, khánh thành vào năm 2019 và đưa vào sử dụng từ năm 2020.
THIẾT KẾ HƯỚNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG, HÒA HỢP VỚI THIÊN NHIÊN
Tòa nhà gây ấn tượng ngay từ bên ngoài với thiết kế hình lục giác cùng hệ thống gần 3.000 thanh lam bê tông nhẹ màu trắng bao quanh, nhờ thế được các bạn sinh viên yêu mến gọi là “Nhà Trắng của sinh viên”. Những thanh lam vừa là chi tiết tạo hình khối liên tục cho công trình, vừa là hệ thống chắn nắng, cách nhiệt hiệu quả cho các không gian chức năng bên trong. Những thanh lam uốn lượn trên mặt tiền giúp công trình trở nên mềm mại.
Những thanh lam màu trắng, uốn lượn nhẹ tạo sự mềm mại cho vỏ công trình. Những hệ lam nhôm phía sau tạo khoảng trống để đối lưu không khí bên trong và ngoài công trình.
Các KTS đã nghiên cứu kỹ khí động học để tạo nên công trình có sự thông gió tự nhiên tốt. Kết hợp cùng hệ lam bao quanh bên ngoài, ở giữa công trình là một ô giếng trời cung cấp gió và ánh sáng tự nhiên cho toàn thể khối tích lớn của công trình. Bên trên phần trần mỗi gian phòng đều có hệ thống dẫn gió để liên kết với các luồng khí nóng của bên trong khu vực giếng trời tạo nên những luồng không khí đối lưu chạy xuyên suốt trong các ngõ ngách công trình. Chính vì vậy, khi sử dụng công trình, sinh viên luôn cảm thấy rất dễ chịu ngay cả trong những ngày hè rất oi bức.
CÔNG TRÌNH HỘI TỤ VÀ GẮN BÓ CỦA CÁC BẠN TRẺ
GK Archi và Nihon Sekkei đã xây dựng một không gian tối ưu hóa các hoạt động văn hóa và thể thao cho giới sinh viên. Đây cũng là công trình duy nhất của Việt Nam giành chiến thắng tại Giải thưởng Kiến trúc thế giới (World Architecture Awards – WA Awards) năm 2020.
Công trình bao gồm nhiều không gian chức năng phục vụ các hoạt động văn hóa của sinh viên. Nơi đây có rạp chiếu phim, khán phòng 900 chỗ, phòng hội thảo lớn, câu lạc bộ sinh hoạt, câu lạc bộ tư vấn, thư viện, khu vực truyền thống, khu vực sinh hoạt lớn, không gian phục vụ thể thao, giải trí. Ngoài ra còn có các không gian đa năng khác, đáp ứng hoạt động đa dạng, phong phú của sinh viên.
Đến khi công trình được hoàn thành vào năm 2020, bên cạnh các hoạt động văn hóa, nơi đây cũng là một trong những địa điểm tập trung sinh hoạt hàng tuần của các bạn trẻ. Nhà văn hóa sinh viên TPHCM đã trở thành điểm sống ảo, check-in yêu thích trên các mạng xã hội và diễn đàn của sinh viên nhờ kiến trúc biểu tượng dễ nhận biết cùng nhiều không gian rộng rãi, đa dạng.
KTS Nguyễn Trung Kiên đến từ công ty GK Archi, chủ trì thiết kế dự án, chia sẻ: “Điểm thành công của dự án là nơi đây đã được các bạn sinh viên đón nhận nhiệt tình sau thời gian dài thiếu không gian vui chơi, sinh hoạt bổ ích. Công trình đã góp phần tạo được sự nhận biết tương đối rõ cho khu trung tâm của khu Đại học quốc gia TPHCM cũng như góp phần quảng bá cho hình thức kiến trúc sinh thái thân thiện, với hệ thống thông gió tự nhiên xuyên suốt công trình”.
Nhà văn hóa sinh viên hầu như không cần đến hệ thống điều hòa không khí (chỉ lắp một số máy ở không gian kín như văn phòng, nhà hát, rạp chiếu phim) nhưng vẫn có gió lưu thông thoáng mát bên trong, dù khí hậu bên ngoài oi bức hơn.
Ngoài ra, chợ đêm mới với hơn 200 gian hàng đầy đủ màu sắc được đặt trong khuôn viên Nhà văn hóa sinh viên được sinh viên và người dân ở đây đánh giá là sạch đẹp và nề nếp hơn chợ đêm tự phát trước đây. /.
Công trình: Làng đại học Quốc gia TPHCM
Địa điểm: Dĩ An, TPHCM
Diện tích : 40.000 m2
Chủ trì thiết kế: Nguyễn Trung Kiên, Shatoshi Shimizu
Nhóm thiết kế: Lê Nguyễn Hương Giang,
Ms. Yuriko Nitto, Mr. Jumpei Shirai
Năm hoàn thành: 2019
Ảnh: GK Archi , Oki Hiroyuki
Giang Lê